Việt Nam Mật Chiến (Phần 5)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành.

Bất ngờ gặp lại bạn chiến đấu cũ Hồng Thủy

Khi biết tin Hồ Chí Minh đã đến đất Trung Quốc, ngày 27/1/1950 Lưu Thiếu Kỳ điện cho Lâm Bưu và Đặng Tử Khôi ở Cục Trung Nam, nói họ báo cho La Quý Ba quay trở về Bắc Kinh để gặp Hồ Chí Minh. Nhưng lúc đó La Quý Ba đang ở trên đoàn tàu rời Vũ Hán đi Quảng Châu. Ngày 5/2, La Quý Ba đến Quảng Châu mới thấy bức điện nói trên của Lưu Thiếu Kỳ. Nhưng từ hôm 3/2, Hồ Chí Minh đã lên đường đi Liên Xô rồi, La Quý Ba có về Bắc Kinh cũng không thể gặp Hồ Chí Minh. Nhận được báo cáo của La Quý Ba, Lưu Thiếu Kỳ đành ra lệnh cho La Quý Ba tiếp tục đi Việt Nam, không cần trở lại Bắc Kinh nữa.

Tại Quảng Châu, La Quý Ba đến thăm Diệp Kiếm Anh, Bí thư thứ nhất Phân cục Hoa Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiêm Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông. Diệp Kiếm Anh rất quen biết Hồ Chí Minh, đã kể lại cho La Quý Ba biết về tình hình Việt Nam và còn điều động thêm cho La Quý Ba một cán bộ là Mạc Dương để làm Thư ký kiêm phiên dịch tiếng Việt. Cũng tại Quảng Châu, Lý Ban chia tay với đoàn La Quý Ba để đi qua Hồng Kông về Việt Nam báo cáo lãnh đạo. Ngày 27/2, Lý Ban về đến căn cứ địa ở Việt Bắc.

Vì lý do an toàn, đoàn La Quý Ba quay về Hoành Dương tỉnh Hồ Nam rồi qua Quảng Tây đi Việt Nam. Đến Quế Lâm, vì đoạn đường sắt đi Nam Ninh bị bọn thổ phỉ phá hoại chưa sửa xong nên đoàn phải đi đường bộ đến Nam Ninh, được một đại đội Giải phóng quân hộ tống. Tại Nam Ninh, Trương Vân Dật, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Tây, tiếp đón đoàn La Quý Ba và giữ đoàn ở lại ăn Tết Canh Dần, đến mồng 5 Tết (tức 21/2/1950) mới lên đường đi Việt Nam.

Ngày 26/2/1950 đoàn La Quý Ba đến huyện lỵ Tĩnh Tây gần biên giới Trung – Việt. Do trước đó Nguyễn Đức Thụy đã vượt biên giới về nước báo cáo, phía Việt Nam đã cử Vũ Đình Huỳnh, Vụ trưởng Vụ Lễ Tân Bộ Ngoại giao, sang Tĩnh Tây chờ sẵn để đón đoàn La Quý Ba.

Trên đường đi về phía Việt Nam, La Quý Ba trong lòng ngổn ngang trăm mối suy nghĩ. Đây là lần đầu tiên ông rời Tổ quốc mình đặt chân lên một đất nước xa lạ, mà sứ mệnh mình gánh vác lại gắn chặt với vận mệnh của đất nước này… Cùng ngày 26/2, La Quý Ba đặt chân tới biên giới Trung-Việt.

Phía Việt Nam cử một đoàn cán bộ quân sự cấp cao tới đón, dẫn đầu là Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương, Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Tư lệnh Liên khu 4 và 5 Hồng Thuỷ. La Quý Ba nhận ra Hồng Thuỷ là bạn chiến đấu cũ của mình.

Hồng Thuỷ người Hà Nội, sinh năm 1906, vốn tên là Vũ Văn Bác [theo tài liệu Việt Nam là Vũ Nguyên Bác, tức Thiếu tướng Nguyễn Sơn, 1908 – 1956], thời trẻ từng du học ở Pháp và quen Hồ Chí Minh tại đó. Năm 1925 Vũ Văn Bác từ Pháp về nước rồi sang Trung Quốc, đến Quảng Châu thi vào trường Quân chính Hoàng Phố khi mới 19 tuổi. Sau đó ông gia nhập Quốc Dân Đảng Trung Quốc. Tại đây Văn Bác dự lớp Huấn luyện cán bộ thanh niên Việt Nam do Hồ Chí Minh mở, và là thành viên “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức này được coi là tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương. Mùa xuân năm 1927, Đại cách mạng Trung Quốc thất bại, Vũ Văn Bác gia nhập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đổi tên là Hồng Thuỷ (洪水), tham gia cuộc Khởi nghĩa Quảng Châu. Khởi nghĩa thất bại, ông chuyển đến Tứ Phương rồi đến Khu Xô Viết Giang Tây, chiến đấu trong bộ đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành cán bộ chỉ huy Hồng quân, làm Chủ nhiệm Ban Chính trị sư đoàn 34 Hồng quân, Trưởng phòng kiêm giáo viên văn hoá Phòng Tuyên truyền Trường Hồng quân.

Hồng Thuỷ từng tham gia cuộc Vạn lý Trường chinh 25 nghìn dặm. Khi Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, ông làm cán bộ Ban Dân vận thuộc Tổng bộ Bát Lộ Quân, ít lâu sau đến công tác tại Biên khu Tấn Tuy. Hồng Thuỷ từng cùng làm việc với La Quý Ba, lúc đó là trưởng ban Tuyên truyền Địa uỷ Tấn Tây Bắc. Mùa xuân 1938, Hồng Thuỷ kết hôn với cô gái Trung Quốc Trần Ngọc Anh (tức Trần Kiện Qua). Năm 1945, Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cho Hồng Thuỷ về Việt Nam công tác. Sau đó Hồng Thuỷ về nước làm Tư lệnh Liên khu 4 và 5, từng lập chiến công lẫy lừng.

Lần này hai lão chiến sĩ Hồng quân Trung Quốc Hồng Thuỷ và La Quý Ba tay bắt mặt mừng gặp nhau tại Việt Nam.

La Quý Ba được đoàn cán bộ Việt Nam dẫn đi chừng 10 dặm đến một xóm nhỏ ở chân núi. Tại đây, khách được phía Việt Nam bố trí nghỉ trong một nhà sàn nhỏ tranh tre nứa lá. Đêm hôm ấy nhóm Võ Nguyên Giáp và đoàn 9 người của La Quý Ba cùng ngủ trong căn nhà này. Tại Việt Nam, nhà sàn thường bố trí người ở tầng trên, còn tầng dưới là nơi nhốt trâu bò lợn gà. Để đón đoàn La Quý Ba, chủ nhà đã quét dọn sạch sẽ ngôi nhà, phủ một lớp đất khô lên sàn tầng dưới. Tuy thế đoàn khách Trung Quốc vẫn cảm thấy mùi hôi thối từ tầng dưới bốc lên làm họ khó ngủ.

Sáng hôm sau Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Hồng Thuỷ lên đường rất sớm. Đoàn La Quý Ba được một tiểu đoàn quân đội Việt Nam bảo vệ chờ trời tối hẳn mới xuất phát.

Hành quân đêm đi rất chậm, mỗi hôm chỉ đi được chừng 20 km. Phía Việt Nam cho biết đó là quy định của lãnh đạo, nhằm để các vị khách không quá mệt và cũng để bảo đảm an toàn.

Chiều ngày 10/3/1950, sau khi đi được hơn 200 km, đoàn La Quý Ba đến nơi đặt cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, một địa điểm có rừng núi bao quanh tại tỉnh Thái Nguyên.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam người đi ngựa, người đi bộ tập trung đến “Nhà khách” để đón tiếp các vị khách Trung Quốc. Phía chủ nhà có Tổng Bí thư Trung ương Đảng Trường Chinh, Uỷ viên Bộ Chính trị Phạm Văn Đồng, Tổng Tư lệnh quân đội Nhân dân Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng phụ trách kinh tế tài chính Nguyễn Lương Bằng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Lê Liêm, ngoài ra còn có Lý Ban.

Sau khi hàn huyên, chủ và khách vào trong nhà toạ đàm, Lý Ban làm phiên dịch. Trường Chinh giới thiệu cho La Quý Ba biết về tình hình chiến sự ở Việt Nam, tỏ ý mong muốn La Quý Ba trước tiên nắm tình hình quân sự và các vấn đề chính trị, kinh tế có liên quan tới quân sự, nhằm có thể bàn bạc cụ thể vấn đề Trung Quốc sẽ viện trợ Việt Nam như thế nào.

Phía Việt Nam nêu ra một số phương án đề nghị Trung Quốc viện trợ về quân sự và kinh tế, nhấn mạnh việc cấp thiết trước mắt là tổ chức một chiến dịch mở đột phá khẩu trên tuyến biên giới Việt – Trung đang bị quân Pháp phong toả, mở một tuyến giao thông vận tải thông từ Trung Quốc tới Việt Nam để chuyên chở hàng viện trợ. Muốn vậy phía Việt Nam đã chuẩn bị hai phương án tác chiến: một phương án tấn công Lào Cai, đánh thông tuyến biên giới Vân Nam, tranh thủ lợi dụng đường sắt Việt – Điền để chở hàng viện trợ; một phương án là trước hết đánh Cao Bằng, mở thông tuyến biên giới với Quảng Tây.

Toàn bộ kế hoạch viện trợ tương đối lớn. Hồi thượng tuần tháng 1/1950 khi hai Đảng vừa mới nối liên lạc với nhau, phía Việt Nam từng nêu ra với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu gấp rút viện trợ 1.200 đạn pháo, 30 khẩu súng bộ binh kiểu Mỹ, 420 nghìn viên đạn súng máy, 91 nghìn viên đạn súng máy kiểu Anh 30 và cho mượn 20 xe ô tô. Lưu Thiếu Kỳ đã duyệt toàn bộ yêu cầu trên. Sau khi vào Việt Nam, La Quý Ba phát hiện thấy đơn hàng như vậy thực ra còn xa mới đáp ứng nhu cầu của phía Việt Nam.

Phía Việt Nam lập tức tập trung mười mấy thanh niên Hoa kiều gấp rút làm công tác phiên dịch, cung cấp cho La Quý Ba các số liệu phía Việt Nam nêu ra. Rừng núi vùng nhiệt đới nóng hầm hập, khi trời tối là hàng đàn muỗi bâu đến. Tuy là người Giang Tây nhưng La Quý Ba sống ở miền Bắc Trung Quốc đã mười mấy năm qua, cho nên không quen với khí hậu miền Nam, lần này sang Việt Nam, ông bất giác cảm thấy khó mà chịu nổi cái nóng xứ này. Tối đến ông phải cởi trần chui vào màn, thắp ngọn đèn dầu đọc tài liệu, thảo điện văn tới khuya.

Ngày 19/3/1950, sau khi đến Việt Nam được 10 hôm, La Quý Ba gửi điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, báo cáo kết quả thương thảo với Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. La Quý Ba cho rằng cần tranh thủ mở chiến dịch vào tháng 5 tới, đầu tiên tiêu diệt quân Pháp đóng ở Cao Bằng, Lào Cai dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, và tranh thủ giải phóng tỉnh Thái Bình ở phía Nam Hà Nội. La Quý Ba chuyển về Trung Quốc các yêu cầu phía Việt Nam nêu ra: đề nghị phía Trung Quốc trước tiên trang bị cho hai tỉnh Cao Bằng, Lào Cai mỗi tỉnh 2 trung đoàn quân đội Việt Nam, ngoài ra trang bị 2 tiểu đoàn pháo binh, hoặc phía Trung Quốc phái 2 tiểu đoàn pháo binh sang Việt Nam hiệp đồng tác chiến.

Từ ngày La Quý Ba sang đây, các cán bộ phía Việt Nam rất phấn khởi, ai nấy hăng hái quyết tâm đọ sức với quân đội Pháp. Ngày 20/3/1950, La Quý Ba lại gửi điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc báo cáo vừa thảo luận với phía Việt Nam vấn đề “Tranh thủ trước mùa mưa (tháng 6 hoặc 7) hoàn toàn giải quyết cuộc chiến đấu ở hai tỉnh Cao Bằng, Lào Cai”.

Ngày 21, La Quý Ba lại gửi điện cho Trung ương và Lâm Bưu, Diệp Kiếm Anh, Trương Vân Dật, Trần Canh, báo cáo ông đã tìm hiểu tình hình hiện nay và tương lai của tuyến đường sắt Việt – Điền [tức tuyến đường xe lửa 800 km Hải Phòng – Côn Minh], hy vọng phía Trung Quốc sẽ phục hồi tuyến đường này để chuyên chở hàng viện trợ Việt Nam trên đất Trung Quốc.

Cùng hôm đó, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mời La Quý Ba bàn tiếp, và tỏ ý họ đã quyết tâm lên kế hoạch mở hai chiến dịch Lào Cai và Cao Bằng. Trong đó, khu vực chiến dịch Lào Cai sẽ gồm Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, chiến dịch Cao Bằng sẽ gồm Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê. Vì vùng hai chiến dịch này chủ yếu nằm trong khu vực biên giới Việt-Trung, cho nên gọi chung là “Chiến dịch biên giới”.

La Quý Ba báo cáo Bắc Kinh: Nếu đánh Lào Cai trước thì sẽ mở thông được biên giới phía Vân Nam, nhưng vì về địa lý, Vân Nam xa Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều kiện cung ứng hàng hoá và điều kiện giao thông không đủ để đáp ứng nhu cầu của phía Việt Nam. Còn tuyến đường sắt Việt Điền thì trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật, phía Trung Quốc đã dỡ bỏ đoạn đường từ Khai Viễn đi Hà Khẩu, hiện nay trong thời gian ngắn khó có thể khôi phục đoạn đường này. Vì thế La Quý Ba báo cáo trước hết nên đánh Cao Bằng, lấy Quảng Tây – Cao Bằng làm tuyến giao thông chủ yếu phục vụ công tác chở hàng viện trợ Việt Nam kháng chiến chống Pháp.

(còn nữa)