George Orwell và nguồn gốc của cụm từ “chiến tranh lạnh”

Home Diễn đàn Các môn học khác Chính trị học đại cương George Orwell và nguồn gốc của cụm từ “chiến tranh lạnh”

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #11608
      Hoang Nguyen
      Moderator

      Nguồn: Katherine Connor Martin, “George Orwell and the origin of the term ‘cold war’,”OxfordWords Blog, 19/10/2015.

      Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

      George Orwell

      Ngày 19 tháng 10 năm 1945, George Orwell sử dụng cụm từ chiến tranh lạnh trong tiểu luận “You and the Atom Bomb” (Con người và bom nguyên tử), suy đoán về những tác động của thời đại nguyên tử vốn bắt đầu từ hai tháng trước đó khi Hoa Kỳ ném bom xuống Hiroshima và Nagasaki. Trong tiểu luận này, George Orwell xem xét những tác động chính trị và xã hội của “một nhà nước vừa không thể chinh phục được vừa ở trạng thái ‘chiến tranh lạnh’ thường trực với các nước láng giềng.”

      Đây không phải là lần đầu tiên cụm từ chiến tranh lạnh được sử dụng trong tiếng Anh (nó đã được dùng để mô tả một số chính sách nhất định của Hitler năm 1938), nhưng có vẻ đây là lần đầu tiên nó được áp dụng cho những tình hình nổi lên sau Thế chiến II. Tiểu luận của Orwell suy đoán về những ảnh hưởng địa chính trị nảy sinh sau sự xuất hiện của một loại vũ khí mạnh mẽ, tốn kém và khó chế tạo đến nỗi rất ít quốc gia có thể sở hữu được, dự đoán “viễn cảnh của hai hoặc ba siêu nhà nước khổng lồ, mỗi nước đều sở hữu một thứ vũ khí có thể xóa sổ hàng triệu người chỉ trong giây lát, chia cắt thế giới giữa họ,” và kết luận rằng tình hình như vậy rất có thể sẽ “đặt dấu chấm hết cho những cuộc chiến tranh quy mô lớn với cái giá là kéo dài vô tận một ‘nền hòa bình không hòa bình’.”

      Ít năm sau đó, một số diễn biến mà Orwell dự đoán đã trở thành hiện thực. Chiến tranh Lạnh (thường được viết hoa) bắt đầu được dùng để chỉ tình trạng thù địch kéo dài mà không có xung đột vũ trang trực tiếp giữa khối Liên Xô và các nước phương Tây sau Thế chiến II. Cụm từ này trở nên phổ biến khi nhà báo người Mỹ Walter Lippman dùng nó làm nhan đề cho loạt tiểu luận ông xuất bản năm 1947 để đáp lại bài báo “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô” dưới bút danh X của George Kennan, người chủ trương chính sách “ngăn chặn.” Theo cuộc tranh luận tại Viện Thứ dân Vương quốc Anh một năm sau đó, cách sử dụng cụm từChiến tranh Lạnh theo nghĩa này ban đầu được coi là thuộc về văn hóa Mỹ: “Chính phủ Anh … nên công nhận rằng ‘chiến tranh lạnh,’ theo cách gọi của người Mỹ, là vấn đề nghiêm trọng, rằng trên thực tế, Thế chiến III đã bắt đầu.” Tuy nhiên, thuật ngữ này đã sớm được sử dụng rộng rãi.

      Sự chấm dứt của Chiến tranh Lạnh đôi khi được tuyên bố vội vã trong những thập niên sau đó – sau cái chết của Stalin, và một lần nữa trong thời kỳ hòa hoãn những năm 1970 – nhưng phải đến thời điểm Liên Xô giải thể năm 1991, thời kỳ Chiến tranh Lạnh mới chấm dứt một cách rõ nét. Nhà khoa học chính trị người Mỹ Francis Fukuyama đã nổi tiếng thừa nhận rằng “những gì chúng ta đang chứng kiến không phải chỉ là sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh, hay sự ra đi của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử hậu chiến, mà còn là sự cáo chung của lịch sử,” với uy thế toàn cầu của nền dân chủ tự do phương Tây đã trở thành một điều tất yếu.

      Một phần tư thế kỷ sau, những căng thẳng giữa Nga và NATO một lần nữa trở nên bức bách, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014; một số nhà bình luận đã bắt đầu nói về “Chiến tranh Lạnh mới.” Bối cảnh ý thức hệ đã thay đổi, nhưng một lần nữa một số ít cường quốc có năng lực quân sự áp đảo lại đang tranh giành ảnh hưởng toàn cầu trong khi tránh đối đầu trực tiếp. Bảy mươi năm sau khi tiểu luận của George Orwell được công bố, những động lực ông thảo luận trong đó vẫn còn hiển hiện trong quan hệ quốc tế ngày nay. ♦

      Katherine Connor Martin là Giám đốc Từ điển Mỹ (Head of US Dictionaries) tại Nhà xuất bản Đại học Oxford.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.