Đại Việt dưới thời Trần Thái Tông [1225-1257]

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Niên hiệu: Kiến Trung 1225-1231; Thiên Ứng Chính Bình 1232-1250; Nguyên Phong 1251-1257

Vua họ Trần, tên húy là Cảnh, trước tên húy là Bồ, làm Chi hậu chính triều Lý, được Chiêu Hoàng nhường ngôi, ở ngôi 33 năm [1226-1258], nhường ngôi cho con 19 năm, thọ 60 tuổi [1218-1277], băng tại cung Vạn Thọ, táng ở Chiêu Lăng. Truyền thuyết kể rằng trước kia, tổ tiên Vua là người đất Phúc Kiến; lại có người bảo là người Quế Lâm, Quảng Tây. Tổ 5 đời tên là Kinh đến sinh sống tại hương Tức Mặc [huyện Xuân Trường, Nam Định], mấy đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Phụ quốc thái úy đời Lý, Trần Thừa; mẹ họ Lê, sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần Kiến Gia thứ 8 [1218]; nhà Vua tướng mạo uy nghi, mũi cao, mặt rộng. Khi mới 8 tuổi, làm Chi hậu chính chi ứng cục triều Lý; được vào hầu trong cung. Lý Chiêu Hoàng thấy vua thì ưa; ngày 12 tháng 12 năm Ất Dậu [1225], được Chiêu Hoàng nhường ngôi Hoàng Đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung.

Vua lên ngôi, sách phong Chiêu Hoàng làm Hoàng hậu, phong Trần Thủ Độ làm Thái sư; phế Thượng hoàng Lý Huệ Tông, cho trụ trì tại chùa Chân Giáo:

“Ngày Bính Tut, tháng giêng năm Kiến Trung thứ 2 [1266], sách phong Chiêu Hoàng làm hoàng hậu, đổi gọi là Chiêu Thánh. Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sư. Phế thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân Giáo, gọi là Huệ Quang đại sư. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Bấy giờ Trần Thủ Độ chuyên chính; muốn giành độc quyền cho họ Trần, mưu dẹp mối lo về sau, bèn tìm cách giết Thượng hoàng Huệ Tông:

Ngày mồng 10, mùa thu tháng 8 năm Kiến Trung thứ 2 [1266], Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông ở chùa Chân Giáo. Trước đó, Thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người nhớ vua cũ, sinh biến loạn, cho dời đến ở chùa Chân Giáo; bề ngoài giả vờ là để phụng sự, nhưng bên trong thực ra là để dễ bề giữ chặt.

Có ln Thủ Độ qua trước cửa chùa, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: ‘Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu’.

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói:

‘Điều ngươi nói, ta hiểu rồi’.

Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo Huệ Tông:

‘Thượng phụ sai thần đến mời’.

Thượng hoàng nhà Lý nói:

‘Ta tụng kinh xong sẽ tự tử’.

Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng:

‘Thiên hạ nhà ta đã vào tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi thác con cháu ngươi cũng sẽ bị như thế’.

Bèn thắt cổ tự tử ở vườn sau chùa. Thủ Độ ra lệnh cho các quan đến khóc, khoét tường thành phía nam cửa, người bấy giờ gọi là “cửa khoét”, đưa linh cữu ra phường Yên Hoa để thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang, tôn miếu hiệu là Huệ Tông. Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, cho châu Lạng làm ấp thang mộc.[1]

Đưa các cung nhân và con gái họ hàng nhà Lý Huệ Tông gả cho các tù trưởng người Man.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Vì ông nội của Vua Trần Thái Tông tên Lý, lại muốn dẹp bỏ lòng tưởng nhớ triều Lý cũ, nên cho đổi họ Lý thành họ Nguyễn. Ngoài ra Trần Thủ Độ âm mưu cho làm bẫy chôn sống Tôn thất họ Lý, trong ngày giổ tổ. Việc làm độc ác này, Toàn Thư chú thích rằng Đại Việt sử ký tục biên của Sử gia cuối đời Trần, Phan Phu Tiên, không ghi; nên tại đây chỉ chép vào để tham khảo:

Ngày Nhâm Thìn tháng 6, năm Kiến Trung thứ 8 [1232]. Vì nguyên tổ tên húy là Lý, mới đổi triều Lý làm triều Nguyễn, vả lại cũng để dứt bỏ lòng mong nhớ của dân chúng đối với nhà Lý.

Trần Thủ Độ giết hết tôn thất nhà Lý.

Khi ấy, Thủ Độ chuyên chính lâu ngày, đã giết Huệ Tông, tôn thất nhà Lý đều bùi ngùi thất vọng.

Mùa đông năm ấy, nhân người họ Lý làm lễ tế các vua Lý ở Thái Đường, Hoa Lâm, Thủ Độ ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi mọi người uống rượu say, giật máy chôn sống hết.

(Xét thời Trần Anh Tông còn có người họ Lý làm tướng, hơn nữa Phan Phu Tiên không ghi lại, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm chép vào đây).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Thời cuối triều Lý còn lưu lại 2 mối loạn lớn là Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng; Nộn cát cứ tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Thượng chiếm cứ vùng Hải Dương; Trần Thủ Độ không đánh dẹp nỗi, bèn dùng chước phong đất chiêu an:

Tháng 2 năm Kiến Trung thứ 2 [1226], định luật lệnh, điều lệ. Sai Trần Thủ Độ đem quân đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng và các man.

Lúc ấy, nhân thế suy yếu của triều Lý, giặc cướp tụ tập nhiều. Người Man ở vùng núi Tản Viên, vùng núi Quảng Oai xâm phạm đánh lẫn nhau.  Nguyễn Nộn chiếm cứ Bắc Giang, Đoàn Thượng chiếm cứ Hồng Châu [Hải Dương]. Thủ Độ điều động các quân đi đánh dẹp.

Bấy giờ Nộn và Thượng binh thế còn mạnh, chưa dễ hàng phục được, mới phong cho Nộn làm Hoài Đạo Vương, chia cho các huyện Bắc Giang Thượng, Bắc Giang Hạ, Đông Ngạn [Bắc Ninh];[2] cũng hẹn phong làm vương cho Thượng, định ngày đến thề, nhưng Thượng không đến.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Vào năm 1228, Nguyễn Nộn đánh giết được Đoàn Thượng; Trần Thủ Độ tuy gửi thư chúc mứng nhưng rất lo lắng về thực lực của Nộn lớn mạnh thêm, bèn xin phong cho Nộn tước Vương và đưa Công chúa gả cho y:

Tháng 12, năm Kiến Trung thứ 4 [1228].  Nguyễn Nộn đánh giết Đoàn Thượng.

Nộn đã phá được Thượng, nhân gộp cả quân của Thượng, cướp bắt con trai, con gái, tài sản, trâu ngựa đất Hồng Châu. Con của Thượng là Văn đem gia thuộc đến hàng.

Thanh thế của Nộn rất lừng lẫy. Thủ Độ lo lắm, chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để ngầm dò la tin tức. Nộn cũng chia nha tướng riêng cho công chúa ở. Vì thế công chúa không thể báo được tin gì.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm sau [1229] Nguyễn Nộn bi bệnh mất, triều đình nhà Trần như trút được gánh nặng, thiên hạ qui về một mối:

Năm Kiến Trung thứ 5[1229], Nguyễn Nộn ốm chết. Sau khi kiêm tính quân của Thượng, Nộn tự xưng là Đại Thắng Vương, chè chén chơi bời bừa bãi. Nhưng Nộn cũng biết là thế không thể cùng đối lập với nhà Trần, định đến tháng 10 sẽ vào chầu, song còn do dự chưa quyết.

Đến khi ốm nặng, vua sai nội nhân tới hỏi thăm, Nộn cố gượng ăn cơm, phi ngựa để tỏ ra còn khoẻ mạnh, không bao lâu thì chết. Người dưới quyền là Phan Ma Lôi ngầm phóng ngựa chạy trốn, không biết là đi đâu.

Ma Lôi là người Chiêm Thành, buôn bán ở Ai Lao, được Nộn nhận làm nô, có tài chủ động đánh thắng, dùng binh như thần. Sau khi Nộn chết, thiên hạ lại quy về một mối.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tôn thất nhà Trần tuy có ưu điểm là người trong họ đoàn kết đem hết sức lực để mưu đồ việc lớn, như việc phò giúp cha con Vua Lý Huệ Tông rồi cướp ngôi, hoặc trường kỳ tranh đấu chống quân Nguyên Mông xâm lược; nhưng vấp phải khuyết điểm tồi tệ, đó là tội loạn luân. Bằng chứng từng được nêu lên trong văn bản ngày mồng 10, tháng 8 năm Kiến Trung thứ 2 [1266], về việc đem Hoàng hậu họ Trần của Vua Lý Huệ Tông gả cho Trần Thủ Độ người trong họ:  

 “Giáng hoàng hậu của Huệ Tông làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Rồi đến việc Trần Liễu, thân phụ của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn, anh ruột của Vua Trần Thái Tông, được nhà Vua kính trọng phong tước Hiển Hoàng, lại vào cung cưỡng dâm cung phi triều Lý:

“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 3 [1234], Lấy thái úy Trần Liễu làm phụ chính, sách phong làm Hiển Hoàng” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Thiên Ứng Chính Bình] thứ 4 [1236], Bấy giờ Hiển Hoàng Trần Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý liền cưỡng dâm ở cung Lệ Thiên. Đình thân hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung Thưởng Xuân, giáng Hiển Hoàng làm Hoài Vương. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Lại xảy việc Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực thấy Vua chưa có con trai nối dõi, bèn bàn với Vua đem Công chúa Thuận Thiên vợ của Liễu đang có mang 3 tháng về làm Hoàng hậu. Việc này khiến Vua hối hận, phải từ bỏ cung điện ra đi, Trần Liễu mang quân nổi loạn bị đánh dẹp; tuy nhà Vua cố gắng dàn xếp, nhưng mối hận của An sinh vương Liễu đến lúc chết vẫn không nguôi:

“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 [1237], lập công chúa Thuận Thiên họ Lý, là vợ của Hoài Vương Liễu, anh vua, làm hoàng hậu Thuận Thiên. Giáng Chiêu Thánh làm công chúa.

Bấy giờ Chiêu Thánh không có con mà Thuận Thiên đã có mang Quốc Khang 3 tháng. Trần Thủ Độ và công chúa Thiên Cực bàn tính với vua là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy. Vì thế, Liễu họp quân ra sông Cái [sông Hồng] làm loạn. Vua trong lòng áy náy, ban đêm, ra khỏi kinh thành đến chỗ quốc sư Phù Vân (quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử [Quảng Ninh] rồi ở lại đó.

Hôm sau, Thủ Độ dẫn các quan đến mời vua trở về kinh sư. Vua nói:

‘Vì trẫm non trẻ, chưa cáng đáng nổi sứ mạng năng nề, phụ hoàng lại vội lìa bỏ, sớm mất chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua mà làm nhục xã tắc’.

Thủ Độ cố nài xin nhiều lần vẫn chưa được vua nghe, mới bảo mọi người rằng:

‘Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó’.

Thế rồi Thủ Độ cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên An, chỗ kia là các Đoan Minh, sai người xây dựng. Quốc sư nghe thấy thế bèn, tâu rằng:

‘Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại núi rừng của đệ tử’.

Vua bèn trở về kinh đô. Được hai tuần, Liễu tự lượng thế cô, khó lòng đối lập được, ngầm đi thuyền độc mộc giả làm người đánh cá, đến chỗ vua xin hàng.

Lúc ấy vua đang ở trong thuyền, vội vàng bảo Thủ Đ:

‘Phụng Càn Vương (Phụng Càn là tên hiệu cũ của Liễu hồi còn nhà Lý) đến hàng đy!’

 Rồi lấy thân mình che đỡ cho Liễu. Thủ Độ tức lắm, ném gương xuống sông nói:

‘Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?’.

Vua nói giải hòa, rồi bảo Thủ Độ rút quân về.

Lấy đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang[3] cho Liễu làm ấp thang mộc. Nhân đất được phong nên Liễu có tên Hiệu là Yên Sinh Vương. Binh lính theo Liễu làm loạn ở sông Cái đều bị giết.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tập quán xấu ăn sâu vào lòng con cháu họ Trần, đến nỗi một người trung hiếu vẹn toàn như Hưng đạo đại vương lại thông dâm với người cô ruột là Công chúa Thiên Thành;[4] rồi Công chúa Thụy Bà đích thân đưa sinh lễ tác thành cho 2 người:

“Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 19 [1250], Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương không rõ tên. Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn.

Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành làm lễ kết tóc với Trung Thành Vương.

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời:

“Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu”.

Vua vội sai nội nhân đến dinh Nhân Đạo Vương. Đến nơi, thấy yên lặng, bèn vào chỗ Thiên Thành, thì thấy Quốc Tuấn đã ở đấy. Nhân Đạo bấy giờ mới biết chuyện.

Hôm sau, Thụy Bà dâng 10 mâm vàng sống, tâu rằng:

‘Vì vội vàng nên không sắm được đủ lễ vật’.

Vua bắt đắc dĩ phải gả công chúa Thiên Thành cho Quốc Tuấn, lấy 2.000 khoảnh ruộng ở phủ Ứng Thiên[5] để hoàn lại sính vật cho Trung Thành Vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Bàn về việc này; Vua Tự Đức có lời phê sau đây trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục:

Li phê – Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ cái thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên không có gì là quái lạ.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.

***

Vua Trần Thái Tông dùng lần lượt 3 niên hiệu: Kiến Trung 1225-1231, Thiên Ứng Chính Bình 1232-1250, và Nguyên Phong 1251-1257; để trình bày có mạch lạc trước tiên xin khảo tiếp các sự kiện khác dưới thời Kiến Trung.

Thông thường lúc Vua lên ngôi báu có lệ phong chức tước; vào năm Kiến Trung thứ 2 [1226] nhà Vua phong cho em Nhật Hiệu tước Đại vương, trao chức tước phẩm trật cho các quan văn võ; tôn cha lên làm Thượng hoàng, mẹ làm Hoàng thái hậu:

Nâm Kiến Trung thứ 2 [1226], Mùa hạ, tháng 5, phong em là Nhật Hiệu làm khâm Thiên Đại Vương khi ấy mới 2 tuổi.

Trao phẩm cấp cho các quan văn võ theo hầu theo thứ bậc khác nhau.

Mùa đông, tháng 10, tôn cha là Thừa làm Thượng hoàng, ở cung Phụ Thiên, phường Hạc Kiều phía bên tả. Hễ khi nhà nước có việc lớn, thì ở trong đó xem xét, quyết định. Tôn mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu.”Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Lại bắt chước triều Lý, bắt đầu từ năm Kiến Trung thứ 3 [1227], hàng năm cho các quan làm lễ thề trung thành tại đền thờ thần núi Đồng Cổ, Thanh Hóa; nơi được xem là linh ứng:

Năm Kiến Trung thứ 3 [1227], tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ, theo như lệ cũ của triều Lý và bắt đầu định việc thực hiện.

Nghi thức lễ đó như sau: Hàng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh trăm quan mặc nhưng phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đều thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu ra cửa Tây thành, đến đền thờ thần núi Đồng Cổ,[6] họp nhau lại uống máu ăn thề. Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng:

‘Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết’.

Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa điểm danh, người vắng mặt phải phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như ngày hội lớn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 4 [1228] lại phong cho em Nhật Hiệu tước Quận vương, phong cho anh Trần Liễu làm Thái úy:

Ngày Mu Tý, Mùa xuân, tháng giêng năm Kiến Trung  thứ 4 [1228], phong Khâm Thiên Vương Nhật Hiệu làm Quận vương.

Mùa thu, tháng 8, phong anh là Liễu làm thái úy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5

Vào năm thứ 6 [1230], mẹ mất, bèn truy phong tước Thuận từ hoàng thái hậu:

Tháng 9, năm Kiến Trung thứ 6 [1230], Quốc Thánh hoàng thái hậu băng, truy tôn làm Thuận Từ hoàng thái hậu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 8 [1231] trở về quê tại hành cung Tức Mặc, làm lễ dâng hương, thết yến khoản đãi các bô lão. Nhân kỷ niệm thời Thượng hoàng hàn vi, ngài đi đường từng nghỉ chân tại nhà trạm, được một nhà sư khen là có tướng quí, đến nay thấy ứng nghiệm nên lệnh cho xây tượng Phật tại các nhà trạm trong nước:

Mùa thu, tháng 8 năm Kiến Trung thứ 7 [1231], vua ngự đến hành cung Tức Mặc [huyện Xuân Trường, Nam Định], dâng lễ hưởng ở tiên miếu, thết yến và ban lụa cho bô lão trong hương theo thứ bậc khác nhau.

Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chổ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ. Trước đây, tục nước ta vì nóng bức, nên làm nhiều đình cho người đi đường nghỉ chân, thường quét vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi từng nghỉ ở đó, có một nhà sư bảo rằng:

‘Người trẻ tuổi này ngày sau sẽ đại quý’.

 Nói xong thì không thấy nhà sư đâu nữa. Đến nay vua lấy được thiên hạ mới có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 8, Thượng hoàng nhận người con riêng chính thức làm con, được ban ơn phong tước:

Tháng giêng năm Kiến Trung thứ 8 [1232], phong con của thượng hoàng là Bà Liệt làm Hoài Đức Vương. Xưa Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt thuộc huyện Tây Chân [Nam Trực, Nam Định]. Người đó có mang thì bị Thượng hoàng ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, Thượng hoàng không nhận con.

Lớn lên Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ Liệt đến suýt tắt thở. Thượng hoàng thét lên :

‘Con ta đấy’.

Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con, cho nên có lệnh này.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Về lãnh vực học hành thi cử, năm Kiến Trung thứ 3 [1227] mở kỳ thi về 3 tôn giáo Nho, Lão, Thích. Năm thứ 4 [1228], thi các quan lại về thể thức các loại công văn, kẻ trúng tuyển được bổ vào làm việc tại sảnh, viện:

Ngày Đinh Hi năm Kiến Trung thứ 3 [1227]. Thi tam giáo tử nghĩa là những người nối nghiệp Nho giáo, Đạo giáo, Thích giáo.”

 Tháng 9, năm Kiến Trung năm thứ 4 [1228], thi lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh viện.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Kiến Trung thứ 8 [1232] mở kỳ thi đại khoa Thái học sinh tức Tiến sĩ; lấy Trương Hanh người đất Hồng Châu [Hải Dương] đệ nhất giáp, Trần Chu Phổ[7] người Bắc Giang đệ tam giáp:

Tháng 2, năm Kiến Trung thứ 8 [1232] thi thái học sinh. Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm; đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu; đệ tam giáp là Trần Chu Phổ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Ngoài ra về phương diện hành chánh cai trị, phải kể thêm các việc như vào năm Kiến Trung thứ 2 [1266] cho áp dụng tiền tỉnh bách,[8] cứ 100 đồng thì thực số giảm đi còn 69, hoặc 70 đồng; tuyển thiếu nữ vào làm cung nữ. Lại giao quyền lớn cho Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu; Tá Chu nguyên là Thái phó triều Lý, có công trong việc giúp chuyển quyền từ nhà Lý sang Trần, nên được trọng dụng:

Năm Kiến Trung thứ 2 [1226], xuống chiếu cho dân gian dùng tiền “tỉnh bách” mỗi tiền là 69 đồng. Tiền nộp cho nhà nước (tiền “thượng cung”) thì mỗi tiền là 70 đồng.

Tuyển thục nữ trong nước sung làm cung nhân.

Sai Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu quyền Tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, xá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 3 [1277], bắt đầu dùng phép điểm chỉ làm bằng cứ, cho in ngón tay vào các giấy tờ quan trọng như văn khế:

Năm Kiến Trung thứ 3 [1227], xuống chiếu rằng tất cả các đơn từ văn khế đều dùng phép in ngón tay vào nửa tờ giấy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 4 [1228] lập sổ đinh tại tỉnh Thanh Hóa; chiếu lệ cũ đầu năm cho điều tra dân số; vào tháng 10, Sứ bộ Chiêm Thành sang cống:

Năm Kiến Trung thứ 4 [1228]. Xác định số đinh tỉnh Thanh Hóa.

Lệ cũ, hằng năm vào đầu mùa xuân, xã quan nay là xã trưởng  khai báo nhân khẩu gọi là đơn sổ, rồi căn cứ vào sổ, kê rõ các loại tông thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán v.v… Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khoẻ mạnh mà không có quan tước thì sung quân đội, đời đời làm lính.

Mùa đông, tháng 10, nước Chiêm Thành sang cống.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 5 [1229] sai Sứ sang Tống, nhà Tống phong Vua tước An Nam Quốc vương:

Năm Kiến Trung  thứ 5 [1229], Sai sứ sang thăm nước Tống. Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 6 [1230] cho soạn sách về hiến chương như Quốc Triều Thống Chế 20 quyển, Quốc Triều Thường Lễ 10 quyển; định tội lưu đày; tu sửa kinh đô; đặt quan chức chính phủ, ty Bình bạc:[9]

Ngày Canh Dn, mùa xuân, tháng 3 năm Kiến Trung năm thứ 6 [1230], khảo xét các luật lệ của triều trước, soạn thành Quốc triều thống chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển.

Định tội đồ có mức độ khác nhau: Loại bị đồ làm Cảo điền hoành thì thích vào mặt 6 chữ, cho ở Cảo xã, nay là xã Nhật Cảo, cày ruộng công, mỗi người 3 mẫu, mỗi năm phải nộp 300 thăng thóc. Loại bị đồ làm Lao thành binh thì thích vào cổ 4 chữ, bắt dọn cỏ ở Phượng Thành, thành Thăng Long,[10] lệ vào quân Tứ sương.[11]

Định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường. Lại mở rộng phía ngoài thành Đại La [Hà Nội], bốn cửa thành giao cho quân Tứ sương thay phiên nhau canh giữ. Trong thành dựng cung, điện, lầu, các và nhà lang vũ ở hai bên phía đông và tây. Bên tả là cung Thánh Từ nơi thượng hoàng ở, bên hữu là cung Quan Triều nơi vua ở.

Đặt ty Bình bạc.

Sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt 2 viên An phủ sứ và An phủ phó sứ.

Chép công việc của quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển.

 Mùa xuân, tháng 7, xuống chiếu rằng phàm người đi đòi người kiện tụng, thì cho lấy tiền cước lục tùy theo quãng đường gần hay xa.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 7 [1231], cho đào kênh từ Thanh Hóa tới Diễn Châu, Nghệ An:

Ngày Tân Mão, mùa xuân, tháng giêng, năm Kiến Trung thứ 7 [1231], sai Nội minh tự Nguyễn Bang Cốc (hoạn quan) chỉ huy binh lính phủ mình đào vét kênh Trầm và kênh Hào [huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa] từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Việc xong, thăng Bang Cốc làm Phụ Quốc thượng hầu.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm thứ 8 [1232], cho định nghi thức triều đình, ban bố lệnh cấm các chữ húy:

Ngày Nhâm Thìn, mùa xuân, tháng giêng năm Kiến Trung thứ 8 [1232], mùa xuân, tháng giêng, bắt đầu định triều nghi.

Mùa hạ, tháng 6, ban bố các chữ quốc húy và miếu húy.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

 ——-

[1] Thang mộc: thang là nước ấm, mộc có nghĩa tắm gội. Ấp thang mộc là ấp Vua ban cho Hoàng tử, Công chúa hoặc chư hầu.

[2] Cương Mục, Chính Biên, quyển 6; chú là thuộc huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, chỗ này là hành cung của nhà Lý cũ.

[3] Thuộc hai huyện Đông Triều và Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

[4] Cương Mục, Chính Biên, quyển 6 chú thích: Thiên Thành công chúa, An Sinh vương Liễu, Thụy Bà và Trần Thái Tông đều là con Trần Thừa.

[5] Phủ Ứng Thiên: tương đương với các huyện Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai tỉnh Hà Tây hiện nay.

[6] Núi Đồng Cổ: vốn ở Thanh Hóa, tục gọi là núi Khả Phong. Đời Lý, các vua cho rằng thần núi Đồng Cổ đã có công giúp Thái Tông đánh thắng Chiêm Thành, sau lại thác mộng báo cho biết âm mưu làm phản của ba vương Vũ Đức, Đông Chinh, Dực Thánh, nên đã dựng đền thờ trong đại nội, bên hữu chùa Thánh Thọ. Hằng năm các quan phải đến thề ở đền để tỏ lòng trung thành với nhà vua. Nhà Trần cũng theo lệ ấy. [Xem Việt Điện U Linh, xem thêm Toàn Thư, Bản Kỷ quyển 2).

[7] Trần Chu Phổ: theo An Nam Chí Lược của Lê Trắc chép Trần Phổ làm sách Việt Chí; phải chẳng Trần Phổ là Trần Chu Phổ?

[8] Tỉnh bách: có người đọc là “tỉnh mạch”. Ở Trung Quốc, thời Ngũ Đại về sau, lấy 77 làm 100, gọi là “tỉnh bách”, nghĩa là 100 thiếu, hay 100 bớt.

[9] Cương Mục, Chính biên, quyển 6 chú là: chức kinh doãn, chuyên xét đoán việc kiện tụng ở kinh thành. Thực ra, Bình bạc ty năm 1265 đổi thành đại an phủ sứ, sau lại đổi thành Kinh sư đại doãn là cơ quan hành chính và tư pháp ở kinh đô Thăng Long lúc đó.

[10] Thành Thăng Long: trong văn bản này ghi 3 tên thành: Thăng Long, Đại La, Phượng thành. Đại La là tên cũ thành Thăng Long thời Cao Biền nhà Đường đô hộ; riêng Phượng Thành có lẽ là thành Long Phượng tên thành nội của thành Thăng Long; bởi vậy Cương Mục nêu sử liệu này, chỉ dùng từ Thăng Long mà thôi; xem Cương Mục, Chính Biên, quyển 6.

[11] Quân tứ sương: Trấn binh của kinh đô, chuyên việc phòng vệ, canh gác.