11/12/1997: Nghị định thư Kyoto được thông qua

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Kyoto Protocol first adopted in Japan, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1997, tại Kyoto, Nhật Bản, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thông qua một hiệp ước mới nhằm mục đích hạn chế phát thải khí nhà kính. Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu là một nỗ lực mang tính cách mạng nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, một nỗ lực đáng ngưỡng mộ đã mang về nhiều kết quả khác nhau.

Trong thập niên 1980-1990, cộng đồng quốc tế bắt đầu nhận thức đầy đủ hơn về các tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng do các hoạt động của con người lên môi trường. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia khác nhau sẽ cam kết thực hiện các hành động khác nhau. Một số quốc gia đã xác lập mục tiêu ràng buộc về giảm phát thải carbon dioxide, methane và các khí nhà kính, trong khi những quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia phát thải lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, lại không có các mục tiêu rõ ràng. Nhóm nước không thể đạt được mục tiêu quốc gia của mình có thể lựa chọn đóng góp cho việc cắt giảm phát thải ở “nhóm nước đang phát triển” qua những việc như đầu tư vào cơ sở hạ tầng giảm phát thải hoặc sử dụng biện pháp “thương mại hóa” khí thải khi mua lại hạn ngạch phát thải carbon của nước khác.

84 quốc gia đã ký vào Nghị định thư Kyoto và gần như mọi thành viên của Liên Hiệp Quốc đều trở thành một bên tham gia Nghị định thư này. Ngoại lệ đáng chú ý nhất là Mỹ. Tổng thống Bill Clinton đã thay mặt đất nước của mình ký vào thỏa thuận, nhưng lại không gửi nó tới Quốc Hội để phê chuẩn, vì hiểu rằng nó sẽ không được thông qua. Người kế nhiệm ông, George W. Bush, thậm chí còn lên tiếng phản đối thỏa thuận, cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị tổn hại nếu họ cam kết cắt giảm phát thải trong khi rất nhiều nước khác lại được miễn trừ. Nhiều quốc gia đã vượt quá mục tiêu phát thải của họ ngay từ giai đoạn đầu tiên của Nghị định thư – trong đó Canada, Australia và New Zealand là những cái tên đứng đầu danh sách. Trong khi đó, những nước như Vương quốc Anh và Đức đã đạt được mục tiêu của mình. Nhiều nước Đông Âu thậm chí còn giảm đáng kể lượng phát thải, nguyên nhân gần như chắc chắn là do sự tan rã của Khối Đông Âu.

Năm 2011, Canada tuyên bố ý định rút khỏi Nghị định thư Kyoto. Giai đoạn thứ hai của Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Doha, đã được soạn thảo vào năm 2012, nhưng vẫn còn thiếu bảy chữ ký để được phê chuẩn. Dù mang tính đột phá nhưng hiệu quả khá khiêm tốn, Nghị định thư Kyoto đã phản ánh được sức mạnh của ý chí quốc tế trong việc cải thiện khí hậu và những khó khăn cố hữu trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới hợp tác với nhau vì mục tiêu đó.