Lý do dân chủ tự do thất bại và tính ưu việt của mô hình Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Eric Li on the failure of liberal democracy and the rise of China’s way”, The Economist, 8/12/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nền dân chủ đang ở trong tình trạng báo động. Freedom House tuyên bố “sự suy giảm dân chủ toàn cầu đã tăng tốc” và ngay cả ở Mỹ, dân chủ đã “suy giảm đáng kể”. Theo nghiên cứu của Viện V-Dem ở Thụy Điển, phần lớn sự suy yếu của dân chủ đang diễn ra ở các quốc gia liên kết với Mỹ. Larry Diamond, một nhà xã hội học chính trị, lập luận rằng “suy thoái dân chủ” đã đạt đến mức “khủng hoảng”, một tình trạng được thúc đẩy thêm bởi đại dịch. Có rất nhiều chẩn đoán được đưa ra. Francis Fukuyama, một nhà khoa học chính trị, tin rằng chính phủ Mỹ bị giới tinh hoa thao túng và công chúng bị chia rẽ bởi bản sắc văn hóa. Cũng có những người luôn muốn tìm câu trả lời dễ dàng bằng cách đổ lỗi cho Trung Quốc và Nga.

Ở phía đối diện, những người hoài nghi dân chủ đang tận hưởng khoảnh khắc hứng khởi. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov, gần đây đã chỉ trích những nỗ lực thất bại của phương Tây trong việc “thực thi dân chủ” đối với các quốc gia khác có nền văn hóa không phù hợp với các hệ thống chính trị như vậy và kêu gọi họ dừng lại. Kishore Mahbubani, một nhà ngoại giao và học giả người Singapore, tin rằng ở một khía cạnh nào đó, Mỹ có “tất cả các thuộc tính của một quốc gia thất bại”. Một thập niên trước, tôi cũng đã tham gia cuộc tranh luận, cho rằng mô hình của Trung Quốc vượt trội hơn so với phương Tây – một cách khác để nói rằng dân chủ đã thất bại.

Tuy nhiên, những tuyên bố này đều không chính xác vì chúng chia sẻ một định nghĩa sai về dân chủ. Nói chính xác hơn, chúng đánh đồng chủ nghĩa tự do với dân chủ, do đó coi dân chủ tự do là hình thức quản trị dân chủ duy nhất. Điều này là sai.

Năm 1992, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và bắt đầu kỷ nguyên vàng cho việc phổ cập dân chủ tự do, Lord Bhikhu Parekh, một nhà lý luận chính trị, đã viết trong một bài luận có tựa đề “Đặc thù văn hóa của nền dân chủ tự do”, cho rằng “dân chủ tự do là dân chủ được tự do hóa: nghĩa là, nền dân chủ được xác định và cấu trúc trong các khuôn khổ do chủ nghĩa tự do đặt ra.” Ông lưu ý sự kết hợp này đã được kết tinh vào khoảng thế kỷ 18 ở châu Âu và được phương Tây ủng hộ rộng rãi trên thực tế chỉ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai như một cách chống lại Liên Xô. Bản thân nền dân chủ, với phiên bản ra đời sớm nhất ở phương Tây thời Hy Lạp cổ đại, đã xuất hiện trước chủ nghĩa tự do từ lâu.

Hơn nữa, khi đi cùng nhau, chủ nghĩa tự do là vế chính, trong khi dân chủ là vế phụ. Trên thực tế, chủ nghĩa tự do mâu thuẫn với dân chủ. Sự phát triển của các thể chế tự do trong hai đến ba thế kỷ qua về nhiều mặt cũng bao gồm những nỗ lực nhằm hạn chế quyền lực của dân chủ. Nếu chúng ta muốn chính xác về mặt lịch sử và trung thực về mặt nhận thức, chúng ta cần phải thừa nhận rằng dân chủ tự do chỉ là một trong nhiều loại dân chủ mà thôi.

Trong thời kỳ Khai sáng Châu Âu, các nhà tư tưởng tự do như Locke, Montesquieu và Mill đã đề xuất những ý tưởng cách mạng về cách xã hội loài người nên được quản lý dựa trên các nguyên lý của chủ nghĩa tự do, chẳng hạn như cá nhân là đơn vị cơ bản của xã hội, tính tôn nghiêm của tài sản tư nhân, và sự tối cao của pháp quyền thông qua tố tụng. Hầu hết các thể chế chính trị tự do hiện đại đều được phát triển dựa trên những ý tưởng này – chính phủ đại diện dựa trên bầu cử, tam quyền phân lập, tự do báo chí, cơ quan tư pháp độc lập, v.v. Chúng là nền tảng cho hiến pháp của Hoa Kỳ và hầu hết các xã hội tự do khác.

Nhưng đồng thời, nhiều bậc tiền nhân của chủ nghĩa tự do cũng nhận ra rằng mục tiêu của các thể chế tự do là mang lại hạnh phúc cho người dân. Nếu kết quả đó không được đáp ứng, các quy trình phải được thay đổi. Theo Mill, ngay cả quyền tham gia bỏ phiếu cũng có thể bị hạn chế, ví dụ như nếu một công dân mù chữ.

Nền dân chủ tự do đã đạt được những thành công to lớn, đặc biệt là trong nửa sau của thế kỷ 20. Trong thời kỳ đó, các nước dân chủ tự do đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có cho người dân của họ – đến mức nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc, đã tìm cách bắt chước nhiều cách làm của phương Tây, chẳng hạn như kinh tế thị trường. Tuy nhiên, khi các nhóm như Freedom House và V-Dem xếp hạng các quốc gia theo mức độ dân chủ, họ, về bản chất, đang đo lường các quốc gia về mức độ tuân thủ chặt chẽ các thủ tục thể chế tự do. Khi họ nói rằng dân chủ đang suy thoái ở nhiều quốc gia, họ thực sự đang muốn nói rằng chủ nghĩa tự do đang gặp thách thức.

Tại sao chủ nghĩa tự do đang ở trong tình trạng tồi tệ? Lý do là ở nhiều nơi dường như nó đang thất bại trong việc đáp ứng vế phụ của mình – tức dân chủ. Nền dân chủ tự do đang ở trong tình trạng khủng hoảng bởi vì rất nhiều quốc gia trong số này phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: bất bình đẳng dai dẳng, tham nhũng chính trị, sự sụp đổ của liên kết xã hội, thiếu tin tưởng vào chính phủ và các thể chế tinh hoa, và chính phủ kém năng lực. Nói tóm lại, chủ nghĩa tự do đã không mang lại các kết quả dân chủ.

Ở Liên Xô có một câu nói đùa phổ biến: “Chúng tôi giả vờ làm việc, họ giả vờ trả lương cho chúng tôi.” Trong nhiều xã hội tự do, mọi người có thể đổi ngược lại câu nói: “Chúng tôi giả vờ bỏ phiếu, họ giả vờ quản trị”. Với tốc độ này, từ “tự do” có thể sớm không còn xứng đáng được đi kèm với từ “dân chủ” nữa.

Một cái nhìn rộng hơn về quản trị

Thế giới cần một cách tốt hơn và bao trùm hơn để đánh giá dân chủ. Định nghĩa và đo lường dân chủ theo quy trình chủ nghĩa tự do là quá hạn hẹp — về mặt lịch sử, khái niệm cũng như trong các điều kiện hiện đại. Ở Hy Lạp cổ đại, nơi dân chủ lần đầu tiên được thực hành ở phương Tây, chính trị dân chủ khá phi tự do. Không có khái niệm về quyền của cá nhân hay thiểu số. Đó là lý do tại sao Plato và Aristotle – cả hai đều không phải là những nhà dân chủ – đã chỉ trích bản chất dựa trên đa số của nó. Bầu cử không phải là cách duy nhất để lựa chọn các nhà lãnh đạo. Chọn lãnh đạo bằng cách rút thăm (sortition) đã từng được thực hành rộng rãi và phù hợp với định nghĩa của Aristotle về dân chủ.

Ở phương Tây đương đại, các phong trào dân túy cánh hữu và xã hội chủ nghĩa cánh tả đang cố gắng quy trách nhiệm, ít nhất là một phần, cho chủ nghĩa tự do vì đã không mang lại kết quả. Định nghĩa lại dân chủ không phải là nhiệm vụ dễ dàng, và chắc chắn sẽ mất rất nhiều nghiên cứu và tranh luận. Nhưng tôi mạo muội đề xuất một ý tưởng dựa trên lẽ thông thường: chúng ta hãy đo lường dân chủ không phải dựa trên quy trình mà dựa trên kết quả.

Mục tiêu về mặt chuẩn tắc của chế độ dân chủ phải là mang lại sự hài lòng cho đại đa số người dân trong một thời gian dài. Các cuộc bầu cử có ích gì nếu chúng chỉ sản sinh ra những nhà lãnh đạo kém cỏi trong khi công chúng bị mắc kẹt trong những chu kỳ “đi bầu và hối tiếc” kéo dài? Một nền tư pháp độc lập có ích gì nếu nó chỉ bảo vệ những người giàu? Sự phân chia quyền lực có ích gì nếu nó bị các nhóm lợi ích đặc biệt chiếm giữ để ngăn chặn những cải cách cần thiết? Tự do báo chí, hay tự do ngôn luận, có ích gì nếu nó làm xói mòn các xã hội thông qua sự chia rẽ và rối loạn chức năng? Các quyền cá nhân có ích lợi gì nếu chúng dẫn đến hàng triệu cái chết có thể tránh được, như đã xảy ra ở nhiều nền dân chủ tự do trong thời kỳ đại dịch?

Trong nỗ lực thách thức một Trung Quốc đang trỗi dậy, tổng thống Mỹ, Joe Biden, đã coi cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung như một sự phân đôi rõ ràng về ý thức hệ giữa dân chủ và chuyên quyền. Với suy nghĩ đó, chính quyền Mỹ đã tổ chức một hội nghị các nền dân chủ vào ngày 9 và 10 tháng 12, với sự tham gia của khoảng 110 quốc gia hoặc khu vực. Một đánh giá cho thấy 111 quốc gia này (bao gồm cả Hoa Kỳ) chiếm khoảng 56% dân số thế giới nhưng có tổng cộng 4,2 triệu ca tử vong vì Covid-19, tức chiếm 82% tổng số người chết vì Covid-19 trên toàn cầu. Rõ ràng hơn, ba quốc gia có số người chết cao nhất là nước chủ nhà (780.000), quốc gia tự hào là nền dân chủ lâu đời nhất, Brazil (615.000), và Ấn Độ (470.000), quốc gia được coi là nền dân chủ lớn nhất.

Còn Trung Quốc, nước được coi là mục tiêu của hội nghị, có 1,4 tỷ dân, và chỉ có 5.697 trường hợp tử vong vì Covid-19.

Một số người có thể phản đối rằng điều này là do Trung Quốc hạn chế các quyền tự do hơn “các nền dân chủ”. Nhưng nền dân chủ kiểu gì lại hy sinh hàng triệu sinh mạng chỉ để bảo vệ quyền tự do không đeo khẩu trang của một số cá nhân? Chính vì điều này, nền dân chủ tự do đang thất bại trong việc đáp ứng các công dân của mình.

Có lẽ cần phát triển một tập hợp các phép đo cho thấy quốc gia nào đang tạo ra kết quả dân chủ hơn. Hầu hết người dân hài lòng với sự lãnh đạo và định hướng của quốc gia họ ở mức nào? Xã hội gắn kết tới đâu? Mọi người có đang sống tốt hơn trước không? Mọi người có lạc quan về tương lai của mình không? Liệu toàn xã hội có đang đầu tư đủ để đảm bảo cuộc sống ấm no cho các thế hệ tương lai không? Ngoài các định nghĩa tự do hẹp và tập trung vào khía cạnh thủ tục dân chủ, các kết quả cũng phải được xem xét khi chúng ta định nghĩa và đánh giá các nền dân chủ.

Tôi muốn nói rằng khi nói về kết quả, thành tích của Trung Quốc không quá tệ. Đất nước này có một số vấn đề – bất bình đẳng, tham nhũng và suy thoái môi trường là một vài trong số những vấn đề đó. Nhưng chính phủ của họ đã giải quyết chúng một cách quyết liệt.

Đây có lẽ là lý do tại sao đại đa số người Trung Quốc nói với những người thăm dò ý kiến rằng họ thường hài lòng với cách quản lý đất nước. Ít nhất bây giờ, chúng ta có dám cân nhắc ý tưởng rằng Trung Quốc đang tạo ra những kết quả dân chủ và hiệu quả hơn cho người dân của họ, và nếu được đo lường bằng những kết quả cụ thể này, hệ thống chính trị của họ, mặc dù khác biệt, hiện còn dân chủ hơn hệ thống của Hoa Kỳ vào lúc này hay không?

Abraham Lincoln đã mô tả nền dân chủ một cách hùng hồn nhất bằng cách nói bình dân: chính phủ của dân, do dân, và vì dân. Tôi dám khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc hiện tại vượt trội hơn chính phủ Mỹ về cả ba mặt trên. Người Trung Quốc đa số tin rằng chính phủ của họ thuộc về họ và họ sống trong một nền dân chủ; và có một thực tế là phần lớn các nhà lãnh đạo chính trị của Trung Quốc đều xuất thân bình dân. Ngược lại, nhiều người Mỹ dường như tin rằng chính phủ của họ bị chiếm đoạt bởi những nhóm lợi ích tiền bạc và được thành lập bởi một nhóm đầu sỏ tinh hoa. Còn về vế cuối cùng, “vì dân”, Trung Quốc đang dẫn đầu về mặt kết quả cho người dân.

Thế giới cần sự đa dạng hơn trong khái niệm dân chủ, vừa chân thực hơn về mặt lịch sử (vì dân chủ không phải lúc nào cũng tự do), vừa có lợi hơn về mặt thực tế. Nhiều nước đang phát triển đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng kinh tế của họ bị đình trệ. Họ cần phải thoát khỏi sự cứng nhắc về tư tưởng của học thuyết tự do và thử nghiệm những cách thức riêng để thực hiện tiềm năng dân chủ của mình. Các quan điểm và phép đo lường mới cũng có thể giúp ích cho các xã hội tự do.

Tách rời dân chủ ra khỏi tự do

Đã từ lâu, chủ nghĩa tự do đã độc quyền khái niệm dân chủ, và những người theo chủ nghĩa tự do đã coi tính chất dân chủ của mình là điều mặc nhiên. Đây có thể là một nguyên nhân giải thích tại sao nhiều chính phủ tự do không mang lại kết quả dân chủ cho người dân. Việc đo lường dân chủ không dựa trên khía cạnh thủ tục mà dựa trên hiệu quả thực tế có thể là động lực thúc đẩy các nước tự do thực hiện những cải cách rất cần thiết. Nếu các chính phủ tự do một lần nữa có thể mang lại nhiều kết quả dân chủ hơn, thì thế giới sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.

Quan điểm này, về sự cần thiết phải đánh giá dân chủ dựa trên kết quả của nó, hiếm khi được thảo luận trong các cuộc tranh luận toàn cầu về quản trị. Các xã hội tự do ủng hộ sự đa dạng về mọi mặt ngoại trừ sự đa dạng trong các mô hình dân chủ, ngay cả ở cấp độ khái niệm. Nhưng thực tế là lịch sử của các khát vọng và thực hành dân chủ đã vô cùng phong phú và đa dạng. Bên cạnh nền dân chủ của Athen được cho là không tự do, còn có nhiều thế kỷ của các lý tưởng dân chủ và các thực hành thể chế theo truyền thống Nho giáo của Trung Quốc – vốn cũng không tự do. Vào thời điểm này, chắc chắn thế giới đang cần nhiều thử nghiệm dân chủ hơn.

Tôi không cố gắng ủng hộ bất kỳ hình thức dân chủ cụ thể nào, và chắc chắn không phải đang lập luận ủng hộ một nền dân chủ dựa trên đa số hoặc trực tiếp — vốn cũng không phải là mô hình của Trung Quốc. Thay vào đó, tôi đang đề xuất mở rộng và đa dạng hóa cả cách định nghĩa và đo lường dân chủ. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa hiện tại của Trung Quốc chắc chắn là một mô hình đáng để nghiên cứu nếu xét những thành công rõ ràng của nước này.

Nhà tư tưởng về chính sách đối ngoại của Mỹ Anne-Marie Slaughter gần đây đã lập luận rằng Hoa Kỳ nên “chấp nhận ít nhất khả năng rằng các hình thức chính phủ khác có thể tốt hơn”. Bà đề xuất thêm rằng, một thước đo mới về quản trị có thể là việc đánh giá quốc gia nào đang làm tốt công việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc.

Đó là một ý tưởng tuyệt vời. Và một điểm bao quát hơn cần được nhấn mạnh: cần chấm dứt sự độc quyền của chủ nghĩa tự do đối với dân chủ — và hãy để nhiều hình thức dân chủ khác nhau cùng phát triển.

Eric Li là một nhà đầu tư mạo hiểm, nhà khoa học chính trị và là người sáng lập trang tin tức về Trung Quốc Guancha.cn. Ông từng phục vụ trong hội đồng quản trị của nhiều tổ chức, bao gồm Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trường Kinh doanh Sau đại học của Đại học Stanford (nơi ông lấy bằng MBA) và Viện Trung Quốc tại Đại học Phục Đán (nơi ông nhận bằng Tiến sĩ khoa học chính trị).

Lý do hệ thống độc đảng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc