Về nhân vật Hoàng Văn Hoan và vụ thanh trừng sau 1979

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Balazs Szalontai

Khi đã lưu vong ở Trung Quốc (TQ), Hoàng Văn Hoan, nhân vật lãnh đạo vào hàng cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đào thoát ra nước ngoài từ trước tới nay, nói rằng sau cuộc chiến Việt – Trung, có tới 300.000 đảng viên thân TQ bị phe “thân Liên Xô” của Lê Duẩn loại bỏ.

Một cuộc thanh trừng nội bộ quả đã diễn ra trong 1979-80, nhưng như hồ sơ Hungary tiết lộ, ông Hoan đã phóng đại nhiều về tầm mức. Việc thanh trừng vừa là nỗ lực bóc tách các “phần tử thân TQ” thật sự và tiềm năng, nhưng nó cũng là biểu hiện của khủng hoảng kinh tế – xã hội ăn sâu ở VN.

Vai trò cá nhân

Sự đóng góp của ông Hoàng Văn Hoan cho phong trào Cộng sản VN không to lớn như ông nói mà cũng không nhỏ bé như phát ngôn nhân của Hà Nội cáo buộc sau khi ông đã bỏ trốn sang Trung Quốc. Là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông có thời gian dài ở TQ. Trong cuộc chiến kháng Pháp, ông giữ chức thứ trưởng quốc phòng. Năm 1948, ông được giao việc thành lập Văn phòng Hải ngoại ở Thái Lan, và sau đó là đại sứ đầu tiên của Bắc Việt ở TQ.

Mặc dù là thành viên thứ 13 trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956, và sau này vào Bộ Chính trị, nhưng Hoan không thuộc vào nhóm lãnh đạo chủ chốt nhất. Vị trí cao nhất ông từng giữ là phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, và không nằm trong Ban Bí thư đầy quyền lực. Kết quả là, vị trí của ông bị lung lay hơn trước biến đổi trong quan hệ Việt – Trung, khi so với Trường Chinh hay Lê Duẩn là những người luôn có thể giữ vị trí, cho dù Hà Nội thân thiện với Bắc Kinh hay không.

Được biết vì tình cảm thân thiện với TQ, ông Hoan đạt đỉnh cao sự nghiệp vào đầu thập niên 1960 khi Bắc Việt tạm thời có thái độ thân TQ trong tranh chấp Liên Xô – TQ. Năm 1963, khi Ngoại trưởng Ung Văn Khiêm bị thay bằng Xuân Thủy (thân TQ hơn), ông Hoan cũng thành Trưởng Ban liên lạc đối ngoại Trung ương Đảng.

Nhưng trong giai đoạn 1965-66, quan hệ Xô – Việt bắt đầu cải thiện, cùng lúc với căng thẳng gia tăng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Trong môi trường mới này, ban lãnh đạo cảm thấy cần thay cả Xuân Thủy và Hoàng Văn Hoan bằng những cán bộ ít dính líu hơn đến chính sách thân TQ trước đây của ban lãnh đạo Hà Nội. Năm 1971-72, Hà Nội bất mãn vì Trung – Mỹ làm hòa, có vẻ càng làm vị thế Hoan bị suy giảm.

Dù vậy ông vẫn là nhân vật quan trọng trong quan hệ Việt – Trung. Ví dụ, năm 1969, chính ông đã giúp hoàn tất cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn quanh viện trợ kinh tế của TQ. Tháng Năm 1973, ông tiến hành hội đàm bí mật tại Bắc Kinh về vấn đề Campuchia. Năm 1974, Hoan cùng Nguyễn Côn, Bí thư Trung ương Đảng, đi TQ để “chữa bệnh”, nhưng có thể sứ mạng thực sự lại liên quan đến đàm phán biên giới bí mật Việt – Trung từ tháng Tám tới tháng 11, mà kết quả đã thất bại.

Sự khác biệt giữa TQ và VN về Campuchia và Hoàng Sa đã không thể hàn gắn và làm cho Hoàng Văn Hoan không còn có thể đóng vai trò trung gian thành công. Lê Duẩn và các đồng chí kết luận họ không còn cần ông nữa. Những liên lạc của ông với Bắc Kinh nay bị xem là rủi ro an ninh.

Sau Chiến tranh Việt Nam, những cán bộ mà Lê Duẩn không còn cần hoặc tin tưởng dần dần bị thay thế. Năm 1975, công chúng không còn thấy Nguyễn Côn, và năm sau, Hoàng Văn Hoan bị ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1979, khi xung đột Việt – Campuchia và Việt – Trung lan rộng thành chiến tranh, vị trí của Hoan càng trở nên bấp bênh. Sang tháng Bảy, ông quyết định đào tẩu. Lấy cớ ra nước ngoài chữa bệnh, ông đã xuống máy bay ở Pakistan và sang Trung Quốc, ở lại đó cho tới ngày qua đời năm 1991.

Tại nhiều cuộc họp báo, Hoàng Văn Hoan giải thích sự đào tẩu bằng cách nhấn mạnh ông đã từ lâu chống đối chính sách của Lê Duẩn, mà theo ông là đã biến Việt Nam thành vệ tinh Xô Viết, làm người Hoa bị phân biệt đối xử, và dẫn tới việc chiếm đóng Campuchia. Cáo buộc của ông một phần dựa trên sự thật, vì ngay từ tháng Giêng 1977, Đảng Cộng sản VN đã dự định giải tán và tái định cư một phần cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Hiệp ước Việt – Xô 1978 cũng là một phần quan trọng cho sự chuẩn bị đánh Campuchia. Nhưng mặt khác, Hoan và nhà bảo trợ TQ dễ dàng bỏ qua là năm 1978, Việt Nam vẫn tìm cách tránh phụ thuộc Moscow quá mức bằng việc cải thiện quan hệ VN – Asean, và thảo luận cả khả năng gia nhập Asean trong tương lai.

Sự đào thoát của ông Hoan hẳn làm Bộ Chính trị vô cùng lúng túng vì họ vẫn quen tự mô tả mình là mẫu mực đoàn kết. Bắc Kinh càng làm vết thương thêm đau rát. Hai ngày sau khi tới Bắc Kinh, Hoàng Văn Hoan được Tổng Bí thư Hoa Quốc Phong đón tiếp, và ông Hoa tuyên bố “những kẻ phá hoại tình hữu nghị Việt – Trung sẽ vỡ đầu”.

Mặc dù VN nhấn mạnh sự trốn chạy của Hoàng Văn Hoan chỉ là trường hợp riêng lẻ, nhưng Bộ Chính trị biết chính sách của họ không được toàn dân ủng hộ. Mùa xuân 1979, khi giới chức bắt 8000 Hoa kiều tái định cư từ Hà Nội vào “Vùng Kinh tế Mới”, nhiều người VN đã không đồng ý khi các đồng đội người Hoa của họ bị buộc ra đi. Khác biệt cũng tồn tại trong nội bộ lãnh đạo. Tháng Sáu 1978, Trường Chinh và Lê Văn Lương ban đầu phản đối việc thông qua nghị quyết gọi TQ là kẻ thù nguy hiểm nhất của VN.

Khủng hoảng xã hội

Quyết loại bỏ những thành phần “bội phản”, giới chức có những biện pháp khắc nghiệt. Người Mèo và các cộng đồng thiểu số khác một phần đã phải ra đi khỏi các tỉnh miền bắc. Tại phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương trong tháng Tám, ban lãnh đạo bàn vụ Hoan trốn thoát và chỉ trích ngành an ninh. Nhiều cán bộ cao cấp, như Lý Ban, cựu thứ trưởng ngoại thương có gốc Tàu, bị quản thúc. Tháng Giêng 1980, Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn bị buộc về hưu. Kiểm soát ngành an ninh được chuyển sang cho một ủy ban mới thành lập do Lê Đức Thọ đứng đầu. Xuân Thủy, người đã tiễn chân ông Hoan hồi tháng Sáu, cũng bị giáng chức.

Tuy nhiên, sự thanh trừng không lớn như ông Hoan cáo buộc, và cũng không đơn thuần do xung đột Việt – Trung.

Trước hết, các vụ tảo thanh trong hàng ngũ đảng đã bắt đầu từ những năm trước. Giai đoạn 1970 – 75, chừng 80.000 đảng viên bị loại khỏi hàng ngũ, còn trong giai đoạn 1976-79, con số này là 74.000.

Thứ hai, nhiều người mất thẻ Đảng vì những lý do không liên quan xung đột Việt – Trung. Việc trục xuất các cá nhân thân TQ đạt đỉnh cao từ tháng 11-1979 tới tháng Hai 1980, nhưng từ tháng Ba, quá trình này bắt đầu chậm lại, và ưu tiên của chiến dịch sau đó hướng sang chống tham ô, biển thủ và các hành vi tội phạm.

Tại miền Nam, khu vực mà số đảng viên chỉ chiếm một phần ba của đảng, giới lãnh đạo định loại bỏ chừng 5% đảng viên (so với tỉ lệ trung bình cả nước là 3%). Điều này không chỉ chứng tỏ Hà Nội nghi ngờ dân số miền Nam mà đây còn là cố gắng kỷ luật những cán bộ người Bắc đã lạm dụng quyền lực sau khi được bổ nhiệm vào Nam.

Các vấn nạn xã hội, kinh tế và tội phạm mà Đảng Cộng sản phải đương đầu có vẻ khiến họ cố gắng hạn chế thiệt hại hơn là mở đợt thanh trừng chính trị to lớn. Thất nghiệp và khan hiếm hàng hóa làm trộm cướp gia tăng. Giới chức đã phải huy động quân đội canh giữ ở cảng Hải Phòng nhưng cũng không có kết quả. Ngược lại, một nhà ngoại giao Hungary nhận xét quân đội khi đó đang trở thành “quân dự bị gồm những kẻ tội phạm”. Không có việc làm, nhiều người lính giải ngũ đã phải thành trộm cướp.

Trong tình hình đó, ban lãnh đạo cộng sản, dù đã kết án tử hình vắng mặt với Hoàng Văn Hoan năm 1980, chỉ muốn xóa tên ông ra khỏi ký ức công chúng thay vì đưa ông ra cho người dân mắng chửi. Và đến lúc qua đời, ông cũng đã “hết hạn sử dụng” đối với nước chủ nhà TQ, vì lúc đó, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều muốn làm hòa chứ không cãi nhau quanh những sự kiện của quá khứ.

Tiến sĩ Balazs Szalontai từng dạy ở Đại học Khoa học Công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary. Ông là tác giả cuốn sách Kim Nhật Thành trong thời kỳ Khruschev (Đại học Stanford và Trung tâm Woodrow Wilson xuất bản, 2006). Bài viết dựa vào kho tư liệu tại Hungary và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguồn: BBC Việt ngữ

——–

Nhìn lại nhân vật Hoàng Văn Hoan

Một sự kiện quan trọng trong giai đoạn xung đột Trung – Việt hồi năm 1979 là vụ bỏ trốn của ông Hoàng Văn Hoan mà đến nay vẫn ít được nói đến.

Không chỉ với chính quyền Việt Nam và cả với dư luận quốc tế, việc một nhân vật cao cấp, công thần của chế độ bỏ đi theo kẻ thù của Hà Nội hồi đó là chuyện ‘động trời’.

Báo Time 20/08/1979 có bài đặc biệt về cuộc bỏ trốn của ông Hoàng Văn Hoan sang Trung Quốc.

Bài ‘Hanoi’s Push’ cho rằng vụ ông Hoàng Văn Hoan (1905-1991), nguyên phó chủ tịch Quốc hội, một đồng chí cũ của Hồ Chí Minh bỏ đi vào tháng 7/1979 và tố cáo chế độ là ‘cú giáng thứ nhì vào hình ảnh của họ’.

Cú giáng thứ nhất, như tờ báo Mỹ, là ‘cuộc tháo chạy của 900 nghìn người’ trong vòng bốn năm trước đó, nhắc đến các đợt thuyền nhân bỏ nước ra đi.

Về với Trung Quốc

Time đưa tin rằng tuần trước đó, ông Hoàng Văn Hoan, 74 tuổi, phát biểu tại Bắc Kinh cáo buộc Hà Nội đối xử với người Hoa ‘tệ hơn Hitler đối xử người Do Thái’.

Ông Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị cho đến 1976, cũng cho rằng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Lê Duẩn, đã ‘trở thành tay sai ngoại bang’, ám chỉ Liên Xô.

Bỏ trốn sang Trung Quốc, ông Hoan như trở về với những đồng chí chia sẻ quan điểm cộng sản kiểu Trung Quốc của ông.

Các tài liệu của Phương Tây từ 1966 đã xác định ông, cùng những ủy viên BCT khác như Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh là ‘phái thân Trung Quốc’ (pro-Chinese).

Theo đại tá Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, người cũng bỏ Việt Nam nhưng sang Phương Tây để vận động cho dân chủ, thì quan điểm ‘đặc sệt thân Tàu’ của ông Hoan đã được biết đến từ trước năm 1979.

Ông Bùi Tín nói ông Hoan xuất thân từ một gia đình Hán học, hoạt động nhiều năm ở Hoa Nam và ‘tiếp thu văn hóa, tư tưởng Trung Quốc trực tiếp từ nguồn’:

“Ông không đồng tình với quan điểm đứng giữa Liên Xô và Trung Quốc, ông theo phái nghiêng hẳn về Trung Quốc”.

“Ông không thấy Trung Quốc có hai mặt: cách mạng và bành trướng”.

Từng sang Trung Quốc hoạt động với bí danh Lý Quang Hoa cùng các ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan trở thành nhân vật cao cấp phụ trách ngoại giao của Việt Minh.

Sau đó ông được Hồ Chí Minh, người đồng hương Nghệ An, cử làm đại sứ đầu tiên của VNDCCH tại Bắc Kinh.

Các tài liệu nước ngoài mô tả ông Hoan có vị trí hơn một đại sứ bình thường vì thường được Mao Trạch Đông tiếp riêng để bàn thảo các vấn đề hai nước, kể cả chiến lược đánh miền Nam của Ban lãnh đạo Hà Nội.

Số phận của ông sau khi sang Trung Quốc qua ngả Pakistan vào tháng 7/1979 cùng gia đình cũng phản ánh thái độ của Trung Quốc với Việt Nam và quan hệ hai bên.

Xuất bản cuốn ‘Giọt nước trong biển cả’, ông đưa ra quan điểm ‘tố cáo tập đoàn Lê Duẩn’ đã phản bội đường lối Hồ Chí Minh và làm hại đến ‘tình hữu nghị với Trung Quốc’.

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh ‘A Drop in the Ocean: Hoang Van Hoan’s Revolutionary Reminiscences’ do Bắc Kinh xuất bản năm 1988, xác định tư cách của ông như một nhân vật Mao-ít đến cùng.

Ông cũng đưa ra cáo buộc rằng Trung ương Đảng ở Việt Nam từ 1982 đã chỉ đạo việc trồng nha phiến để bán ra quốc tế lấy đôla.

‘Không giống Hồ Chí Minh’

Ông Bùi Tín, hiện sống tại Paris cho hay ông Hoan khá đơn độc trong đường lối thân Trung Quốc và bác bỏ cách tuyên truyền của Trung Quốc rằng ông Hoan là người duy nhất ‘trung thành với đường lối Hồ Chí Minh’.

Ông nói:

“Ông Hồ khéo léo với Trung Quốc hơn nhiều và luôn cố gắng cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc”.

“Một lần ra đón ông Hồ tại sân bay chúng tôi thấy ông mặc áo khoác có huy hiệu Mao sau chuyến đi thăm Trung Quốc về. Ông hiểu ý và cười rằng ‘chỉ đeo ở áo ngoài thôi đấy nhé”.

Trái lại, theo ông Tín, Hoàng Văn Hoan hoàn toàn theo đường lối Maoist, ủng hộ Trung Quốc trong cuộc chiến 1979, chế độ Pol Pot và phái bảo thủ tại Trung Quốc.

Mặc dù ông Hoan đã đào thoát sang Trung Quốc và được coi là phản bội, ông Tín vẫn đánh giá: “Ông ấy là một người rất yêu nước, nhưng mỗi người yêu nước theo hiểu biết, theo kiểu của người ta. Tôi vẫn tôn trọng ông ấy, nhưng không thể đồng tình với quan điểm của ông được.”

Ở Việt Nam, ông Hoàng Văn Hoan bị tuyên án tử hình vắng mặt và trở thành biểu tượng của sự phản bội.

Đài báo so sánh Hoan với Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc và dùng hình ảnh ông để nói về các kẻ thù bên trong.

Đảng cộng sản đã thực hiện một cuộc thanh lọc nội bộ để loại bỏ tất cả những ai bị nghi là có dính líu đến ông Hoàng Văn Hoan.

Trong khi đó, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ ông Hoan và coi việc đối xử với ông như một điều kiện để bình thường hóa quan hệ.

Năm 1991, Trung Quốc tổ chức lễ tang cấp nhà nước dành cho ông Hoàng Văn Hoan tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi an nghỉ của nhiều cố lãnh tụ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, và quân đội Trung Quốc.

Việc chấp nhận vị trí của ông Hoan trong lịch sử đầy biến động của Việt Nam xem ra vẫn còn là điều khó khăn ở trong nước dù gần đây, nhà chức trách đã có động tác để hình ông trên trang web của Quốc hội.

Nhưng cho đến nay, số phận của gia đình ông (xem bài đi kèm dưới đây) cũng là câu chuyện đáng nói và phản ánh cách giải quyết chuyện nội bộ với những người bị coi là ‘phản bội’ trong lòng một hệ thống đóng kín.

Nguồn: BBC Việt ngữ

————————–

Số phận ông Hoàng Văn Hoan

Sau 30 năm kể từ Chiến Tranh Biên Giới, Trung Quốc và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá… sau một cuộc xung đột vũ trang được cho là lần đầu tiên xảy ra giữa hai quốc gia cùng ý thức hệ cộng sản.

Nhưng câu chuyện về ông Hoàng Văn Hoan, cựu ủy viên Bộ Chính trị, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc, người bỏ trốn theo Trung Quốc vào tháng 7/1979 vẫn chưa được bàn đến công khai.

Trong cuộc trao đổi dành riêng cho BBC hôm 13/2/2009, một trong những người cháu của ông Hoàng Văn Hoan xin không nêu tên, đã kể nhiều chi tiết ‘đầy sóng gió’ về số phận của họ.

‘Bình phản án tử hình’

Người cháu ông Hoan cho biết:

“Ông Hoan có một người con trai duy nhất là ông Hoàng Nhật Tân, năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ đã rất kém, mà do mới đột quỵ hồi Tết, hiện không nghe, nói được. Trước đây, năm nào ông Tân cũng đề nghị Nhà nước bình phản lại án tử hình với cha ông nhưng đều không được.”

“Hồi cụ Đồng (Phạm Văn Đồng) còn sống, ông đến kêu cụ Đồng, hồi cụ Trường Chinh còn sống, thì kêu với cụ Trường Chinh. Bây giờ các ông khác già hết rồi, chẳng biết kêu ai.”

“Trước đây, các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng có hứa với gia đình rằng ‘Để rồi bác sẽ bàn, đề nghị với Bộ Chính trị’, nhưng cũng nói rằng khó lắm vì đó là tương quan với ông Lê Duẩn”.

Cuộc chạy trốn bí mật

Cuốn sách ‘Giọt nước trong biển cả’ của ông Hoan, có đoạn, nói rằng ông đã không theo quyết định của Bộ Chính trị vốn quyết rằng ông bị ung thư phổi và phải bay đi Đức để chữa bệnh.

Người cháu nay thuật lại ông Hoan tin rằng “nếu bay đi Đức thì chắc rằng chỉ một liều thuốc là xong”.

Vì thế ông quyết định khi tới Karachi, tìm cách trốn sang sứ quán Trung Quốc và được đưa tới Trung Quốc. Trung Quốc đã mổ thành công và ông đã sống thêm 12 năm nữa. Trong 12 năm này, ông đã viết nhiều công trình mà một trong đó là cuốn ‘Giọt nước trong biển cả.’

Trong cuốn sách, ông Hoan cũng nói rằng việc làm của ông là ‘thiên thu định luận’, tức một nghìn năm sau thì sẽ rõ. Sau đó, ông Hoàng Nhật Tân có viết một cuốn là ‘Thiên thu định luận’, 500-600 trang, thuyết minh rằng cha ông là một nhà yêu nước vĩ đại, nhưng cuối cùng cũng không được phát hành.

Vẫn theo lời chứng̉, vào năm 1991, khi gia đình được phép sang thăm ông trong vòng bốn tháng liền tại khu Ngọc Trường Sơn, trong Di Hoà Viên, nơi trước đây ông Lâm Bưu từng sống, khi ông già yếu và sắp mất, thì ông vẫn còn rất tỉnh táo, tỉnh táo cho đến phút chót.

“Người nhà cứ hai, ba ngày thay phiên nhau vào chăm sóc ông. Ông hỏi về tình hình Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam vào thời điểm đó. Ông rất tỉnh táo, câu hỏi sắc sảo. Ông không bình luận gì nhưng chịu khó nghe. Ông hỏi về so sánh Liên Xô đang cải tổ, Trung Quốc đang cải cách và Việt Nam đang đổi mới lúc đó, có gì giống nhau, khác nhau,”

“Sự chăm sóc của Trung Quốc đối với ông không có gì để bàn. Lúc đó, ông Giang Trạch Dân là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, ông Lý Bằng là Thủ tướng Quốc vụ Viện, các ông coi ông Hoan là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc.”

Nghĩa tử, nghĩa tận

Lễ tang của ông Hoan được coi như một lễ tang cấp cao của Đảng và của Nhà nước Trung Quốc vì ông được coi như một lãnh tụ của Đảng Cộng sản TQ. Không có chuyện Đại sứ quán Việt Nam tham dự.

Theo lời kể, khi đó do quan hệ hai bên còn căng thẳng, khi gia đình đi thăm ông Hoan, đều có an ninh của Việt Nam đi cùng.

“Lý do Việt Nam lúc đó đồng ý cho gia đình sang thăm là dàn xếp quan hệ cấp cao và nghĩa tử là nghĩa tận theo truyền thống, cho nên họ phải đồng ý. Khi đi, gia đình hứa là sẽ quay về.”

“Gia đình cũng cam kết đảm bảo là không làm điều gì liên quan tới chính trị khi sang Trung Quốc mà đây chỉ là chuyện gia đình. Do đó không có vấn đề gì.”

“Ông Hoan không bao giờ dặn dò gì gia đình về chuyện chính trị hay sự nghiệp. Cùng thời gian đó, có việc Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 100 năm sinh Hồ Chí Minh. Một nhà nghiên cứu có tiếng của Việt Nam đã sang Trung Quốc và đề nghị gặp trực tiếp ông Hoàng Văn Hoan để tìm hiểu về Hồ Chí Minh, đặc biệt tìm hiểu các chi tiết đời tư chứ không phải với tư cách một chính khách.”

Người cháu của ông kể tiếp:

“Khi ấy, ông Hoan đã cho thư ký là một cựu sinh viên người Hoa gốc Việt từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ở Hà Nội, giỏi cả tiếng Việt và tiếng Trung, tiếp. Thư ký sau đó thuật lại việc nhà nghiên cứu này định hỏi ông Hoan về chuyện ‘cụ Hồ có con riêng’ có đúng hay không,”

Yêu đảng, yêu nước

Ông Hoan bảo: “Bảo ông ta về nước đi, không hỏi những chuyện linh tinh đó làm gì!.” Ông Hoan là người rất kín kẽ, ông không bao giờ tuỳ tiện cho ai biết những chuyện quan trọng. Ông thường chỉ làm việc ở cấp cao, còn gia đình thì cứ đi thăm, nói chuyện vui vẻ thôi, không nói chuyện gì về chính trị cả.

Vẫn theo lời thân nhân của ông, “Tuyệt đối không có chuyện họp gia đình, bàn chuyện này, chuyện kia, như là người ta đồn ông Hoan có cả quân đội, đài phát thanh. Đó là xuyên tạc! Ông Hoan ông không làm thế. Ông là nhà yêu nước đứng đắn, ông không làm chuyện gì khuất tất.”

Ông Hoan muốn giải thích trong sách rằng ông vẫn yêu Đảng, yêu nước và ông muốn sống thêm để chứng minh rằng đã có người phản bội, nhưng ở Việt Nam vẫn không nhận ra, hoặc nhận thức lầm. Có vẻ ông đã cố chứng minh bằng những dữ liệu, số liệu, bằng chứng, quan điểm.

Người cháu kể ông có sự hỗ trợ của Trung Quốc, họ cung cấp mấy người thư ký, văn phòng làm việc, ô tô đi lại, điều kiện rất tốt.

“Phản biện lại những dư luận từ nhà nước Việt Nam, trong đó nhiều ý nói rằng ông là Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống v.v…, ông đã chứng minh trong công trình của mình rằng ông không phản bội lợi ích của nhân dân mà chính người khác đã phản bội. Nhưng ông nói chuyện của ông 1.000 năm sau mới định được, còn định ngay lúc đó thì khó,” người cháu ông Hoan kể.

‘Chính trị phải thế’

“Ông nói rằng bản thân rơi vào tình trạng rắc rối và phải đi, mà bây giờ người ta gọi là bất đồng quan điểm. Ông không thể đi một nước thứ ba, như là Liên Xô, vì quan điểm của ông với Liên Xô không gần nhau,”

“Đúng là Trung Quốc tiếp đãi ông Hoan như thế vì ông thân Trung Quốc và có lợi cho Trung Quốc vào thời điểm bấy giờ. Chính trị phải thế! Trung Quốc coi ông có lợi cho họ. Nhưng đồng thời họ cũng nuôi dưỡng nhiều lực lượng cách mạng thực sự cho Việt Nam,” người cháu nhận xét.

Về câu hỏi rằng liệu Việt Nam có thể tránh được cuộc chiến tranh năm 1979 với Trung Quốc, nếu quan điểm, đường lối của ông Hoan trong quan hệ với Trung Quốc được Việt Nam lắng nghe hoặc điều hoà như thế nào đó, người nhà ông Hoan cho rằng cục diện trước đó quá rõ ràng. Hoàn toàn có thể tránh cả hai cuộc chiến Tây Nam và cuộc chiến 79.

“Đường lối của ông Hồ là sau hoà bình, sau cuộc chiến quá dài với Mỹ, mọi người kiệt quệ, là phải an dân, phải tránh chiến tranh, phải khoan sức dân, phải giảm thuế v.v… Ông Hoan rất phản đối và phê bình việc dẫn đến sự thể phải phát động cả hai cuộc chiến.”

Người cháu ông Hoan cho BBC biết quan hệ giữa ông Đặng Tiểu Bình và ông Hoàng Văn Hoan rất tốt. “Cả hai ông Giang Trạch Dân và Lý Bằng đều là người của ông Đặng. Trong đám tang ông Hoàng Văn Hoan ông Giang Trạch Dân và ông Lý Bằng đều đến viếng. Ông Đặng Tiểu Bình có gửi vòng hoa, viết rất nhiệt tình, đề cao ông Hoan.”

“Ông Đặng và ông Hoan gặp nhau rất đơn giản vì ông Hoan có khả năng nói tiếng Trung trực tiếp không qua phiên dịch. Quan hệ rất tốt, vừa là đồng chí, vừa là anh em.”

Bi kịch cha con

Về quan hệ giữa hai cha con mà có dư luận rằng có sự mâu thuẫn, theo đó, ông bố thì được cho là thân Trung Quốc, ông con, Hoàng Nhật Tân, thân Nga Xô, trường hợp ông Tân được cho là một bi kịch.

Thân nhân ông Hoan kể rằng ông Tân học giỏi, ông được cử đi Nga học tập. Sang Nga, ông thấy đường lối của Khrushchev hay, ông có những phát biểu. Vì thế ông Hoan gọi về Việt Nam, thi hành kỷ luật, cho ‘đi đầy’ một năm, hai năm gì đó, xong rồi cho phục hồi.

“Vừa được phục hồi, nghe đâu đang làm thủ tục làm Phó Viện trưởng Viện Sử học, thì ông Hoan lại bỏ đi Trung Quốc (1979), cho nên người ta ép ông con ra khỏi Đảng, rồi ép đủ thứ. Nghe nói ông Tân đến tận bây giờ vẫn còn có người theo dõi,”

“Trong nhà hiện nay, chỉ có ông Tân là người bị theo hàng ngày, về lý do thì có thể là do họ sợ rò rỉ thông tin hoặc thế nào đó,”

“Thời các năm 1991, 1992 cho tới 1996, 1997, nhiều lúc con cháu của ông Hoan trong gia đình ở Hà Nội đi đâu, cũng có ít nhất một nhân viên công an đi theo sau. Bây giờ thì cũng thoáng rồi vì họ sống cũng đứng đắn, sống đúng theo tư cách công dân.”

‘Chăm sóc đặc biệt’

Cuộc sống gia đình rất phức tạp và là một câu chuyện dài với việc mỗi thành viên phải tự lo công việc của mình. Một người con gái của ông Hoàng Nhật Tân, cháu nội ruột của ông Hoan, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, ra không có việc làm. Bà phải xin mãi mới về được Viện Triết học làm thư viện.

Theo người nhà ông Hoan thì ông Phạm Như Cương, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Trung và Viện trưởng, phải đứng ra bảo lãnh thì bà mới về làm việc được, chứ không phải tự nhiên mà vào làm nhà nước được, đó là ngay sau khi cụ Hoan ra đi (1979).

Người con trai cả của ông Hoàng Nhật Tân, là đảng viên, phải ra khỏi quân đội. Trong nhà có mấy người là đảng viên đó là bà Tân và ông con cả. Có một người con dâu của ông Tân mới kết nạp mấy năm nay. Còn lại đều không là đảng viên.

Về lý do người ta đưa ông con trai cả của ông Tân ra khỏi quân đội, người nhà ông Hoan tin rằng đó có thể do lý do ‘an toàn’ nào đó. “Có một sự chăm sóc đặc biệt. Như ông Tân bị ép ra khỏi đảng. Ông phải chủ động viết đơn để ra khỏi đảng.”

“Về kinh tế, tài chính thì những năm đó rất khó khăn, mọi người phải tự lo lấy mà sống. Nhưng có một việc không biết ở các gia đình khác ra sao, còn tại gia đình mình, ông Hoan có một đạo đức rất rõ ràng, tức là không ai được sống dựa vào ông ấy.”

“Cho nên mọi người phải tự lực từ lâu. Khi ông đi, thì mọi người chẳng làm sao cả.”

Ông bà Tân đều là cán bộ nhà nước. Các con cháu về sau cũng dần có được việc làm, với mức lương tối thiểu sống được. Bà Tân, con dâu cụ Hoan, từng làm ở Đảng uỷ Quận Hoàn Kiếm và làm cho đến lúc về hưu.

Khi ông Hoan đi, ông không hề cho ai trong gia đình biết, sau đó ông Tân gần như bị bắt.

“Nhưng người ta cứ nghĩ là ông Tân biết. Thực ra ông không hề biết và cũng chẳng ai biết. Nếu biết là rắc rối ngay. Khi tới Karachi (thủ đô Pakistan), ngay cả ba người tháp tùng ông Hoan là bảo vệ, thư ký và y tá đều không biết,” người cháu ông Hoan kể tiếp.

Ở khách sạn tại Karachi, ông Hoan đi ra ngoài đi dạo, ông gọi xe taxi và đi về sứ quán của Trung Quốc. Ba người này về sau bị bắt, và vẫn theo lời kể, nhóm thư ký của ông Hoan đã bị tù mấy năm.

‘Không có bản án?’

Đến tận hôm nay, có một điều gia đình vẫn không rõ. Đó là vì sao khi hai nước Trung Quốc, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ, thậm chí hai Đảng và hai Nhà nước đã hữu hảo hơn, mà bản án tử hình của nhà nước Việt Nam dành cho ông Hoan chưa được huỷ bỏ.

“Hình như năm ngoái, khi còn khoẻ, ông Hoàng Nhật Tân có tới Toà án để xin một bản sao bản án ‘xử tử vắng mặt’ đối với cha mình. Mục đích là để làm bằng chứng khi đi trình bày với các nơi và xin được hết án này với ông Hoan, thì được họ trả lời rằng không có văn bản nào cả.”

“Nhưng đây không phải là Toà án Tối cao hoặc Toà án nhà nước nào khác, mà dường như đây liên quan tới Toà Án Nhân dân TP Hà Nội. Nhưng họ nói là chẳng có văn bản gì cả. Sau đó, ông Tân cũng thôi không làm nữa. “

“Hồi đó người ta cũng không thông báo gì về bản án tử hình vắng mặt đó. Chỉ là thông báo, công bố trên đài báo, không có thông báo gì cho gia đình cả. Còn về kế hoạch có làm tiếp việc xin huỷ bỏ bản án trong tương lai, thì trong gia đình chỉ có một mình cụ Tân làm. Ngoài ra, không có ai nghĩ làm việc đó cả.”

Trong lòng quê hương

Theo di chúc, hài cốt hoả táng của ông Hoan được chia thành ba phần. Một phần để ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn, tương tự nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội. Đó là một nghĩa trang dành cho các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Ở đó, họ xây một cái mộ, hàng năm họ vẫn cho tiền gia đình, ít nhất hai người, sang đó để viếng thăm. Ông Hoan được để ở một chỗ rất long trọng. Một phần tro cốt được đưa đi Côn Minh để rắc trên đầu nguồn sông Hồng. Vì ông Hoan muốn về nước bằng con đường sông Hồng.

Vẫn theo lời kể của người cháu, một hộp tro nữa sau khi mang về nhà thờ mấy năm, nay được đưa về quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Trung Quốc cho một ít tiền để xây một cái mộ tương đối lịch sự. Tất nhiên là mộ đó không bằng mộ của ông Hồ Tùng Mậu, mà nhà nước xây rất lớn. Ở đó có hai dòng họ là họ Hồ, lớn nhất, rồi đến họ Hoàng.

Hàng năm con cháu về đây viếng thăm. Trong nhà thờ họ Hoàng, đã có thờ ông Hoan. Họ không thờ ông là uỷ viên bộ chính trị, phó chủ tịch quốc hội mà tấm bia thờ chỉ đề ông Hoàng Ngọc Ân (tên tục của ông Hoan) là nhà yêu nước lớn.

Kết luận, người cháu của ông Hoan nói:

“Gần đây có một diễn biến và biểu hiện mới, mà chính sứ quán Trung Quốc nói với gia đình, là một vài hình ảnh của ông Hoan hồi làm Phó Chủ tịch ở Quốc hội, trước đây bị xoá hoặc bỏ đi, nay đã được phục hồi. Còn các hình ảnh ông Hoan bên cạnh ông Hồ thì họ xoá sạch.”

Bài viết dựa trên lời kể của thân nhân ông Hoàng Văn Hoan. 

Hình: Ông Hoàng Văn Hoan (thứ nhì từ trái sang) lãnh đạo phái đoàn Việt Minh đứng cạnh Thứ trưởng Ấn Độ KG Mathur (đeo kính) tại Dehli năm 1954, bên trái ông Mathur là ông Hà Văn Lâu.

Nguồn: BBC Việt ngữ