Đàm phán mật về Hong Kong và nỗi buồn của bà Thatcher

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Tagged: 

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #30671
      NCQT
      Keymaster

      Đàm phán mật về Hong Kong và nỗi buồn của bà Thatcher

      Ngay từ năm 1958 Bắc Kinh đã phản đối một số nỗ lực từ phía Anh muốn tăng quyền và đổi quy chế cho Hong Kong và nhất quyết đòi lại chủ quyền.

      Nhưng đàm phán mật của thủ tướng Anh Margaret Thatcher với Trung Quốc thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình trong các năm 1982-84 đã quyết định số phận vùng lãnh thổ mà không có tham vấn dân.

      1-Tất cả chỉ vì lãnh thổ mở rộng ở Tân Giới

      Về nguyên tắc, quan hệ Anh với Hong Kong được xác định qua ba hiệp ước với nhà Thanh.

      Năm 1862, Thanh triều nhượng lại hoàn toàn đảo Hong Kong (Hương Cảng) cho Anh.

      Năm 1860, Anh nhận thêm bán đảo Cửu Long, nhỏ hơn nhiều so với Hong Kong nhưng có ưu điểm là gắn liền với Quảng Đông.

      Sang năm 1898, Anh ký với nhà Thanh, thuê vùng Tân Giới (San-gaai) từ Cửu Long về phía Bắc, vào sâu lãnh thổ Trung Hoa, đến tận bờ nam của sông Thâm Quyến, cộng thêm trên 200 đảo xung quanh Hong Kong.

      Khác với hai điều ước trước, điều ước ‘Mở rộng địa giới’, đem lại cho Anh thêm 952 km2 đất đai, lại chỉ là thuê đất, tới 1997.

      Bắc Kinh sau nay yêu cầu đàm phán trước hạn 1997 để xem xét số phận của cả Tân Giới, Hong Kong và Cửu Long.

      Về mặt lý thuyết, Anh có thể giữ đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long, chỉ trả lại Tân Giới.

      Nhưng về mặt thực tế thì điều này là không tưởng vì quá nửa công dân Hong Kong sống, làm việc tại Tân Giới, và vùng đất này trở thành phần không thể tách ra về kinh tế, xã hội, nguồn nước…cho toàn bộ thuộc địa Anh.

      Sau khi Đế quốc Anh tan rã, các thuộc địa Singapore, Malaysia và Ấn Độ đều độc lập, Anh không còn quân đóng ở Đông Á nên số phận Hong Kong chỉ là vấn đề thời gian.

      2- Ba lần Trung Quốc đe dọa

      Ngay từ ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949), dù không có quan hệ ngoại giao với London, Bắc Kinh vẫn có các tiếp xúc với Anh vì vấn đề Hong Kong.

      Năm 1958, Anh có kế hoạch biến Hong Kong thành lãnh thổ phụ thuộc (dominion) như Singapore và một số đảo thuộc địa.

      ‘Dominion’ có quyền tự trị rộng rãi hơn thuộc địa (colony), và tương lai có thể trở thành độc lập.

      Nhưng Thủ tướng Trung Quốc, ông Chu Ân Lai đã ngay lập tức phản đối, rằng mọi “hành động thay đổi quy chế của Hong Kong” là “thù địch”.

      Anh Quốc không đạt được mục tiêu này nên tìm cách tăng quyền dân chủ nội bộ cho người Hong Kong, và cũng gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc.

      Năm 1960, Trung Quốc đe dọa “tấn công đánh chiếm” (potential invasion) nếu Anh tiếp tục với sáng kiến tăng dân chủ cho Hong Kong.

      Trong đàm phán 1982-84, theo lời kể lại của cựu Thủ tướng Thatcher, ông Đặng Tiểu Bình đã đe dọa lần nữa là quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa “bước sang Hong Kong” nếu Anh không trao trả.

      3-Cuộc đàm phán bí mật về Hong Kong

      Ngay sau khi lên làm Thủ tướng Anh (1979), bà Margaret Thatcher đã phải giải quyết vấn đề tương lai Hong Kong trước hạn 1997.

      Anh Quốc tính rằng họ có thể trao trả chủ quyền của Hong Kong cho Trung Quốc và chỉ giữ các quyền kiểm soát khác.

      Nhưng ngay từ tháng 9/1979, Đại sứ Anh tại Trung Quốc, Sir Percy Cradock thông báo về rằng chính quyền Trung Quốc bác bỏ hoàn toàn hướng đi này.

      Bà Thatcher được Thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu khuyên là không nên nhượng bộ Bắc Kinh, nhưng chính giới London thấy “thật là sai lầm” nếu nghĩ Trung Quốc không dám làm mạnh.

      Phía Trung Quốc, qua lời đại sứ của họ tại London nói với bà Thatcher, không muốn nhượng bộ một chút nào về hai vấn đề: xóa bỏ các hiệp ước Anh ký với nhà Mãn Thanh, và chuyển nhượng chủ quyền.

      Tuy thế, Anh Quốc vẫn cố gắng giành lại một chút gì đó.

      Quan điểm Anh từ 1979 là đảm bảo ‘tự trị’ cho Hong Kong, và biến hợp đồng thuê đất ở Tân Giới sau hạn 1997 thành ‘thuê vĩnh viễn’.

      Anh có thể trả chủ quyền Hong Kong cho Trung Quốc nhưng giữ các quyền quản trị để đảm bảo ổn định cho nhà đầu tư và nền kinh tế Hong Kong.

      Tháng 2/1982, cựu thủ tướng Anh Edward Heath thăm Trung Quốc và được nghe từ chính lời Đặng Tiểu Bình rằng Trung Quốc chấp nhận để Hong Kong có quy chế “đặc khu hành chính” nhưng Bắc Kinh phải nắm chủ quyền.

      Có vẻ như điểm gặp nhau của hai bên là sự tồn tại của nền kinh tế đặc thù đem lại thịnh vượng cho Hong Kong theo hình chức quản trị Anh Quốc.

      Cuộc đàm phán mật từ đó đến 1984 xoay quanh ba khái niệm: chủ quyền (sovereignty), ổn định (stability), và thịnh vượng (prosperity).

      Các giá trị như dân chủ, nhân quyền cho người Hong Kong không hề được nêu ra.

      Tháng 9/1982, Margaret Thatcher trở thành thủ tướng Anh đầu tiên thăm nước Trung Quốc cộng sản và hai bên thảo luận, mà chưa quyết định về Hong Kong.

      Nhưng điều bà cảm nhận lại là thái độ cứng rắn của lãnh đạo Trung Quốc.

      Ngày 23/09, ông Triệu Tử Dương tiếp bà Thatcher ở Đại lễ đường Nhân dân và cho biết Bắc Kinh đặt chủ quyền lên trên thịnh vượng và ổn định của Hong Kong.

      Ngày hôm sau, lãnh tụ Đặng Tiểu Bình tiếp bà Thatcher và nói mạnh hơn, cho Anh 1-2 năm để suy nghĩ.

      Trung Quốc nói muộn hơn hạn đó, họ sẽ công bố biện pháp “thu hồi” (recover) lại Hong Kong.

      Không chỉ có vậy, như Lady Thatcher tiết lộ trong hồi ký ‘The Downing Street Years’ (1993), Đặng đã đe dọa trực tiếp bằng câu nói:

      “Chúng tôi có thể đưa quân bước sang Hong Kong ngay tối hôm nay (walk in and take Hong Kong back later today) nếu muốn”.

      Bà Đầm Thép kể lại rằng bà điềm tĩnh trả lời, “Nếu đó là ý định của ngài thì tôi cũng không làm gì được, nhưng đấy cũng là sự sụp đổ của Hong Kong”.

      Bà Thatcher nói thêm:

      “Thế giới sẽ thấy việc chuyển từ quyền lãnh đạo của Anh sang Trung Quốc là thế nào.” (The world would then see what followed a change from British to Chinese rule’)

      4-Vai trò gì cho người Hong Kong?

      Trên thực tế, Anh Quốc đã phải chấp nhận mô thức ‘một quốc gia, hai chế độ’ cho Đặng Tiểu Bình đưa ra.

      Nhưng người Hong Kong, ngay từ khi Anh-Trung ra Tuyên bố chung về Hong Kong năm 1984, đã lên tiếng nói họ bị bỏ ra ngoài.

      Dù thống đốc Chris Patten sau này có các nỗ lực cải thiện cơ chế dân chủ nội bộ, như bầu Viện Lập pháp, dân Hong Kong không được tham gia các cuộc đàm phán của London với Bắc Kinh.

      Bà Emily Lau, cựu chủ tịch đảng Dân chủ ở Hong Kong đã chua chát ví số phận người Hong Kong không bằng đàn cừu ở đảo Falklands (Malvinas).

      Anh cho Falklands (1800 dân và nhiều cừu) có đại diện khi đàm phán với Argentina sau cuộc chiến ở Nam Đại Tây Dương, còn dân Hong Kong thì không, theo bà Emily Lau.

      Tuy thế, công bằng mà nói, Anh Quốc đã nỗ lực bổ sung các quyền cho người Hong Kong qua hiến pháp mini – Luật Cơ bản (Basic Law) sau 1997.

      Tuy chỉ giới hạn ở Hong Kong, các quyền dân chủ, tự do báo chí, truyền thông, và quan trọng hơn cả là luật Anh trong mọi lĩnh vực xử bằng tòa án kiểu Anh đã tạo cho Hong Kong vị thế đặc biệt cho tới nay.

      5-Nỗi buồn cuối đời của Margaret Thatcher

      Năm 2007, nhân kỷ niệm 10 năm trao trả Hong Kong, cựu thủ tướng Thatcher lần đầu tiên nói thật lòng rằng bà “rất buồn” khi phải chấm dứt 145 năm quyền làm chủ của Anh ở Hong Kong.

      Bà nhắc lại vào ngày lễ trao trả, ở Hong Kong “trời mưa xối xả” và than rằng “nước Anh đã quá đủ mưa mà sao lại còn có mưa ở Hong Kong”.

      Đặc biệt, bà Thatcher nói bà không tin tưởng gì ở công thức “Một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình.

      “Một quốc gia, hai chế độ là thứ được nghĩ ra vài năm trước nữa nhằm áp dụng cho Đài Loan. Nó đến nay cũng chẳng tỏ ra là phù hợp như lúc trước, và cũng không phải là cách cho tương lai Hong Kong.”

      Điều bà Thatcher thực sự muốn là tiếp tục quyền hành chính của Anh ở Hong Kong nhưng đó là “thứ bất khả”.

      Kể từ sau khi dự lễ trao trả Hong Kong năm 1997, bà Thatcher đã không bao giờ quay lại đó.

      Qua đời năm 2013, điều bà không dự báo được là giới trẻ Hong Kong ngày nay tự đứng lên đấu tranh cho tương lai của Hong Kong, chứ không trông đợi vào Anh.

      Nguồn: BBC

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.