31/10/1864: Nevada trở thành tiểu bang thứ 36 của Hoa Kỳ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The U.S. Congress admits Nevada as the 36th state, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1864, nhằm nhận được sự ủng hộ cần thiết của Lãnh thổ Nevada (vốn do đảng Cộng hòa thống trị) để Tổng thống Abraham Lincoln tái đắc cử, Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng chấp nhận lãnh thổ này trở thành tiểu bang thứ 36 của Liên bang Hoa Kỳ.

Ở thời điểm năm 1864, Nevada chỉ có 40.000 cư dân, thấp hơn đáng kể so với yêu cầu để trở thành tiểu bang – 60.000 cư dân. Nhưng việc phát hiện ra các mỏ bạc vô cùng lớn và phong phú vào năm 1859 tại Thành phố Virginia đã nhanh chóng đưa lãnh thổ này trở thành một trong những khu vực quan trọng và giàu có nhất ở miền Tây.

Ban đầu, nhóm thợ mỏ thiếu kinh nghiệm – những người làm việc trong mỏ vàng tại Thành phố Virginia – đã thường xuyên phàn nàn về thứ chất màu xám xanh liên tiếp làm tắc nghẽn các đường ống rửa quặng. Dần dần, một số người thợ dày dạn kinh nghiệm đã nhận ra rằng thứ mà nhóm đào vàng ném sang một bên thực ra là quặng bạc, ngay sau đó, họ phát hiện ra một mỏ bạc khổng lồ dưới lòng đất và đặt tên cho nó là Comstock Lode. Không giống như các mỏ sa khoáng dễ khai thác vốn đã mở đầu cho cơn sốt vàng tại California và Nevada, mỏ quặng Comstock Lode đòi hỏi một loạt các công nghệ mới đắt đỏ thì mới có thể khai thác đạt mức thu lợi nhuận. Lần đầu tiên, khai thác mỏ ở miền Tây bắt đầu thu hút đầu tư từ các nhà tư bản lớn ở miền Đông, và những nhà tư bản quyền lực này bắt đầu thúc đẩy việc công nhận địa vị tiểu bang của Nevada.

Yếu tố quyết định trong việc nới lỏng con đường trở thành tiểu bang của Nevada là việc Tổng thống Lincoln đề xuất Tu chính án thứ 13 cấm chế độ nô lệ. Trong suốt thời kỳ cầm quyền của mình, Lincoln đã bổ nhiệm nhiều quan chức lãnh thổ ở Nevada, những đảng viên Cộng hòa mạnh mẽ, và ông biết mình có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của các nghị sĩ và công dân của một tiểu bang Nevada mới trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, và rằng họ sẽ bỏ phiếu cho đề xuất tu chính án của ông. Do thời hạn gấp rút, phái đoàn hiến pháp Nevada đã gửi bức điện dài nhất được ghi nhận thời bấy giờ đến Washington, D.C. – chứa toàn bộ dự thảo hiến pháp tiểu bang – và tiêu tốn một khoản tiền khổng lồ so với khi đó: 3.416,77 đô la.

Hành động thần tốc của họ đã được đền đáp khi Quốc hội nhanh chóng chấp thuận cho tiểu bang này gia nhập và một Nevada mới thực sự đã hỗ trợ mạnh mẽ cho Lincoln. Vào ngày 31/01/1865, Quốc Hội đã thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức cấm chế độ nô lệ.