Reply To: Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến

Home Diễn đàn Các môn học khác Lịch sử Việt Nam Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến Reply To: Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến

#14998
Anonymous
Inactive

Kỳ 4

Các tiệm ăn của công nhân

Nếu các bữa tiệc của công nhân đại diện cho những dịp hiếm hoi mừng lễ tết và xây dựng cộng đồng, thì nhà hàng cũng có tác dụng tương tự, nhưng ở mức độ thường nhật hơn. Công nhân Việt thư giãn sau khi làm việc hoặc vào cuối tuần bằng việc tụ tập giao tiếp xã hội tại các quán café và nhà hàng họ ưa thích. Gia nhân sống cùng chủ đôi khi lén lút lợi dụng dinh thự hoành tráng của chủ làm nơi tụ tập – chẳng hạn như khi Bá Sóc mời hai mươi đầu bếp khác tới ăn tối và nhảy đầm trong phòng khiêu vũ khi chủ nhân đi nghỉ mát xa nhà[i], nhưng công nhân thường không tiếp bạn tại những chung cư bé xíu của mình. Phần lớn thời gian công nhân gặp gỡ ở nơi công cộng, tại những địa điểm gần chỗ làm của họ hoặc gần nơi họ sinh sống.

Hành trình thông thường của công nhân Việt khiến họ không lai vãng đến những nơi sinh viên tụ tập, nhưng đôi khi công nhân cũng tới Khu Latin (Quận Năm và Quận Sáu). Chẳng hạn, có một tiệm bán hàng nhập khẩu do người Việt quản lý trên đường Geoffroy St. Hilaire, vì thế họ có thể tới đó để mua trà, gạo hoặc nước mắm. Mỗi khi sang phía Bờ Trái của sông Seine, công nhân có đến các café và nhà hàng mà sinh viên Việt thường lui tới: Các tiệm ăn Tàu trên đường Royer Collard và đường Cujas là những địa điểm được cả hai nhóm ưa thích; Café Turquetti trên đại lộ Saint-Germain cũng vậy. Nhưng thường xuyên hơn thì công nhân gặp gỡ tại các quán ăn ở Quận Tám hoặc Quận Mười Bảy, và sinh viên Việt gần như chẳng bao giờ mò tới những chỗ đó. Họ thích quanh quẩn gần quán café của Mich hơn.[ii]
Nhiều quán trong số những nơi công nhân thích đến là do người Pháp làm chủ, ví dụ Café Hoche ở Quận Tám, hoặc Café de l’Europe ở Quận Mười Bảy. Gặp gỡ ở những tiệm do người Pháp làm chủ có cái tiện nhưng cũng có những cái bất tiện. Khi đầu bếp Ngô Văn Minh muốn mở tiệm café của riêng mình, ông quyên góp tài trợ của đồng nghiệp bằng cách chỉ ra một số điều bất tiện: “Chúng ta tiêu tốn quá nhiều tiền vào những tiệm café do người Pháp làm chủ, nơi chúng ta không được tự do làm những gì mình thích. Cứ khi nào chúng ta có tranh cãi thì chủ tiệm lại dọa đưa chúng ta ra cảnh sát. Cảnh sát không có nhu cầu can thiệp vào công việc của chúng ta. Tại địa điểm của chính chúng ta, chúng ta có thể đánh bạc hoặc cãi nhau thỏa thích.”[iii]

Vị chủ tịch mới của Hiệp hội các đầu bếp là Hoàng Ngọc Hai ủng hộ đề nghị của Ngô Văn Minh và nói rằng “tất cả các đầu bếp ở Pháp cần phải được hưởng tự do tuyệt đối.” Nhưng các đầu bếp đồng nghiệp không dễ bị thuyết phục đầu tư vào tiệm café này. Một số người trả lời họ không có tiềm lực để đạt được tự do thực sự: “Chừng nào mà họ còn là người hầu, chừng đó họ còn sống trong cảnh nô lệ,” và do đó việc ai làm chủ nhà hàng mà họ lui tới thì có ý nghĩa gì? Đầu óc thực dụng của những đầu bếp người Việt này không bao giờ xa rời thực tế. Họ cũng biết rõ sự tiện lợi của việc tụ họp tại những địa điểm ít tách biệt hơn. Cảnh sát coi các tiệm ăn Châu Á là những nền móng nuôi dưỡng các hoạt động chống thực dân và các hoạt động tội phạm, vì vậy họ thường gửi chỉ điểm của mình đến những chỗ đó. Do thế, chúng ta có thể hiểu được tại sao công nhân Việt nghĩ rằng ít có khả năng họ bị theo dõi ở các tiệm café và nhà hàng của người Pháp hơn; hoặc ít nhất, chỉ điểm ở đó ít có khả năng hiểu được tiếng Việt hơn.[iv]
Tuy nhiên, ước mơ thoát khỏi kiếp tôi đòi và làm chủ một công việc kinh doanh hợp pháp vẫn tiếp tục kéo dài qua nhiều năm, đặc biệt là với những đầu bếp người Việt. Nhưng các chủ tiệm ăn Tàu đã nhanh chân hơn họ. Tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên bắt đầu quảng cáo trên Didot-Bottin Annuires ngay từ năm 1914, và tiệm thứ hai vào năm 1916. Từ sau năm 1920, Annuaire thường xuyên đăng quảng cáo một số tiệm ăn Tàu, phần lớn ở các Quận Năm, Quận Sáu và Quận Mười Hai. Một tiệm ăn Việt ở Quận Tám quảng cáo giữa năm 1926 và năm 1928 rồi biến mất; một tiệm khác, cũng ở Quận Tám, bắt đầu quảng cáo vào năm 1932. Phải mãi đến năm 1936 thì một tiệm ăn Việt, tiệm Sài Gòn, mới trở nên thịnh vượng ở Quận Năm. Ở Marseilles, tiệm ăn Trung Quốc đầu tiên quảng cáo trên Annuaire vào năm 1924 và tồn tại được ba năm thì đóng cửa. Rồi đến năm 1928, một tiệm khác được mở ra trên đường Torte. Đây là một trong ba tiệm ăn Châu Á duy nhất mãi cho đến đầu Thế chiến thứ II. Vào năm 1932, tiệm ăn đầu tiên có cái tên Việt rõ ràng mới xuất hiện; Tiệm mang tên chủ của nó, Nguyễn Quang Trung, tồn tại ở Marseilles đến năm 1943.

Ngoài những tiệm ăn có quảng cáo chính thức trên trang niên giám ra, nơi chủ tiệm có lẽ đã hy vọng và thậm chí đã có được một số khách hàng Châu Âu, chúng ta cũng có báo cáo của chỉ điểm cảnh sát về những tiệm ăn Việt tự phát kiểu “quán cóc”. Không mang biển hiệu và thường là ở trên gác, những tiệm ăn này phục vụ sinh viên, công nhân, binh lính và thủy thủ nghèo, tùy vào địa điểm của tiệm ăn. Những quán ăn kín đáo này có thể không chỉ mang đến cho khách hàng chất dinh dưỡng, mà còn phục vụ báo chí, thuốc phiện, ma túy, cờ bạc và những cuộc đàm luận chính trị. Cảnh sát thường là những người cuối cùng biết về những quán như vậy, nhưng vào năm 1927, các báo cáo đã lưu ý về một vài tiệm ăn kiểu đó ở Le Havre và còn nhiều hơn nữa ở Marseilles; vào thập niên 1930, cả Bordeaux và Paris đều có một số các địa điểm bất hợp pháp như vậy cho công nhân người Việt gặp gỡ.[v]

Một trong những chủ tiệm ăn Việt thành công nhất là một cựu thủy thủ, Đặng (Louis) Văn Thụ, người có một khách sạn-nhà hàng ở Le Havre mang tên Intercolonial [Liên thuộc địa]. Tiệm Intercolonial của Louis Văn Thụ rõ ràng không chỉ đơn giản là một nguồn thu nhập cho ông ta. Tên quán ám chỉ trực tiếp khát vọng liên kết các thuộc địa của Nguyễn Ái Quốc. Trong khi Ngô Văn Minh đề nghị quán của ông sẽ là nơi để bạn bè tụ tập hàng ngày (và cãi lộn), thì quan điểm chiến đấu của Đặng Văn Thụ khiến ông quyết định tập trung vào việc xây dựng sự đoàn kết và cách mạng. Nhà kinh doanh mang đầu óc chính trị này sử dụng lợi nhuận ông ta kiếm được từ việc kinh doanh nhà hàng ở Le Havre để ủng hộ các nhà hoạt động cấp tiến người Việt. Ông bị đưa vào hồ sơ của mật thám như là một kẻ khích động cộng sản, cho các nhà hoạt động chống thực dân thuê nhà hàng với giá ba trăm francs một đêm; số tiền thu được được chuyển cho các tờ báo của Nguyễn Thế Truyền.[vi] Bắt đầu từ năm 1926, Đặng Văn Thụ duy trì tiệm ăn của mình ở phố St. Nicolas như một địa điểm đón khách, nơi các thuỷ thủ ít quan tâm đến hoạt động chính trị ở Le Havre được tiếp xúc với loại thông tin mà Sở Mật thám Pháp coi là “tuyên truyền cách mạng chống thực dân.”[vii] Tới năm 1932 thì các hoạt động của ông chỉ tăng lên (chứ không giảm đi): “Không thể bác bỏ uy tín của Đặng Văn Thụ trong cộng đồng đi biển ở hải cảng này. Tất cả các thành phần cộng sản hầu như gặp nhau mỗi ngày tại tiệm ăn của ông ta. Họ tiến hành một tổ chức tuyên truyền cách mạng có hiệu lực, giữ quan hệ hợp tác mật thiết với các binh sĩ Châu Âu và da đen, lên boong tất cả các con tàu tới cảng này và kích động đồng bào của họ nổi loạn.”[viii] Thực vậy, sau khi Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Pháp, không có ai tài giỏi bằng Louis Văn Thụ trong việc xây dựng mạng lưới đoàn kết các di dân thuộc giai cấp lao động từ nhiều thuộc địa khác nhau của Pháp.

Đặng Văn Thụ tích cực khuyến khích những người khác theo gương ông. Vào tháng Tám năm 1926, đầu bếp Võ Văn Toàn đi từ Paris đến Le Havre để quảng bá tờ Việt Nam Hồn của Nguyễn Thế Truyền. Louis Văn Thụ đưa Võ Văn Toàn đi xem nhà hàng của mình và kể về chiến dịch xây dựng sự đoàn kết giữa người Việt để họ có thể bảo vệ quyền lợi của chính mình và sau này sẽ liên kết họ với những cảm tình viên thích hợp: “Các nhóm cộng sản của Le Havre đến những buổi họp này [tại tiệm Intercolonial], và mời người Việt tới chỗ họ; đây là sự hiểu biết lẫn nhau thực sự giữa các chủng tộc khác nhau.”[ix] Sau khi trở về Paris, Võ Văn Toàn thuyết phục các đầu bếp đồng nghiệp là nếu tất cả mọi hội viên đều nộp cho Hiệp hội các đầu bếp từ ba đến năm ngàn franc một người thì họ có thể mở được một tiệm ăn khả dĩ có lãi ở Khu Latin và thu hút được các khách hàng người Việt và người Tàu.[x]

Việc liệu lợi nhuận cuối cùng có được sử dụng cho mục đích cách mạng hay chỉ đơn giản là được chia đều cho các nhà đầu tư không được làm rõ, vì chẳng bao lâu sau, liên doanh này gặp rắc rối. Những chi phí dự tính để mở nhà hàng ngày một leo thang. Vào tháng 12 năm 1926, một hội viên (Trần Lê Luật) đã bỏ vào tới năm mươi ngàn francs, và ban điều hành Hiệp hội các đầu bếp đã kêu gọi được cả nhóm đầu tư 150,000 quan Pháp vào liên doanh mới, dự định được mở cửa vào tháng 2 năm 1927.[xi] Vào giữa tháng 12 năm 1926, Louis Văn Thụ từ Le Havre đi thăm Paris, gặp gỡ hội viên Hiệp hội các nhà đầu bếp và chúc mừng họ biết nhìn xa trông rộng, hoãn bữa tiệc Giao thừa thường niên để dồn vốn vào cho việc mở nhà hàng. Louis Văn Thụ cũng gặp riêng Nguyễn Thế Truyền và trao cho ông ta một số tiền mặt lớn cho “việc tuyên truyền cộng sản” và cho tờ Phục Quốc.[xii] Về phần mình, Nguyễn Thế Truyền bày tỏ hi vọng là ông ta có thể thuyết phục nhóm các đầu bếp đóng góp một phần lợi nhuận của quán ăn sắp mở cho tờ Phục Quốc, hay ít nhất là tổ chức quyên tiền tại nhà hàng cho tờ báo.[xiii]

Nhưng như ta đã thấy, vào ngày Tết năm 1927, kế hoạch mở nhà hàng của các đầu bếp đã đi vào bế tắc khi Ngô Văn Minh bị tố cáo là ăn cắp và [do đó] rút khoản tiền ông hứa đầu tư vào nhà hàng gồm sáu mươi ngàn quan Pháp. Các mối quan hệ gây khó chịu khá phổ biến trong nhóm này, và không phải ai cũng ngạc nhiên khi Ngô Văn Minh đổ tội cho bạn gái người Pháp của Võ Văn Toàn trong việc tố cáo mình ăn trộm. Sau khi nỗ lực của cả nhóm bị thất bại vào năm 1927, Võ Văn Toàn tình cờ trở thành một trong những đầu bếp đầu tiên mở tiệm ăn của riêng mình, khai trương khách sạn – nhà hàng Au Dragon de l’Annam [Con rồng An Nam] tại một vùng ngoại ô khá xa của Paris trên đường xe lửa đi Orleans.[xiv]
(còn tiếp)
——————
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143.
[i] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 12 tháng 1, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[ii] Báo cáo chỉ điểm Désiré, 18 tháng 8, 1927, và nhiều ngày tháng khác, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM
[iii] Báo cáo của chỉ điểm Durand, 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. (Ngô Văn Minh dường như cũng dễ bị cuốn vào những cuộc cãi lộn này, xem các báo cáo của chỉ điểm Désiré ngày 25 tháng 5 năm 1928 và 4 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.)
[iv] Báo cáo của Delegué du Service thuộc Controle et d’Assistance en France des Indigenes (CAI), 3 tháng 7, 1930, 3 SLOTFOM 14, dossier 714, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier, ngày 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[v] Báo cáo chỉ điểm Devèze (về nhà ăn của người Hoa ở Paris), ngày 2 tháng 2, 1921, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Thư của CAI Délégué (các nhà ăn Việt Nam ở Le Havre), ngày 14 tháng 10, năm 1927, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của Tướng Peltier (các nhà ăn ở Marseilles), 28 tháng 10 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM; Các lá thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa (các nhà ăn ở Bordeaux và Marseilles), ngày 24 tháng 1 năm 1931, và 10 tháng 4 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré (các nhà ăn ở Paris), ngày 14 tháng 3 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[vi]Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 8 năm 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Về tiếng tăm của Louis Văn Thụ như một kẻ kích động, xem báo cáo của Sở mật thám, ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[vii] Báo cáo không ký tên, ngày 16 tháng 4 năm 1927, và báo cáo của Sở Mật thám, ngày 7 tháng 12 năm 1928, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM. Để đọc các báo cáo khác về hoạt động của Văn Thụ, xem báo cáo của Sở Mật thám ngày 16 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM; Báo cáo của điều tra viên Henri, ngày 5 tháng 6, 1929, 3 SLOTFOM 4, dossier 47, CAOM; thư của CAI Délégué Fouque, ngày 11 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[viii] CAI Délégué gửi Bộ Thuộc địa, ngày 3 tháng 6 năm 1931, 3 SLOTFOM 1, dossier 327, CAOM.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 5 tháng 8, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[x] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 7 tháng 10, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xi] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 2 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 1 năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xiii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 29 tháng 12, 1926, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xiv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 3 tháng 3 năm 1927, 3 SLOTFOM 4 [dossier 19?], CAOM. Tiệm ăn ở số 83 phố St-Jacques ở Etampes, cách Paris 50 km về phía nam. Võ Văn Toàn có một thời gian ngắn có xu hướng thiên về chính trị cấp tiến (Quinn-Judge, Ho Chi Minh, 33). Nguyễn Ái Quốc ở tại căn hộ của Võ Văn Toàn ở 12 phố Buot (Quận 13) khoảng một tuần vào năm 1921; ông khiến vợ sắp cưới người Pháp của Võ Văn Toàn là Germaine Lambert nổi giận vì đã yêu cầu cô ta giặt đồ và nộp lương của cô ta cho sự nghiệp chống thực dân (Duiker, Ho Chi Minh, 76 and 593n50.) Vào năm 1935, Võ Văn Toàn bị bóp cổ chết; cảnh sát kết luận là ông ta bị giết vì cờ bạc và ghi chú là ông ta đã từ bỏ chính trị trước đó. Xem “Les étrangleurs jaunes”, Detective (August 29, 1935): 2.