Reply To: Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến

#14997
Anonymous
Inactive

Kỳ 3:

Phác thảo các tổ chức của công nhân Việt tại Pháp
Mục tiêu của những tổ chức công nhân Việt này là gì, và chúng khác với các nhóm chính trị công khai hơn, chẳng hạn như AIP của Nguyễn Thế Truyền, như thế nào?
Hiệp hội các đầu bếp được thành lập vào năm 1922 và phát triển trong những năm tiếp theo, tới vài trăm hội viên, chủ yếu là các đầu bếp hoặc gia nhân Việt. [1] Phần lớn trong số họ sang Pháp khi chủ Pháp của họ từ thuộc địa quay về nước, mặc dù họ thường chuyển sang làm ở một nhà mới sau khi đã đến Paris được một thời gian. Hội này lúc ban đầu vừa là một tổ chức xã hội, vừa là một hội tương trợ chung. [2] Các hội viên gặp nhau tại một quán café ở số 27 Đại lộ Hoche, Quận Tám. Địa điểm này được sử dụng cho cả những cuộc họp chính thức và các cuộc tụ tập thân mật. Theo báo cáo của chỉ điểm cảnh sát, những vấn đề như tiền bạc, công việc kinh doanh, các vụ tai tiếng, thuốc phiện và phụ nữ đều đóng vai trò lớn ngang với chính trị trong các cuộc trao đổi giữa các đầu bếp người Việt. Chẳng hạn, vào tháng 11 năm 1924, người ta nghe thấy đầu bếp Philippe Moi khoe tại quán café này là ông ta mới kiếm được năm mươi ngàn francs do buôn lậu thuốc phiện và người ta còn nợ ông tám ngàn nữa sau chuyến chuyển hàng cuối cùng cho chủ mình là Camille Aymard. Sau tuyên bố này của Phillipe, các đồng nghiệp của ông tiếp tục đánh bài, mặc dù cuộc bài bạc vui vẻ chẳng mấy chốc đã biến thành một cuộc cãi lộn ồn ào. [3]
Hiệp hội Travailleurs Manuels được thành lập vào năm 1923, có năm mươi hội viên vào năm đầu tiên và mấy năm sau thì tăng lên hai trăm. [4] Giống như Hiệp hội các đầu bếp, hội này tạo điều kiện cho hội viên giao tiếp và giúp đỡ lẫn nhau. Các nhóm này giành được sự tồn tại hợp pháp nhờ luật của Pháp quy định chức năng xã hội và tính chính đáng của các tổ chức giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, về mặt văn hóa, Hiệp hội các đầu bếp và Travailleurs Manuels dựa nhiều hơn vào truyền thống tương trợ lẫn nhau của người Việt, hoặc vào mơ ước chung của các di dân là được tụ họp với những người nói cùng thứ tiếng với họ và chia sẻ những kinh nghiệm tương tự như họ. [5]
Hiệp hội Travailleurs Manuels bao gồm các thợ sơn, đầu bếp, thư ký, thợ sửa ảnh và thợ cơ khí. Xét cho đúng ra, nhiều người trong số những công nhân Việt này là thợ thủ công hơn là người lao động bình thường, nhưng họ chỉ được trả công nhật từng ngày và không bao giờ biết chắc là hôm sau thì mình có việc làm không. [6] Ban đầu, họ gặp ở số nhà 20 phố Colisée ở Quận Tám, nhưng sau một năm ở Paris, nhóm này chuyển ra vùng ngoại ô ở Boulogne-sur-Seine, nơi phần lớn các hội viên làm việc tại một nhà máy sơn mài. [7] Những người biết chữ viết thư cho bất kỳ ai có thể giúp đỡ các hội viên về mặt vật chất, giúp họ giải quyết các mâu thuẫn với chủ và giúp họ sống sót được qua kỳ thất nghiệp. [8] Hiệp hội cũng tập trung tìm kiếm các nguồn tài trợ để giúp đỡ hội viên; việc xuất xứ nguồn tiền là từ các hoạt động tống tiền, buôn lậu, tài trợ của nhà nước hay do các cá nhân đóng góp đều không thành vấn đề. [9]
Vào đầu năm 1926, tổ chức này đã thành công trong việc đề nghị nhà nước Pháp trợ cấp cho số tiền mười hai ngàn francs một năm. Những thương lượng cụ thể với chính phủ không được ghi lại trong lưu trữ, nhưng có một tài liệu ghi lại việc Nguyễn Thế Truyền phê phán các hội viên của hội đã hy sinh tự do hoạt động chính trị để đổi lấy trợ cấp. Kế toán của hiệp hội Travailleurs Manuels đập lại rằng với đồng lương của các hội viên như vậy, chỉ cần một trận ốm hay mất việc cũng đủ dẫn đến thảm họa, vì vậy hội rất vui khi nhận được sự giúp đỡ của chính phủ. [10] Khoản trợ cấp này đồng nghĩa với việc ban quản trị hội phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu được giúp đỡ: cho các hội viên bị thất nghiệp, đau ốm, vợ ốm, con thơ, vân vân. Những yêu cầu đó dường như quá tải với ban quản trị trong việc chọn ra những người thích hợp cần được trợ giúp, dẫn đến vô số các cuộc cãi vã bất tận về việc ai là người quá lười biếng không chịu tìm việc làm hay liệu những cô bồ người Pháp của các hội viên có đáng được nhận trợ giúp không. Vào tháng 12 năm 1926, ban quản trị quyết định là tiền sẽ không dùng để trợ giúp những hội viên trong lúc cần thiết nữa, mà sẽ được dùng để trả cho các bữa tiệc mà mọi hội viên đều được mời. [11]

Các đảng của công nhân

Các đảng phái quan trọng đối với công nhân về nhiều mặt. Trước hết, đảng phái cho phép họ tái lập cảm giác về một cộng đồng xã hội trong những dịp lễ tết quan trọng. Điều này đặc biệt đúng vào dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Ở Việt Nam, hội hè thay thế cho tất cả công việc thường nhật trong ít nhất là ba ngày; những công nhân này lẽ ra đã về quê, thăm bạn bè và gia đình, trao đổi quà cáp và ăn những bữa cỗ theo phong tục. Ở Pháp, cuộc sống vẫn trôi đi như ngày thường, và di dân Việt vẫn phải đi làm. Trong những hoàn cảnh như vậy, họ cố gắng tụ họp với các đồng hương để cùng nhau ăn Tết. Tuy nhiên, vì những lý do thực tiễn, công nhân thường tổ chức những bữa tiệc lớn vào khoảng thời gian giữa Giáng sinh và đêm giao thừaTết Dương lịch, khi mọi người (Pháp) xung quanh họ đều đang ăn mừng, và nếu có thức khuya thì cũng dễ ngủ bù hơn.
Trên một bình diện khác, tổ chức những bữa tiệc của riêng mình khiến công nhân cảm thấy được độc lập và tự chủ. Công nhân phàn nàn là họ và gia đình không thể tham gia các bữa tiệc của sinh viên được vì lệ phí vào cửa quá đắt. Vì AMI nhận được khoản “tài trợ tai tiếng” là năm mươi ngàn francs, Etienne Dumont, vị chủ tịch lai Việt của Travailleurs Manuels, tuyên bố là giá tiền vào cửa chỉ là một thủ đoạn nhằm ngăn cấm công nhân và những khách nghèo không tham gia tiệc được mà thôi.
Chỉ điểm báo cáo rất nhiều về các bữa tiệc của công nhân, hẳn là vì khó mà bỏ qua những dịp tiệc tùng đó, và lại dễ tham gia mà không gây nghi ngờ gì. Thành phần tham gia tiệc khá hỗn tạp: phần lớn người tham dự là công nhân Việt, nhưng cũng có khá đông bạn bè và các cô bồ người Pháp của họ. Sinh viên và các nhà hoạt động người Việt thường tham gia với một con số khá nhỏ; chủ yếu để ra mắt hoặc quan sát các hoạt động. Đôi khi, một vài nhà hoạt động từ các thuộc địa khác cũng tham gia tiệc.
Bữa tiệc lớn đầu tiên do công nhân tổ chức diễn ra vào tháng 12 năm 1924. Hiệp hội các nhà đầu bếp tổ chức một buổi dạ hội vào đêm giao thừa dương lịch tại Café de l’Europe ở Quận Bảy (gần Quận Tám). Có khoảng sáu mươi gia nhân Việt và khoảng bốn mươi người khách tham dự. Cũng có năm hội viên của AMI tới dự và bàn luận về một chiến dịch chính trị họ đang thực hiện ở thuộc địa nhằm đuổi đại diện người Pháp Ernest Outrey và thay ông ta bằng một người Việt. Cuối phần khiêu vũ, chủ tịch hội Bùi Đức Thành quyên góp tiền cho những nạn nhân của những trận lụt gần đây ở Cochichina [Nam kỳ]. Quyên được 109 francs, Bùi Đức Thành tuyên bố là sau khi trừ đi những khoản chi cho dạ tiệc, nếu còn lại được đồng nào thì sẽ gửi hết cho nạn nhân lũ lụt. Ta có thể đoán được là một vài người có mặt ở đó phản đối ngón bịp này của Bùi Đức Thành, nhưng chỉ điểm không báo cáo về vụ cãi nhau nào vào đêm đó. [12]
Nhưng dù có lời qua tiếng lại thế nào chăng nữa, bữa tiệc của các đầu bếp đã để lại ấn tượng tốt cho công nhân Việt ở Pháp. Bữa tiệc trong năm sau còn lớn hơn về quy mô và mang tính chính trị hơn. Hai trăm người Việt và khoảng một trăm vị khách mời của họ đã tập trung tại một tiệm café ở Quận Tám ăn tiệc mừng giao thừa dương lịch năm 1925. Họ vừa khiêu vũ vừa lắng nghe Bùi Đức Thành phê phán chính sách thuộc địa của Pháp. Tại bữa tiệc này cũng có những người từ các thuộc địa khác của Pháp, bao gồm cả các nhà hoạt động lỗi lạc như Abdelkader Hadj Ali và Lamine Senghor. [13] Vào cuối năm 1925, thậm chí ngay cả khi Liên hiệp thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc đang tan rã thì liên minh chính trị liên thuộc địa vẫn còn quan trọng với tổ chức của các đầu bếp người Việt, hoặc ít nhất là theo chỉ điểm của cảnh sát, những người đã viết báo cáo về các sự kiện này. (Xin lưu ý là các mục đích chính trị này không ngăn cản hội viên trong hội khỏi cãi nhau về chi phí: có hội viên phàn nàn là họ chỉ được uống champagne và ăn bánh mì kẹp trong khi chi phí cao của bữa tiệc lẽ ra đã phải đủ để trả cho một bữa tối đầy đủ.[14])
Vào mùa thu năm 1925, người Việt trên khắp thế giới đều kinh qua rất nhiều biến động chính trị. Vị anh hùng dân tộc Phan Bội Châu bị bắt và bị đưa ra xử ở Hà Nội. Vào tháng 11 năm đó, chính trị gia được cho là cấp tiến Alexander Varenne được chọn làm toàn quyền mới của Đông Dương, dấy lên niềm hi vọng về những cải tổ chính trị. Ở Paris, một đầu bếp người Việt là Sai Văn Hóa tổ chức một bữa tiệc mừng Varenne trước khi ông lên đường sang thuộc địa. Tại bữa tiệc này, viên toàn quyền mới hứa hẹn với công nhân ở Paris là ông sẽ làm “tất cả mọi việc” vì họ. [15] Nhưng Varenne đã mau chóng gây thất vọng cho những người Việt đó. Họ tin rằng ông ta sẽ làm việc với Đảng Lập hiến Việt Nam vốn ôn hòa, để tiến hành những thay đổi to lớn trong chế độ thuộc địa độc tài. Varenne từng hiện thân cho niềm hy vọng rằng con đường cách mạng Phan Bội Châu chọn là sai và một cuộc cách mạng bạo lực là không cần thiết. Đối với nhiều người ở Paris, kể cả những người ôn hòa, niềm hy vọng đó bỗng trở thành ấu trĩ.
Một đoàn thể lớn khác của công nhân, Hiệp hội Travailleurs Manuels, tổ chức bữa đại tiệc đầu tiên của mình vào năm sau đó. Bữa tiệc được tổ chức vào ngày Noel năm 1926 tại trụ sở của Đảng Cộng sản Boulogne-Billancourt ở ngoại ô, nơi công nhân gặp gỡ và cũng là nơi làm việc của nhiều người trong số họ. Sau bữa tiệc, nhiều hội viên phàn nàn là bữa tiệc được tổ chức quá muộn nên trẻ con không tham dự được, là phòng không có hệ thống sưởi, và tiền bạc thì bị lãng phí một cách không cần thiết. Họ phê bình là những người tổ chức không tính toán chu đáo, ám chỉ rằng ban tổ chức đã chọn địa điểm này như một cách chuyển tiền cho các đồng minh cộng sản, hơn là vì sự tiện lợi cho các hội viên với một thời gian thuận tiện hơn. [16]
Kỳ lễ tết năm đó, Hiệp hội các nhà đầu bếp không tổ chức tiệc tùng. Thay vào đó, hội viên để dành tiền để đầu tư mở tiệm ăn của riêng họ ở Khu Latin.
(còn tiếp)
————
Chú thích:
1. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt, 3 SLOTFOM 4, dossier 46; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
2. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 26 tháng 2, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
3. Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 21 tháng 11, 1924, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Aymard sáng lập nhật báo La Liberté vào năm 1922.
4. Báo cáo tóm tắt không đề ngày tháng của cảnh sát về các tổ chức của người Việt; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 8 tháng 4, 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
5. Các tổ chức xã hội chung cung cấp nhiều lưới an toàn xã hội của Pháp vào những năm giữa hai cuộc thế chiến này. Paul V. Dutton, Origins of the French Welfare State: The Struggle for Social Reform in France, 1914–1947 (New York: Cambridge University Press, 2002); Michel Dreyfus, Liberté, égalité, mutualité: Mutualisme et syndicalisme (1852–1967) (Paris: Éditions de l’Atelier, 2001). Về các tổ chức tương trợ qua lại và xã hội của người Việt, xem Hy Van Luong, Revolution in the Village (Honolulu: University of Hawai‘i Press, 1992), 56–60; và Nguyễn Từ Chi, “The Traditional Việt Village in Bắc Bộ: Its Organizational Structure and Problems,” trong The Traditional Village in Vietnam, ed. Phan Huy Lê et al. (Hà Nội: Thế Giới, 1993), 78–114.
6. So sánh với các lao động công nhật làm việc ở các bến cảng ở Marseilles, những người lao động chân tay này có việc làm tương đối ổn định. Nhưng họ vẫn ghen tị với các đầu bếp và người ở vì những người kia có việc làm được bảo đảm hơn và có lương tháng (Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM). Để biết thêm về “hệ thống Marseille” của những người lao động không cố định, xem Lewis, “The Strangeness of Foreigners,” 70.
7. Báo cáo chỉ điểm Désiré, ngày 6 tháng 3, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
8. Xem Nguyễn Văn Hai, thư gửi Tổng thanh tra [Controleur Général] Bộ Thuộc địa về những nỗ lực của Phạm Văn Chước trong việc giành lại ảnh hưởng cá nhân, ngày 1 tháng 9 năm 1924, 3 SLOTFORM 4, dossier 46, CAOM. (Sau này Phạm Văn Chước trở thành chủ tịch Hiệp hội Lao động Chân tay).
9. Xem cuộc thảo luận của ban lãnh đạo vào tháng 4 năm 1924 về việc làm cách nào là tốt nhất để quyên tiền của Camille Aymard trong báo cáo của chỉ điểm Désiré, 17 tháng 4 năm 1924, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
10. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
11. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM.
12. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 8 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
13. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 14 tháng 1, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Cũng xem Brent Hayes Edwards, “The Shadow of Shadows,” Positions 11, no. 1 (2003): 18.
14. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 30 tháng 12, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
15. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 16 tháng 7, 1926, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. (Theo một ghi chú trong cùng hồ sơ này, ghi ngày 16 tháng 11, 1925, Sai Văn Hóa đã tiêu 1,300 francs cho bữa tiệc.)
16. Báo cáo chỉ điểm Désiré, 6 tháng 12, 1926, 30 tháng 12, 1926 và 4 tháng 1, 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Trong năm 1927, Hiệp hội những người lao động chân tay chia làm 2, sau khi chủ tịch và thủ quỹ tố cáo nhau là ăn cắp. Khi những công nhân có tư tưởng chính trị hơn cũng xin trợ cấp thì chính phủ đơn giản là ngừng toàn bộ tài trợ cho tổ chức này (Báo cáo của Bộ Nội vụ, ngày 8 tháng 8 năm 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM).
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.