Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (21/04/2015)

Rheinmetall_50kw-Laser_1

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Theo báo cáo của IHS Jane’s, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng sân bay tại Đá Chữ Thập. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là sân bay đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp. Theo các hình ảnh được ghi lại vào ngày 23 tháng 3, một phần đường băng có diện tích 503m x 53m đang được triển khai tại phía đông bắc của Đá Chữ Thập, trong khi một phần khác cũng đang được chuẩn bị san lấp. Một sân bay thật sự có đường băng dài 3,000 mét sẽ có thể được xây dựng tại đây, tương tự với kích cỡ của một sân bay quân sự trong đại lục (dài từ 2,700 mét tới 4,000 mét). Các hoạt động mở rộng khác cũng đang được triển khai cấp tập tại Đá Subi. Trung Quốc cũng đang dự tính xây dựng một đường băng dài 3,000 mét tại bãi đá này.

Tất cả những nỗ lực này sẽ mở rộng khả năng tuần tra kiểm soát của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc. Theo Zachary Keck thì Bắc Kinh hoàn toàn có khả năng thiết lập vùng nhận dạng phòng không ADIZ tại biển Đông nếu như quá trình cải tạo này hoàn tất.

Paul Scharre từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hoa Kỳ mới (CNAS) đã đề ra một chiến lược phát triển vũ khí mới cho Hoa Kỳ: sử dụng rô-bốt số lượng lớn, hay còn gọi là bầy đàn rô-bốt (robotics swarm). Theo ông, ưu thế về công nghệ của quân đội Hoa Kỳ hiện tại đã không còn là nhân tố mang tính quyết định. Các nước khác hiện nay đã có khả năng sở hữu các loại vũ khí tiên tiến, và có thể tiến hành chiến lược “chống tiếp cận”. Bên cạnh đó, xu hướng chế tạo vũ khí hiện tại đang khiến cho giá thành một số loại vũ khí gia tăng một cách khủng khiếp, dẫn đến quân đội Hoa Kỳ sẽ phải giảm số lượng vũ khí tiếp nhận. Đa năng hoá vũ khí cũng là một cách tiếp cận, tuy nhiên chính điều này lại càng khiến giá thành vũ khí tăng lên. Trong bối cảnh ngân sách quốc phòng đang bị cắt giảm như hiện nay, cần thiết phải có một chiến lược chế tạo vũ khí mới phù hợp hơn.

Theo Paul, Hoa Kỳ không nên từ bỏ các nỗ lực hiện đại hoá, mà cố gắng chế tạo các loại vũ khí chất lượng với số lượng lớn. Vấn đề của công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ hiện tại là sản xuất ra vũ khí với giá thành quá cao. Có ba lý do: thứ nhất là độ phức tạp phát sinh từ vũ khí; thứ hai là thời gian phát triển một hệ thống vũ khí kéo dài quá lâu; và thứ ba là thiếu tính kế thừa cho các loại vũ khí thế hệ tiếp theo. Cách giải quyết vấn đề này, theo Paul, là giảm thời gian sản xuất và đơn giản hoá tính năng (đơn giản hoá không có nghĩ là bớt tính hiện đại). Có hai cách tiếp cận chính dựa trên quá trình sản xuất. Thứ nhất là lắp ráp vũ khí theo kiểu mô-đun, điều này giúp làm giảm thời gian sản xuất và đồng thời đảm bảo yếu tố hiện đại khi các mô-đun có thể được chế tạo cùng lúc với nhau và có thể áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ lên từng mô-đun. Thứ hai là cố gắng chia nhỏ các hệ thống vũ khí ra thành những bộ phận khác nhau, với các chức năng khác nhau. Nói cách khác là tạo ra một tập hợp nhiều rô-bốt với các chức năng khác nhau đã được tối ưu hoá và chúng có thể độc lập làm việc cùng nhau.

Cách tiếp cận thứ hai dường như chưa mang nhiều tính khả thi, do đặc tính “tự vận hành” (autonomy) vẫn chưa phát triển một cách đầy đủ. Tuy nhiên, các hệ thống không người lái tự vận hành trong tương lai mang lại nhiều lợi ích về mặt chi phí như tăng khả năng chịu đựng sát thương cho các khí tài khác; giảm chi phí huấn luyện trong một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, chiến thuật bầy đàn rô-bốt gia tăng chi phí về phía kẻ thù vì tạo ra nhiều mục tiêu hơn, và các mục tiêu này một khi bị hạ gục thì có thể được thay thế ngay lập tức. Đồng thời, “bầy đàn” giúp kết nối phối hợp tốt hơn cũng như gia tăng tốc độ chiến đấu trên chiến trường.

Tiếp tục những thông tin về vũ khí laser trong thời gian gần đây vốn đang trở thành một vấn đề “nóng” trong giới nghiên cứu quân sự. Giờ đây, sau hơn nửa thế kỉ theo đuổi, Hoa Kỳ gần như đã bước rất gần đến việc sở hữu vũ khí năng lượng định hướng – vũ khí laser và sóng siêu âm. Lầu Năm Góc đã nhìn thấy được tiềm năng của vũ khí định hướng năng lượng cao ngay từ những năm 1960, bao gồm cả laser và sóng siêu âm, và ra sức phát triển. Tuy nhiên, từ một dự án rầm rộ, được đầu tư hàng tỉ USD, chương trình này dần bị thu hẹp. Thất bại trong việc phát triển một vũ khí laser có thể triển khai trên không và từ không gian trong những năm 1990 và 2000, Hoa Kỳ dần thu nhỏ lại những kỳ vọng và các khoản đầu tư. Điều đáng nói là, khi không còn được biết đến rầm rộ và nhận được nhiều tiền đầu tư, chương trình năng lượng định hướng lại phát triển và có những bước tiến đáng kể.

Một thế hệ vũ khí laser chiến thuật đã được kiểm chứng trong các hoạt động chống lại những mối đe dọa thực tế. Năm 2013, một hệ thống laser chiến thuật đặt trên tàu chiến của Hải quân Mỹ đã bắn hạ thành công một máy bay không người lái. So với việc sử dụng các tên lửa như trước đây, laser là một lựa chọn thay thế vượt trội bởi chi phí rẻ hơn rất nhiều và độ chính xác. Năm 2014, một lần nữa Hải quân cho thấy tiềm năng phát triển và mở rộng vũ khí laser khi tiêu diệt hoàn toàn một tàu cao tốc giả định trên biển. Không quân Hoa Kỳ năm 2012 cũng cho thấy tính khả thi của vũ khí siêu âm công suất cao.

Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) mới đây cũng đã công bố một báo cáo về chương trình vũ khí năng lượng định hướng bởi Tiến sĩ Jason Ellis, một thành viên cấp cao tại CNAS và được mời từ Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore. Báo cáo đã cung cấp những hướng dẫn cần thiết, đưa ra những đánh giá thẳng thẳn và khách quan và những gì mà Bộ Quốc phòng có thể tiếp tục để phát triển vũ khí năng lượng định hướng. Báo cáo nhấn mạnh “một sự bổ sung kinh phí là cần thiết để hoàn thiện vũ khí năng lượng định hướng, đạt được một cách toàn diện những tiềm năng của chúng”. Tuy nhiên, ông Ellis cũng cho rằng, “một chiến lược toàn diện của Bộ Quốc phòng” cho vũ khí năng lượng định hướng cũng là điều cần thiết.

Công nghệ là cốt lõi, nhưng khả năng hiện diện đem lại phương tiện khẳng định sức mạnh một cách thực chất. Mục đích chính của Hoa Kỳ khi dịch chuyển các căn cứ quân sự sang Châu Á – Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, tờ Thanh niên Nhật báo nước này khẳng định. Dẫn nguồn từ Báo cáo Quốc phòng 4 năm của Lầu Năm Góc, tờ báo khẳng định Hoa Kỳ có ít nhất 686 căn cứ bên ngoài lãnh thổ, phân bố trên 74 quốc gia khắp thế giới.

Nhiệm vụ quản lý các căn cứ này được giao cho tổng hành dinh ở Washington, Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ. Về cơ bản, các căn cứ hải ngoại của Hoa Kỳ có thể chia thành 3 loại:

  • Loại thứ nhất là các Căn cứ tác chiến chính (Main Operating Base) – binh lính được triển khai thường trực, được bảo vệ nghiêm ngặt, là cơ sở hỗ trợ cho các lực lượng trên biển hoặc trên không.
  • Loại thứ hai là các Căn cứ tác chiến tiền phương (Forward Operating Base) – hỗ trợ các hoạt động chiến thuật. Các căn cứ loại này thường được sử dụng làm kho vũ khí, cứu thương hoặc luân chuyển binh lính. Trong cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq, Mỹ duy trì các căn cứ như thế này ở một số nước xung quanh.
  • Loại thứ ba là các địa điểm phối hợp an ninh (Cooperative Security Location), nơi cung cấp các trang thiết bị hỗ trợ huấn luyện cho các quốc gia trong khu vực. Loại này không cần nhiều sự hiện diện của sĩ quan Hoa Kỳ, chi phí cũng rẻ hơn nhiều so với hai loại trên. Washington dự định sẽ tăng số lượng các căn cứ loại này trong tương lai nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nhiều khu vực hơn trên thế giới.

Nằm trong chiến lược xoay trục sang châu Á, Hoa Kỳ đã tăng cường bố trí lực lượng quân sự tại khu vực. Song song đó, Washington cũng đóng cửa một số căn cứ quân sự ở những khu vực khác để dồn nguồn lực về châu Á. Ngày 10 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter trong chuyến thăm đến Hàn Quốc đã tuyên bố Washington sẽ triển khai “những thứ tốt nhất và mới nhất” ở khu vực, bao gồm cả các máy bay ném bom tàng hình và các đơn vị tác chiến mạng.

Trung Quốc cũng đang tiếp cận dần công nghệ rô-bốt và điều khiển học. Một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc mới đây đã phát triển một loại rô-bốt có thể được điều khiển thông qua bộ não con người. Kết quả này đến từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc). Thông qua một bộ điều khiển được gắn trực tiếp lên đầu người sử dụng, rô-bốt có thể di chuyển trước sau hoặc xoay vòng. Thông qua một nắp điện cực, sóng não sẽ được khuếch đại rồi gửi tới máy tính trên bộ điều khiển và truyền tới rô-bốt. Bằng cách này, ngưởi sử dụng có thể điều khiển được rô-bốt theo ý nghĩ của mình. Quốc hội Trung Quốc đã chấp thuận “Dự án não bộ Trung Quốc” nhằm khám phá thêm sức mạnh của bộ não người.