Kinh nghiệm xin học bổng Eramus Mundus

Home Diễn đàn Thông tin hữu ích Cơ hội học bổng Kinh nghiệm xin học bổng Eramus Mundus

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #1609
      NCQT
      Keymaster

      Sau đây là kinh nghiệm xin học bổng Eramus Mundus của anh Đỗ Thanh Hải (thành viên BBT Nghiencuuquocte.net). Nguồn: Blog Đỗ Thanh Hải. (Lưu ý: Các thông tin tác giả đề cập có từ năm 2008, đến nay có thể có thay đổi.
      —–
      Là một du học sinh tự mày mò xin học bổng, tôi tự cảm nhận sự cần thiết phải chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm sao cho các bạn bè cùng trang lứa như tôi hay những bạn trẻ hơn có thể tiếp cận được những cơ hội giáo dục chất lượng cao, có cơ hội đi đây đó để nâng cao kiến thức và rèn luyện kỹ năng, mở rộng tầm mắt, cọ sát và thiết lập các nhịp cầu bè bạn và tri thức quốc tế, trước mắt giúp ích cho bản thân lập nghiệp rồi sau đó đóng góp cho những lợi ích lớn hơn, rộng hơn. Tự xin học bổng từ nhiều nguồn khác nhau ngoài học bổng ngân sách nhà nước, cũng là một cách làm bớt đi gánh nặng tài chính cho quốc gia trong bối cảnh đất nước thiếu thốn mà vẫn đảm bảo được những mục tiêu trên.
      Thực ra, tất cả các thông tin về các học bổng này đều có trên Internet, bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay các thứ tiếng khác, hay được phổ biến ở các hội chợ giáo dục Châu Âu hay Hoa Kỳ tổ chức ở Việt Nam. Vì vậy, trong bài viết của mình, tôi sẽ không cố gắng dịch hay nhắc lại tất cả mọi vấn đề, mà chỉ nêu ra những điểm đáng chú ý, những nội dung quan trọng và cần thiết nhất. Nếu các bạn đã có quyết tâm đi du học, bài viết ngắn gọn này sẽ giúp các bạn lên kế hoạch và chuẩn bị những yếu tố cần thiết, trong đó quan trọng nhất là hoàn thành những bộ hồ sơ ở chất lượng tốt nhất. Nếu các bạn muốn có thêm thông tin, hãy vào trang web chính thức của các chương trình này để tìm hiểu. Tôi hi vọng các bạn khác, không phải bỡ ngỡ, không bối rối, không rón rén và không mất nhiều thời gian như tôi trước kia, hai hay ba năm về trước, khi nói đến học bổng du học như một thứ rất xa tầm tay hay câu chuyện của những con người khác.
      Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn học bổng do Liên minh Châu Âu tài trợ: ERASMUS MUNDUS.

      A. GIỚI THIỆU CHUNG
      Chương trình Giáo dục của châu Âu, Erasmus Mundus (sau đây viết tắt là EM), tương đối trẻ. Pha 1 bắt đầu từ năm 2004 và kết thúc vào năm 2008. Theo một số thông tin tôi được biết Pha 2 sẽ được tiếp tục từ năm 2009 đến 2013. Hiện nay, Uỷ ban EM và các Consortium đang tổng kết các kết quả của giai đoạn đầu để đưa ra dự án cho giai đoạn hai, với quy mô rộng mở hơn, không chỉ cho ngành học Thạc Sĩ, mà cả Đại học và Tiến Sĩ.
      Thực ra, EM là phái sinh của chương trình Eramus, chương trình liên kết đào tạo và trao đổi (co-operation and mobility program) dành cho các trường đại học, các sinh viên thuộc các nước trong EC/EU ra đời cách đây 20 năm[1]. Mục tiêu tổng quát của chương trình, được diễn đạt bằng những từ ngữ bóng bẩy, là nâng cao chất lượng giáo dục cao học và thúc đẩy sự hiểu biết liên các nền văn hoá (intercultural) thông qua hợp tác với các nước ngoài châu Âu – các nước thứ ba (third countries)[2]. Từ đó, một mục tiêu con là nhằm phát triển các khoá học Thạc sĩ chất lượng cao, trong đó tạo điền kiện cho sinh viên và học giả ngoài châu Âu (non-European or third countries) tham gia vào các chương trình đào tạo sau đại học tại các cơ sở giáo dục của châu Âu, cũng như khuyến khích các sinh viên và học giả châu Âu đi ra các nước ngoài châu ÂU để học tập và trao đổi[3].
      Chương trình EM ra đời trong bối cảnh các châu Âu nói chung có phần lép vế so với Anh, và Mỹ, trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Mặc dù mức học phí ở Anh và Mỹ rất cao, nhưng hai nền giáo dục vẫn có sức hấp dẫn lớn bởi chất lượng đào tạo và tính linh động trong chương trình, do đó thu hút một số lượng lớn sinh viên (giỏi và giàu) từ trên thế giới đến học. Về mặt tài chính, số lượng sinh viên quốc tế này đem lại nguồn lợi nhuận kếch xù, biến các trường đại học Anh, Mỹ thành các cơ sở đào tạo giàu có nhất thế giới. Về mặt học thuật, nó tạo ra các môi trường cạnh tranh tri thức và đa văn hoá, tận dụng được một nguồn tài sản trí tuệ khổng lồ và thúc đẩy sự sáng tạo. Có lẽ vì lẽ đó, trong số 20 trường đại học hang đầu do tạp chí Times đánh giá năm 2006, có đến 10 trường của Mỹ, 4 trường của Anh, 1 của Trung Quốc, 1 của Nhật, 1 của Úc, 1 của Singapore và chỉ có một trường của Pháp[4].
      Chương trình EM là một chương trình lớn, có 4 actions chính: Xây dựng các khoá học sau đại học chất lượng cao (EM Masters Courses), Cấp học bổng (EM Scholarships), Đối tác (Partnership) và Nâng cao tính hấp dẫn (Actractiveness Enhancement). Trong giai đoạn 2004 – 2008, ngân sách dành cho chương trình lớn là 230 triệu euro và 90% dành cho cấp học bổng. Chương trình lớn EM theo được tổ chức thành nhiều các Khoá học MA (Action 1) gồm 3-4 trường đại học ở Châu Âu và có thể liên kết với các trường đại học ngoài châu Âu (Action 3). Các chương trình này được cung cấp một lượng ngân sách hàng năm để phát triển chương trình, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn (Action 4) và cung cấp học bổng cho sinh viên và học giả các nước trong thế giới thứ ba (Action 2). Do mục đích và giới hạn của bài viết, tôi chỉ tập trung vào Action 2 về HỌC BỔNG và những điều các học sinh quan tâm nhất như điều kiện dự tuyển, mức học bổng, cách thức dự tuyển,

      B. ĐIỀU KIỆN / TIÊU CHUẨN DỰ TUYỂN
      – Sinh viên thuộc các nước thứ ba – third countries – theo định nghĩa kể trên. Vào chú thích [2].
      – Có ít nhất một bằng Đại học (Cử nhân hoặc Kỹ sư) với kết qủa học tập xuất sắc.
      – Không cư trú hoặc không làm việc, học tập … hơn 12 tháng trong vòng 5 năm trở lại đây tại bất kỳ 27 nước thành viên nào của EU, các nước EEA/EFTA và các ứng cử viên sắp gia nhập EU)
      – Các điều kiện cụ thể do từng Consortium quy định (về bằng cấp và ngành học liên quan, về trình độ ngoại ngữ, về hồ sơ …)
      Nhận xét:
      – Không như các học bổng khác, Fulbright, Chevening, … Học bổng này chỉ đòi hỏi sự xuất sắc trong học tập, không yêu cầu kinh nghiệm. Do đó, đây là một cơ hội lớn cho các bạn mới ra trường, thậm chí cả các bạn sinh viên năm cuối.
      – Học bổng không giới hạn các đối tượng cũng như không có đối tượng ưu tiên. Do đó, các bạn làm ở ngoài khu vực công và các cơ sở giáo dục hay nghiên cứu cũng có cơ hội. Tuy nhiên, do tính học thuật của các chương trình, theo kinh nghiệm của tôi, ứng cử viên thuộc các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu có nhiều lợi thế hơn.
      – Các bạn có thể đăng ký 2-3 chương trình trong cùng một lúc để tăng cơ hội được tuyển chọn. Lưu ý, là ngành học MA có cần không trùng khít, mà chỉ cần có mối liên hệ gần gũi với ngành học BA của các bạn. Vấn đề là bạn giải thích như thế nào về sự lựa chọn của mình trong tương quan với định hướng nghề nghiệp cũng như ngành học cũ của bạn.

      C. CÁCH THỨC THAM GIA DỰ TUYỂN
      Trước hết, các bạn hãy vào link [5] để chọn cho mình một Khoá học (EM Masters Courses) phù hợp, với ngành mình đã học cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai. Mỗi khoá học do một consortium gồm 3-4 trường và quan trọng là hồ sơ của bạn gửi thẳng đến Consortium đó, không phải là Commission to the Education Audiovisual and Culture Executive Agency (CEACEA)[6]. Và Consortium này sẽ cử ra một Committee để xét tuyển, và quyết định danh sách những thí sinh đủ tiêu chuẩn được nhận học bổng EM. Danh sách đó được gửi đến European Commission và Europe Parliament để thông qua về mặt nhân sự và tài chính. Lúc đó, những người trong danh sách được thông qua chính thức được nhận học bổng EM. Thường thì, các Consortium và Committee của các trường đóng vai trò chủ yếu trong việc lựa chọn những người được cấp học bổng dựa trên hồ sơ dự tuyển.
      Hiện nay EM đã có khoảng 80 khoá học EM khác nhau (MC), ở nhiều ngành học khác nhau, không chỉ các ngành KHXH mà cả KHTN. Các ngành nói chung:
      – Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Vùng
      – Nghệ thuật và Thiết kế
      – Kinh Doanh và Khoa học Quản lý
      – Luật, Ngôn ngữ và Khoa học Xã hội
      – Toán và Tin học, và các ngành KHTN khác
      – Môi trường, Y và Dược,
      Thông tin cụ thể về các khoá học MA có thể tìm ở đây:
      http://ec.europa.eu/education/programmes/mundus/projects/index_en.html
      Mỗi khoá học có khoảng trên dưới 20 suất học bổng mỗi năm và bất ký sinh viên nào đăng ký vào khoa học nghĩa là đăng ký cạnh tranh cho 20 suất học bổng đó. Đáng chú ý là, bạn được nộp đơn tối đa cho 3 khoá học (MC) khác nhau trong cùng một lúc. Nếu bạn được chấp nhận hơn 1 Khoá học, bạn sẽ phải lựa chọn chỉ MỘT mà thôi.
      Nên nhớ, số lượng hồ sơ vào một khoá học hàng năm rất đông. Trong chương trình của tôi, thông tin không chính thức khoảng trên dưới 2000 cho niên học 2007-2008. Không có phỏng vấn trừ trường hợp đặc biệt. Vì vậy, cần phải chứng tỏ trong bạn là một ứng cử viên nặng ký và ưu việt hơn những thí sinh khác trong hồ sơ của mình.

      D. MỨC HỌC BỔNG
      Theo quy định trong Action 2, mức học bổng cho sinh viên của nước thứ ba đến học ở châu Âu theo thời gian một hoặc 2 năm tuỳ theo chương trình: mức học bổng dành cho mỗi sinh viên là 21000 euro một năm học (10 tháng). Nếu chương trình là hai năm thì tổng số học bổng là 42000 euro. Mỗi tháng, một sinh viên sẽ nhận được 1600 euro (scholarship) và 5000 euro (grant) thêm cho cả năm dành cho các loại phí, đi lại, di chuyển, các khoá học ngôn ngữ …
      Tuy nhiên, trên thực tế, tiền học phí, tuỳ theo quy định của từng khoá học, thường lớn hơn 5.000 euro một năm và các sinh viên thường phải trích từ số tiền 1.600 mà mình nhận được hàng tháng để đóng góp. Ví dụ, ở khoá học SEFOTECH, số tiền học phí là 10.000 một năm, nên số tiền “net” mà sinh viên chương trình này nhận được hàng tháng là 1.100. Ở chương trình khác, số tiền học phí là 7.000 cho một năm và số tiền sinh viên nhận được là 1.400 một tháng. Và các sinh viên phải tự trả tiền đi lại (đến và đi khỏi châu Âu) cũng như là chi phí đi lại từ trường nọ sang trường kia trong chương trình. Ở một số khoá học, một số nước, nếu các bạn muốn tham gia các khoá học ngoại ngữ cũng phải tự đóng tiền. Tuy nhiên, quy định rất khác ở mỗi khoá học khác nhau.
      Với số tiền trên 1000 euro một tháng, vẫn có thể đảm bảo cho một bạn sinh viên sống tương đối đầy đủ ở một thành phố mức sống trung bình ở Tây Âu (trừ London và các thành phố thuộc Thuỵ Sĩ và các nước Bắc Âu).
      Lưu ý rằng, khi nhận được học bổng EM, bạn nghiễm nhiên được được bảo hiểm bởi chương trình bảo hiểm của EM (Erasmus Mundus Insurance Scheme) [7]. Bạn không phải đóng thêm một khoản phí nào, nhưng được bảo hiểm trong thời gian trước khi bạn rời khỏi VN ba tháng và sau khi kết thúc khoá học 3 tháng. Với sinh viên EM, các thủ tục về thị thực cũng được ưu tiên.

      E. TỔ CHỨC VÀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO Chương trình đào tạo được hình thành theo tính chất integrative (liên kết) và hợp tác (cooperation).
      – Liên kết: Chương trình chung phát triển linh hoạt theo tập hợp các module mà mỗi trường phụ trách các module khác nhau. Các trường sẽ có vai trò ngang nhau và tự chủ trong việc phát triển module của mình. Theo mô hình này, tính thống nhất và tính đa dạng được cân bằng.
      – Tiêu chuẩn chung: Thiết kế tiêu chuẩn chung cho xét tuyển và đánh giá thành tích học tập. Đơn vị học trình tính theo đơn vị tiêu chuẩn của châu Âu là ECTS (European Credit Transfer System). Số đơn vị học trình quy định cho 1 năm là 60 ECTS.
      – Tính lưu động (Mobility): Các sinh viên sẽ phải học ít nhất là 2 trường trong chương trình của mình, tuỳ theo từng khoá học. Tôi học 2 năm ở hai trường, hai nước khác nhau. Có bạn trong18 tháng, học ở các 4 trường trong chương trình tuỳ theo từng giai đoạn, môđun và môn học cụ thể.
      Các tổ chức này giúp cho sinh viên tiếp cận nhiều nguồn kiến thức, cũng như nhiều cách tư duy, nhiều nền văn hoá, nhiều ngôn ngữ trong qua trình học tập của mình, J.
      – Cấp bằng chung: Joint Degree hay Double Degree. Và bằng cấp của chương trình được công nhận tên toàn châu Âu và có giá trị để học tiếp lên PhD hoặc cao hơn.
      F. THỜI GIAN LƯU Ý
      Thường vào tháng 11, 12, Cũng trong thời gian này, các khoá học bắt đầu open cho application. Hạn cuối cùng cho việc nộp hồ sơ tuỳ theo chương trình nhưng vào khoảng cuối tháng 2 hoặc cuối tháng 3 hàng năm. Các bạn nên vào trang web chính thức của từng khoá học để biết lịch cụ thể.
      Tháng 12/2007, Uỷ ban Châu Âu ở Việt Nam có chương trình hội chợ để quảng bá cho Erasmus Mundus tại Hà Nội và tại Thành phố Hồ Chí
      Minh.
      Theo kinh nghiệm của tôi, khi bạn đã có mục tiêu, thì nên chuẩn bị càng sớm càng tốt. Quy định về hồ sơ và các bài viết không thay đổi lớn hàng năm nên bạn có thể tham khảo và chuẩn bị ít nhất trước từ 6 tháng đến 1 năm để đảm bảo khả năng thành công cao.
      Lưu ý cuối cùng: EM không phải là chương trình viện trợ phát triển. Mà nó là chương trình phát triển giáo dục đầy tính cạnh tranh. Vì vậy, đối thủ của các bạn là những sinh viên xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới. Việc lựa chọn chủ yếu dựa trên kết quả học tập đại học, các đóng góp học thuật và chất lượng hồ sơ xin học bổng. Chỉ có khoảng 10%, theo tôi đánh giá, dành cho cơ cấu vùng và quốc gia. Ưu đãi dành cho các sinh viên châu Á là chương trình ASIA WINDOW cung cấp một số lượng học bổng nhất định cho các ứng cử viên từ châu lục này. Cạnh tranh là hết sức gay gắt. Hãy chứng tỏ năng lực của mình, nhưng cũng đừng quên sự chuẩn bị chu đáo, cách làm việc khoa học và trách nhiệm với bản thân là một phần của thành công.
      Wroclaw, ngày 12 tháng Năm năm 2008
      Đỗ Thanh Hải
      Chương trình Erasmus Mundus Nghiên cứu Toàn cầu
      Đại học Tổng hợp Viên – Đại học Tổng hợp Wroclaw
      Email: [email protected]
      [1] Erasmus được đặt theo tên của một học giả về nhân văn học và thần học người Hà Lan, Desiderious Erasmus Rotterdamus, người đã từng theo học ở hầu hết các trường dòng nổi tiếng ở châu Âu. “Mundus” trong tiếng La Tinh nghĩa là “Thế giới” để chỉ quy mô toàn cầu của chương trình.
      [2] Third Countries được định nghĩa là tất cả các nước trên thế giới trừ 27 nước thành viên của Liên minh châu Âu và Iceland, Na Uy, Liechtenstein, Croa-tia (EEA/EFTA), ba nước ứng cử viên gia nhập EU là Croatia, Thổ Nhĩ Kỳ and Macedonia. Hàm nghĩa “third country” không đồng nghĩa với “third world” – thế giới thứ ba – như là
      [3] Tham khảo thêm:
      http://ec.europa.eu/education/programmes/mundus/index_en.html
      [4] The Times Higher Education Supplement, World University
      Rankings, October 2006.
      [5] Các khoá học MA có thể tìm ở đây:
      http://ec.europa.eu/education/programmes/mundus/projects/index_en.html
      [6] Các cơ sở giáo dục sau đại học (active higher educational institutions) muốn tham gia vào EM sẽ nộp đơn với CEACEA. Còn các thí sinh muốn đăng ký dự tuyển học bổng thì phải nộp đơn đến các Consortium tương ứng.
      [7] Xem chi tiết tại đây:

      Click to access indemnities.pdf

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.