Các biện pháp kiểm soát vốn hoạt động như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

20150704_blp503

Nguồn:How capital controls work”, The Economist, 29/06/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 26 tháng 6, thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras công bố kế hoạch cho phép lấy ý kiến người dân về lời đề nghị cứu trợ gần đây nhất của Châu Âu, trong cuộc trưng cầu dân ý được lên kế hoạch vào ngày 5 tháng 7. Kế hoạch này nhanh chóng châm ngòi cho một chuỗi những sự kiện: các nhà lãnh đạo khu vực châu Âu từ chối gia hạn cho chương trình cứu trợ hiện thời cho Hy Lạp sau ngày 30 tháng 6, thời điểm chương trình này sẽ hết hạn, và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ đặt hạn mức  đối với các khoản vay khẩn cấp của các ngân hàng Hy Lạp.

Trợ giúp thanh khoản khẩn cấp” (emergency liquidity assistance) đã thay thế dòng tiền đang chảy ra ngoài hệ thống ngân hàng Hy Lạp do những người dân lo lắng rút các khoản tiết kiệm của mình. Đối mặt với việc mất những khoản cứu trợ bổ sung từ ECB – và viễn cảnh những két tiền gửi trống rỗng tại các ngân hàng — chính phủ Hy Lạp đã tuyên bố ngày thứ hai, 29 tháng 6, vừa qua là ngày ngân hàng tạm đóng cửa và áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Vậy những biện pháp đó sẽ hoạt động như thế nào?

Đã có một thời kiểm soát vốn từng là một phần quan trọng của quản lý kinh tế vĩ mô; trong những thập niên đầu sau chiến tranh, công dân các quốc gia giàu có khi đi du lịch nước ngoài phải đối mặt với những hạn mức rất chặt về số ngoại tệ có thể được đem theo. Tuy vậy, kể từ sau cuộc đại cách mạng tài chính những năm 1970 và 1980, kiểm soát vốn đã bị coi là lỗi thời và nhìn chung chỉ được dùng trong những giai đoạn khủng hoảng nhất để ngăn chặn các vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát: ví dụ như trường hợp của IcelandCyprus. Chúng thường được sử dụng để tối thiểu hóa những khoản lỗ của hệ thống ngân hàng. Các khoản tiền gửi chính là những khoản cho ngân hàng vay và sau đó, ngân hàng cho vay lại một phần từ số tiền gửi này (cùng với các khoản tiền gây quỹ từ các thị trường) để tạo nguồn cho các hoạt động kinh tế.

Có nhiều cách để các ngân hàng có thể rơi vào rắc rối. Một loạt nợ xấu có thể đẩy một ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản: khi giá trị các tài sản quá nhỏ để có thể chi trả cho các nghĩa vụ nợ. Việc đổ xô đi rút tiền gửi cũng có thể dẫn đến sụp đổ ngân hàng, bởi vì các ngân hàng thường không thể kịp thời thu hồi những khoản cho vay dài hạn để có đủ tiền mặt trả người gửi. Kỳ vọng của người gửi tiền cũng rất quan trọng; sự sợ hãi mất tiền cũng có thể châm ngòi cho việc rút tiền đồng loạt và đẩy những ngân hàng rơi vào phá sản tài chính. (Bảo lãnh tiền gửi có thể giúp tránh khả năng này nhưng trường hợp của Hy Lạp lại phụ thuộc vào một dòng tiền – “Trợ giúp thanh khoản khẩn cấp” của ECB – mà giờ đây không còn nữa).

Càng hoảng loạn, nguy cơ mất mát càng lớn đối với những người gửi tiền còn lại tại ngân hàng, những chủ nợ hay người đóng thuế. Kiểm soát tài chính làm chậm lại hoặc ngăn chặn việc ồ ạt rút tiền. Các khoản nợ xấu không phải là nguyên nhân duy nhất những người gửi tiền tháo chạy. Khả năng phá giá đồng tiền cũng có thể châm ngòi cho việc các nguồn vốn chảy ra nước ngoài. Nếu Hy Lạp rời khu vực đồng tiền chung Châu Âu thì các khoản tiền gửi trong các ngân hàng nước này sẽ bị chuyển thành loại tiền tệ mới mà gần như chắc chắn sẽ có giá trị thấp hơn đồng euro. Các ngân hàng của Hy Lạp đã bị chèn ép bởi đủ thứ áp lực.

Hy Lạp do vậy đã bị buộc phải dùng đến biện pháp kiểm soát vốn. Các biện pháp áp đặt lên người dân nước này không quá phức tạp. Các ngân hàng sẽ đóng cửa ít nhất là tới ngày 6 tháng 7 (sau ngày trưng cầu dân ý). Các cột rút tiền (ATM) đã mở cửa lại từ ngày 29 tháng 6, nhưng những người gửi tiền chỉ có thể rút không quá €60 một ngày. Hệ thống thanh toán tại Hy Lạp hoạt động bình thường, nhưng chỉ đối với những giao dịch trong nước (hoặc giữa các tài khoản lập tại ngân hàng của Hy Lạp). Thẻ tín dụng chỉ có thể được sử dụng với những hoạt động mua hàng trên mạng, miễn là quầy hàng đó có tài khoản trong nước Hy Lạp; tiền có thể được chuyển khoản qua điện tín, miễn là tài khoản người nhận tại Hy Lạp. Các khoản thanh toán khẩn cấp ra nước ngoài cũng có thể được thực hiện (ví dụ như để trả một khoản học phí tại nước ngoài) nhưng chỉ sau khi nhận được sự cho phép từ hội đồng phê duyệt các giao dịch ngân hàng vừa mới được thành lập.

Vậy những biện pháp này có ý nghĩa gì với nền kinh tế Hy Lạp? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào thời gian tồn tại của chúng. Nếu các cử tri có dấu hiệu chấp thuận đề xuất của Châu Âu vào ngày 5 tháng 7 tới thì nguồn hỗ trợ khẩn cấp từ ECB có thể sẽ sớm được phục hồi. Nhưng những biện pháp kiểm soát như thế này càng tồn tại lâu, chúng càng gây ra nhiều thiệt hại. Tiêu thụ nội địa sẽ xuống dốc do người dân Hy Lạp bị hạn chế tiền mặt sẽ cắt giảm chi tiêu; đầu tư nước ngoài sẽ chậm lại trong khi vốn đã vào Hy Lạp có nhiều nguy cơ mất giá hoặc bị đóng băng.

Các biện pháp kiểm soát có thể hỗ trợ quản lý khủng hoảng giống như kinh nghiệm của Malaysia vào cuối những năm 1990 cho thấy. Nhưng những biện pháp kiểm soát của Malaysia cho phép ngân hàng trung ương của quốc gia này nới lỏng chính sách tiền tệ, giúp nâng đỡ nền kinh tế nội địa. Nếu Hy Lạp thử áp dụng biện pháp tương tự như vậy, hoặc làm mất giá đồng tiền của mình, điều đó có nghĩa nước này sẽ ra khỏi khu vực chung Châu Âu ngay lập tức. Kết cục đó có thể tránh được nhưng có cái giá của nó; nền kinh tế của Cyprus thu hẹp khoảng 5% trong năm 2013 và thêm 2% nữa trong năm 2014. Đối với người dân Hy Lạp, đất nước mà GDP thực tiếp tục thấp hơn mức trước khủng hoảng hơn 20%, có thể gần như chắc chắn nỗi đau đến từ sự khắc nghiệt này sẽ là một gánh nặng quá lớn mà họ không thể chịu đựng.