Immanuel Wallerstein với lý thuyết Hệ thống Thế giới Hiện đại và Trung tâm-Ngoại vi

Tác giả: Hồ Sĩ Quý*

Lời Ban Biên tập: Lý thuyết Hệ thống thế giới hiện đại (Modern World-Systems Theory) mà trong đó, quan niệm về trung tâm và ngoại vi (Core – Peripheral Theory) đóng vai trò là cách tiếp cận chủ yếu, khám phá những quan hệ hiện thực đã kiến tạo nên hệ thống thế giới ngày nay, là một trong những lý thuyết khoa học xã hội đồ sộ nhất thế kỷ 20. Người đề xuất lý thuyết này là Wallerstein, nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ. Continue reading “Immanuel Wallerstein với lý thuyết Hệ thống Thế giới Hiện đại và Trung tâm-Ngoại vi”

Chiến tranh Ukraine sẽ không thay đổi tất cả!

Nguồn: Stephen M. Walt, The Ukraine War Doesn’t Change Everything, Foreign Policy, 13/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc chiến của Nga đã chính thức chấm dứt thời kỳ đơn cực của Mỹ và đưa thế giới quay trở lại trạng thái sẽ được giải thích tốt nhất theo chủ nghĩa hiện thực.

Không sớm thì muộn, giao tranh ở Ukraine sẽ dừng lại. Chẳng ai biết được nó sẽ kết thúc thế nào, và giải pháp cuối cùng trông sẽ ra sao. Có thể lực lượng Nga sẽ sụp đổ và rút lui hoàn toàn (khó xảy ra). Có thể Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bị loại khỏi chiếc ghế quyền lực và (những) người kế nhiệm ông sẽ chấp nhận một thỏa thuận hào phóng với hy vọng quay ngược thời gian (cũng khó xảy ra). Có thể các lực lượng Ukraine sẽ mất ý chí chiến đấu (rất khó xảy ra). Có thể cuộc chiến sẽ rơi vào bế tắc bất phân thắng bại, cho đến khi các bên kiệt sức và một thỏa thuận hòa bình được thương lượng (đây là dự đoán của tôi). Tuy nhiên, ngay cả trong kịch bản đó, thật khó để biết các điều khoản cuối cùng sẽ là gì hoặc chúng sẽ tồn tại trong bao lâu. Continue reading “Chiến tranh Ukraine sẽ không thay đổi tất cả!”

Xung đột Ukraina: Phân tích quan điểm của Nga qua Chủ nghĩa kiến tạo

Tác giả: Gofman Artem & Đinh Hồng Giang

“Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà chính quyền Nga đang tiến hành trên lãnh thổ của Ukraina đã làm bùng nổ trong cộng đồng quốc tế những tranh cãi về bản chất của cuộc xung đột và các phương án khả thi để chấm dứt khủng hoảng này. Khi giao tranh đang tiếp diễn, sẽ là quá sớm để xác định kết quả giữa các bên, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc cho cuộc đụng độ ở Ukraina thông qua lý thuyết quan hệ quốc tế.

Trong bài viết này, các tác giả cố gắng làm rõ quan điểm của Nga khi áp dụng biện pháp quân sự đối với Ukraina. Mục tiêu này được thúc đẩy bởi hai lý do sau. Thứ nhất, hiện có quá nhiều xuất bản về quan điểm của Nga, song chiến tranh thông tin đã để lại rất ít hoặc đã xoá bỏ hoàn toàn không gian cho các nghiên cứu công bằng, chưa kể tới những ảnh hưởng của “chứng sợ Nga” (Russophobia) đang tăng lên trên quy mô toàn cầu. Thứ hai, Nga là một trong những chủ thể chính trong cuộc khủng hoảng này, do vậy việc thấu hiểu quan điểm của Nga là điều kiện cần thiết để đạt được hoà bình trong tương lai gần. Continue reading “Xung đột Ukraina: Phân tích quan điểm của Nga qua Chủ nghĩa kiến tạo”

#267 – Triển vọng của chủ nghĩa kiến tạo đối với lý thuyết QHQT

Nguồn: Ted Hopf, “The Promise of Constructivism in International Relations Theory”, International Security, Vol. 23, No. 1 (Summer 1998), pp. 171-200.

Biên dịch và Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Chủ nghĩa kiến tạo – kẻ thách thức sự thống trị liên tục của chủ nghĩa tân hiện thực và tân tự do thể chế trong nghiên cứu QHQT ở Hoa Kỳ – thường bị các học giả “dòng chính [mainstream]” đánh giá với rất nhiều sự nghi ngờ.[1] Có nhiều lý do giải thích cho sự chào đón [không thân thiện] này, trong đó ba nguyên nhân chính là việc các học giả dòng chính đánh giá, một cách sai lầm, thuyết kiến tạo có tính chất hậu hiện đại [postmodern] và phản thực chứng [antipositivist]; bản thân thuyết kiến tạo cũng mâu thuẫn trong việc áp dụng các phương pháp xã hội học dòng chính mà vẫn không phải hy sinh sự khác biệt về lý thuyết của chúng; và, có liên quan đến mâu thuẫn trên, sự thất bại của thuyết kiến tạo đối với việc phát triển một chương trình nghiên cứu khác biệt [so với hai lý thuyết dòng chính còn lại]. Trong bài viết này, tôi sẽ làm rõ các luận điểm của phái kiến tạo, chỉ ra sự khác biệt giữa dòng kiến tạo “thường quy” [conventional constructivism] và “phê phán” [critical constructivism], và đề xuất một chương trình nghiên cứu có khả năng cung cấp một cách tiếp cận khác đối với các vấn đề quan hệ quốc tế chính yếu được nghiên cứu và một vài ví dụ chỉ ra những gì mà chỉ có thuyết kiến tạo mới có thể đóng góp vào việc nghiên cứu chính trị quốc tế đó. Continue reading “#267 – Triển vọng của chủ nghĩa kiến tạo đối với lý thuyết QHQT”

#266-Lý thuyết Quan hệ quốc tế và Việt Nam

Nguồn: Zachary Abuza, “International Relations Theory and Vietnam”, Contemporary Southeast Asia, Vol. 17, No. 4 (March 1996), pp. 406-419.

Biên dịch: Nguyễn Minh Tài | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Tóm lược: Mặc dù được tuyên truyền theo đường lối cách mạng vô sản quốc tế, chính sách đối ngoại của Hà Nội vẫn luôn dựa một cách chắc chắn vào các giả định của chủ nghĩa hiện thực. Với sự ra đời của chính sách Đổi mới, đã có sự chuyển đổi căn bản trong thế giới quan của Việt Nam: Hà Nội kiên quyết đi theo các nguyên tắc về sự phụ thuộc lẫn nhau phức tạp và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển biến này được thấy rõ ràng nhất trong mối quan hệ của Hà Nội với các nước ASEAN và Trung Quốc. Bài viết này lập luận rằng bởi vì Việt Nam không còn có thể đương đầu với Trung Quốc theo nghĩa Hiện thực truyền thống được nữa và cũng bởi vì Việt Nam quá nhỏ bé để ràng buộc Trung Quốc vào một mức độ phụ thuộc lẫn nhau nhất định nào đó, Việt Nam hy vọng sẽ kiềm chế hành vi của Trung Quốc thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau gián tiếp, thông qua tư cách thành viên ASEAN – một tổ chức Bắc Kinh cho là cần thiết để phát triển kinh tế của riêng mình. Continue reading “#266-Lý thuyết Quan hệ quốc tế và Việt Nam”

Trường phái Anh Quốc (English School)

ES-ir

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Nguồn gốc của Trường phái Anh Quốc có thể được coi xuất phát từ cuối những năm 1930. Không giống như những lý thuyết có nguồn gốc từ truyền thống dựa trên thuyết hành vi (bahaviouralist) hay thuyết thực chứng (positivist), Trường phái Anh Quốc đại diện cho tổng hòa cách tiếp cận pha trộn lý tính (rationalist) và luân lý (moralist). Nói cách khác, đây là trường phái tư tưởng tập trung vào các đặc điểm và nguyên tắc mang tính đạo đức, chính trị và xã hội của hệ thống quốc tế, và chỉ rõ những đặc điểm và nguyên tắc này vừa giúp hình thành vừa hạn chế lợi ích và hành động của các quốc gia như thế nào. Continue reading “Trường phái Anh Quốc (English School)”

#264 – Quản lý các vấn đề quốc tế

qhqt

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). Theory of International Politics (Chapter 9) (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 194-210.

Biên dịch: Nguyễn Thị Ngân Giang & Nguyễn Lương Đức | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics

Nếu như quyền lực không thực sự mang lại sự kiểm soát thì nó mang lại điều gì? Về cơ bản, nó mang lại bốn thứ. Đầu tiên, quyền lực cung cấp công cụ duy trì độc lập của chủ thể này khi đối mặt với áp lực từ các chủ thể khác. Thứ hai, quyền lực lớn hơn cho phép nhiều lựa chọn hành động hơn nhưng không thể bảo đảm kết quả của hành động. Hai lợi thế này đã được chúng ta thảo luận. Hai lợi thế tiếp theo cần làm rõ hơn.

Thứ ba, bên mạnh hơn có biên độ an toàn rộng hơn khi hành động đối phó với bên yếu hơn, và có tiếng nói trọng lượng hơn về cuộc chơi cũng như cách chơi. Duncan và Schnore đã định nghĩa quyền lực theo nghĩa sinh thái học là “khả năng của một nhóm các hành động hoặc vai trò đặt ra những điều kiện mà trong [điều kiện] đó những nhóm khác phải thực hiện chức năng của mình” (1959, tr. 139). Continue reading “#264 – Quản lý các vấn đề quốc tế”

Thuyết ổn định nhờ bá quyền (Hegemonic stability theory)

hegemony

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Thuyết ổn định nhờ bá quyền là một học thuyết trong quan hệ quốc tế, kết hợp giữa những tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực lẫn chủ nghĩa tự do. Thuyết này cho rằng hệ thống quốc tế sẽ có xu hướng ổn định hơn khi có một quốc gia bá quyền áp đảo toàn bộ hệ thống. Khi thực hiện vai trò lãnh đạo hệ thống, quốc gia bá quyền này có thể thông qua các biện pháp như ngoại giao, ép buộc hay thuyết phục, dụ dỗ… nhằm đưa ra và đảm bảo thực thi các nguyên tắc và các dàn xếp trong các mối quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa những quốc gia quan trọng nhất trong hệ thống. Continue reading “Thuyết ổn định nhờ bá quyền (Hegemonic stability theory)”

Thuyết chuyển đổi quyền lực (Power transition theory)

13756957204_28815235be_b_5

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Thuyết chuyển đổi quyền lực tập trung vào phân tích mối quan hệ giữa các cường quốc trong hệ thống quan hệ quốc tế khi xuất hiện thay đổi về cán cân sức mạnh. Mặc dù thừa hưởng nhiều yếu tố của chủ nghĩa hiện thực như xem sức mạnh và sự phân phối sức mạnh đóng vai trò thiết yếu trong việc phân định kết quả chính trị thế giới, nhưng Thuyết chuyển đổi quyền lực lại nhìn thế giới bằng một nhãn quan khác. Theo đó, trật tự thế giới không phải là vô chính phủ, mà được phân thành một hệ thống thứ bậc dựa trên sức mạnh của các quốc gia. Continue reading “Thuyết chuyển đổi quyền lực (Power transition theory)”

#263 – Nguyên nhân cấu trúc và tác động quân sự

us-military-bans

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). Theory of International Politics (Chapter 8) (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 161-193.

Biên dịch: Trần Thanh Tùng & Nguyễn Ngọc Dũng | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics

Chương 7 đã cho chúng ta thấy vì sao ít hơn lại tốt hơn. Nói rằng ít tốt hơn là nhiều không có nghĩa hai là tốt nhất. Sự ổn định của một cặp – hai công ty, hai đảng phái chính trị, một cặp vợ chồng, thường rất được hoan nghênh. Mặc dù nhiều nhà nghiên cứu chính trị quốc tế thường nghĩ hệ thống chính trị có nhiều siêu cường không hề ổn định, họ phủ nhận quan niệm phổ biến rằng hai là con số tốt nhất. Liệu điều đó có đúng? Vì sự ổn định, hòa bình hay bất kì thứ gì khác, liệu chúng ta có nên ưu tiên một thế giới với hai siêu cường hay là thế giới có một vài hoặc nhiều siêu cường? Chương 8 sẽ giải thích vì sao 2 là tốt nhất. Chúng tôi đã đạt được một vài kết luận sau khi phân tích sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế [ở chương trước], nhưng chương này sẽ dẫn tới một kết luận khác nữa. Vấn đề an ninh quốc gia trong một thế giới đa hay hai cực thể hiện một cách rõ ràng các lợi thế của việc có hai, và chỉ hai, siêu cường trong hệ thống. Continue reading “#263 – Nguyên nhân cấu trúc và tác động quân sự”

Sự thống nhất của các trường phái lý luận QHQT: Mô hình duy lý về hành vi quốc gia

nstate

Tác giả: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Tóm tắt: Các lý thuyết quan hệ quốc tế hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Luận điểm của các học giả thường khác biệt không chỉ với các lý thuyết khác nhau mà đôi khi còn trong nội bộ một lý thuyết. Tuy nhiên, ba trường phái chủ lưu có một điểm chung mang tính nền tảng là “mô hình duy lý về hành vi quốc gia”. Các lý thuyết chủ lưu đều lấy xuất phát điểm nghiên cứu là quốc gia-dân tộc và đều có giả định, dù vô tình hay hữu ý, về lợi ích và hành vi của quốc gia, mặc dù nhiều học giả như Kenneth Waltz đã tuyên bố rằng hệ thống quốc tế với cấu trúc vô chính phủ đã “lựa chọn” mẫu hình hành vi đơn vị (quốc gia), bất kể đặc tính đơn vị là gì. Bài viết dưới đây sẽ cố gắng làm rõ nền tảng duy lý chung của ba thuyết hiện thực, tư do và kiến tạo cũng như sử dụng mô hình hành vi duy lý này để làm rõ mối liên hệ giữa lợi ích với hành vi của đơn vị và mối liên hệ giữa đơn vị với hệ thống trong nền chính trị quốc tế. Continue reading “Sự thống nhất của các trường phái lý luận QHQT: Mô hình duy lý về hành vi quốc gia”

#262 – Nguyên nhân hệ thống và tác động kinh tế

intl politics

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). Theory of International Politics (Chapter 7) (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 129-160.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Như Thanh, Nguyễn Đỗ Thảo Đan, Hồ Phan Anh | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn Theory of International Politics

Chương 6 đã so sánh hai hệ thống quốc gia và quốc tế và chỉ ra hành vi và kết quả thay đổi như thế nào từ hệ thống này sang hệ thống khác. Các chương 7, 8, 9 sẽ so sánh các hệ thống quốc tế khác nhau và chỉ ra hành vi và kết quả thay đổi như thế nào trong các hệ thống có nguyên tắc tổ chức không đổi nhưng cấu trúc lại biến đổi cùng với thay đổi trong phân bổ nguồn lực giữa các quốc gia. Câu hỏi đặt ra ở chương này là chúng ta nên ưa thích hệ thống nhiều hay ít siêu cường? Phần I đi sâu hơn nữa vào lý thuyết. Phần II chuyển từ lý thuyết sang thực tiễn.[1] Continue reading “#262 – Nguyên nhân hệ thống và tác động kinh tế”

Lý thuyết trò chơi (Game theory)

chess

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Lý thuyết trò chơi là một cách tiếp cận để hiểu và phân tích hành vi hay quyết định của mỗi cá nhân và các nhóm cá nhân trong một tình huống mâu thuẫn. Bắt nguồn từ cơ sở toán học ứng dụng và sau đó là ngành kinh tế, lý thuyết trò chơi theo đuổi hai giả định căn bản. Thứ nhất, nó giả định mỗi cá nhân hay các nhóm cá nhân là một người tham gia trong một cuộc chơi và mục tiêu của họ là làm thế nào để giành lợi ích (có thể là chiến thắng hay giảm sự thiệt hại). Thứ hai, nó xem mỗi hành động của con người được dẫn dắt dựa trên nguyên tắc lý tính theo ý nghĩa là trước mỗi quyết định, cá nhân đều cố gắng tính toán xem lợi ích/thiệt hại của bản thân mình khi đưa ra quyết định đó như thế nào. Continue reading “Lý thuyết trò chơi (Game theory)”

Lý thuyết quan hệ quốc tế (International relations theories)

international-relations_0

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Lý thuyết quan hệ quốc tế (LTQHQT) là một tập hợp các góc nhìn, cách tiếp cận, mô hình, cũng như những cách lý giải về các hiện tượng diễn ra trong nền chính trị thế giới.

Chia sẻ những đặc tính một lý thuyết khoa học phải có, các học giả của bộ môn quan hệ quốc tế đề cập đến ba phạm trù chính khi bàn về LTQHQT. Một là bản thể luận (ontology), hai là nhận thức luận (epistemology) và ba là phương pháp luận (methodology). Trong khi bản thể luận bàn về những gì trong thế giới khách quan mà con người có thể nhận thức được (thế giới quan), nhận thức luận tập trung vào phương thức mà con người nhận thức thế giới, hay nói cách khác là phương thức mà qua đó tri thức được tạo ra. Còn phương pháp luận đề cập đến các phương thức tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng độ đúng sai của lý thuyết đó. Continue reading “Lý thuyết quan hệ quốc tế (International relations theories)”

#261 – Quyền lực, phụ thuộc lẫn nhau và chủ thể phi quốc gia trong chính trị quốc tế

globalization-edudemic

Nguồn: Helen V. Milner, “Power, Interdependence, and Nonstate Actors in World Politics: Research Frontiers”, in Helen V. Milner & Andrew Moravcsik (eds), Power, Interdependence, and Nonstate Actors in World Politics (Princeton, NJ: Princeton University Press, 2009), pp. 3-27.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Như Thanh & Nguyễn Lương Đức | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Vào giữa những năm 1970 một mô hình lý thuyết mới đã nổi lên trong lĩnh vực nghiên cứu quan hệ quốc tế (QHQT). Tuy nhiều luận điểm của mô hình này đã từng được thảo luận từ trước, Keohane và Nye đã tập hợp chúng lại với tư cách một lối tiếp cận mới đầy hứa hẹn có thể cạnh tranh được với chủ nghĩa hiện thực và tân hiện thực.[1] Xuất hiện lần đầu trong cuốn Power and Interdependence, mô hình lý thuyết này hiện nay được gọi là “thuyết tân tự do thể chế”. 30 năm sau sự xuất hiện của tác phẩm Power and Interdependence, mô hình lý thuyết tân tự do đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một lối tiếp cận khác, bên cạnh thuyết hiện thực, đối với QHQT. Công trình xuất sắc của Keohane, After Hegemony, hòn đá tảng của thuyết tân tự do thể chế, đóng vai trò là lời biện hộ về mặt lý luận thuyết phục nhất cho sự tồn tại và vai trò của các thể chế quốc tế trong nền chính trị thế giới.[2] Continue reading “#261 – Quyền lực, phụ thuộc lẫn nhau và chủ thể phi quốc gia trong chính trị quốc tế”

Hợp tác (Cooperation)

Cooperation

Tác giả: Hoàng Thanh Hằng

Theo Robert Axelrod và Robert O. Keohane, sự hợp tác diễn ra khi các chủ thể điều chỉnh hành vi của họ trước các mong muốn thực tế hoặc dự đoán về mong muốn của những người khác. Sự hợp tác không đồng nghĩa với sự hài hòa. Sự hài hòa đòi hỏi sự đồng nhất hoàn toàn của các lợi ích. Sự hợp tác diễn ra trong bối cảnh chứa đựng nhiều mâu thuẫn đối ngược và bổ sung nhau.

Mong muốn của mỗi chủ thể dựa trên những nhận định của họ về lợi ích. Việc lợi ích tương đồng nhiều hay ít tác động đến việc các chủ thể có hợp tác với nhau hay không. Khi lợi ích tương đồng các quốc gia dễ dàng hợp tác cùng nhau hơn, và khó hợp tác hơn khi lợi ích cách biệt nhau. Continue reading “Hợp tác (Cooperation)”

Hòa bình nhờ dân chủ (Democratic peace)

1344488828

Tác giả: Lê Hồng Hiệp

Thuyết hòa bình nhờ dân chủ lập luận rằng các quốc gia có hệ thống chính trị dân chủ tự do không bao giờ tiến hành chiến tranh chống lại nhau. Nhà nghiên cứu Jack Levy trong một bài báo đăng trên tạp chí Journal of Interdisciplinary History vào năm 1988 cho rằng đây có lẽ là thực tế trong quan hệ quốc tế có tính chất gần nhất với một quy luật thực nghiệm vốn hiếm hoi trong các ngành khoa học xã hội.

Thuyết hòa bình nhờ dân chủ được cho là bắt nguồn từ bài luận “Nền hòa bình vĩnh cửu” (Perpetual Peace) năm 1795 của Emanuel Kant, trong đó ông cho rằng giữa các quốc gia sẽ có được nền hòa bình nếu như họ theo thể chế cộng hòa tự do. Mặc dù Kant không đề cập đến khía cạnh dân chủ, nhưng thực tế các nền cộng hòa tự do nhìn chung có xu hướng theo đuổi dân chủ. Chính vì vậy có thể nói Kant chính là người khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên cho thuyết hòa bình nhờ dân chủ. Continue reading “Hòa bình nhờ dân chủ (Democratic peace)”

Chương trình 14 điểm (Fourteen Points)

us-wilson-desk

Tác giả: Phạm Thủy Tiên

Chương trình 14 điểm là bài diễn văn mà Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đã trình bày trong một phiên họp tại Quốc hội Mỹ vào ngày 8 tháng 1 năm 1918. Nội dung bài diễn văn bàn về mục đích chiến tranh và phương cách duy trì hòa bình sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mặc dù ra đời 10 tháng trước khi quân Đức đưa ra thỏa thuận ngừng chiến nhưng Chương trình 14 điểm vẫn được xem như là một kế hoạch chi tiết cho nền hòa bình thế giới, và được sử dụng rất nhiều trong Hội nghị hòa bình Paris 1919 cũng như Hiệp ước Versailles – đưa ra các quy định và điều khoản hậu chiến cho các nước tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Continue reading “Chương trình 14 điểm (Fourteen Points)”

Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism)

igo

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Chủ nghĩa tân tự do (neo-liberalism), còn được biết đến với tên gọi “chủ nghĩa tự do thể chế” (institutional liberalism), là một dòng nghiên cứu quan trọng trong các lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tân tự do ra đời trong những năm 1980, khi hợp tác giữa các quốc gia trở thành xu thế chủ đạo của chính trị quốc tế. Khác với trường phái tự do cổ điển tập trung vào câu hỏi chiến tranh hay hòa bình, chủ đề chính của chủ nghĩa tân tự do là các thể chế, định chế, quy tắc, luật pháp quốc tế và sự tương tác của các yếu tố này với lựa chọn chính sách của mỗi nhà nước. Continue reading “Chủ nghĩa tân tự do (Neo-Liberalism)”

Chủ nghĩa tự do (Liberalism)

laissez-faire

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ

Chủ nghĩa tự do (liberalism) hay cách “tiếp cận tự do” là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Xuất hiện từ thời kỳ cải cách tôn giáo thế kỷ 16 ở Châu Âu, chủ nghĩa tự do đã phát triển thành một trường phái gồm nhiều nhánh tư tưởng khác nhau mặc dù cùng chung những giả định cơ bản. Theo đó, chủ nghĩa tự do đề cao vai trò của các cá nhân, hạn chế vai trò của nhà nước, nhấn mạnh nguyên tắc thượng tôn pháp luật đồng thời bảo vệ các quyền tự do dân sự cá nhân, quyền sở hữu tư nhân… Theo đó, đối với chính trị trong nước, chủ nghĩa tự do cho rằng các chính thể cần tôn trọng và bảo vệ quyền tự do của các cá nhân, đặc biệt là các quyền tự do dân sự, đồng thời hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động của nền kinh tế. Continue reading “Chủ nghĩa tự do (Liberalism)”