Reply To: Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến

#15000
Anonymous
Inactive

Kỳ cuối

Công nhân và đàn bà

Khi mới khai trương nhà hàng của mình gần Tháp St. Jacques, Sai Văn Hóa đã ở độ tuổi ngũ tuần và mới lấy vợ. Giống như ông, nhiều công nhân Việt có bạn gái hoặc vợ người Pháp; nhiều người trong số này tham gia các sự kiện của nhóm.[i] Vào thập niên 1930, cũng có một số ít phụ nữ Việt sống ở Pháp, nhưng phần lớn công nhân tìm bạn gái trong tầng lớp lao động Pháp. Cuốn Đi Tây của Nhất Linh, xuất bản năm 1935, cho ta thấy hình ảnh sinh động về phụ nữ Pháp ăn cùng quán với bạn người Việt của họ: “Lắm cô ăn bằng thìa vì không quen cầm đũa; các cô bỏ đồ ăn lại, rưới nước mắm và xì dầu vào cơm, trộn đều lên rồi ngồi nhai lấy làm ngon lành lắm. Lắm cô cầm đũa rất thạo, cũng gắp cũng chấm, cũng gõ đũa vào bát, cũng cắn sợi giá làm đôi, y như một tiểu thư An Nam.”[ii] Đành rằng người kể trong tác phẩm của Nhất Linh là một sinh viên sang Pháp vào cuối thập niên 1920, và anh giao du với các sinh viên khác. Nhưng dù sao thì hình ảnh này cũng gợi lên quan hệ xã hội chan hòa mà có lẽ là có một số nét chung với các mối quan hệ giữa công nhân Việt và phụ nữ Pháp, những người kết bạn với họ.

Ta tự hỏi tại các sự kiện nói trên (và trong các cuộc hôn nhân) thì việc giao tiếp đa ngôn ngữ đạt được tới mức độ nào; liệu những phụ nữ đó có học một chút tiếng Việt để giao tiếp với bạn đời của họ không; và/hoặc những người Việt có biết đủ tiếng Pháp để giao tiếp với những phụ nữ Pháp này không. Rõ ràng là công nhân học đủ tiếng Pháp để có thể tồn tại được trong một môi trường tiếng Pháp đơn ngữ quá mạnh như vậy. Nhưng vào năm 1927, Hiệp hội các nhà đầu bếp đã tuyên bố thẳng thừng là nhóm này sẽ không hòa nhập với những người Việt nói tiếng Pháp. Nếu họ cứ khăng khăng nói tiếng Việt với bạn bè, liệu họ có nói tiếng Pháp với vợ không? Họ có thể đã gây áp lực khiến các bà vợ phải nói tiếng Việt bồi.[iii]

Chúng ta cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu những mối quan tâm của chính những người phụ nữ Pháp đó, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và chính trị. Họ có ảnh hưởng đến mức nào tới những người bạn đời nhập cư của họ? Khi một người lính Việt để quên một cái túi trong xe taxi trên đường ra tàu để trở về thuộc địa, nhà cầm quyền đã giao túi cho tổ chức AMI cùng với tất cả những đồ bên trong, bao gồm tài liệu bằng tiếng Nhật, một lá thư gửi Toàn quyền Varenne, một lá thư khác gửi cho anh lính đó từ một người làm cho tờ Việt Nam Hồn, và một cuốn hướng dẫn về vấn đề bỏ phiếu.[iv] Ai đưa cho anh ta tài liệu về quyền bỏ phiếu của phụ nữ đó? Liệu đó có phải là một phụ nữ Pháp, hy vọng lôi kéo anh vào thế giới của cô ta, vào những mối quan tâm của cô ta? Hay liệu chính anh ta quan tâm đến vấn đề chính trị đó, như một cách so sánh với tình cảnh của người dân thuộc địa, không được quyền bỏ phiếu cả ở Pháp hay ở thuộc địa?

Chỉ điểm của cảnh sát rất tận tâm trong việc đề cập đến những khi người ta thấy di dân Việt ở bên phụ nữ Pháp. Các quan chức Pháp chịu trách nhiệm theo dõi người dân thuộc địa ở Pháp bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hôn nhân dị chủng, bắt đầu trong Thế chiến thứ I và tiếp tục sau chiến tranh. Kiểm duyệt bưu điện thường tịch thu ảnh của phụ nữ da trắng được gửi kèm trong thư từ gửi về thuộc địa.[v] Và vào năm 1919, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa ra sắc lệnh sau: “Đơn của người dân thuộc địa yêu cầu được ở lại Pháp có thể đưa ra những lý do như học nghề, làm việc, hoặc học hành, nhưng thường xuyên thì những yêu cầu này che giấu những mối quan hệ không chính đáng hoặc các kế hoạch lấy vợ Pháp. Trong những trường hợp đó, trừ phi đã có một đứa trẻ hoặc người phụ nữ đã có thai, cần từ chối đơn yêu cầu mà không cần xem xét thêm.”[vi] Ở Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, các nhà chức trách không có thẩm quyền hợp pháp để ngăn cản những cuộc phối hợp như vậy, nhưng cả đàn ông lẫn đàn bà đều bị chê trách, thậm chí còn nặng hơn vì mối quan hệ liên chủng tộc của họ.[vii] Và đương nhiên là cảnh sát muốn biết về những cuộc phối hợp đó.

Vì vậy, sự hiện diện của phụ nữ Pháp giữa những người đàn ông Việt tại quán ăn, các bữa tiệc hoặc những vụ bài bạc vào buổi tối có nhiều khả năng được đưa vào báo cáo. Chỉ điểm thường tô vẽ thêm những chi tiết tục tằn như việc các cô bồ của đầu bếp đánh nhau ngoài phố, hay các rắc rối liên quan đến tình nhân của đầu bếp: một chỉ điểm viết là người vợ Pháp của một sinh viên (cộng sản) người Việt mới đây đã ăn cắp toàn bộ số tiền của sinh viên đó để nuôi bản thân và nuôi ba người đàn ông Việt khác trong khi họ đang mở một tiệm sơn mài tại vùng ngoại ô.[viii] Nhưng chỉ trong một số ít trường hợp là chỉ điểm cảnh sát ghi lại những lời mà chính những phụ nữ đó nói trong báo cáo của họ. Một trong những trường hợp hiếm có đó là khi một chỉ điểm tình cờ bắt gặp bà vợ người Âu của Ngô Văn Minh đang ăn tối riêng tư với một người đàn ông Việt khác khi Ngô Văn Minh có việc đi vắng khỏi thành phố. Bà ta tuyên bố một cách nôn nóng: “Tôi ra ngoài để tiêu khiển với một người bạn, vì gần đây tôi gặp nhiều chuyện không vui. Đừng có nghĩ đây là việc bất bình thường nhé; nếu chồng tôi chưa hiểu sống ở Pháp là như thế nào thì giờ này lão hẳn đã phải ở nước lão và tôi hẳn đã phải có một hay vài ông bồ.”[ix] Giống như những công nhân Việt mà họ giao du với, những người phụ nữ Pháp này có đủ loại khác nhau cả về thái độ và khát vọng. Giá mà ta có thể hiểu được hơn về những lựa chọn của những người phụ nữ này; nhưng không có con đường rõ rệt nào để tiến hành một nghiên cứu về cuộc đời của họ.

Công nhân và cuộc Đại khủng hoảng

Đại khủng hoảng trên toàn thế giới đã khiến cả những cuộc tranh giành huynh đệ tương tàn lẫn sự giúp đỡ tương ái trong cộng đồng người Việt ở Pháp đều gia tăng. Từ đầu thập niên 1930, có một loạt thư nặc danh gửi cho cảnh sát tố cáo các tiệm ăn Việt nhỏ tạo điều kiện cho nhiều tội ác, chẳng hạn như các hoạt động chính trị, cờ bạc và buôn lậu thuốc phiện.[x] Mặc dù không thể biết được tác giả của các lá thư đó là ai, nhưng có nhiều khả năng họ là những người cạnh tranh với chủ của những tiệm ăn bị tố cáo.

Điều này không có nghĩa là cảnh sát luôn có hành động sau những vụ tố cáo như vậy. Một cuộc đối thoại giữa những người Việt lưu vong, do một chỉ điểm thu lại, đặt ra cho chúng ta vấn đề về mục đích của người nói, nhưng đồng thời cũng cho ta thấy được nỗi lo ngại và nhận thức của họ về mục đích của cảnh sát Pháp:

Ho-van-Thinh và một nhóm bạn bày tỏ mong muốn được thấy nhà chức trách điều tra các tiệm ăn Tàu ở số 8, số 13 và số 15 đường Torte [ở Marseilles]…, nơi người Hoa và người Việt gặp gỡ để đánh bạc, ngày cũng như đêm. Về chuyện này, họ lấy làm tiếc là một một vài thanh tra cảnh sát đã ăn hối lộ của chủ những tiệm ăn này. Bui-van-Ban [bản thân cũng là chủ một tiệm ăn] tuyên bố họ nên gửi thỉnh nguyện đơn đến Bộ Nội vụ hoặc Bộ Thuộc địa mà không qua các quan chức địa phương vì sợ những người này không xem xét đơn của họ.[xi]

Dù sao đi nữa, trong những năm đó, ít nhất có tám tiệm ăn trên đất Pháp do người Việt làm chủ phải đóng cửa hoặc vì cảnh sát hoặc vì tình hình kinh tế khó khăn.[xii]

Sinh viên trên toàn nước Pháp cũng gặp khó khăn về tài chính. Cảnh sát ở Toulouse báo cáo: “Cho đến năm 1929, sinh viên nhận được đủ trợ cấp đều đặn từ gia đình. Họ sống sung túc; và tập trung vào việc học hành… [Nhưng] hôm nay, rất nhiều người trong số sinh viên Đông Dương này chỉ còn nhận được một khoản trợ cấp nhỏ… Một số cố gắng đi làm để tiếp tục việc học, nhưng họ không tìm được việc làm.” Ở Bordeaux, một cựu thủy thủ người Việt giờ là một chủ tiệm ăn cũng cố gắng giúp sinh viên bằng cách cho họ đồ ăn và đôi khi cho họ làm việc ở tiệm ăn của mình. Một thợ sơn ở Paris, ông Nguyễn Văn Kháng, khẳng định là sinh viên ở nhà trọ của ông ta tại gần Vườn Luxembourg không còn nhận được trợ cấp nhà gửi sang nữa và đã rơi vào cảnh nợ nần. Tuy nhiên, họ từ chối không chịu dọn ra khỏi Cité Universitaire [ký túc xá trường đại học] vì “họ thà chết đói còn hơn là chịu sự điều khiển của các nhà tư bản.” Nguyễn Văn Kháng cố gắng giúp đỡ sinh viên tối đa theo khả năng, nhưng ông ta không thể giải quyết vấn đề chính của họ – tìm việc làm trong thời gian đó khó khăn vô cùng.[xiii]

Như trong ví dụ của Nguyễn Văn Kháng cho thấy, công nhân Việt vẫn cảm thấy có một mối quan hệ chặt chẽ với các đồng hương lưu vong của mình. Công nhân cũng giúp đỡ các công nhân Việt khác trong thời gian khó khăn. Vào năm 1931, áp phích được dán đầy trong hai tiệm ăn Việt ở Marseilles, kêu gọi quyên góp cho các công nhân thất nghiệp ở Le Havre. Các thủy thủ đóng góp vài trăm francs để làm giảm bớt khó khăn của đồng bào.[xiv] Nhưng thời kỳ khủng hoảng kinh tế, cộng với làn sóng trục xuất người Việt sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930 đã dẫn đến sự gia tăng của nỗi “sợ bóng sợ gió” cũng như việc tố cáo đồng nghiệp kiếm tiền bằng cách làm chỉ điểm cho chính phủ Pháp trong cộng đồng người Việt.[xv]

Có thể vì việc trục xuất, vì Đại khủng hoảng, hoặc vì sự tố giác và sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng, nên bữa tiệc Tết vào tháng 2 năm 1931 hoàn toàn không hề đề cập đến chính trị, theo một chỉ điểm của cảnh sát. Chỉ điểm viên này viết là phần lớn khách dự tiệc là công nhân Việt và cũng có cả một số khá đông phụ nữ Châu Âu. Nhưng có rất ít sinh viên Việt, rất ít đàn ông Châu Âu, và một điều thú vị là cũng rất ít người Việt từ Đông Dương sang.[xvi]

Việc chỉ điểm viên đề cập đến xuất xứ vùng miền của những người tham dự bữa tiệc năm 1931 là một sự kiện khá hiếm thấy trong hồ sơ cảnh sát. Vấn đề nguồn gốc kích thích các nhà sử học nghiên cứu về chính trị của người Việt sống ở Pháp thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Ta được biết là phần lớn sinh viên đến từ Nam Kỳ (Cochinchina).[xvii] Có ít thông tin hơn về nguồn gốc của công nhân Việt ở Pháp, nhưng những nghiên cứu sơ bộ cho là phần lớn người Việt ở hải ngoại thuộc tầng lớp lao động lại đến từ Bắc Kỳ. Chúng ta biết rằng phần lớn binh lính [tirailleurs] và công nhân đến Pháp trong Thế chiến thứ I là từ miền bắc; vì vậy, về mặt thống kê, những người ở lại để tìm việc ở Pháp sau khi chiến tranh kết thúc hẳn cũng xuất thân từ miền Bắc.[xviii] Không may là báo cáo cảnh sát lại chỉ cho chúng ta biết xuất xứ cụ thể của vẻn vẹn có bảy công nhân: năm người xuất thân từ Bắc kỳ, một người từ Trung kỳ và một từ Nam kỳ. Nghiên cứu sâu thêm về họ của các công nhân cho thấy mười công nhân khác có thể xuất thân từ Bắc kỳ và chỉ có hai là từ Trung Kỳ hoặc Nam kỳ. Bùi Đức Thành, vị chủ tịch có thâm niên của Hiệp hội các nhà đầu bếp và một đồng minh của các nhà hoạt động sinh viên, cũng xuất thân từ Bắc kỳ.[xix] Cùng với giai cấp, ngôn ngữ và hoạt động thường nhật, xuất xứ vùng miền cũng lại là một nhân tố khác có xu hướng chia rẽ công nhân và sinh viên. Nhưng ví dụ về Bùi Đức Thành cho thấy là những nhân tố chia rẽ đó không phải luôn là nhân tố quyết định trước cuộc Đại khủng hoảng.[xx] Trong những ngày tháng khó khăn thời khủng hoảng, như chúng ta thấy, công nhân cũng cung cấp sự trợ giúp có giới hạn cho sinh viên, bất chấp những nhân tố tiếp tục chia rẽ họ.

Kết luận

Việc chính trị không được đề cập tại bữa tiệc năm 1931 nhấn mạnh sự hiện diện của chính trị tại các bữa tiệc những năm trước đó. Vì sao các bữa tiệc của công nhân trong thập niên 1920 lại mang nhiều tính cách chính trị hơn là các cuộc gặp mặt và trò chuyện thông thường? Có một sự khác biệt lớn giữa những điều được phát biểu tại các bữa tiệc thường niên của các tổ chức này và những ưu tiên hàng đầu của hội viên trong suốt thời gian còn lại của năm. Liệu các bữa tiệc có phải là một nhà hát chính trị, nơi công nhân có thể trình diễn trước mặt một lớp khán giả đã được chọn lọc cẩn thận? Nếu vậy, việc họ không còn biểu diễn chính trị nữa tại bữa tiệc năm 1931 có ý nghĩa gì?

Tôi biện luận là vào năm 1931, khán giả – sinh viên và những người Việt khác từ Nam kỳ– không có mặt ở bữa tiệc. Công nhân hy vọng đạt được điều gì vào những năm trước đó khi đóng những vai chính trị tương đối cấp tiến trước mặt sinh viên và các nhà hoạt động khi họ đến để quan sát các bữa tiệc của công nhân? Ở đây ta chỉ có thể phỏng đoán mà thôi. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu lãnh đạo của các tổ chức công nhân về bản chất mang tính chính trị nhiều hơn là phần lớn các hội viên. Nhưng nói chung, hội viên có thể hy vọng nhận được sự ủng hộ vật chất từ sinh viên bằng cách bày tỏ quan điểm chính trị tương tự. Họ không hòa nhập với các nhóm do sinh viên lãnh đạo và đẩy những lạc thú thường nhật của họ xuống vai trò thứ yếu cho những ưu tiên của sinh viên, nhưng nếu họ có thể nhận được sự trợ giúp kinh tế bằng cách mở rộng các bữa tiệc của mình cho khách mời trên một quang phổ rộng và có một vài diễn thuyết – thì họ làm được. Nhưng, nếu đó chính là kế hoạch của họ thì nó đã không thành công. Như chúng ta thấy, sinh viên trông đợi công nhân tài trợ cho các tờ báo của họ, nhưng về phần mình, sinh viên không giúp công nhân mua các tiệm ăn, hoặc thậm chí không giúp cả những việc như trả tiền thuê nhà hay hóa đơn thuốc men khi công nhân đau ốm.

Một cách giúp chúng ta suy nghĩ về sự chia rẽ giữa công nhân và sinh viên Việt nằm ở phía bên kia Đại Tây Dương, là so sánh sự chia rẽ này với Phong trào Ghadar lưu vong của Ấn Độ, có trụ sở tại California trong những những năm tháng xảy ra Thế chiến Thứ I. Maia Ramnath mô tả là Phong trào Ghadar được cấu thành từ hai bộ phận riêng rẽ: một nhóm nhỏ “trí thức trung lưu cấp tiến, phần lớn xuất thân từ Bengal” và một nhóm lớn gồm các nông dân Punjab.[xxi] Hai nhóm này sử dụng ngôn ngữ khác nhau và có những cách tiếp cận khác nhau; vì vậy giữa hai nhóm thường xảy ra căng thẳng. Nhóm trí thức ra tờ báo Ghadar [Nổi loạn], và nông dân phải tài trợ cho việc ra báo. Các trí thức Bengal cho rằng mình có vai trò giáo dục, đào tạo và hướng dẫn nông dân Punjab ở California và ở miền Tây bắc Thái Bình Dương; trong khi đó, nông dân không thấy có lý do gì để một nhóm nhỏ trí thức có quyền bảo họ phải làm gì. Thế nhưng cuối cùng thì họ tạo được một phong trào lớn mạnh và đã tìm được những mục đích chung để cùng chiến đấu vì nó. Làm thế nào mà họ vượt qua được những cản trở chia rẽ họ?

Thoạt đầu, họ có một lãnh đạo nhiệt tình và phóng khoáng là Har Dayal; ông khiến hai nhóm này hiểu được nhau, cả về nghĩa đen lẫn về mặt chính trị. Nhưng chưa đầy một năm sau khi tổ chức ra đời thì Har Dayal rời khỏi Mỹ. Giống như Nguyễn Ái Quốc, Har Dayal có thể đã nối kết các sợi dây riêng lẻ lại với nhau, nhưng cũng cần có một điều gì khác giữ cho chúng khỏi tan ra. Điều đó chính là sự phân biệt chủng tộc chống Ấn Độ lan rộng và công khai khắp Canada và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Luật [chống] hôn nhân dị tộc cấm nông dân Punjab lấy phụ nữ da trắng; họ bị coi là không đủ tư cách để trở thành công dân, và luật pháp không cho phép họ có quyền sở hữu tài sản. Hơn nữa, những khiêu khích từ Liên đoàn Bài trừ người Châu Á khiến nông dân Ấn Độ phải đối mặt với những đe dọa thường nhật về bạo lực và những hành vi thay mặt luật pháp tự xử [vigilantism] được chính phủ cho phép. Bất chấp tất cả những điều đó, chính phủ Anh không hề thay mặt họ đưa ra một phản đối chính thức nào. Ramnath biện luận một cách đầy thuyết phục là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cứng nhắc ở Mỹ đã khiến cho người Ấn Độ không có một lựa chọn nào để có thể xây dựng một cuộc sống sung túc, bình thường: sự phân biệt chủng tộc đã cấp tiến hóa nông dân Punjabi và đẩy họ vào vòng tay của Phong trào Ghadar của trí thức Bengal.[xxii]

Có một sự đối lập rõ rệt. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc tất nhiên có tồn tại ở Pháp trong những năm 1920, nhưng với một bản chất hoàn toàn khác biệt. Như chúng ta đã thấy, công nhân Việt ở Paris có thể (và đã) lấy vợ Pháp, họ có thể (và đã) sở hữu tài sản; và mặc dù việc một người dân thuộc địa trở thành một công dân Pháp khá khó khăn, nhưng không phải là không thể được. Họ cũng không phải đối mặt với bạo lực hàng ngày xuất phát từ những kẻ tự thay luật hành xử ở Pháp. Giống như nông dân trong Phong trào Ghadar, công nhân Việt bị tách rời khỏi các nhà hoạt động có học hành vì lí do giai cấp, ngôn ngữ, xuất xứ vùng miền, sự chia rẽ hàng ngày và các mối quan tâm khác biệt. Nhưng công nhân Việt ít phải chịu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hơn nhiều, vì vậy họ không buộc phải dấn thân một cách có tính chất xây dựng với sinh viên Việt ở Paris. Thay vào đó, công nhân có thể xây dựng một cuộc sống tương đối ổn định cho mình, lập gia đình và tham gia vào nhiều lạc thú trong đời sống ở Paris.

Cuối cùng thì các nhóm công nhân cũng không thể tránh chính trị: một đầu bếp gửi một bức điện nồng nhiệt tới Phan Bội Châu, còn một đầu bếp khác thì làm tiệc tiễn Toàn quyền Varenne; một số công nhân đóng góp quỹ có giới hạn của mình cho các tờ báo của phe quốc gia; một số người khác lại tiêu tiền vào thuốc phiện. Qua việc tham gia hay không tham gia vào những hoạt động, họ cho chúng ta thấy những ưu tiên chính trị của họ trong vai trò cá nhân và trong vai trò là hội viên của các tổ chức công nhân. Mức độ quan tâm họ dành cho công nhân bị áp bức trên thế giới có sự khác nhau rất lớn, nhưng điều gắn kết công nhân nhập cư người Việt lại với nhau là họ đã hỗ trợ cho nhau trong những lúc không ai có khác làm như vậy. Nhiều khi, thế cũng là đủ.

________________

Erica J. Peters sống và làm việc ở Mountain View, California. Bà cảm ơn những thành viên tham gia workshop Các đế chế và các nền văn hóa [Empires and Cultures] tại Đại học Stanford đã khuyến khích bà nghiên cứu về các tổ chức được bàn luận trong bài viết này và quan hệ của các tổ chức đó với các cộng đồng thuộc địa ở Paris. Bà cũng muốn cảm ơn Gary Wilder, Hue-Tam Ho Tai và các nhà thẩm định kín của Tạp chí Việt học vì đã cung cấp những nhận xét sâu sắc về tiểu luận này.

Tóm tắt: Để góp phần vào câu chuyện vốn đã được nghiên cứu kỹ về hoạt động của người nhập cư gốc thuộc địa ở Pháp, tiểu luận này tập trung vào vai trò của những nhóm ít nổi bật hơn. Bất chấp những lời hùng biện về việc trí thức hòa hợp với người dân, không hề có một liên minh nào tồn tại lâu dài giữa công nhân và sinh viên Việt ở Pháp trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến. Công nhân lập ra các tổ chức của riêng họ, trong đó đáng chú ý là Hiệp hội các nhà đầu bếp Đông Dương và Hiệp hội lao động chân tay. Nghiên cứu kỹ các nguyện vọng được bày tỏ, các hành xử hàng ngày và mạng lưới của những di dân thuộc tầng lớp lao động này cho ta thấy là ngôn ngữ và lề thói thường nhật cũng đóng vai trò lớn ngang với xuất xứ vùng miền trong việc chia rẽ cộng đồng người Việt ở Pháp thời kỳ giữa hai thế chiến.

Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143
[i] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 24 tháng 5 năm 1924 và 30 tháng 8 năm 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM; báo cáo của Bộ Nội vụ, ngày 8 tháng 8 năm 1927, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 20 tháng 2 năm 1926, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM; báo cáo của chỉ điểm H., tháng 6 năm 1929, 3 SLOTFOM 22, CAOM; báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM.
[ii] “Hành trình đứt đoạn: ‘Đi Tây’ của Nhất Linh” do Greg và Monique Lockhart dịch, East Asian History 8 (December 1994): 130.
[iii] Để thấy hoàn cảnh tương tự ở thuộc địa, xem Thúy Tranviet, lời giới thiệu cuốn Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng, do Thúy Tranviet dịch (Ithaca, NY: Cornell University Southeast Asian Program Publications, 2006), 16–18.
[iv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 3 tháng 7 năm 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. Tôi phỏng đoán chức vụ quân sự của Lê Thái Báu qua việc đề cập đến một hồ sơ quân sự tìm thấy trong chiếc túi.
[v] Le Van Ho, “Travailleurs,” 307, 426. Cũng xem một báo cáo năm 1928 của the Service du Contrôle des Militaires Indochinois en France, liên quan đến các tấm bưu ảnh có hình phụ nữ da trắng trong các trại lính người Việt, ngày 9 tháng 5 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[vi] Bộ trưởng Bộ Thuộc địa gửi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, 26 tháng 3 năm 1919, 1 SLOTFOM 1, dossier 8, CAOM.
[vii] Marie-Paule Ha, “Theme of Exile in Indochinese Return Narratives,” Mots Pluriels 17 (April 2001), http://www.arts.uwa.edu.au/Motspluriels/MP1701mph.html (truy cập ngày 4 tháng 10, 2006); Tyler Stovall, “Gender, Race, and Miscegenation: African Americans in Jazz Age Paris,” trong The Modern Woman Revisited: Paris between the Wars, eds. Whitney Chadwick and Tirza Latimer (New Brunswick, NJ: Rutgers University Press, 2003), 21–34; Mann, “Locating Colonial Histories,” 428; Yaël Simpson Fletcher, “Unsettling Settlers: Colonial Migrants and Racialised Sexuality in Interwar Marseilles,” trong Gender, Sexuality and Colonial Modernities, ed. Antoinette Burton (New York: Routledge, 1999), 85.
[viii] Báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 10 tháng 4 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. Cuộc họp thảo luận diễn ra ở Gentilly.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 30 tháng 9 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 4127, CAOM. Bản thân Trần Lê Luật, bạn của vợ Ngô Văn Minh, cũng lấy một phụ nữ Pháp tên Emélie. Ông bán trà, gạo và nước mắm cho các đồng hương khác ngoài việc là hội viên của AIP (báo cáo của chỉ điểm H., tháng 6 năm 1929, 3 SLOTFOM 22, CAOM).
[x] Báo cáo không có chữ ký, ngày 16 tháng 3 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 10 tháng 4 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo không có chữ ký, ngày 27 tháng 11 năm 1933, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[xi] Thư của CAI Délégué Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 21 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xii] Thông tin này đề cập đến một vài thành phố và không thể xác quyết, nhưng con số này có thể sử dụng như con số tối thiểu. Xem Đặc nhiệm của Bordeaux gửi Bộ Thuộc địa, ngày 12 tháng 1 năm 1931; Đặc nhiệm của Dunkerque gửi Sở Mật thám, ngày 29 tháng 6 năm 1931; báo cáo của chỉ điểm Guillaume, ngày 29 tháng 8 năm 1931; Fouque gửi Bộ Thuộc địa, ngày 22 tháng 3 năm 1932; báo cáo của chỉ điểm Durand, ngày 29 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.
[xiii] Đặc nhiệm của Toulouse gửi Phòng Mật thám, ngày 1 tháng 2 năm 1933; Báo cáo của chỉ điểm Durand trích dẫn Kháng, ngày 29 tháng 4 năm 1932, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM. Cũng xem Le Huu Khoa, Les Vietnamiens en France, 35; Ho Tai, Radicalism, 239–40; McConnell, Leftward Journey, 140
[xiv] Kiểm soát viên Quân sự Đông Dương (Marseilles) gửi CAI, ngày 12 tháng 12 năm 1931, 3 SLOTFOM 22, CAOM.
[xv] Thư của CAI Délégué Fouque, 17 tháng 12 năm 1930, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM; Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 16 tháng 1 năm 1929 và 11 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[xvi] Báo cáo của chỉ điểm Marius về bữa tiệc Tết ngày 17 tháng 2, 18 tháng 2 năm 1931, 3 SLOTFOM 23, CAOM
[xvii] Hémery, “Du patriotisme,” 14, 22–23; Ho Tai, Radicalism, 57, 71, 241; McConnell, Leftward Journey, 120.
[xviii] Le Van Ho, “Travailleurs,” 234, 435. “Rapport sur le recrutement des indigènes demandé à l’Indochine de Août à Décembre 1915,” do Tướng Lombard, ngày 20 tháng 11 năm 1916, 1 SLOTFOM 1, dossier 1, CAOM.
[xix] Báo cáo của Thuyền trưởng Le Baron về lý lịch của trung sĩ Bùi Đức Quan, ngày 13 tháng 3 năm 1928, 3 SLOTFOM 22, CAOM. Trung sĩ Bùi Đức Quan có thời gian ở Paris với anh họ là Bùi Đức Thành
[xx] Trong bối cảnh này, chúng ta cũng nên lưu ý đến con đường lỗi lạc của một công nhân đến từ Nam kỳ, người đã trải qua một thời gian ở Pháp: trong Thế chiến thứ I, Tôn Đức Thắng, sau này là chủ tịch Đảng Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sau Hồ Chí Minh, khi đó là một thợ cơ khí ở Toulon và sau này được biết đến như một nhà cộng sản miền nam với lý lịch xuất thân từ giai cấp lao động rất vững vàng. Xem Christoph Giebel, Imagined Ancestries of Vietnamese Communism, Ton Duc Thang and the Politics of History and Memory (Seattle: University of Washington Press, 2004).
[xxi] Những tài liệu phần sau xuất phát từ tiểu luận sâu sắc của Ramnath, “Two Revolutions: The Ghadar Movement and India’s Radical Diaspora, 1913–1918,” Radical History Review 92 (Spring 2005): 7–30.
[xxii] -nt-, 9, 22, 25–26.

Nguồn: Talawas