Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (10/02/2015)

hel-m

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Thời báo Hoàn cầu cho biết quân đội Trung Quốc vừa đạt được một bước tiến quan trọng trong việc chế tạo vũ khí năng lượng định hướng (directed energy weapons). Theo báo cáo của Hoàn cầu thì Viện Quang học và Cơ khí chính xác Tây An trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển một thiết bị tạo nguồn giả lập tia X (X-ray pulsar simulation source) thế hệ thứ 3. Công nghệ này, vốn có thể tạo ra tia X dưới dạng sóng xung lực có định hướng, chính thức vượt qua vòng kiểm định vào ngày 17 tháng 1. Công nghệ có liên quan tới tia X có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không vũ trụ, thiên văn học, khoa học và kỹ thuật. Với giới quân sự, tia X giả lập có thể giúp Trung Quốc tiến vào lĩnh vực mà Hoa Kỳ thống trị bấy lâu nay: các loại vũ khí xung điện từ (Electromagnetic weapons hay EMPs).

Theo một báo cáo của Hội đồng khoa học Quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, vũ khí năng lượng định hướng sẽ là nhân tố giúp thay đổi cuộc chơi trong tương lai. Tuy nhiên quân đội Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực vẫn chưa thể đầu tư một cách tương xứng. Hiện nay, có 2 loại EMPs chủ yếu. EMPs phi hạt nhân truyền thống sẽ tự tạo ra một trường điện từ phá huỷ hay làm nhiễu các loại thiết bị điện tử của đối phương. Trong khi đó EMPs hạt nhân có tầm ảnh hưởng rộng hơn, và các tác động xung điện từ chỉ là thứ cấp tạo ra bởi vụ nổ hạt nhân trước đó. Các quốc gia hiện tại đang phát triển các loại vũ khí có liên quan tới năng lượng định hướng (không tính Trung Quốc) bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản.

Tiếp tục một thông tin đáng chú ý từ Trung Quốc. Vừa qua nổi lên một số thông tin cho rằng Trung Quốc đang có ý định thành lập Hạm đội thứ 4 đặt đại bản doanh tại Hải Nam, với khu vực hoạt động nằm tại Ấn Độ Dương. Tuy nhiên thông tin này lại bị các chuyên gia đánh giá là khó có khả năng xảy ra. Mặc dù Hải quân Trung Quốc đã khá thành công khi tiến hành các chiến dịch chống cướp biển tại Vịnh Eden, tuy nhiên khó khăn xuất hiện cho một kế hoạch như trên cũng không phải là ít, nhất là về mặt ngoại giao, hậu cần và độ tin cậy. Chin Chang, học giả tại Viện nghiên cứu Xã hội và Chiến lược tại Đài Loan cho rằng sẽ khó để Trung Quốc thành lập một hạm đội thứ 4 do những rào cản về mặt ngoại giao, quân sự và hậu cần. Tuy nhiên, theo Chin, một số thoả thuận có thể được thiết lập nhằm giúp Trung Quốc có hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương. Về mặt đối ngoại, một hạm đội như vậy sẽ gặp phản ứng dữ dội từ Ấn Độ. Về mặt địa lý, Trung Quốc sẽ phải vượt qua được hàng loạt các cứ điểm quan trọng của Hoa Kỳ và đồng minh như Mandeb, Malacca, Hormuz, Lombok và Singapore. James Holmes thuộc Học viện chiến tranh Hải quân cho rằng Trung Quốc có thể lập ra một cơ chế giúp tập hợp nguồn lực cho hoạt động tại Ấn Độ Dương, nhưng là cơ chế uyển chuyển và không cố định.

Hoa Kỳ trong tuần vừa qua cũng đã chính thức công bố chiến lược an ninh quốc gia mới trong năm 2015. Cố vấn an ninh quốc gia bà Susan Rice, trong bài phát biểu tại Viện Brookings nhân dịp công bố chiến lược này, cho rằng về căn bản, đây là một chiến lược nhằm tăng cường nền tảng sức mạnh Mỹ bao gồm tất cả các mặt nhằm duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington trông thế kỷ 21. Chiến lược an ninh quốc gia mới vẫn được dẫn dắt bởi 4 lợi ích cốt lõi chính vốn đã được nêu vào năm 2010: an ninh, thịnh vượng, gía trị Mỹ và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực mà chiến lược này quan tâm nhắm tới, với Trung Quốc là đối tượng cụ thể khi Hoa Kỳ mong muốn xây dựng một mối quan hệ mang tính xây dựng với nước này bất chấp các bất đồng lớn có liên quan. Theo người phát ngôn của Hội đồng an ninh Quốc gia Barnadette Meehan thì: “chiến lược này đóng vai trò kim chỉ nam cho chính quyền, trong mối liên kết với Quốc hội, dẫn dắt thế giới bước qua một môi trường an ninh đang thay đổi hướng tới hoà bình và thịnh vượng”.

Tuy vậy, chiến lược quốc gia này vẫn gặp phải nhiều chỉ trích tới từ giới phân tích và học giả. Trên tạp chí Foreign Policy, hai cựu nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia đã cho rằng bản chiến lược “thiếu mục tiêu, cũng như không nêu được các bước đi cần thiết để đạt được mục đích, cũng như thiếu mô tả về các nguồn lực cần thiết”. Theo một báo cáo của Dự án Cải cách an ninh quốc gia (PNSR) thì “các áp lực về thời gian đã khiến cho Nhà trắng không có khả năng đưa ra được một công thức chiến lược mang tính thận trọng hơn”, và “không phải ngẫu nhiên mà bản chiến lược được công bố đã thất bại trong việc nêu lên các kế hoạch cụ thể về làm thế nào để có thể thực hiện được các viễn cảnh chiến lược đã được đề ra”. Nguyên nhân được đưa ra là do xung đột lợi ích giữa các nhóm và cơ quan trong hệ thống, cũng như giữa Quốc hội và Nhà trắng.

Tiếp về các tranh luận về Lục quân Hoa Kỳ. Số Chuyển động quốc phòng một tháng trước đây đã từng đề cập đến việc Quân đội Hoa Kỳ dần dần giảm số lượng xe tăng chủ lực của mình trong cơ cấu tổng thể trang bị vũ khí. Với khó khăn về ngân sách, cũng như sự lỗi thời của thiết giáp hạng nặng trong thời đại của chiến tranh mạng, của máy bay không người lái và của các chiến dịch đặc biệt, Hoa Kỳ dường như đã huỷ bỏ chương trình phát triển các xe chiến đấu thế hệ mới của mình vào năm 2014. Tuy nhiên, theo Breaking Defense, xu hướng này dường như bị đảo ngược khi ngân sách quốc phòng dự kiến cho năm 2016 cho thấy hầu hết các chương trình phát triển xe thiết giáp mới đều được tăng ngân sách ít nhất là 50%, thậm chí có mục tăng tới 150%. Theo Stars and Stripes, ngân sách 2016 sẽ chi khoảng 2,6 tỷ USD cho các loại xe thiết giáp mang tính chiến thuật, chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu. Viễn cảnh của tăng và thiết giáp dường như vẫn chưa bị phai nhạt, đặc biệt đối với lực lượng thiết giáp hùng mạnh nhất thế giới? Điều này vẫn còn phải được quan sát tiếp tục trong thời gian tới.