Tự học IELTS for Academic Training Band 7

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #3134
      Nhung Coffee
      Moderator

      Chào các bạn,

      Sau khi tốt nghiệp ra trường mình thi IELTS sau một thời gian ở nhà tự ôn và kết quả được 7.5. Ngoài may mắn của bản thân, mình cũng có chút kinh nghiệm muốn chia sẻ cùng các bạn đang có ý định thi.

      Khác với học ở các trung tâm hay lớp ôn luyện, việc tự học IELTS ngoài những vấn đề như phải đấu tranh tư tưởng với bản thân (nhất là dễ bị lười, chểnh mảng và nản) thì nó có một ưu điểm rất lớn là giúp tinh thần thoải mái. Theo ý kiến cá nhân của mình, IELTS nghe có vẻ lớn lao thật, nhưng đây dù sao vẫn chỉ là cuộc thi kiểm tra trình độ tiếng Anh thông dụng. Bạn đọc được các bài trên tạp chí, hiểu được các phim, show truyền hình của Anh-Mỹ-Úc, thì IELTS đối với bạn chỉ là cuộc kiểm tra ở mức độ bình thường. Bạn hiểu được Adam Lavine chèo kéo thí sinh về đội như thế nào thì mình nghĩ việc nghe chỉ dẫn đường đi ở một bảo tàng không phải là thử thách lên trời đối với bạn. Cho nên không cần quá nặng nề, phóng đại hay sợ hãi.

      Bài viết dùng cho mục đích tham khảo, mọi người có thể cùng bổ sung và thảo luận bằng cách bình luận thêm ở bên dưới.

      Bây giờ chúng ta bắt đầu:
      Nắm vững cấu trúc đề thi IELTS.
      Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Hiểu rõ cấu trúc đề thi giúp quá trình ôn luyện của bạn sẽ tập trung và có tổ chức hơn.
      Các bạn tham khảo Cấu trúc đề thi IELTS để biết thêm chi tiết:

      Ngoài ra bạn cần đọc các Band descriptors chính thức của họ, tức là tiêu chí chung khi chấm thi IELTS, để bạn hiểu người ta cần gì và từ đó lên mục tiêu và kế hoạch ôn luyện cho bản thân.

      Gia nhập các ‘đoàn thể’:
      Tại các diễn đàn/hội luyện thi IELTS bạn sẽ học được vô số kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, những bài viết chỉ tips ôn thi và làm bài thi như thế này rất nhiều. Đề thi được cập nhật liên tục để bạn thử làm và chuẩn bị. Mọi người chia sẻ tài liệu hữu dụng rất thoải mái và phong phú. Thêm vào đó, cái khó của người tự ôn tại nhà là dễ nản, vì vậy thường xuyên được ‘sống’ trong không khí ‘lều chõng’ hồ hởi như vậy sẽ giúp duy trì và kích thích tinh thần của bạn rất nhiều.

      Nếu các bạn ôn theo nhóm thì càng tốt, nhưng hạn chế số lượng (tối đa 4 người để tiện bắt cặp), nếu không dễ thành nơi buôn chuyện và khó tập trung.

      Dưới đây là các Hội trên FB mà mình từng lăn lộn, còn các diễn đàn thì chủ yếu vào chiêm ngưỡng, đọc, download tài liệu rồi đi ra nên không nhớ lắm (các bạn có thể google):
      – Hội luyện thi IELTS trên Scholarship Planet
      – Hướng dẫn viết IELTS Writing – Từ cơ bản đến nâng cao
      – Hội các sĩ tử luyện thi IELTS

      Tài liệu:
      Số lượng và chủng loại dành riêng cho luyện thi IELTS rất nhiều, nên trước khi chọn mua, mình lên mạng và vào các diễn đàn trong nước và quốc tế để tìm hiểu danh sách recommended. Nhược điểm là đôi khi bạn sẽ khó tìm ra những sách này ở Việt Nam. Ưu điểm là thường người ta sẽ cho links tải, có luôn phần audio, đỡ tốn kém. Trang mình recommend để các bạn vào tìm download các loại sách báo là trang Englishtips.

      Sách bạn có thể dùng làm tài liệu (tổng hợp) tự ôn là:
      – Bộ đề IELTS của Cambridge (Cambridge IELTS 7 Self-study Pack (Student’s Book with Answers): Examination Papers from University of Cambridge ESOL Examinations (IELTS Practice Tests) – BẮT BUỘC PHẢI CÓ.
      – IELTS của Barron’s
      – Inside into IELTS
      – IELTS Masterclass
      – IELTS Preparation and Practice
      – IELTS to Success

      Ngoài ra, các bạn phải tìm đọc thêm các báo, tạp chí và các TV series. Do chủ đề của bài thi thường về khoa học xã hội, nên các bạn có thể tìm đọc các báo sau đây:
      Báo và tạp chí
      – Nature
      – New Scientist
      – The Guardian
      – Các mục khoa học, công nghệ ở các tạp chí nổi tiếng khác như Economist, FT, The New Yorker…
      TV series:
      – Cosmos
      – LIFE (BBC)
      – Invisible World
      – Các kênh Discovery, GeoNat, Lonely Planet….

      Những nguồn tài liệu này không chỉ giúp bạn mở rộng kiến thức nền về các lĩnh vực mà còn giúp bạn quen với văn phong, lối diễn đạt. Nhờ đó khi thi Reading, bạn dễ dàng nắm được nội dung và cấu trúc bài để tìm câu trả lời, bất kể không hiểu từ và không rành về kiến thức chuyên môn, đồng thời cũng nâng cao khả năng viết của bạn nữa.

      Lưu ý:
      – Khi bạn đọc bất cứ tài liệu nào, nếu bắt gặp những câu hoặc đoạn mô tả về số liệu (phần trăm, tăng giảm, đồ thị…), nhớ chép ra để học, chắc chắn sẽ hữu ích cho bài viết Task 1.
      – Nếu chưa quen bạn có thể xem các chương trình kèm subtitle tiếng Anh, nhưng rồi dần dần bỏ đi nhé.
      Còn lại một số sách chuyên biệt, mình sẽ giới thiệu sau.

      Lịch học:
      Do tự lực cánh sinh nên bạn phải lên lịch học để đảm bảo tập trung và tránh bỏ cuộc. Quá trình tự ôn có thể kéo dài từ 2-4 tháng tùy thời gian cá nhân, trình độ, điểm target và sự tự tin của mỗi người.
      Mình ôn thi 3 tháng, sau đây là lịch của mình:
      – Ban đầu khởi động bằng mỗi tuần làm 1 đề trong bộ đề của Cambridge. (Các sách ôn luyện khác của mình bình thường cũng đã cho làm đề lẻ tẻ rồi). Cuối tuần mình sẽ set up thời gian làm bài như đi thi thật, bấm giờ hẳn hoi, không ra ngoài vệ sinh hay bật nhạc hay trả lời điện thoại gì cả. Thi Speak tự hỏi tự trả lời, ghi âm lại.
      Chấm bài: Nghe-Đọc thì chiếu theo phần lời giải, càng thẳng tay càng tốt. Writing các bạn có thể gửi email nhờ bạn bè hoặc anh chị, thầy cô, nói chung là người thứ 2 ngoài bạn giỏi TA, để check dùm. Speaking thì bạn nghe lại đoạn ghi âm và đành tự correct (riêng phần này mình khuyến khích học theo cặp hoặc nhóm). Hai bài thi này các bạn có thể tham khảo Band Descriptors chính thức của IELTS để đánh giá. Nhớ sau đó note lại những lỗi bạn hay gặp trong bài, những trục trặc trong quá trình làm để biết điểm yếu mà khắc phục dần dần.

      – Đến tháng thứ 2 mình bắt đầu đẩy nhanh tiến độ, mỗi tuần 2 đề. Từ lúc này trở đi, mình đi in các Answer Sheet chính thức của cuộc thi để làm vào đó luôn. (Các bạn download mẫu ở trên mạng). Như vậy khi vào phòng thi vừa tạo cảm giác thân quen :D, bạn cũng tránh mắc phải những lỗi về điền thông tin để mất thời gian, điểm số và tinh thần không đáng có. Điều này siêu quan trọng khi mà môn đầu tiên bạn thi là Nghe, bạn mà không thể tập trung ngay thì coi như mất điểm, không cứu.

      – 2 tuần trước ngày thi, mình đi thi thử ở Trung tâm RES (có chi nhánh ở Hà Nội và TP. HCM). Trung tâm này có tổ chức từng đợt thi IELTS cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, và khoảng 1 tuần sẽ gọi điện báo cho bạn kết quả. Examiner thi Nói hôm của mình là thầy bên Hội đồng Anh, có kinh nghiệm chấm thi nói IELTS :yahoo: . Nhưng mình cũng lưu ý thêm là nếu kết quả thi thử này của bạn có quá thấp so với kỳ vọng thì cũng đừng hoảng. Do Trung tâm họ cũng làm ăn kinh doanh, nên không tránh khỏi việc bạn bị cho điểm số thật thấp (thường là dìm dưới 6.5) để ‘dụ dỗ’ bạn đăng ký học chỗ họ, lý lẽ là luyện thêm cho nâng điểm. Mình đi thi chủ yếu nhằm demo môn Nói trước giờ G, luyện thần kinh khi đứng trước người chấm là Tây :D. Kết quả là nói thử được 7.0, nhưng tổng thi thử chỉ được 5.5 thì phải. :unsure:

      Cũng trong thời gian này, mình tăng tốc mỗi ngày luyện 1 đề để thành nói quen phản xạ. Mục tiêu cho giai đoạn nước rút này là hoàn thành bài Đọc và Viết ít nhất 10p trước khi hết giờ để có thể quay lại rà soát lỗi. :mail:

      – Ba ngày trước hôm thi bạn cố gắng ngủ đủ giấc cho đầu óc luôn tỉnh táo và minh mẫn B-) .

      – Buổi sáng đi thi bạn có thể down bài nghe nào đó vào điện thoại, nghe cho đến trc khi vào thi chừng 15-30p để quen tai.

      Luyện kỹ năng nền:
      Gồm 3 kỹ năng:
      – Grammar
      – Vocabulary
      – Pronunciation
      Sách cho ba kỹ năng nền của Cambridge khá tốt, dễ học, dễ luyện (nhất là những sách bìa tím-đen ấy).

      Riêng về từ vựng, các bạn nên học theo ví dụ ứng dụng, tức là gặp từ đó ở đâu thì chép luôn cả câu đi kèm vào để học. Thứ hai là bạn nhớ học cả các từ đồng nghĩa với các cấp độ khó dần lên để tiện vận dung cho bài Writing.
      Các bạn tìm sách English Vocabulary Organizer của Chris Gough, lý tưởng cho luyện IELTS do nó chia từ theo chủ đề. Ngoài ra còn có thể dùng sách Academic Vocabulary in Use cũng rất dễ vào.
      Pronunciation bạn nên chọn học theo Pronunciation in Use. Để luyện nhanh và dễ dàng, mình khuyên các bạn nên chọn bắt chước theo giọng của một ai đó cụ thể mà các bạn thích. Ví dụ như một diễn viên nào đó trong sitcom mà bạn hay xem, hoặc giọng của một bác nào đó trên VOA Special English. Nếu không rành phim ảnh thì các bạn có thể tìm 1 quyển sách bằng TA mà mình yêu thích (fiction hay non-fic đều được), sau đó tìm bản audio đọc của quyển đó. Vậy là hằng ngày bạn mở sách ra và đọc nhại theo giọng đọc đó cho đến hết quyển. Học phát âm như vậy sẽ giúp bạn vừa nhanh lên, vừa thống nhất được tone và cách luyến láy tự nhiên.

      Đi thi:
      Khi đi thi ngoài giấy tờ bút pháp không được thiếu ra, bạn BẮT BUỘC phải mang tẩy và gọt bút chì có vỏ đựng phôi rác (loại nhỏ). Mình đi thi mà không hiểu sao có những bạn có thể quay sang hỏi mượn đồ được, mất tâm trung của mình và của người khác, chưa kể dễ bị nghi là gian lận với nhau.

      Bạn yên tâm là khi ôn luyện, các sách sẽ có chỉ dạy cho bạn cả các tips và kỹ năng cần thiết, nên mình sẽ không nêu tỉ mỉ ở đây nữa nhé.

      Bài thi Nghe
      Khái quát đề:
      – 30 phút – 40 câu hỏi, chia làm 4 phần (số câu hỏi không được chia đều).
      – Độ khó tăng dần.
      – Nhiều giọng phát âm của nhiều quốc gia khác nhau.
      – Thí sinh chỉ nghe được 1 lần. Tuy nhiên, sẽ có thời gian để đọc câu hỏi và chuẩn bị câu trả lời. Cuối bài thi các thí sinh sẽ có 10 phút để ghi lại kết quả vào Phiếu trả lời câu hỏi.
      Phần 1: là các tình huống đời thường (đăng ký hoạt động, thuê nhà, nhập học) thường là 1 cuộc nói chuyện nhưng là hỏi đáp, và người đáp thường nói nhiều hơn.
      Phần 2: là các tình huống hướng dẫn và giới thiệu về 1 chủ đề quen thuộc (trường học, khu du lịch, chương trình ca nhạc, triển lãm,..) thường chỉ nói bởi 1 người.
      Phần 3: là các tình huống đối thoại giữa ít nhất là 2 người, đây là các cuộc thảo luận có tính chất học thuật hơn (Ví dụ: chọn chủ đề khóa luận, đề tài nghiên cứu khoa học).
      Phần 4: là 1 bài thuyết trình về 1 chủ đề học thuật, thường do 1 người nói và dùng nhiều từ ngữ mang tính chất học thuật.

      Bạn nhận được đề trong tay nhớ lướt nhanh đến các câu hỏi, khoanh/gạch chân nhanh những ý chính trong câu hỏi (câu hỏi loại nào, gạch tính từ/danh từ chính…) để mình biết đường đón đầu khi nghe. Kỹ năng cơ bản này bạn tất nhiên phải làm thuần thục khi ôn luyện tại gia.

      Bài thi Đọc
      Khái quát đề:
      60 phút – 40 câu hỏi, (không có thời gian giành cho ghi lại câu trả lời cuối bài thi).
      Thông thường bao gồm 3 phần và phần trả lời câu hỏi. Mỗi phần là 1 đoạn văn khoảng 1500 từ với câu hỏi được chia tương đối đều. Các đề tài thường trích dẫn từ sách, báo, tạp chí hoặc tập san và những đề tài này không mang tính chất chuyên môn. Bài thi thông thường bao gồm 1 đề tài thảo luận.

      Một lần nữa, bạn đọc câu hỏi trước khi đọc bài. Nhớ chừa thời gian kiểm tra lại.
      Khi đọc bài bạn khoanh những thông tin thường là chính như số liệu, tên riêng, ngày tháng năm… để dễ tra lại.
      Chú ý câu đầu và câu cuối của từng đoạn vì đó thường là câu gist của đoạn. Gạch chân câu đó nếu cần để thuận tiện cho việc tìm kiếm dữ liệu cho câu trả lời.
      Gặp câu khó quá hoặc bạn không chắc câu trả lời là đúng, bạn nhớ đánh dấu lại trước khi move on, như vậy sẽ giúp bạn không bị rối khi quay lại trả lời vào những phút cuối hay không bị sót.

      Bài thi Viết
      Khái quát đề:
      60 phút, được chia làm 2 phần:
      Phần 1: thí sinh thường được yêu cầu viết bài báo cáo khoảng 150 từ để mô tả và giải thích các số liệu, dữ liệu trên các biểu đồ, một quá trình, một hiện tượng được biểu diễn dưới dạng hình vẽ.
      Phần 2: thí sinh thường được yêu cầu viết bài tiểu luận khoảng 250 từ để đưa ra những chính kiến tranh luận hay nhận định về 1 ý kiến hoặc vấn đề. Thí sinh nên đưa ra những tình huống và ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho nhận định của mình.

      Sách:
      – How to prepare for the TOEFL essay của Barron. (Sách này tuy dành cho TOEFL, nhưng dạy kỹ năng viết task 2 rất dễ hiểu và dễ áp dụng.)
      – Academic Writing Practice for IELTS by Sam McCarter
      – Write Right (Hội sĩ tử luyện thi IELTS có share). Đây tài liệu lý tưởng cho những bạn không tự tin vào môn Viết và muốn kiếm điểm vừa đủ cho môn này. Nó là dạng sách mì ăn liền, kiểu văn mẫu của Việt Nam. Bạn cứ đọc các bài Band 7, gạch chân những cụm từ nó hay dùng rồi học thuộc và bê vào bài, thay đổi dữ liệu (thường dùng cho Task 1).
      Ở bài Task 2, chắc chắn bạn sẽ phải chú ý cập nhật thông tin xã hội để làm ví dụ minh họa cho lập luận của mình. Đọc các bài giải gợi ý của các đề trước đây cũng không thừa. Như hôm mình thi vào đề ảnh hưởng của truyền thông đối với nhận thức xã hội, may mà mới 2 hôm trước mình có đọc một bài giải cho đề cũ ngày xưa về ảnh hưởng của quảng cáo đối với các tiêu chuẩn trong xã hội nên đầu óc đã được khai mở, ít nhất là về cách lập luận.
      Báo VnExpress hiện nay có mục Góc nhìn (bằng TV, tất nhiên), bạn có thể đọc để xem cách họ đưa ra ý kiến, nêu supporting points và ví dụ về những vấn đề trong xã hội để học theo. Đây là cách rèn tư duy hết sức bổ ích.

      Bài thi Nói
      Khái quát đề:
      11 – 14 phút. Thí sinh sẽ trò chuyện trực tiếp với giám khảo. Thí sinh cần thể hiện các khả năng: trả lời lưu loát các câu hỏi, thông thạo các đề tài và khả năng giao tiếp với giám khảo. Giám khảo sẽ đánh giá trình độ tiếng Anh của thí sinh dựa vào 4 yếu tố: Từ vựng, Ngữ pháp, Lưu loát và Phát âm.
      Sách
      – Mat Clark – IELTS SPEAKING
      – Mark Allen – IELTS SPEAKING
      – Các examiners cho IELTS thường nói giọng Anh-Anh, nên các bạn cũng nên xem thêm những reality shows của Anh như X-Factor, Britain’s Got Talent, Hell’s Kitchen… để làm quen nhé.
      Có thể tạm chia bài thi nói ra 3 phần:
      Phần 1: Trả lời các câu hỏi về các chủ đề chung chung như quê hương, gia đình, sở thích, …

      Dù không bắt buộc, nhưng bạn nên tạo ấn tượng tốt từ đầu bằng những câu giới thiệu kèm giải thích ngắn gọn. Phần này bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước và tập nói ở nhà. Khởi động tốt sẽ kích thích tinh thần của bạn cũng như không khí buổi thi, chưa kể giám khảo sẽ có ấn tượng tốt với kiến thức tiếng Anh của bạn.

      Phần 2: Người hỏi sẽ đưa cho bạn 1 yêu cầu về mô tả 1 sự việc hiện tượng có liên quan đến bạn, trong yêu cầu sẽ có 4 gợi ý để thí sinh có thể dễ dàng phát triển ý. Thí sinh có 1 phút để suy nghĩ và nhiều nhất là 2 phút để trả lời. Kết thúc phần trả lời, người hỏi có thể sẽ hỏi thêm 1 đến 2 câu hỏi.
      Mình tìm thấy trên mạng có một phần hướng dẫn rất hay cho bạn áp dụng:
      Hãy sử dụng phương pháp P.R.E.P. Bắt đầu với chữ “P” – câu bao hàm đại ý của bài nói (main Point). Sau đó đưa ra 2 hoặc 3 câu về lí do “R”- Reason. Chữ tiếp theo “E”, Example – ví dụ. Mô tả ví dụ bằng 2 đến 3 câu. Hoàn thành bài nói với “P” – main Point, nhưng dùng một câu khác câu đầu tiên. Nếu còn thời gian bạn có thể đưa thêm một ví dụ nữa.
      Luyện tập tại gia: Sử dụng đồng hồ và tự cho mình 1 phút để ghi chép cho một chủ đề, sau đó là 2 phút đặt 4 đến 5 câu sử dụng phương pháp PREP.
      Bạn nên đọc kỹ câu hỏi, gạch đầu dòng những key word cho câu trả lời của bạn, tránh ê a lan man.
      Nếu nói sai từ, cứ bình tĩnh correct lại để ít nhất họ biết là bạn biết mình đang nói gì, nhưng đừng lạm dụng quá, nếu không bài sẽ lộn xộn khó hiểu.

      Phần 3: Người hỏi sẽ hỏi bạn các câu hỏi về chủ đề liên quan tới hiện tượng và sự việc mà bạn đã trình bày ở trên. Các câu hỏi ở phần này thường là các loại sau: Discuss (bàn luận), Compare (so sánh), Speculate (dự đoán), Analyse (phân tích), Explain (giải thích), Evaluate (ý kiến).
      Phần này bạn không có nhiều thời gian chuẩn bị như phần trước, có nội dung là phần mở rộng của chủ đề ở phần hai. Vì diễn ra khá nhanh nên bạn cũng nên áp dụng theo cách trả lời diễn dịch: đưa ra câu trả lời chung, sau đó giải thích bằng những ý bổ trợ cụ thể.
      Bạn cũng nên học những từ dùng để ‘câu giờ’ suy nghĩ trong thời gian ngắn. Ví dụ như bạn có thể bắt đầu bằng: Well, actually, I think, in my opinion… thay vì im bặt suy nghĩ hay ú ớ ở cửa miệng.
      Khi thi nói bạn không cần bấn loạn về thời gian, đó là trách nhiệm của giám khảo. Cứ nói ý của mình một cách súc tích, đúng chủ đề.
      Bạn nói từ tốn, không nhất thiết phải bắn tằng tằng, dễ sai.
      Đừng ngại dùng ngôn ngữ cơ thể, sẽ có điểm cộng đấy.
      Như mình đã nói về việc bạn nên học phát âm theo một người nào đó, nhờ vậy bạn sẽ học được ngữ điệu tự nhiên của người đó. Việc xem phim hay các reality shows sẽ giúp bạn biết cách nhấn nhá, luyến láy trong câu.

      Trên đây là khái quát những tips cho ôn luyện IELTS, đúc kết từ kinh nghiệm bản thân của mình. Bạn nào có đóng góp thêm ý kiến cho các thành viên khác trong diễn đàn thì comment thêm bên dưới nhé! Chúc các bạn chinh phục IELTS thành công. :good:

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.