Tinh thần kinh doanh: Một công cụ ngoại giao mới

Print Friendly, PDF & Email

Entrepreneurship

Nguồn: Anne-Marie Slaughter & Elmira Bayrasli, “Entrepreneurship as a Diplomatic Tool”, Project Syndicate, 23/03/2016.

Biên dịch: Trần Xuân Thủy

Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ bất hoà từ lâu. Bị chia rẽ bởi quá khứ đau thương, hai quốc gia láng giềng này không có quan hệ ngoại giao, và biên giới hai nước vẫn trong tình trạng đóng cửa.

Bất chấp điều đó, vào tháng 11 năm 2014, một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ đã tới Armenia để tham dự sự kiện Triển lãm Khởi nghiệp Cuối tuần, một sự kiện nơi mà các doanh nhân nhiệt huyết hoàn thiện và giới thiệu các ý tưởng của mình tới các nhà đầu tư và các chuyên gia. Trong một nhóm chung, những người Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi làm việc cùng nhau để xây dựng những dự án đầu tư mạo hiểm. “Chúng tôi không quan tâm đến việc là người Armenia hay Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi chỉ quan tâm đến việc trở thành những doanh nghiệp tốt nhất”,  một thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Đó chính là ý tưởng mà những người hậu thuẫn cho chuyến đi, những nhà ngoại giao Mỹ và EU, mong muốn được nghe thấy. Trong nhiều thập niên, họ đã cố gắng để tìm ra một cơ sở chung giúp người Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu đối thoại. Các đặc điểm chung về tính cách, giá trị và sự chuyên tâm khởi nghiệp của các doanh nhân đã tạo ra cơ hội để bắt đầu điều đó.

Tinh thần khởi nghiệp đã trở thành chất xúc tác cho các tiến triển trong nhiều tình huống gai góc tương tự trên toàn cầu. Tập trung vào tạo ra việc làm và sự thịnh vượng đã trở thành một “chủ đề” mà hầu hết các chính phủ có thể đồng thuận – hoặc ít nhất là tìm thấy ít bất đồng nhất. Điều đó tạo nên một công cụ thuận lợi cho một hình thức ngoại giao mới.

Bất kể là ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh hay là ở Trung Đông, tinh thần khởi nghiệp đã thúc đẩy năng lực tiềm ẩn của các cá nhân, năng suất và sự liên kết. Nó kích thích không chỉ các hoạt động kinh tế mà còn cả sự vận động của xã hội. Tầm quan trọng của tinh thần khởi nghiệp đã vượt qua các hình mẫu viện trợ nước ngoài truyền thống, bởi vì nó dựa trên nhận thức rằng động lực của phát triển là những nhân tài bản địa, một tầng lớp người – được phân bổ đồng đều trên toàn thế giới – với khả năng sáng tạo và thương mại hoá các sáng kiến của họ.

Ở châu Phi, các nền tảng ví di động như M-Pesa ở Kenya và Paga ở Nigeria đã giải quyết một vấn đề then chốt cho hàng triệu người tại mỗi nước đó và cả ở các châu lục khác: thiếu vắng các dịch vụ tài chính. Chỉ bằng một tin nhắn đơn giản, mỗi người với một thiết bị di động đều có thể gửi và nhận tiền. Điều đó giúp đồng tiền lưu thông. Quan trọng hơn, nó đã đem lại cho hàng triệu cá nhân cơ hội để bắt đầu công việc kinh doanh riêng của họ. Cởi trói khả năng sáng tạo và xoay sở của con người đang đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo và giúp phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.

Do năng lượng hoá thạch góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, các doanh nhân ở châu Á, Mỹ La-tinh và châu Âu đã tiên phong trong hàng loạt các giải pháp năng lượng thay thế. Các công ty khởi nghiệp như Optima Energia ở Mexico đang tập trung vào gió, mặt trời và năng lượng sinh học để đưa ra các giải pháp năng lượng bền vững và có thể nhân rộng.

Trong cuốn sách Peace Through Enterpreneurship (Hoà bình thông qua tinh thần khởi nghiệp) sắp ra mắt, Steven Koltai đã viết “Một doanh nhân khởi nghiệp là một người có tầm nhìn để phát hiện ra các sản phẩm hoặc quy trình mới và khả năng có thể thực hiện được điều đó”. Là một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Koltai, người đã thành lập Chương trình khởi nghiệp toàn cầu (GEP) năm 2009, mô tả tinh thần khởi nghiệp như một “cỗ máy tạo ra việc làm”. Có sự khác biệt giữa việc mở một quán ăn và việc định nghĩa lại trải nghiệm ẩm thực của người dùng. Các doanh nhân khởi nghiệp tạo ra những sản phẩm mới mẻ, và qua đó tạo ra các nhu cầu tiêu dùng mới cho những sản phẩm đó.

Tuần trước, GEP, cùng với Quỹ Ewing Marion Kauffman Foundation, tổ chức phi chính phủ ANDI của Brazil, và thành phố Medellín đã đồng tổ chức Đại hội khởi nghiệp toàn cầu tại Medellín, Colombia.  Sự kiện này quy tụ các doanh nhân khởi nghiệp, các nhà đầu tư, nhà nghiên cứu và những người làm chính sách từ hơn 160 quốc gia để chia sẻ những thực tiễn tốt nhất và cùng nhau thúc đẩy tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp startup và xây dựng một hệ sinh thái để các doanh nghiệp startup có thể vận hành. Bản thân thành phố Medellín cũng đang bận rộn chuyển mình từ một thủ phủ coccaine trở thành một trung tâm khởi nghiệp.

Thung lũng Silicon, nơi hiểu rõ hiện tượng này trước kia, đang trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những nhà lãnh đạo thế giới này đang tìm kiếm bí mật của thung lũng Silicon: công thức kì diệu sẽ tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo mạnh mẽ tương tự như vậy tại quốc gia của họ.

Tuy vậy, bản thân các doanh nhân khởi nghiệp không phụ thuộc vào sự cải tiến hoặc công nghệ. Như Koltai đã chỉ ra, Starbucks đã xây dựng một doanh nghiệp khổng lồ xung quanh việc phục vụ một cốc cà phê, một đồ uống có tuổi đời hàng thế kỉ. Hiện nay, Starbucks đang thuê khoảng 182.000 nhân công trên toàn thế giới, nhiều hơn 50.000 người so với  cả Facebook, Google và Apple cộng lại. Một người Argentina, Jordan, Malaysia hoặc Tây Ban Nha có thể tưởng tượng và tạo ra các nhu cầu lớn trên toàn cầu cho một sản phẩm hoặc một dịch vụ, như Amancio Ortega của Tây Ba Nha đã làm với Zara, thì cũng xứng đáng trở thành một doanh nhân khởi nghiệp tầm cỡ như một Bill Gate mới.

Từ Lahore tới Lagos, Mexico City tới Mumbai, các chính phủ đang coi những người dân của mình như một bể nhân tài đang chờ được khai mở. Đây là lúc các nhà ngoại giao cũng cần làm điều tương tự. Họ nên hỗ trợ và động viên những người tạo ra công ăn việc làm và những người giúp giải quyết các vấn đề, và biến các khoản viện trợ phát triển thành các khoản đầu tư. Họ nên đưa tinh thần khởi nghiệp vào trong các chính sách kinh tế và các hiệp định thương mại. Họ cần thúc đẩy các chính phủ cho phép các doanh nhân khởi nghiệp phát triển các sáng tạo của mình trở thành một hợp phần giúp con người phát triển và trở thành một nguồn quan trọng trong các giải pháp bền vững để giải quyết các vấn đề nan giải như bệnh tật, biến đổi khí hậu, di cư và chiến tranh.

Thực sự, tinh thần khởi nghiệp là một kênh quan trọng cho các nam nữ thanh niên thể hiện bản thân mình, là một vũ khí đáng nể trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan. Đó cũng là một kênh để xây dựng và gia tăng các giá trị hơn là phá huỷ chúng. Điều này đặc biệt quan trọng ở Trung Đông, nơi mà Viện Brookings đã nhấn mạnh là đang chứng kiến sự bùng nổ “chưa từng có” của thế hệ trẻ.

Hơn 30% dân số trong khu vực – tương đương với hơn 100 triệu người – nằm trong độ tuổi từ 15-29, và một số lượng đáng kể những người trẻ tuổi này đang thất nghiệp. Đối với họ, tinh thần khởi nghiệp và khả năng làm chủ vận mệnh của mình không phải là một lựa chọn, mà là một nhu cầu cấp thiết.

Tương tự như vậy, đối với những nhà ngoại giao hoặc những người hoạch định chính sách, tinh thần khởi nghiệp không phải chỉ là một lựa chọn về thương mại hay kinh tế. Trong một thế giới với những thách thức cấp thiết chưa từng có – từ các dịch bệnh đến đói nghèo, từ cạn kiệt tài nguyên đến những kẻ cực đoan tôn giáo – tinh thần khởi nghiệp đã trở thành một công cụ sống còn cho chính sách đối ngoại.

Anne-Marie Slaughter, cựu Vụ trưởng Vụ hoạch định chính sách, Bộ Ngoại giao Mỹ (2009-2011), là Chủ tịch và CEO của tổ chức nghiên cứu New America, nguyên giáo sư về Chính trị và Quan hệ quốc tế tại đại học Princeton, và là tác giả của cuốn sách: Unfinished Business: Women Men Work Family

Elmira Bayrasli là nhà đồng sáng lập của tổ chức Foreign Policy Interruppted và là tác giả của cuốn From The Other Side Of The World: Extraodinary Enterpreneurs, Unlikely Places.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Entrepreneurship as a Diplomatic Tool
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]