Thế giới hôm nay: 05/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Số người di cư băng qua Eo biển Manche trong năm 2021 tăng gấp ba lần so với 2020 lên hơn 28.000 người, theo phân tích dữ liệu của Press Association. Thái độ thiếu hợp tác và tin tưởng nhau giữa Anh và Pháp, cũng như xu hướng dùng người di cư làm vũ khí chính trị, đã khiến việc xử lý vấn đề trở nên khó khăn, đôi khi thậm chí gây chết người.

OPEC+ sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 – cùng tốc độ tăng đang duy trì từ tháng 8 năm ngoái – bất chấp việc Mỹ kêu gọi đẩy mạnh sản xuất. Năm ngoái nhóm thống nhất đạt mức sản xuất tiền đại dịch vào tháng 9. Nhóm dự đoán tác động của biến thể Omicron là nhẹ và chỉ ngắn hạn.

Chính phủ Canada đạt được thỏa thuận sơ bộ 40 tỷ đô la Canada (31,5 tỷ đô la Mỹ) với đại diện của First Nations để bồi thường cho các trẻ em bản địa bị chính quyền tách khỏi gia đình và đưa vào hệ thống phúc lợi. Một nửa sẽ được gửi cho trẻ em và các gia đình bị ảnh hưởng từ năm 1991 đến 2022, với phần còn lại được chi cho hệ thống phúc lợi trẻ em. Nếu hoàn tất, thỏa thuận sẽ khép lại một cuộc chiến pháp lý kéo dài 15 năm qua.

Năm 2021, Toyota trở thành nhà sản xuất ô tô bán chạy nhất ở Mỹ, vượt qua General Motors, công ty đã giữ vị trí số một kể từ năm 1931. Công ty Nhật Bản bán nhiều hơn GM khoảng 114.000 xe, với doanh số bán hàng tăng 10% ở Mỹ, trong khi GM giảm 13%. Được biết Toyota khắc phục tình trạng thiếu chip tốt hơn các nhà sản xuất ô tô khác.

Biến thể omicron tiếp tục càn quét nước Mỹ, khiến nước này ghi nhận hơn một triệu ca mắc covid-19 mới chỉ trong ngày thứ Hai. Tổng thống Joe Biden đã nói trước người Mỹ rằng tiêm vắc-xin là “nghĩa vụ yêu nước.” Úc và Tây Ban Nha cũng ghi nhận số ca cao kỷ lục. Trong khi đó các quan chức Ấn Độ thông báo lệnh giới nghiêm cuối tuần ở Delhi khi số ca nhiễm tăng cao trở lại.

Tỉ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha giảm 2,4% từ tháng 11 đến tháng 12, đạt mức kết năm thấp nhất trong 15 năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa của Đức cũng xuống thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Trong khi đó các thị trường châu Âu vẫn lạc quan bất chấp omicron. Chỉ số Stoxx 600 tăng lên mức cao kỷ lục trong ngày vào thứ Hai.

Tesla bị chỉ trích nặng nề sau khi công bố mở một cửa hàng ở Tân Cương, khu vực phía tây Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt vì đàn áp người Duy Ngô Nhĩ thiểu số. Hãng sản xuất ô tô này, lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường, cho mở phòng trưng bày của họ tại đây vào đêm giao thừa. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói các công ty như Tesla đã giúp Đảng Cộng sản che đậy tội ác diệt chủng và lao động nô lệ.

Con số trong ngày: 1 tỷ shekel (317 triệu USD), là số tiền chính phủ Israel sẽ chi cho hàng nghìn ngôi nhà và cơ sở hạ tầng mới ở Cao nguyên Golan, nhằm mục tiêu tăng gấp đôi dân số ở đây cho tới năm 2030.

TIÊU ĐIỂM

Trung Quốc kiên trì với chiến lược zero covid

Hầu hết các nước đều sẽ ăn mừng nếu số ca covid-19 xuống mức hàng trăm. Chỉ riêng Mỹ đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc trong ngày thứ Hai. Còn Trung Quốc ghi nhận 108 ca trong cùng ngày. Song bấy nhiêu là đủ để phong tỏa cả thành phố. Kể từ sáng thứ Ba, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trịnh Châu, sẽ bị phong tỏa một phần sau khi ghi nhận hai ca nhiễm một ngày trước đó.

Tâm dịch hiện tại của Trung Quốc là Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây. Thành phố 13 triệu dân này phong tỏa gần hai tuần qua và đã ghi nhận hơn 1.700 ca kể từ đầu tháng 12. Các cư dân thậm chí phàn nàn về tình trạng thiếu lương thực.

Kể từ tháng 3 năm 2020, chiến lược zero covid của chính phủ Trung Quốc — với việc kiểm soát biên giới chặt chẽ và hạn chế trong nước hà khắc — nhìn chung thành công. Song họ đứng trước một thách thức mới: omicron. Bất chấp phong tỏa, virus vẫn cứ lây lan. Thứ Ba ghi nhận thêm 175 ca mới.

Các hãng viễn thông Mỹ hoãn nối sóng 5G

Các khách hàng của AT&T và Verizon mong muốn trải nghiệm tốc độ internet cực nhanh trên điện thoại sẽ phải đợi lâu hơn một chút. Hai nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất nước Mỹ đáng lẽ sẽ tung ra dịch vụ 5G vào thứ Tư. Nhưng dưới áp lực của Cục Hàng không Liên bang Mỹ và Nhà Trắng, họ đồng ý hoãn hai tuần.

Chính phủ lo ngại phổ tần vô tuyến của các dịch vụ 5G sẽ gây nhiễu hệ thống điện tử hàng không trên một số máy bay cũ. Họ đã chuẩn bị ban hành các hạn chế bay. Hai công ty (và Ủy ban Truyền thông Liên bang) khẳng định công nghệ an toàn và đã đề nghị tự nguyện giảm độ mạnh sóng của họ, như các mạng di động Pháp đã làm. Tạm dừng hai tuần có thể ngăn chặn một cuộc đụng độ ngay bây giờ. Nhưng cả hai công ty đều muốn đưa dịch vụ của họ ra thị trường càng sớm càng tốt.

Tình hình bế tắc ở Sudan

Vào Chủ nhật, Thủ tướng Sudan đã từ chức trong tuyệt vọng sau khi nhậm chức chỉ sáu tuần. Abdalla Hamdok miễn cưỡng đảm nhận chức vụ này, sau khi được thả ra khỏi nơi giam giữ và được phục hồi bởi chính quân đội đã phế truất ông trong cuộc đảo chính ngày 25 tháng 10. Những nỗ lực của ông nhằm thuyết phục tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan ủng hộ cải cách dân chủ đã thất bại. Ông cũng không thể ngăn cản binh lính đàn áp người biểu tình ủng hộ dân chủ trên đường phố. Đến nay đã có hơn 50 người thiệt mạng kể từ tháng 10.

Trong khi ông al-Burhan đi tìm một thủ tướng dễ uốn nắn, các nhà vận động tuyên bố tiếp tục gây áp lực lên chế độ cho đến khi nó sụp đổ. Biểu tình lớn tiếp diễn vào thứ Ba sau khi hai người biểu tình bị lực lượng an ninh giết chết hôm Chủ nhật. Hầu hết các khoản vay và viện trợ dành cho đất nước đã bị đình chỉ, khiến nền kinh tế càng thêm trượt dài. Tương lai còn nhiều khó khăn chờ đợi quốc gia lớn thứ ba Châu Phi này.