Hồ Chí Minh với việc hòa giải Trung-Xô và Ý định đi thăm Việt Nam của Mao Trạch Đông

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #10504
      NCQT
      Keymaster

      Hồ Chí Minh với việc hòa giải Trung-Xô và Ý định đi thăm Việt Nam của Mao Trạch Đông

      (Mao Trạch Ðông bình điểm quốc tế nhân vật, An Huy Nhân dân xuất bản xã)

      Nguyễn-Bá Mão dịch

      Mẩu chuyện thứ nhất

      Sau hội nghị các đảng cộng sản và công nhân thế giới họp tại Bucarest (Rumania) tháng 6/1960, mâu thuẫn giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc được bộc lộ công khai và từng bước mở rộng. Việc này khiến Hồ Chí Minh hết sức lo lắng. Người [nguyên văn] mong muốn hai đảng Trung–Xô nhanh chóng đối thoại với nhau, tiêu trừ cách biệt, khôi phục đoàn kết. Vì mục đích này, Người đã đến Trung Quốc. Dưới đây là câu chuyện diễn ra trong chuyến đi đó.

      Tháng 8/1960, Hồ Chí Minh đến Trung Quốc và lần thứ hai gặp Mao Trạch Đông tại Bắc Đới Hà [1] . Tại đây, Người nghỉ lại trong khu biệt thự của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

      Ngày 10/8, Hồ Chí Minh thức dậy rất sớm. Tối qua, Người không ngủ được vì luôn nghĩ tới vấn đề quan hệ Trung-Xô. Người muốn nói chuyện với Mao Trạch Đông. Tuy vậy, thấy phòng ngủ của Mao Trạch Đông im ắng, Người quyết định đi dạo một mình trên bờ biển để khỏi ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi của Mao Trạch Đông.

      Mao Trạch Đông cũng vậy, suốt đêm không sao ngủ được. Sáng ra, ông đã muốn gặp Hồ Chí Minh để nói chuyện phiếm. Nghe nhân viên công tác nói Hồ Chủ tịch đã đi dạo ngoài biển rồi, ông cũng liền đi ra bờ biển. khi người phiên dịch và các nhân viên công tác khác đến nơi thì hai người bạn cũ đang nói chuyện về quan hệ Trung–Xô.

      Mao Trạch Đông nói:

      “Liên Xô không muốn Trung Quốc xây dựng nền kinh tế hoàn chỉnh, nhưng cái gì cũng dựa vào người khác thì có lúc sẽ không dựa được. Sự viện trợ giúp đỡ của nước ngoài là tốt nhưng (nước ngoài) không thể can thiệp vào nội chính. Về xây dựng kinh tế, không thể buộc người khác theo sự chỉ huy đơn phương; về chính trị, cũng không thể áp đặt.”

      Mao Trạch Đông có vẻ hơi phấn khích. Sau đó, ông kể lại cách làm “kẻ cả” của Liên Xô tại Hội nghị Bucarest và phê bình lối hành xử kiểu “cha con” đó. Đồng thời, ông cũng trình bày việc dùng phương thức “Đoàn kết – Phê bình – Đoàn kết” để đối xử với Liên Xô. Ông nói:

      “Đạo lý của chúng tôi là quang minh chính đại, chúng tôi không sợ, trời không thể rơi xuống được.”

      Mao Trạch Đông khẳng định, đã hiểu rõ lời khuyên hoà giải Trung-Xô của Hồ Chủ tịch và ca ngợi Hồ Chí Minh là sứ giả của hoà bình.

      Trên nguyên tắc, Hồ Chủ tịch đồng ý với ý kiến của Mao Trạch Đông nhưng cho rằng: “Phương pháp mà các đồng chí Trung Quốc dùng có lúc tựa hồ như không hiểu lắm về tính cách cá nhân của các đồng chí phương Tây; cho nên kết quả không tốt lắm.”

      “Nói đúng đấy, chúng tôi cũng sẽ chú ý đến phương thức phê bình”, Mao Trạch Đông nói.

      Để nói rõ thêm quan điểm của mình, Hồ Chủ tịch tiện tay cầm một bao thuốc lá đưa ra trước mắt, nói:

      “Ví dụ, mời người ta hút thuốc; đưa thuốc mời thì người ta sẽ vui lòng nhận; nếu ném bao thuốc lá lên bàn và bảo: hút đi – thì có người sẽ không vui.” Vừa nói, Người vừa ném bao thuốc lên mặt bàn.

      Hồ Chí Minh tiếp:

      “Kỳ thực không phải như vậy nhưng tập quán của các dân tộc không giống nhau. Người phương Tây không vui lòng đối với phương thức giao tiếp quá cứng nhắc. Nguyên tắc phê bình là biết thì nói, nói thì nói hết. Nhưng cách nói làm cho người ta không vui lòng thì kết quả không tốt.”

      Mao Trạch Đông gật đầu tán thưởng cách nói của Hồ Chí Minh:

      “Cần dùng lời lẽ khoa học như Marx, Engels và Lenin phê bình. Không thô bạo, phê bình phải chuẩn xác, rõ ràng và sinh động.”

      “Thêm tình đồng chí nữa”, Hồ Chí Minh bổ sung.

      Trong cuộc nói chuyện, hai vị lãnh đạo còn trao đổi ý kiến về hội nghị đảng cộng sản và công nhân các nước sắp họp vào tháng 11; về thời gian và phương pháp hội đàm của hai đảng (cộng sản) Trung–Xô và sự hiểu lầm đối với luận điểm “gió Đông thổi bạt gió Tây”.

      Lúc đó, mặt trời đã mọc. Mao và Hồ cùng cởi áo, kề vai xuống biển; giơ tay rẽ nước giữa muôn trùng sóng biếc.

      Sau khi lên bờ, Mao – Hồ cùng Lưu Thiếu kỳ [2] , Chu Ân Lai [3] , Đặng Tiểu Bình [4] , Dương Thượng Côn [5] – đang đứng xem trên bờ – cùng đi ăn sáng; câu chuyện cũng đã nhẹ đi rất nhiều.

      Hồ Chí Minh nhiệt tình mời một đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Trung Quốc sang dự lễ quốc khánh Việt Nam và tham dự Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III (1960) và nói vui với Mao Trạch Đông:

      “Mùa xuân năm sau, đồng chí Lưu Thiếu kỳ nhất định phải đi rồi. Đồng chí ấy sẽ trả được món nợ. Đồng chí Mao Trạch Đông cũng nhất định phải đi; món nợ ấy cũng phải trả. Thời gian do đồng chí quyết định.”

      “Mùa đông ở bên ấy thế nào? Nhiệt độ thấp nhất là bao nhiêu?” Mao Trạch Đông hỏi.

      “12°[C]” Xuân Thủy [6] ở bên cạnh trả lời.

      “Không lạnh. Có thể lén ra sông Hồng bơi một chuyến”, Mao Trạch Đông hóm hỉnh nói.

      “Không công khai, không bí mật, dùng phương thức mà đồng chí đã từng nói: thăm không chính thức”, Hồ Chí Minh cười. “Sông Hồng ư? Nước bẩn lắm, không bơi được đâu. Việc đến lúc đó sẽ bàn.”

      Ngày 19/8, tại điện Cần Chánh trong Trung Nam Hải, Mao Trạch Đông lại một lần nữa hội kiến với Hồ Chủ tịch từ Liên Xô về ghé qua Bắc Kinh; nghe Hồ Chí Minh thông báo tình hình hội đàm với N. Khrushchev và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô. Hồ Chí Minh thực lòng thiết tha mong muốn hai Đảng Trung–Xô sớm tổ chức hội đàm để tiêu trừ cách biệt, tăng cường đoàn kết, cứu vãn phong trào cộng sản quốc tế đang đứng trước nguy cơ. Mao Trạch Đông cảm động trước tấm lòng của Hồ Chủ tịch, nắm chặt tay cảm động nói:

      “Cảm ơn đồng chí Hồ Chí Minh, vì sự đoàn kết mà bôn tẩu vạn dặm. Cảm ơn đồng chí!”

      Mẩu chuyện thứ hai

      Tháng 5/1965, tại Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc), Mao Trạch Đông đã hội kiến với Hồ Chí Minh khi đó đang ở thăm Trung Quốc. Sự kiện dưới đây diễn ra sau buổi tiếp.

      Lúc ăn cơm, Mao Trạch Đông đột nhiên nảy ra một ý nghĩ lạ lùng, nói với Hồ Chí Minh.

      “Tôi muốn đến thăm đất nước các đồng chí, đi bí mật.”

      “Hoan nghênh đồng chí, nhưng tình hình hiện nay như đồng chí đã biết, máy bay địch thường xuyên bắn phá.”

      Hồ Chí Minh miệng nói hoan nghênh nhưng thực tình không đồng ý. Người lo ngại cho sự an toàn của Mao Trạch Đông.

      “Tôi sẽ đi xem máy bay ném bom, sẽ xem những nơi bị ném bom; đã mấy năm rồi không thấy cảnh bị ném bom”, Mao Trạch Đông kiên trì.

      Hồ Chí Minh biết việc này không thể nhượng bộ, liền nói khéo:

      Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh tại Trường Sa – Hồ Nam tháng 5/1965

      “Đợi khi tình hình tốt hơn một chút, chúng tôi sẽ mời đồng chí đi.”

      Mao Trạch Đông thấu hiểu tâm lý Hồ Chí Minh, nhưng vẫn nói:

      “Khi tình hình tốt hơn, tôi lại không đi nữa. Tôi muốn đi bây giờ. Trước đây, tôi bị máy bay Quốc dân Đảng, Nhật, Mỹ đánh phá mấy chục lần, mấy trăm lần, nhưng bom đạn đã không trúng tôi. Bây giờ, tôi muốn đến đất nước các đồng chí để chứng kiến. Đến gần chỗ bị ném bom cũng được, có thể đi bí mật.”

      Hồ Chí Minh vẫn giữ ý kiến:

      “Đồng chí là mục tiêu lớn qua, cả đến trẻ con Việt Nam cũng nhận ra.”

      “Có thể cải trang thành một chuyên gia Trung Quốc, thế là đủ.”

      “Cải trang thế nào cũng nhận ra được. Đợi đến lúc thích hợp, tôi sẽ mời đồng chí đi.”

      “Tôi muốn đi bây giờ kia!”

      “Hãy đợi cuối năm xem tình hình ra sao rồi ta sẽ định.”

      Mao Trạch Đông mấy lần bị chối khéo xong không nản; Hồ Chí Minh thì giữ vững nguyên tắc, không dao động. Có ai ngờ rằng Hồ Chí Minh đã xa rời trần thế khi cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam chưa kết thúc. Người chưa kịp đón tiếp trên đất nước mình người bạn già đã khẩn thiết yêu cầu được sang thăm Việt Nam.

      ——————

      [1]Bãi biển thơ mộng thuộc vùng đất sơn thuỷ tiếp giáp, phong cảnh hữu tình được gọi là Sơn Hải Quan (tỉnh Hà bắc, đông bắc Trung Hoa). Nhờ phong cảnh sơn thuỷ tuyệt đẹp, khí hậu tuyệt vời, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, nên cả ngàn năm trước, Sơn Hải Quan đã là nơi tụ hội những danh gia vọng tộc của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Sau khi các nước Tây phương xâm lăng Trung Hoa cách đây ngót 200 năm, các viên sứ thần và giới tài phiệt, đã chọn Bắc Đới Hà làm nơi nghỉ mát với biệt danh “Thiên đàng hạ giới”. Từ năm 1949, cộng sản Trung quốc biến Bắc Đới Hạ thành nơi nghỉ mát dành riêng cho các lãnh tụ cao cấp nhất Trung Hoa. Tại đây, mỗi năm cứ vào dịp tháng 8, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc có mặt tại đây để vừa nghỉ ngơi, vừa bàn bạc, soạn thảo các đường lối chính sách cho quốc gia trong thời gian 12 tháng kế tiếp.

      [2]Chủ tịch Trung Quốc

      [3]Thủ tướng Trung Quốc

      [4]Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc

      [5]Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau này là Chủ tịch Trung Quốc.

      [6]Khi đó là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt–Trung.

      Nguồn: Lao động Nghệ An, số Xuân Quý Mùi 2003.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.