Bà Suu Kyi sẽ điều hành chính phủ từ hậu trường

Print Friendly, PDF & Email

_84315245_hi028013340

Nguồn:Defiant Suu Kyi reaffirms she will call the shots”, Today Online, 11/11/2015.

Biên dịch: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Lãnh tụ phe đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi đã nói rõ ngày hôm qua rằng bà đã sẵn sàng để thách thức những nỗ lực mạnh mẽ của quân đội nhằm hạn chế quyền lực của bà trong bối cảnh các kết quả mới có từ cuộc bầu cử lịch sử hôm Chủ nhật cho thấy đảng của bà đang hướng đến một chiến thắng vang dội.

Theo kết quả kiểm phiếu dần được thông báo, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi dường như chắc chắn sẽ kiểm soát hầu hết các hội đồng khu vực cũng như giành quyền thành lập chính phủ trung ương, một chiến thắng sẽ định hình lại cảnh quan chính trị Myanmar.

Trong hai cuộc phỏng vấn ngày hôm qua, người đoạt giải Nobel Hòa Bình cho rằng, bất cứ ai được bổ nhiệm làm Tổng thống bởi lưỡng viện Quốc hội sẽ đều do bà quyết định.

Bà nói với BBC rằng bà sẽ “đưa ra tất cả mọi quyết định trong vai trò lãnh đạo của đảng thắng cử”, và nói với Channel NewsAsia rằng vị Tổng thống tiếp theo sẽ được bổ nhiệm “chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu của Hiến pháp”.

“Ông ấy sẽ phải hiểu rất rõ rằng ông ấy sẽ không có thẩm quyền, rằng ông ấy sẽ hành động theo các quyết định của đảng”, bà phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng.

“Đó là cách hợp lý nhất để làm điều đó. Bởi vì tại bất cứ quốc gia dân chủ nào, lãnh đạo của đảng thắng cử sẽ trở thành lãnh đạo chính phủ. Nếu Hiến pháp hiện nay không cho phép điều này thì chúng ta sẽ phải đưa ra các dàn xếp để có thể tiến hành theo các cách thức dân chủ thông thường”, bà Suu Kyi nói thêm.

Bà nhấn mạnh là điều này sẽ không ảnh hưởng đến cách chính phủ hoạt động.

“Tại sao nó phải ảnh hưởng đến các chức năng của chính phủ chứ? Sẽ có một chính phủ, (và) nó sẽ được vận hành một cách đúng đắn. Tổng thống sẽ được thông báo chính xác những gì ông ta có thể làm,” bà nói.

Theo Hiến pháp được soạn thảo bởi chính quyền quân sự cũ của Myanmar thì bà Suu Kyi bị cấm trở thành tổng thống vì các con của bà là công dân nước ngoài.

Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) cầm quyền, được tạo ra bởi phe quân đội và được dẫn dắt bởi những tướng tá nghỉ hưu, đã thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử vốn là một cột mốc quan trọng trên con đường gập ghềnh chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ của Myanmar.

NLD nói tổng hợp kết quả được niêm yết tại các trạm bỏ phiếu cho thấy Đảng này đang trên đường giành hơn hai phần ba số ghế được đưa ra bầu cho Quốc hội, đủ để tạo thành chính phủ dân cử đầu tiên của Myanmar kể từ đầu những năm 1960.

Phát ngôn viên của NLD Win Htein dự đoán ngày hôm qua rằng Đảng sẽ giành hơn 250 trong số 330 ghế không bị nắm giữ bởi quân đội ở Hạ viện. Theo Hiến pháp do chính quyền quân sự soạn thảo, một phần tư số ghế là không qua dân cử và dành riêng cho phe quân đội.

Các ước tính của Đảng về kết quả bầu cử của mình chưa thể được xác nhận.

Ủy ban bầu cử cho biết NLD đã giành 78 trong số 88 ghế được công bố cho đến nay tại Hạ viện vốn gồm 440 đại biểu. Những kết quả đầu tiên của bầu cử Thượng viện cho thấy NLD cũng giành 29 trong số 33 ghế đã được công bố, so với hai ghế của USDP.

Kết quả chính thức cũng cho thấy cuộc bầu cử hôm Chủ nhật đã mang lại cho NLD một chiến thắng vang dội với cách biệt lớn tại cuộc chiến giành các hội đồng khu vực, với đảng của bà Suu Kyi giành 143 trong số 165 ghế được công bố cho đến nay tại các cơ quan lập pháp địa phương, và USDP chỉ giành được 12 ghế.

“Sự khác biệt giữa các đảng là rất lớn. Đó là một chiến thắng rõ ràng”, Sitida, một nhà sư 37 tuổi ở thành phố Mandalay thuộc miền Trung nói.

Tuy nhiên, dù USDP đã thất thế và bộ máy cầm quyền cũ đã bị chấn động bởi chiến thắng vang dội của bà Suu Kyi nhưng phe quân đội vẫn là một lực lượng đáng gờm.

Ngoài việc được đảm bảo một lượng ghế trong Quốc hội, tổng tư lệnh lực lượng vũ trang có quyền bổ nhiệm người đứng đầu của ba bộ nhiều quyền lực và có ngân sách lớn là nội vụ, quốc phòng, an ninh biên giới – và Hiến pháp cho phép ông ta có quyền tiếp quản chính phủ trong những hoàn cảnh nhất định .

Quân đội đã cho biết họ sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Myanmar sẽ trải qua một khoảng thời gian không chắc chắn bởi vì chưa rõ liệu bà Suu Kyi và các tướng lĩnh có thể dễ dàng chia sẻ quyền lực hay không.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh Channel NewsAsia ngày hôm qua, bà Suu Kyi đã tìm cách đề cập đến các quan ngại đó. “Cho dù là quân đội hay bất kỳ bên nào khác, việc phối hợp và hợp tác là điều mà chúng ta phải nỗ lực hướng đến. Điều đó không xảy ra qua một đêm,” bà Suu Kyi nói.

“Vì vậy cách chúng tôi đối phó với tình hình phụ thuộc vào cách tình hình sẽ tiến triển. NLD đã tuyên bố chính thức rằng 25% (số ghế của phe quân đội) sẽ phải được xóa bỏ khi đến lúc, bởi vì điều này không phù hợp với quy trình dân chủ, nhưng chúng tôi sẽ đàm phán một cách thức để điều này được thực hiện theo hướng hòa giải,” bà nói thêm.

Cuộc bầu cử hôm Chủ nhật là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi quân đội chuyển giao quyền lực cho một chính phủ bán dân sự hồi năm 2011, mở ra những cải cách và việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]