Chênh lệch giới tính tại TQ góp phần dẫn tới căng thẳng thương mại Mỹ-Trung

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Shang-Jin Wei, “Sex and the Chinese Economy”, Project Syndicate, 18/05/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Kết quả cuộc điều tra dân số được công bố gần đây của Trung Quốc xác nhận tình trạng dư thừa nam giới ở mức đáng báo động ở quốc gia này so với tiêu chuẩn toàn cầu. Sự mất cân bằng giới tính từ khi sinh gây ra một số tác động kinh tế đáng kể – và không chỉ đối với Trung Quốc.

Vì phụ nữ nhìn chung sống lâu hơn nam giới nên dân số của hầu hết các quốc gia đều có nhiều nữ hơn nam. Ví dụ, ở Hoa Kỳ năm 2020 có 96 nam trên 100 nữ. Ngược lại, Trung Quốc có 111.3 nam trên 100 nữ, theo kết quả điều tra dân số mới nhất. Phụ nữ Trung Quốc sống lâu hơn trung bình khoảng 3 năm so với đàn ông Trung Quốc, vì vậy tình trạng “thừa nam” hoàn toàn là kết quả của tỷ lệ trẻ trai cao bất thường so với trẻ gái lúc mới sinh.

Tỷ lệ giới tính khi sinh bình thường là khoảng 106 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Bởi vì trẻ em trai và nam thanh niên có tỷ lệ tử vong cao hơn một chút, và do người chồng có xu hướng lớn tuổi hơn vợ, nên tỷ lệ khi sinh này là cách mà tự nhiên giúp đảm bảo tỷ lệ cân bằng khoảng 1: 1 vào thời điểm con người đến tuổi sinh sản.

Mặc dù tỷ lệ nam trên nữ khi sinh của Trung Quốc gần bằng tỷ lệ tự nhiên này vào những năm 1970, sự kết hợp của nhiều yếu tố đã khiến tỉ lệ nam so với nữ dần tăng theo thời gian. Các yếu tố quan trọng nhất là tâm lý “trọng nam khinh nữ” của các bậc cha mẹ, sự xuất hiện máy siêu âm và các công nghệ khác cho phép các bậc cha mẹ tương lai biết giới tính thai nhi, và việc chính phủ áp đặt chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt vào năm 1980 khiến hầu hết các gia đình không thể sinh nhiều con như họ muốn.

Một số phụ huynh đã lựa chọn phương pháp phá thai chọn lọc giới tính. Chính phủ đã cố ngăn cấm hoạt động này, nhưng rất khó để ngăn chặn việc này chừng nào việc phá thai còn được sử dụng như một phương tiện tuân thủ các quy định về kế hoạch hóa gia đình. Kết quả là tỷ lệ giới tính khi sinh tăng dần lên, đạt đỉnh khoảng 121 trẻ trai trên 100 trẻ gái vào năm 2009. Theo điều tra dân số gần đây, tỷ lệ này đã giảm xuống 111,3 trẻ trai trên 100 trẻ gái – cân bằng hơn so với trước đây, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với khi không có phá thai lựa chọn giới tính.

Tình trạng “dư thừa” con trai của Trung Quốc dẫn đến một số lượng lớn nam giới trẻ không thể kết hôn. Nói cách khác, khoảng một phần chín nam thanh niên ở Trung Quốc không thể tìm được bạn gái hoặc cưới vợ. Vấn đề này thậm chí còn nghiêm trọng hơn ở các vùng như nông thôn An Huy và Quảng Đông, nơi cứ 6 nam thanh niên thì có đến một người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời.

Trong một loạt bài nghiên cứu với nhiều đồng tác giả khác nhau, tôi đã ghi lại một số hậu quả kinh tế lớn và đôi khi đáng ngạc nhiên của tình trạng tỷ lệ giới tính méo mó này đối với Trung Quốc và thế giới. Trước tiên, các nam thanh niên trẻ – và đặc biệt là các bậc cha mẹ có con trai chưa lập gia đình – về cơ bản tăng tỷ lệ tiết kiệm để nâng cao khả năng cạnh tranh của họ trên thị trường hẹn hò và kết hôn. Trong một bài viết năm 2011, Xiaobo Zhang và tôi nhận thấy rằng sự gia tăng chênh lệch nam-nữ trong nhóm tuổi tiền hôn nhân của Trung Quốc từ năm 1990 đến năm 2007 đã giúp lý giải cho khoảng một nửa mức tăng tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình trong thời kỳ đó.

Tỷ lệ tiết kiệm tăng tại một quốc gia có xu hướng thúc đẩy thặng dư thương mại của quốc gia đó. Vào năm 2013, Qingyuan Du và tôi đã chỉ ra rằng sự gia tăng chênh lệch nam-nữ tại Trung Quốc có thể đã góp phần vào khoảng một phần ba đến một nửa mức tăng thặng dư thương mại của nước này với các nước khác. Do đó, tình trạng mất cân bằng giới tính có thể là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, các trao đổi song phương hầu như ít chú ý đến nguyên nhân này.

Như tôi trình bày trong một nghiên cứu sắp xuất bản với Zhibo Tan và Xiaobo Zhang trên Journal of Development Economics (Tạp chí Kinh tế Phát triển), tỷ lệ nam-nữ không cân bằng của Trung Quốc cũng góp phần vào môi trường làm việc không an toàn, dẫn đến nhiều thương tật và tử vong có thể phòng tránh được. Tình trạng thiếu cô dâu khiến nhiều bậc cha mẹ có con trai trong độ tuổi kết hôn phải làm việc nhiều hơn và tìm kiếm những công việc được trả lương cao hơn nhưng có khả năng gây nguy hiểm trong các lĩnh vực như khai thác mỏ và xây dựng, hoặc những công việc khiến họ tiếp xúc với các vật liệu độc hại hoặc trong môi trường nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh. Vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận những công việc như vậy hơn, người sử dụng lao động thường đầu tư ít hơn vào an toàn lao động, do đó làm tăng tỷ lệ tai nạn và tử vong liên quan đến công việc.

Chúng tôi nhận thấy rằng thương tích do tai nạn và tử vong tại nơi làm việc cao hơn đáng kể ở những khu vực có tình trạng chênh lệch giới tính nghiêm trọng hơn. Và các bậc cha mẹ có con trai trong độ tuổi kết hôn chiếm tỷ lệ cao hơn trong số các nạn nhân.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có thể tự điều chỉnh nhưng chỉ diễn ra từ từ. Nhận thấy bố mẹ có con trai chịu gánh nặng lớn hơn về tài chính và vật chất để giúp con trai có thể cưới vợ, nhiều cặp vợ chồng trẻ có thể nhận thấy rằng sinh con gái cũng tốt như sinh con trai, hoặc thậm chí tốt hơn. Nhưng cuộc tổng điều tra dân số mới nhất cho thấy tỷ số giới tính khi sinh vẫn chưa cân bằng, có nghĩa là tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em gái vẫn còn tồn tại.

Do lo lắng về tỉ lệ tăng dân số chậm lại, Trung Quốc đã dần nới lỏng (nhưng chưa chấm dứt) chính sách kế hoạch hóa gia đình của mình. Các nhà hoạch định chính sách bây giờ nên đi xa hơn, và cung cấp các khuyến khích tài chính đáng kể cho các bậc cha mẹ sinh con gái. Một biện pháp như vậy sẽ vừa giúp giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, vừa chặn đà giảm tỷ lệ sinh nói chung.

Tỷ lệ giới tính cân bằng hơn sẽ làm giảm nhu cầu của nhiều hộ gia đình Trung Quốc trong việc hy sinh mức tiêu dùng hiện tại để tiết kiệm nhiều hơn, và thúc đẩy một môi trường làm việc an toàn hơn. Biện pháp này cũng sẽ giúp giảm căng thẳng thương mại của Trung Quốc với các nước khác.

Shang-Jin Wei, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, là Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Các vấn đề Công và Quốc tế của Đại học Columbia.

Suy giảm dân số và sự đảo chiều kinh tế vĩ đại