04/11/2016: Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu có hiệu lực

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Paris Agreement comes into effect, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2016, Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu chính thức có hiệu lực. Thể hiện cam kết quốc tế sâu rộng nhằm giảm đáng kể lượng khí thải carbon, thỏa thuận này là một bước ngoặt trong lịch sử về quan hệ của con người với khí hậu Trái Đất.

Mục tiêu của thỏa thuận là giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 20C so với nhiệt độ thời kỳ tiền công nghiệp bằng cách cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời hướng đến mục tiêu giữa cho mức tăng không quá 1,50C. Các đảo quốc nhỏ đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu 1,50C vì họ là nhóm nước có nguy cơ cao nhất trước bất kỳ thay đổi nào trong mực nước biển.

Trong khi một số người cho rằng quá khó để đạt được hai mục tiêu này bởi nhiệt độ toàn cầu năm 2016 đã cao hơn hơn 1,30C so với mức tiền công nghiệp, nhiều người khác lại cho rằng thỏa thuận chưa đủ sâu và việc cho phép mỗi quốc gia tự đặt ra mục tiêu của riêng mình khiến các quy định trở nên vô dụng. Dù vậy, Hiệp định Paris vẫn là một thỏa thuận mang tính lịch sử khi các quốc gia phát thải lớn nhất thế giới – Trung Quốc, Mỹ, Khu vực Kinh tế Châu Âu và Ấn Độ – đều đồng ý đặt ra các mục tiêu mới để cắt giảm lượng khí thải. Sau khi được Liên minh châu Âu phê chuẩn vào ngày 5/10, Hiệp định Paris đã có đủ chữ ký để chính thức có hiệu lực kể từ ngày 04/11.

Mọi người trên thế giới ca ngợi thỏa thuận này là một chiến thắng chưa từng có về vấn đề môi trường, cũng như là một chiến thắng đối với các nhà lãnh đạo đã tham gia ký kết nó. Tuy nhiên, tại Mỹ, chiến thắng của Tổng thống Barack Obama đã nhanh chóng chết yểu. Chỉ năm ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Donald Trump đã đắc cử và trở thành người kế nhiệm Obama. Chưa đầy một năm sau, vào ngày 01/06/2017, Trump chính thức tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định.

Về mặt kỹ thuật, ngày sớm nhất mà Mỹ có thể rút khỏi thỏa thuận là ngày 04/11/2020, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo. Joe Biden đã kế nhiệm Trump làm tổng thống, và vào ngày 20/01/2021, ngày đầu tiên cầm quyền, Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp để tái tham gia hiệp định. Mỹ đã chính thức tái gia nhập Hiệp định Khí hậu Paris vào ngày 19/02/2021.