Ẩn số Tân Cương

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #2997
      NCQT
      Keymaster
      Đối với người bên ngoài, Tân Cương luôn là vùng đất của sự bí ẩn. Vùng đất nằm ở phía Tây Trung Quốc và chiếm 1/6 lãnh thổ nước này vốn là một phần của con đường tơ lụa thời cổ đại, cầu nối của Trung Quốc với khu vực Trung Á và Trung Đông. Thế nhưng những năm gần đây khu vực này luôn gắn liền với sự bất ổn kéo dài liên tục.

      Mới đây nhất, ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm vùng này, một vụ nổ lớn xảy ra ở nhà ga tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương, khiến ít nhất 3 người chết và 79 người bị thương.
      Cuộc tấn công này được coi như một thông điệp đầy thách thức với chính phủ Bắc Kinh vì đây là lại chuyến thăm đầu tiên của ông Tập tới Tân Cương trên cương vị Chủ tịch nước. Quan trọng hơn, một trong những mục tiêu của chuyến đi là tìm kiếm sự đồng thuận đoàn kết lại bị đáp trả bằng vũ lực.
      Trung tâm hay vùng trũng
      Năm 1933, quân nổi dậy Turkish ở Tân Cương tuyên bố độc lập và thành lập nhà nước Cộng hòa Đông Turkestan đầu tiên (hoặc Cộng hòa Hồi giáo Đông Turkistan), nhưng 1 năm sau đó lại được sáp nhập vào Trung Quốc.
      Năm 1944, các bộ phận của Tân Cương một lần nữa tuyên bố độc lập, sau đó thành lập nhà nước Cộng hòa Đông Turkistan thứ hai với sự hỗ trợ của Liên Xô. Năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc chiếm lãnh thổ và tuyên bố nó là một tỉnh của Trung Quốc, là “phần không thể tách rời của nhà nước Trung Hoa thống nhất đa sắc tộc”.
      Tuy nhiên, sự hiện diện của 2 nhà nước Cộng hòa Đông Turkistan là cơ sở lịch sử cho thấy nhu cầu độc lập và tự chủ của người Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Tính chiến lược trong địa chính trị của khu vực này ngày càng hiện rõ sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự ra đời của 5 quốc gia Trung Á độc lập – Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
      Sự bất ổn định từ bên ngoài làm tăng tốc những yếu tố bất ổn từ bên trong.
       Một góc của Tân Cương – Nguồn ảnh: Xinhua
      Trong những năm 1990, Bắc Kinh đã thúc đẩy tăng trưởng của Tân Cương bằng cách tạo ra các khu kinh tế đặc biệt, trợ cấp cho nông dân trồng bông, tái cấu trúc hệ thống thuế cũng như các công trình cơ sở hạ tầng khác.
      Tuy vậy, hơn 75% dân số Urumqi (thủ phủ của Tân Cương với 2 triệu người) là người Hán. Các sản phẩm hàng hóa xuất phát từ người Hán đã thống trị nền kinh tế địa phương và các nguồn tài nguyên có giá trị ở Tân Cương, từ đó vô tình tạo ra cảm giác thất vọng, bất mãn trong lòng các dân tộc bản địa.
      Sự bấp bênh về kinh tế và bất bình đẳng so với dân di cư người Hán tiếp tục khiến cho mối lo ngại của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ rằng không chỉ khu vực Tân Cương bị lấy mất, mà ngay cả người Duy Ngô Nhĩ cũng sẽ bị đồng hóa bởi người Hán. Và do đó bản sắc Duy Ngô Nhĩ có thể biến mất trong tương lai không quá xa.
      Có thể nhìn thấy rằng, những bất ổn ở khu vực này từ 2009 đến nay, xuất phát từ nỗi sợ hãi không tên nói trên.
      Vì những mối ràng buộc về văn hóa giữa tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và những quốc gia láng giềng, Trung Quốc lo sợ rằng các quốc gia này sẽ hỗ trợ cho phong trào ly khai ở đây.
      Để giữ cho các quốc gia này không có khả năng kích động người dân Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc đã thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải thắt chặt mối quan hệ các nước. Tổ chức hợp tác Thượng Hải được tạo ra để “đảm bảo sự hỗ trợ cho các quốc gia Trung Á” đồng thời “ngăn chặn mối liên kết giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại các quốc gia này và Tân Cương”.
      Tuy vậy, trong một thời gian dài, nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã tìm cách sang Pakistan, Afghanistan và tiếp xúc với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng lực lượng này có thể thúc đẩy hoạt động chống phá nhà nước, đó là lý do tại sao họ đã tuyên bố sẽ trừng trị thẳng tay 3 “lực lượng chống phá” ở Tân Cương – phong trào ly khai, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố.
      Tìm kiếm sự ổn định
      Sau một loạt vụ bạo động liên quan đến lực lượng Duy Ngô Nhĩ ly khai và các tổ chức Hồi giáo cực đoan trong những năm 1980 và 1990, chính phủ Trung Quốc tìm kiếm sự cân bằng thông qua một chính sách mang tên “ổn định trên hết” ở Tân Cương. Các quan chức đã nhất trí rằng Tân Cương có một “vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng” trong tiến trình phát triển quốc gia. Phát triển sẽ đặt nền tảng các giải pháp cho mọi vấn đề ở khu vực này.
      An ninh tại Tân Cương ngày càng được thắt chặt – Nguổn ảnh: http://www.asianews.it 
      Vào cuối tháng 3.2010, lãnh đạo của 19 tỉnh, thành phố giàu có được gọi đến Bắc Kinh để tham dự một hội nghị cung cấp hỗ trợ cho sự phát triển của Tân Cương theo mô hình “hỗ trợ kép” bằng cách cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ, quản lý và tài chính.
      Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lúc đó yêu cầu đến năm 2015, GDP bình quân đầu người ở Tân Cương phải bắt kịp với mức trung bình của cả nước và thu nhập của người dân và khả năng tiếp cận các dịch vụ công cơ bản phải đạt mức trung bình như các tỉnh phía Tây của đất nước. Trong suốt thời gian này, những tiến bộ “đáng lưu ý” phải được thực hiện trong cơ sở hạ tầng của khu vực, khả năng tự phát triển, đoàn kết dân tộc và ổn định xã hội.
      Các nhà lãnh đạo gặp vấn đề trong việc dự đoán quá trình phát triển kinh tế. Hiện đại hóa kinh tế sẽ tạo ra làn sóng di dân từ nông thôn vào thành phố. Những người di cư này thường có kỳ vọng không thực tế. Họ có thể bị thất vọng từ đó có thái độ thù địch với một số khía cạnh như văn hóa và đó là lý do hình thành chủ nghĩa cực đoan. Trường hợp nhiều người nổi loạn ở Urumqi chủ yếu là thanh thiếu niên đến từ các vùng nông thôn ở phía nam Tân Cương.
      Xung đột sắc tộc là một trong những hệ quả của sự tăng trưởng kinh tế không đồng đều.
      “Đoàn kết dân tộc và hoàn thành xây dựng Tân Cương” được lập lại nhưng một khẩu hiệu chính trong chuyến đi của Chủ tịch Tập. Ông khuyến khích học sinh tại một trường tiểu học địa phương học song ngữ – nói cả hai ngôn ngữ Duy Ngô Nhĩ và tiếng phổ thông Trung Quốc. Dạy trẻ em dân tộc thiểu số nói tiếng Hoa, truyền thông Trung Quốc trích lời Tập Chủ tịch rằng sẽ “không chỉ làm cho các sinh viên dễ tìm công ăn việc làm trong tương lai, quan trọng hơn, nó sẽ làm cho một đóng góp to lớn đẩy mạnh đoàn kết dân tộc”. Ông cũng khuyến khích các giáo viên nói tiếng Hoa học tiếng Duy Ngô Nhĩ để giao tiếp tốt hơn với các sinh viên của họ.
      Tương lai trong tay ai?
      Bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc dẹp yên chủ nghĩa ly khai, một vụ việc nổi bật đáng lo đó là mối liên hệ giữa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai ở Tân Cương và chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo xuyên quốc gia tại Trung Á. Tân Cương có chung biên giới với 5 quốc gia Hồi giáo Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Pakistan.
      Mặc dù các quốc gia này phản đối bất kỳ phong trào đòi ly khai nào của người Duy Ngô Nhĩ, nhưng người dân ở các quốc gia này và ngay cả những người ở Trung Đông đều nhận thấy rằng người Duy Ngô Nhĩ đang gặp khó khăn trong việc thích nghi ngay trên mảnh đất quê hương của mình.
      Câu chuyện Tân Cương là vấn đề quốc tế vì Trung Á là nơi giao thoa lợi ích của các nước lớn như Trung Quốc, Nga và Mỹ, điều này đồng nghĩa không một quốc gia nào có thể giành vị trí lãnh đạo bá quyền tại khu vực này. Chính sách Trung Á của Trung Quốc cần phải được thương lượng thông qua các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các cường quốc cũng như các nước trong khu vực.
      Lực lượng ly khai nổi bật nhất ở Tân Cương là phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (Etim), với bề ngoài là một tổ chức khủng bố. Người ta cho rằng phong trào ly khai ở Tân Cương là tự phát nhưng thực ra các hoạt động này đã nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài như từ các phong trào thánh chiến quốc tế, đặc biệt là từ Al-Qaeda và phong trào Hồi giáo Al-Qaeda liên quan đến Uzbekistan.
       Tân Cương ngày nay qua ‘bàn tay’ của chính quyền Bắc Kinh – Ảnh: www.farwestchina.com
      Vấn đề Tân Cương tác động đến tình hình Trung Quốc, Trung Á và thậm chí là cả cho khu vực Á – Âu. Như vậy, mặc dù Tân Cương là một vấn đề nội địa của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cần có sự góp mặt của các quốc gia như là một cách xử lý đa phương thông qua Tổ chức hợp tác Thượng Hải.
      Ngược lại, việc cố gắng đồng hóa chính trị sẽ có thể càng làm họ dùng bạo lực chống lại Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu độc lập cho Tân Cương. Điều này thực tế có khả năng biến Tân Cương trở thành một Palestine của châu Á, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào cách xử lý tình huống của Bắc Kinh.
      Hiện tại cũng chưa rõ Bắc kinh sẽ thiết lập bản sắc dân tộc Trung Quốc cho những người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, Phật giáo và một số nhóm khác như thế nào, để đạt được sự hòa hợp dân tộc.
      Ông Hồ Cẩm Đào kêu từng gọi sự giáo dục toàn diện, thống nhất dân tộc là để giúp đỡ người dân địa phương xác định “quê hương tuyệt vời, đất nước Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc và một con đường phát triển xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc”. Mặt khác, ông nói rằng sự lãnh đạo của Đảng sẽ đi kèm với hệ thống hiện có của các khu vực của dân tộc thiểu số.
      Tuy nhiên việc thúc đẩy hội nhập giữa các nhóm dân tộc khác nhau dựa trên các hệ thống hiện tại vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.