Những nét đặc trưng về triều đại nhà Lý (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tóm tắt về triều đại nhà Lý nước ta, Tống Sử chép:

Họ Lý có được nước từ Công Uẩn đến Hạo Sam, truyền ngôi 8 lần, được hơn 220 năm thì mất”.[1] Tống Sử, quyển 488, Giao Chỉ.

Lời nhận xét này chưa được hoàn toàn chính xác, bởi họ Lý chấm dứt sau triều đại Lý Chiêu Hoàng, chứ không phải thời Vua cha Hạo Sam tức Lý Huệ Tông, tổng cộng 9 đời; còn về thời gian trị vì là 215 năm, chứ không phải là trên 220 năm. Lược kê về năm từng triều đại, theo thứ tự như sau:

    1. Lý Thái Tổ: 1010-1028.
    2. Lý Thái Tông: 1028-1054.
    3. Lý Thánh Tông: 1054-1072.
    4. Lý Nhân Tông: 1072-1127.
    5. Lý Thần Tông: 1128-1138.
    6. Lý Anh Tông: 1138-1175.
    7. Lý Cao Tông:1176-1210.
    8. Lý Huệ Tông: 1211-1224.
    9. Lý Chiêu Hoàng: 1224-1225.

Xét về lịch sử nước ta, ngoài những cuộc giành chính quyền từ tay ngoại bang, như thời Khúc Thừa Dụ, Ngô Quyền, việc thay đổi triều đại trong nước thường xảy ra bởi bạo lực như trường hợp cuộc giành ngôi của Đinh Bộ Lĩnh, hoặc Lê Đại Hành. Riêng nhà Lý là trường hợp đặc biệt, Lý Công Uẩn lên ngôi do nhân dân và quan lại đương quyền đề bạt.

Nói về nhân dân, phải đề cập đến Phật giáo, là quốc giáo thời bấy giờ. Thuở nhỏ Lý Công Uẩn học tại chùa Lục Tổ, tức chùa Cổ Pháp tại Hà Bắc; sư Vạn Hạnh xét tư chất, kỳ vọng cậu bé này về sau sẽ làm minh chủ cứu nguy cho thiên hạ:

Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Khi ra làm quan, uy tín lên cao; bấy giờ trước thảm hoạ đất nước do Ngoạ triều Lê Long Đĩnh gây nên, lòng dân hướng về Lý Công Uẩn, tạo nên huyền thoại với câu sấm sau đây:

Thụ căn diểu diểu,

Mộc biểu thanh thanh.

Hòa Đao mộc lạc,

Thập tử thành…..”

(Gốc rễ nước Nam sâu sâu thẳm;

Cành lá xanh tốt;

Cây Lê [梨 = chiết tự: hòa禾+đao刀+mộc木] rơi đổ;

Chồi Lý [李= thập 十+bát八+tử 子] mọc lên….”

Ý chỉ mệnh trời, vua Lý Thái Tổ lên ngôi thay nhà Tiền Lê.

Nói đến quan lại đương quyền, thì sau lời mở đầu tại sân đình của vị quan xướng xuất là Đào Cam Mộc, trăm quan đều lạy rạp xuống sân chầu để suy tôn Lý Công Uẩn lên ngôi:

“Ngay ngày hôm ấy, điều họp cả ở trong triều, bàn rằng:

Hiện nay, dân chúng ức triệu khác lòng, trên dưới lìa bỏ, mọi người chán ghét tiên đế hà khắc bạo ngược, không muốn theo về vua nối ngôi, mà đều có lòng suy tôn quan Thân vệ, bọn ta không nhân lúc này cùng nhau sách lập Thân vệ làm thiên tử, lỡ bối rối có xảy ra tai biến gì, liệu chúng ta có giữ được cái đầu hay không?’.

Thế rồi cùng nhau dìu Công Uẩn lên chính điện, lập làm Thiên tử, lên ngôi Hoàng đế. Trăm quan đều lạy rạp dưới sân, trong ngoài đều hô “vạn tuế”, vang dậy cả trong triều.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

1. Quốc đô, quốc hiệu

Bàn về quốc đô, các Vua Chúa nước ta có khuynh hướng dựng đô tại quê hương mình, để mong nương dựa vào lòng tin cẩn và sự che chở của dân địa phương nơi chôn nhau cắt rốn, như Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư Ninh Bình, Hồ Quí Ly tại Tây Đô Thanh Hoá, Nguyễn Huệ tại Trung Đô Nghệ An, hoặc họ Nguyễn Gia Long tại Phú Xuân, Huế. Riêng Vua Lý Thái Tổ có tầm nhìn quốc gia cao hơn; chọn kinh đô Thăng Long, đó là chốn trung tâm giao thông, nơi thắng địa cho cả nước; qua Chiếu dời đô, Vua Lý có những lời tiên tri như sau:

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương [Cao Biền], ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”Toàn Thư, Chính Biên, quyển 2.

Việt Sử Lược [越史略], bộ sử của tác giả đời Trần; mô tả thành Thăng Long thời Lý, lớp lang bố trí; phong cách trang trọng uy nghi, với những nét như sau:

Trong kinh thành Thăng Long xây điện Triều Nguyên, bên trái điện Tập Hiền, bên phải điện Giảng Võ; phía trái mở cửa Long Môn, phía phải mở cửa Đan Phượng. Chính dương xây Cao điện, giai gọi là Long Trì, quanh co hồi chuyển, bốn phía trang hoàng. Sau điện Càn Nguyên xây hai điện Long An, Long Thụy; bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải Nguyệt Minh, phía sau có cung Thúy Hoa. Bốn phía thành xây 4 cửa, phía đông là cửa Tường Phù, phía tây Quảng Phúc, nam Đại Hưng, bắc Diệu Đức; tại thành nội lại xây chùa Hưng Thiên, lầu Ngũ Phượng Tinh, hướng nam [ly phương] thành, lập chùa Thắng Nghiêm.”[2] Việt Sử Lược, Quyển Trung.

Nhà Lý có quốc đô mới là Thăng Long, lại đặt quốc hiệu mới là nước Đại Việt. Ngược dòng lịch sử, từ thời nhà Đinh nước ta có quốc hiệu Đại Cồ Việt; quốc hiệu Đại Việt được dùng từ lúc Vua Lý Thái Tông mất [1054] cho đến đầu triều Nguyễn Gia Long [1804]; ngoại trừ một số năm dưới thời nhà Hồ, đổi quốc hiệu là Đại Ngu. Toàn Thư chép vào mùa thu năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 [1054], Vua Lý Thái Tông mất tại điện Trường Xuân, nhân dịp đổi quốc hiệu là Đại Việt:

Năm Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 [1054], Mùa đông, tháng 10, ngày mồng một, vua băng ở điện Trường Xuân. Thái tử lên ngôi ở trước linh cữu; đổi niên hiệu là Long Thụy Thái Bình năm thứ nhất. Truy tôn tên thụy cho Đại Hành Hoàng Đế, miếu hiệu là Thái Tông, mẹ họ Mai làm Kim Thiên Hoàng Thái Hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt. Ban quan tước cho các bề tôi cũ ở Đông cung theo thứ bậc khác nhau.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Riêng các triều đại Trung Quốc trước kia thường gọi nước ta là Giao Chỉ, Giao Châu, hoặc An Nam Đô Hộ; vết tích của một thời nội thuộc; năm 1164 chính thức đổi thành An Nam, hàm ý công nhận nước ta độc lập; phong Vua Anh Tông làm An Nam quốc vương:

Năm Chính Long Bảo Ứng năm thứ 2] [1164], Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An Nam Quốc.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Sử Trung Quốc cũng đánh giá cao sự kiện này, Nguyên Sử Loại Biên nhận xét rằng trước kia gọi xứ ta là Giao Chỉ hoặc An Nam Đô hộ phủ; đến đời Lý Anh Tông mới chính thức gọi là nước An Nam:

An Nam, trước đây, gọi là Giao Chỉ; Đường Cao Tông đặt làm An Nam Đô hộ phủ. Tên gọi là An Nam bắt đầu từ đấy. Tống Hiếu Tông phong Thiên Tộ [Lý Anh Tông] là An Nam quốc vương, An Nam gọi là “nước”bắt đầu từ đó.”

2. Tứ dân: Sĩ, nông, công, thương

Hạ tầng kiến trúc của xã hội ta, 4 thành phần sĩ, nông, công, thương là rường cột của đất nước; tìm hiểu nét đặc trưng thời Lý, cần nghiên cứu về 4 thành phần này:

-Sĩ:

Về phương diện giáo dục đào tạo kẻ sĩ, trước đó chưa có thi cử, việc giáo dục do nhà chùa đảm trách; như Vua Lý Thái Tổ lúc còn nhỏ là học sinh chùa Cổ Pháp, Bắc Ninh. Dần dần Nho học có ảnh hưởng; dưới thời Lý Nhân Tông, năm 1076 lập Quốc tử giám, chọn quan lại biết chữ cho vào học; cất nhắc người tốt có khả năng cho giữ chức tại các ban văn, võ. Năm 1077, sát hạch lại các viên thư lại về các môn chữ viết, tính toán và hình luật:

-“Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 1[1076]. Xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân. Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

-“Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 2 [1077]. Tháng 2, thi các lại viên bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về giáo dục cấp cao, năm 1075 mở khoa thi đầu tiên, tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh đậu đầu; năm 1086 mở khoa thi chọn người có văn học sung vào Hàn lâm viện Mạc Hiển Tích trúng tuyển; cả hai vị đều được cử đi sứ:

– “Năm Thái Ninh thứ 4 [1075]. Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

-“Năm Quảng Hựu thứ 2 [1086]. Mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Dưới thời Lý Anh Tông bắt đầu tổ chức Điện thí, cũng tương tự như thi Đình sau này:

Mùa đông, tháng 10 năm Đại Định thứ 13 [1152], thi Điện.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Đến thời Lý Cao Tông bắt đầu mở khoa thi tam giáo, tức tổng hợp 3 nền văn hóa Thích, Nho, Lão vào một nguồn, khiến kẻ sĩ xuất thân có kiến thức rộng hơn:

Mùa xuân, tháng 2 năm Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 10 [1195], động đất; sét đánh gác Ly Minh. Thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân.”

Triều Lý tuy có tổ chức các kỳ thi, nhưng chưa đi vào nền nếp qui củ như thời Hậu Lê, cứ 3 năm mở một khoa. Đơn cử thời Vua Lý Nhân Tông, kỳ thi lấy Lê Văn Thịnh đỗ thủ khoa vào năm 1075; mãi 11 năm sau [1086] mới có kỳ thi khác lấy Mạc Hiển Tích, bổ làm Hàn lâm học sĩ; còn trường Quốc Tử Giám được nhắc đến vào năm 1086, nhưng các triều đại sau không thấy nhắc lại.

Kẻ sĩ được đào tạo, là nguồn cung cấp quan lại cho triều đình; cho dù một số quan xuất thân từ hoàng thân quốc thích như Lý Đạo Thành, hoặc con cháu các vị quan có huân công được tập ấm; thì những người này cũng phải có học vấn tương đối. Buổi đầu nhà Lý dời đô từ Trường Yên đến Thăng Long là chốn ngàn năm văn vật; cho mở mang cung điện, đặt thêm quan chức trong triều và các địa phương, áo mũ y phục, lễ nghi đã đi vào nền nếp:

Lý Thánh Tông năm Chương thánh gia khánh th 1 [1059] tháng 8, mùa thu. Đt ra kiu mu triu phc. Nhà vua ngự ở điện Thủy Tinh, sai các quan đội mũ phốc đầu[3] đi giày và bí tất vào chầu. Tục đội mũ phốc đầu là trước từ đấy.

Sách Giao Chỉ Di Biên chép: An Nam lúc mới dựng nước, mọi việc hãy còn đơn giản sơ sài; đến nhà Lý mới làm ra cung thất. Cung điện thì có điện Thủy Tinh, điện Thiên Quang. Quan trong và quan ngoài thì có những chức như phụ quốc thái uý, gián nghị đại phu, tả hữu ti lang trung, viên ngoại lang, xu mật sứ, kim ngô, lĩnh binh sứ. Lễ nhạc văn vật xem ra cũng đã đầy đủ.”Cương Mục, Chính Biên, quyển 3.

Bấy giờ lương bổng các quan; ngoài việc phát tiền, còn cấp thêm nhu yếu phẩm như lúa, cá, muối; cụ thể mức lương của các viên chức về hình luật, như Sĩ sư, Ngục lại như sau:

Lý Thánh Tông năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 [1067], cho Viên ngoại lang là Ngụy Trọng Hoà và Đặng Thế Tư làm Đô hộ phủ sĩ sư [quan coi về hình pháp], đổi mười người thư gia [thư lại] làm án ngục lại [quan xét về hình ngục]. Cho Trọng Hoà và Thế Tư mỗi người bổng hàng năm là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá muối, vv… ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức liêm khiết của họ.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Các quan lại, hàng năm được khảo hạch, phân loại; để thăng giáng hoặc sử dụng đúng chỗ:

NămThiên Tư Gia Thuỵ thứ 8 [1193]. Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng. Thi các sĩ nhân trong nước để chọn người vào hầu vua học.

Tháng 3, khảo xét công trạng các quan, người giữ chức siêng năng tài cán nhưng không thông chữ nghĩa làm một loại, người có chữ nghĩa tài cán làm một loại, người tuổi cao hạnh thuần, biết rõ việc xưa nay làm một loại, cứ theo thứ tự mà trao cho chức vụ trị dân coi quân, khiến cho quan chức không lạm nhũng.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Hình ảnh một vị công bộc thanh liêm thời Lý, được mô tả một cách sống động, qua mẫu chuyện về phút cuối đời của Thái úy Tô Hiến Thành, như sau:

Mùa hạ, tháng 6 năm Trinh Phù thứ 4 [1179] Thái uý Tô Hiến Thành chết. Vua bớt ăn ba ngày, nghĩ thiết triều 6 ngày. Trước đây khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham tri chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng:

‘Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?’. Hiến Thành trả lời:

‘Trung Tá có thể thay được’.

Thái hậu nói:

‘Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?’.

 Hiến Thành trả lời:

‘Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?.

Thái hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy. Lấy Đỗ An Di [cậu Vua] làm phụ chính.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

-Nông:

Nông nghiệp thời Lý hết sức quan trọng, các viên chức nhà nước đều được trả nhu yếu phẩm bằng “bó lúa”; đời Lý Thái Tổ năm 1016 được mùa, nhà Vua miễn thuế cho dân đến 3 năm:

Thuận Thiên năm thứ 7 [1016], Năm ấy được mùa to, 30 bó lúa giá 70 tiền. Cho thiên hạ 3 năm không phải nộp tô thuế.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Tổ chức quân đội dựa vào chính sách “Ngụ binh ư nông”, quân lính được cấp ruộng, thời bình làm nông, thời chiến đăng lính; nhờ vậy nhà nước ít tốn kém:

Chế độ binh lính của nhà Lý đại lược theo quân Phủ vệ của nhà Đường, quân Cấm sương của nhà Tống, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết hạn canh lại về quê làm ruộng, quan không phải cấp lương, duy có người trưởng cấm quân theo hầu chực tức vệ, được cấp cho 10 bó lúa, 1 tấm vải, cho ăn gọi là đại hòa, cấp cho lúa mạch gọi là chiêm mễ. Không có phí tổn nuôi lính, mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay.”Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sĩ, trang mạng 51.

Vua chú trọng về nông nghiệp; đầu năm đích thân cày ruộng tịch điền, mùa lúa chín, ra thăm ruộng xem gặt:

Năm Thiên Thành thứ 3, [1030]. Mùa đông, tháng 10, được mùa to. Ngày 14, Vua thân ra ruộng xem gặt, nhân đổi tên cánh ruộng ấy gọi là ruộng Vĩnh Hưng.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 2.

Là nước nông nghiệp, con trâu cày hết sức quan trọng, nên đã mấy lần ra lệnh cấm giết trâu; có lần Thái hậu Ỷ Lan phàn nàn với vua Nhân Tông về việc trộm trâu hoặc giết trâu:

Tháng 2 năm Hội Tường Đại Khánh [1117], định rõ lệnh cấm giết trộm trâu. Hoàng thái hậu nói:

 ‘Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước’.

 Bấy giờ vua xuống chiếu kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp;[4] vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ[5] và bồi thường trâu; Láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 [1123], Cấm giết trâu. xuống chiếu rằng:

 ‘Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Pháp luật bảo vệ trâu cày, chỉ được xin phép làm thịt lúc có tế lễ:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 4 [1143], xuống chiếu thiên hạ từ nay về sau cứ ba nhà làm một bảo, không được mổ riêng bò trâu, nếu có việc cúng tế phải tâu xin được chỉ rồi mới cho mổ, kẻ làm trái thì trị tội nặng, láng giềng không cáo giác cũng xử cùng tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Triều đình cũng lưu ý bảo vệ cây trồng; về mùa xuân, lúc cây non mới mọc không được chặt cây, nhắm bảo dưỡng cây non xung quanh:

Ngày Bính Ngọ, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 [1126]. Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về mặt thủy lợi, nhà Vua cho đào ngòi Lãnh Kinh tại Thái Nguyên; đắp đê phòng lụt tên sông Hồng tại phường Cơ Xá gần cầu Long Biên hiện nay:

­ “Năm Quảng Hự thứ 5 [1089]. Đào ngòi lãnh kinh.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Mùa xuân tháng 2, năm Long Phù thứ 8 [1108], đắp đê ở phường Cơ Xá.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về phương diện kinh tế, lúc đầu ruộng công nằm trong tay nhà chùa; do chùa coi giữ tá điền và kho lương thực:

Năm Quảng Hựu thứ 4 [1088]. Mùa xuân, tháng giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư đặt chức thư gia mười hỏa. Định các chùa trong nước làm ba hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm đề cử. Bấy giờ nhà chùa có điền nô và kho chứa đồ vật, cho nên đặt chức ấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Sau đó có sự cải cách; triều đình quản lý, định sổ ruộng, thu tô hàng năm:

Hội Phong năm thứ 1[1092], được mùa to. Định sổ ruộng, thu tô mỗi mẫu 3 thăng để cấp lương cho quân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Pháp luật lúc bấy giờ công nhận quyền tư hữu ruộng đất, nhưng không khuyến khích để hoang; những người túng thiếu bán đợ [bán tạm] trong 20 năm có quyền chuộc, riêng ruộng bỏ hoang quá 1 năm không được lấy về. Chính sách này tỏ ra không ưu đãi thành phần giàu có, cậy có tiền mua ruộng, làm không xuể rồi để hoang; ngược lại ưu đãi dân nghèo, gặp lúc hoạn nạn phải bán đợ ruộng đất, được kéo dài đến vài chục năm, chờ lúc con cháu làm ăn khấm khá, có quyền chuộc về; ngoài ra chủ trương không cho để hoang, khiến nền nông nghiệp phồn thịnh hơn:

Tháng 12, năm Đại Định thứ 3 [1142], xuống chiếu rằng những người cầm đợ ruộng thục trong vòng 20 năm thì cho phép chuộc lại; việc tranh chấp ruộng đất thì trong vòng 5 năm hay 10 năm còn được tâu kiện; ai có ruộng đất bỏ hoang bị người khác cấy cày trồng trọt trong vòng một năm thì được kiện mà nhận, quá hạn ấy thì cấm. Làm trái thì xử 80 trượng. Nếu tranh nhau ruộng ao mà lấy đồ binh khí nhọn sắc đánh chết hay làm bị thương người thì đánh 80 trượng, xử tội đồ, đem ruộng ao ấy trả lại người chết hay bị thương.

 Xuống chiếu rằng những người bán đoạn ruộng hoang hay ruộng thục đã có văn khế rồi thì không được chuộc lại nữa, ai làm trái bị phạt đánh 80 trượng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nền nông nghiệp đóng góp rất nhiều cho đất nước, trong 6 loại thuế dưới triều Lý, có 4 loại đánh trực tiếp vào nông dân:

Năm Thuận Thiên thứ 4 [1013]]. Mùa xuân, tháng 2, định các lệ thuế trong nước:

 1 – Ao hồ ruộng đất,

 2 – Tiền và thóc về bãi dâu,

 3 – Sản vật ở núi nguồn các phiên trấn,

 4 – Các quan ải xét hỏi về mắm muối,

5 – Sừng tê, ngà voi, hương liệu của người Man Lão,

 6 – Các thứ gỗ và hoa quả ở đầu nguồn.” Toàn Thư, Bản kỷ, quyển 2.

Chính sách ngụ binh ư nông, căn bản bởi 3 nhà họp thành 1 bảo, cho kiểm tra dân số, xét duyệt dân đinh từ 18 tuổi trở lên chọn hoàng nam binh lính:

-“Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 8 [1083]. Mùa xuân, vua thân duyệt các hoàng nam,[6] định làm 3 bậc.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

– “Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 [1118]. Mùa xuân, tháng giêng, xuống chiếu chọn hoàng nam trong dân chúng và binh lính.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Binh là nghề nguy hiểm; nhắm bảo vệ gia đình, không bắt lính những hộ neo đơn có 1 con trai:

Tháng 8 năm Đại Định thứ 7 [1146], xuống chiếu rằng các quan quản giáp và chủ đô, phàm sung bổ cấm quân, phải chọn những hộ nhiều người, không được lấy người cô độc, làm trái thì trị tội.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Quân đội xếp cấp bậc, thấp nhất là giáp, mỗi giáp 15 người, do 1 Quản giáp chỉ huy:

“Thuận Thiên năm thứ 16 [1025]; mùa thu, tháng 8, định binh làm giáp, mỗi giáp 15 người, dùng một người quản giáp.”

Thời Lý Thánh Tông thành công trong việc phạt Tống bình Chiêm, bấy giờ tổ chức quân đội thành 8 loại quân:

Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 1 [1059]. Định hiệu quân, gọi là Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp đều chia làm tả hữu, thích vào trán ba chữ “Thiên tử quân“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Coi việc xăm mình là biểu tượng sức mạnh của quân nhân; nên quân cấm vệ được khắc 3 chữ “Thiên tử quân”tại trán, hoặc xăm hình rồng trên người; kẻ nào tự tiện lạm dụng xăm mình đều bị tội:

-“Năm Hội Tường Đại Khánh thứ 9 [1118], Cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân như cấm quân, cùng là xăm hình rồng ở mình, ai phạm thì sung làm quan nô.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Năm 1104 định quân hiệu Cấm vệ; năm 1119 duyệt 6 quân, đặt ra các đội quân tinh nhuệ như Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô:

Tháng 3 năm Long Phù thứ 4 [1104], định lại binh hiệu của quân cấm vệ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Mùa đông, tháng 10 năm Hội Tường Đại Khánh thứ 10 [1119], duyệt sáu binh tào Vũ Tiệp, Vũ Lâm v.v…, người nào mạnh khỏe cho làm hỏa đầu ở các đội quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, còn bậc dưới thì cho làm binh ở các quân Ngọc Giai, Hưng Thánh, Bổng Nhật, Quảng Thành, Vũ Đô, Ngự Long.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

-Công:

Công nghiệp so với nông nghiệp đứng vào hàng thứ yếu, vả lại nhà nông lúc rảnh rổi, ngoài vụ cấy, vụ gặt; cũng có thể kiêm nhiệm nghề thợ, như thợ mộc, thợ nề, vv… Riêng việc xây dựng nhà, thời Sứ thần Trung Quốc Tống Cảo đến thăm Vua Lê Đại Hành vào năm 990 tại Trường Yên [Ninh Bình], y mô tả rằng tại nước ta chỉ thấy nhà lợp lá. So với thời Lý tiến bộ hơn, nhà Vua xuống chiếu khuyến khích nung ngói lợp nhà:

Năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ 9 [1084]. Xuống chiếu cho thiên hạ nung ngói lợp nhà.Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Về ngành dệt, các cung nữ được khuyến khích dệt gấm, đem sử dụng trong cung; rồi lấy gấm vóc trong kho mua từ Trung Quốc ban phát cho các quan; ý Vua muốn đề cao hàng nội hóa:

Tháng 2 năm Bảo Nguyên th 2 (1040).

Trước đó, nhà vua sai cung nữ dệt gấm vóc, họ đã dệt được thành những tấm hàng rồi; đến đây, sai đem những gấm vóc, hàng của nhà Tống, vẫn chứa trong kho, ban phát cho bầy tôi: từ ngũ phẩm trở lên thì áo gấm, từ cửu phẩm trở lên thì áo vóc, tỏ ý không dụng gấm vóc của Tống nữa.Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, Quyển 3.

Trong lễ cống nhà Tống vào năm 1156, Vua Lý Anh Tông biếu Vua Tống 5.000 tấm quyên [lụa to sợi] và lăng [lụa mỏng], chứng tỏ ngành nuôi tằm, dệt lụa tại nước ta trên đà phát triển. Ngoài ra các nghề khai mỏ vàng, ngọc châu, chế trầm hương; cũng có những nét nỗi bật:

Ngày Canh Dần tháng 8 năm Thiệu Hưng thứ 26 [7/9/1156], Nam bình vương Lý Thiên Tộ sai Thứ sử châu Thái Bình Lý Quốc, Hữu vũ đại phu Lý Nghĩa, Vũ dực lang Quách Ứng Ngũ đến mừng thanh bình. Hiến đồ vật bằng vàng 1.136 lượng. minh châu 100, trầm hương 1.000 cân, thủy vũ 500; lăng, quyên các màu 5.000 tấm, 10 ngựa, 9 voi. Chiếu sai Thượng thư Tả tư lang trung Uông Ứng Thần đãi quốc yến tại vườn Ngọc Tân. Thăng Quốc làm Đoàn luyện sứ châu Thái Bình, Nghĩa chức Tả vũ đại phu, Ứng Ngũ chức Vũ kinh lang; ban y phục, dây đai, đồ vật, tiền, có sai biệt.”[7] Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 131.

Về công nghệ, cũng cần lưu ý đến văn bản xử phạt đàn bà có tội, bị đưa đi làm “tang thất phụ” tức nữ công nhân sở nuôi tằm; chứng tỏ nghề nuôi tằm dệt lụa bấy giờ không phải chỉ làm ăn riêng lẻ từng hộ.

Các công nghệ khác cũng theo đà phát triểu, như nghề làm giấy tập trung thành phiên, hội; lại đầu tiên làm lọng, ô dù cán cong:

Ngày Ất T, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 [1125] Phiên làm giấy dâng ngọc châu tân lang, vua truyền không nhận.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

– “Ngày Quý Mão, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 [1123]. Lần đầu làm chiếc lọng che mưa cán cong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.

Riêng về nghề đúc chuông đồng, xây bia đá thì rất thịnh hành dưới triều Lý, Vua Lý Thái Tổ phát tiền kho đúc chuông lớn tại chùa Đại Giáo; còn các đời sau đều khuyến khích việc xây chùa đúc chuông:

Năm Thuận Thiên thứ nhất [1010]; Năm ấy độ dân làm sư. Phát bạc ở kho 1.680 lạng để đúc chuông lớn, treo ở chùa Đại Giáo.” Toàn Thư, Bản Kỷ. quyển 2.

-Buôn bán:

Nghề buôn tuy không thấy được khuyến khích, tuy nhiên dưới triều Lý việc lưu hành hàng hoá từ chỗ dư đến chỗ thiếu, vẫn sinh hoạt bình thường. Riêng việc buôn bán sang Trung Quốc thì phải tuân theo chính sách chung của nhà nước, dân không được tự tiện mang đồ sắt, mắm muối bán cho tỉnh Quảng Tây:

“Năm Trinh Phù thứ 4 [1179], xuống chiếu cấm không được đem mắm muối và đồ sắt lên bán đổi ở đầu nguồn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Nhưng việc bán muối sang Trung Quốc có lời cao, nên số đông dân chúng vẫn tiếp tục buôn lậu. Về phía Trung Quốc số lượng muối nhập vào châu Ung [nam Quảng Tây] quan trọng đến nỗi chính quyền địa phương xin triều đình được phép tranh giành với con buôn, độc quyền thu mua tại các địa điểm Sùng Tả Thị, Bằng Tường để lấy lời:

Tục Tư Trị Thông Giám, quyển 150, Tống Hiếu Tông năm Thuần Hy thứ 12 [1185]

Ngày Kỷ Sửu tháng giêng [6/2/1185] Đề cử Quảng Tây Hồ Đình Trực tâu:

Quan phụ trách buôn muối tại Ung Châu [Nam Ninh, Quảng Tây] duyên theo đường lối chỉ huy thời Thiệu Hưng [1131-1162] tại hai trại Thái Bình [Sùng Tả thị, Quảng Tây], Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây] đặt thị trường, dùng vải lụa trao đổi muối với tư thương Giao Chỉ; quan phụ trách muối đem ra bán, do đó những người dân tại khe động cũng đều buôn bán muối Giao Chỉ. Gần đây tuy cải sang dùng tiền giấy, những tại châu này vẫn còn theo mối tệ cũ.’

Chiếu ban ty Kinh lược cùng Tri Ung Châu Trần Sĩ Anh bố trí rồi tâu lên. Ty Kinh lược tâu rằng:

Trước đây việc đặt thị trường đổi chác là do tiện cho lòng người, còn việc trao đổi muối với Giao Chỉ là phép thường từ tổ tiên. Chỉ nghiêm cấm dân buôn không được buôn bán muối với người Giao, khiến mất nguồn lợi công; những điều khác vẫn theo cũ.’

Vua chấp nhận.”[8]

Điều oái oăm là chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ chấp thuận mua hàng hóa của dân buôn lậu Việt Nam; nhưng vì lý do an ninh, không cho mở cửa buôn bán chung tại tỉnh Quảng Tây:

Trường Biên, quyển 78. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 [1012]

Ngày Giáp Tý tháng 6 [19/7/1012], Chuyển vận sứ Quảng Nam Tây Lộ tâu Lý Công Uẩn đất Giao Châu xin điều người và thuyền đến Ung Châu [Nam Ninh thị, Quảng Tây] hỗ thị. Thiên tử phán:

Dân ven biển thường sợ Giao Châu xâm lăng quấy nhiễu, theo thông lệ trước chỉ cho hỗ thị tại Quảng Châu [Quảng Đông] và trấn Như Hồng [Khâm Châu]; vì rằng đó là chốn góc biển là nơi có thể khống chế, nay nếu đưa vào thẳng nội địa, sự việc sẽ không thuận tiện; nên ra lệnh ty sở tại cẩn thận giữ qui chế cũ.[9]

Bấy giờ Vân Đồn đã trở thành hải cảng quốc tế cho các nước châu Á đến giao dịch buôn bán:

Mùa xuân, tháng 2, năm Đại Định thứ 10 [1149], thuyền buôn ba nước Trảo Oa [Java], Lộ Lạc [La Hộc, Thái Lan], Xiêm La [Thái Lan] vào hải Đông [vùng Quảng Ninh], xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hoá quý, dâng tiến sản vật địa phương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

Riêng nước Xiêm La vẫn tiếp tục đưa thương thuyền đến buôn bán tại cảng Vân Đồn như thời mới mở cửa vào năm Đại Định thứ 10 [1149]; năm 1184 Vân Đồn lại tiếp nhận thêm khách thương mới, đó là nước Tam Phật Tề:

Tháng 3, [Trinh Phù] năm thứ 9 [1184], người buôn các nước Xiêm La và Tam Phật Tề [Sumatra, Indonesia] vào trấn Vân Đồn dâng vật báu để xin buôn bán.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 4.

(Còn tiếp)

———————

[1] 李氏有國,自公蘊至昊旵,凡八傳,二百二十餘年而國亡。

[2] 昇龍京内起朝元殿,左置集賢殿,右置講武殿,左啓飛龍門,右啟丹鳳門。正陽啟髙殿,階曰龍墀。墀内翼以迴廊,周匝四面,乾元殿後置龍安、龍瑞二殿,左建日光殿,右建月明殿,後有翠華宮。城之四面啟四門,東曰祥符,西曰廣福,南曰大興,北曰曜德。又於城内起興天寺五鳳星樓,城離方創勝嚴寺.

[3] Phốc đầu: tên mũ, tức là mũ cánh chuồn, có hai dải cánh giương ra hai bên.

[4] Khao giáp: phục dịch.

[5] Tang thất phụ: phụ nữ làm việc tại nhà nuôi tằm.

[6] Hoàng nam: dân đinh từ 18 tuổi trở lên.

[7] 庚寅,南平王李天祚,遣太平州刺史李國以右武大夫李義、武翼郎郭應五來賀升平,獻黃金器千一百三十六兩,明珠百,沈香千斤,翠羽五百隻,雜色綾絹五千匹,馬十,象九。詔尚書左司郎中汪應辰燕國於玉津園。遷國為太平州團練使,義左武大夫,應五武經郎,加賜襲衣、金帶、器、幣有差.

[8] 己丑,廣西提舉胡廷直言:「邕州賣官鹽,並緣紹興間一時指揮,于江左永平、太平兩寨置場,用物帛博買交趾私鹽,夾雜官鹽出賣,緣此溪洞之人,亦皆販賣交鹽。近雖改行鈔法,其本州尚仍前弊。」詔經略司及知邕州陳士英措置聞奏。既而經略司言:「初置博易場,以人情所便;而博易交鹽,亦祖宗成法。請只嚴禁博販等不得販鬻交鹽,攙奪官課,餘仍舊。」從之.

[9] 甲子,廣南西路轉運使言,交州李公蘊乞發人船直趨邕州互市。上曰:「瀕海之民常懼交州侵擾,承前止令互市於廣州及如洪鎮【五】,蓋海隅有控扼之所。今若直趨內地,事頗非便,宜令本司謹守舊制。」