Thế giới hôm nay: 19/05/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Giám đốc WHO hứa tiến hành một cuộc điều tra độc lập về covid-19 sớm nhất có thể. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước đó nói rằng bất kỳ cuộc điều tra nào cũng sẽ chỉ được tiến hành sau khi căn bệnh được kiểm soát. Khoảng 122 quốc gia, bao gồm Mỹ, Úc và Anh, đã kêu gọi một cuộc điều tra. Mỹ đã chỉ trích mạnh mẽ cả Trung Quốc và WHO vì những phản ứng của họ trước dịch bệnh.

Tập đoàn công nghệ Nhật Bản SoftBank báo cáo khoản lỗ hoạt động 1,36 nghìn tỷ yên (13 tỷ đô la) cho năm tài chính kết thúc ngày 31 tháng 3. Quỹ Tầm nhìn, quỹ đầu tư công nghệ của tập đoàn, chịu trách nhiệm cho phần lớn khoản lỗ này. Softbank cũng tuyên bố Jack Ma, người sáng lập Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, sẽ rời khỏi ban lãnh đạo tập đoàn sau 13 năm.

Huawei gọi các hạn chế đặt ra bởi chính phủ Mỹ là “tùy tiện và nguy hiểm”, đồng thời nói chúng đe dọa sự sống còn của họ. Tuần trước, chính quyền Trump đã công bố kế hoạch thắt chặt kiểm soát xuất khẩu để ngăn các nhà sản xuất chip sử dụng thiết bị của Mỹ bán hàng cho Huawei. Việc bán hàng cho Huawei của các công ty này cần phải được chính phủ Mỹ cho phép, một điều khó xảy ra.

Các nhân viên bảo vệ đã kéo các nhà lập pháp đối lập ra khỏi phòng họp Hội đồng lập pháp Hồng Kông. Vụ ẩu đả nổ ra sau khi các thành viên thân Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát một ủy ban có nhiệm vụ rà soát các dự luật, trong đó có dự luật cấm phỉ báng quốc ca Trung Quốc. Đây là lần thứ hai trong mười ngày có ẩu đả ở phòng họp của hội đồng.

Ngân hàng trung ương Đức dự đoán nền kinh tế nước này sẽ có dấu hiệu phục hồi trong quý hai khi những hạn chế kinh doanh vì coronavirus được dỡ bỏ. Bundesbank cho biết khoảng 6 triệu công nhân đã nhận được hỗ trợ của chính phủ vào tháng 4, và nói thêm rằng bất kỳ biện pháp kích thích nào để giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng đều chỉ là tạm thời và cần nhắm mục tiêu cụ thể.

Chính phủ Tây Ban Nha công bố kế hoạch hỗ trợ thu nhập cơ bản cho những người bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch. Người lớn đủ điều kiện sẽ nhận được ít nhất 462 euro (500 đô la) mỗi tháng, và các lợi ích khác. Chương trình này sẽ được thử nghiệm đầu tiên trên 100.000 hộ gia đình, trước khi được mở rộng lên khoảng 1 triệu hộ nếu thành công. Các gia đình, bao gồm các hộ gia đình đơn thân, sẽ được ưu tiên.

Nhật Bản rơi vào suy thoái. Nền kinh tế nước này đã giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý đầu, sau khi giảm 6,4% trong quý trước. Những con số đó có lẽ vẫn sẽ là tích cực một khi kết quả quý hiện tại được công bố. Nhật Bản đã không tuyên bố đại dịch là tình trạng khẩn cấp quốc gia cho đến tận tháng 4.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ tiếp tục phong tỏa

Tuần này, lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới được gia hạn lần thứ ba. Để làm chậm sự lây lan của covid-19, người dân Ấn Độ phải ở nhà thêm hai tuần nữa. Cũng như các giai đoạn trước, chính phủ giữ bí mật cho tới tận khi công bố vào tối Chủ nhật. Có thể có lý do đằng sau việc giữ bí mật. Dân số trải rộng và khan hiếm xét nghiệm khiến cho việc theo dõi đại dịch trở nên đặc biệt khó khăn. Vào Chủ nhật có tới hơn 5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên gần 100.000.

Hàng triệu người di cư  trong nước đang đi rải rác về nhà, một tác động khủng khiếp và hầu như không lường trước được của giai đoạn phong tỏa trước. “Phong tỏa 4.0” cho phép 28 bang của Ấn Độ có quyền quyết định các quy tắc mới. Ở hầu hết các nơi, người Ấn Độ vẫn đang chờ xem liệu họ có  được đi xe buýt công cộng hoặc đi chợ rau quả trước tháng 6 hay không. Một số bang, như Maharashtra, với các bệnh viện quá tải ở Mumbai, sẽ không nới lỏng sớm.

Walmart vẫn ăn nên làm ra

Hôm nay, chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới công bố kết quả kinh doanh ba tháng đến tháng 4. Các nhà phân tích kỳ vọng Walmart sẽ có tin tốt. Giá cổ phiếu của họ đã tăng 17% kể từ cuối tháng 2, trong khi S&P 500, một chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, giảm 3%. Họ ban đầu được hưởng lợi từ gia tăng mua tích trữ khi các nước bị phong tỏa; và kể từ đó đã chứng kiến nhu cầu ổn định đối với thực phẩm và các mặt hàng gia dụng thiết yếu khác.

Chính phủ đã hỗ trợ bằng cách xếp nhân viên thực phẩm và bán lẻ là nhân công thiết yếu. Phần còn lại của chuỗi cung ứng vẫn chạy tương đối trơn tru. Trong khi sản xuất thịt gặp khó vì các nhà máy chế biến thịt sử dụng nhiều lao động phải đóng cửa, thì việc đóng gói các mặt hàng nhu yếu phẩm phổ biến khác, như thực phẩm đóng hộp, phần lớn đã được tự động hóa. Đối với Walmart, món quà lớn nhất của họ là bán hàng qua mạng tăng cao. Họ đã thuê thêm 200.000 nhân viên trong tháng 4, một phần là để giúp xử lí các đơn đặt hàng trực tuyến.

Norwegian Air thoát cửa tử

Sau khi phải cho phần lớn máy bay của mình đắp chiếu vào tháng 3, hãng hàng không giá rẻ lớn thứ ba châu Âu sẽ cạn tiền vào tháng 5. Một kế hoạch được các chủ nợ phê duyệt hôm qua sẽ giải cứu hãng khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Việc chuyển nợ thành cổ phiếu, khiến hơn 95% số cổ phần của các nhà đầu tư hiện tại bị xóa sổ, đã mở khóa viện trợ của chính phủ nhằm đảm bảo Norwegian Air tồn tại đến năm sau.

Đó là tin tốt cho các hành khách trong tương lai. Giá vé thấp của hãng mang đến cho các hành khách bay xuyên Đại Tây Dương một lựa chọn rẻ hơn các hãng hàng không châu Âu lớn và đắt, những người thống trị các tuyến bay. Tuy nhiên, giá vé rẻ không đi kèm với chi phí thấp, đè lên hãng hàng không khoản nợ 8 tỷ đô la ngay cả trước covid-19. Ban lãnh đạo nên dành chút thời gian để tìm cách biến mô hình giá rẻ của mình thành một mô hình sinh lãi. Nhiều chiếc trong số 168 máy bay của hãng có thể sẽ phải nằm bãi thêm năm nữa.

Tình hình kinh tế Đức

Hôm nay việc công bố Chỉ số Niềm tin Kinh tế Đức của ZEW, một viện nghiên cứu, có thể sẽ phản ánh niềm tin kinh doanh tiếp tục phục hồi vào tháng 5. Sự phục hồi đã bắt đầu từ tháng 4 sau khi giảm kỷ lục vào tháng 3. Tuy nhiên, bản đánh giá tình hình kinh tế hiện tại, một phần của cuộc khảo sát, có khả năng vẫn còn ảm đạm. Đức đã nới lỏng phong tỏa đáng kể trong những tuần đầu tiên của tháng 5. Các nhà bán lẻ và nhà hàng đã mở cửa trở lại và các nhà sản xuất ô tô khởi động lại một số dây chuyền.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo lắng – và giao dịch trong các cửa hàng không sáng sủa lắm. Chỉ số niềm tin tiêu dùng sắp tới của GfK, một cơ sở nghiên cứu khác, dự kiến giảm xuống còn −23,4 điểm vào tháng 5, một sự sụt giảm chưa từng thấy trong lịch sử. Số liệu sửa đổi cho thấy GDP của Đức đã giảm 0,1% trong quý cuối năm 2019, trước khi giảm thêm 2,2% trong quý đầu năm nay, có nghĩa là đại dịch covid-19 đã chính thức đẩy nước này vào suy thoái.

Bất bình đẳng trong thị trường lao động vì covid-19

Các nhà hoạch định chính sách bắt đầu vật lộn với sự bất bình đẳng mà covid-19 gây ra, đặc biệt là trong thị trường lao động. Chẳng hạn, Tây Ban Nha đang thử nghiệm khoản trợ cấp thu nhập cơ bản cho những người bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch. Khoảng cách giữa lao động chuyên nghiệp, lao động lương thấp và người trẻ tuổi đã bị kéo giãn hơn bao giờ hết. Chuyên gia có thể dễ dàng làm việc tại nhà và nhận đủ lương. Nhưng những người làm việc được trả lương thấp (chẳng hạn như nhân viên chăm sóc) có nhiều khả năng tử vong hơn vì virus và có việc làm không đảm bảo.

Ở Anh, gần ba phần tư những người làm bán thời gian là nhân công thiết yếu hoặc làm việc trong các lĩnh vực hoàn toàn đóng cửa vì đại dịch. Những người trẻ mới tham gia lực lượng lao động chứng kiến thực tập giảm 86% và khoảng 30% nhân viên Anh dưới 25 tuổi làm việc trong một trong những lĩnh vực bị đóng cửa, so với chỉ 13% của những người trên 25. Những khác biệt này có thể gây hậu quả chính trị xã hội lâu dài.