Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 21/5/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Hobbes (1588-1679) là một triết gia người Anh. Tư tưởng triết học chính trị của ông bao trùm thế kỷ 17 và tiếp tục có ảnh hưởng sâu rộng tới ngày nay.[1]
Thomas Hobbes sinh ngày 5 tháng 4 năm 1588 tại Malmesbury, Wiltshire, là con trai của một mục sư. Cha ông rời bỏ gia đình năm 1604 và không bao giờ quay trở lại, vì thế một người chú giàu có đã chi trả cho việc học của Hobbes tại Đại học Oxford.
Năm 1608, Hobbes làm gia sư cho William Cavendish, sau này là bá tước vùng Devonshire. Hobbes phục vụ cho gia đình Cavendish suốt đời mình. Năm 1610, Cavendish và Hobbes cùng nhau du hành Châu Âu, đi qua Đức, Pháp và Ý. Sau khi Cavendish mất, Hobbes chuyển sang nghề khác, nhưng về sau làm gia sư cho con trai của Cavendish. Trong những năm này ông đi vòng quanh Châu Âu hai lần nữa, gặp gỡ với những nhà tư tưởng hàng đầu như nhà thiên văn học Galileo Galilei và triết gia Rene Descartes.
Năm 1640, khi nước Anh ở bên bờ vực nội chiến, vốn là một người bảo hoàng, Hobbes trốn sang Paris do lo sợ phản ứng của Quốc hội Dài hạn (Long Parliament) đối với những tác phẩm của ông. Ông sống lưu vong trong 11 năm. Từ năm 1646 đến 1648, Hobbes là gia sư toán học cho Charles, Hoàng tử xứ Wales (sau này là Vua Charles II), người cũng đang sống lưu vong.
Năm 1651, những tác phẩm nổi tiếng nhất “Leviathan” hay “Vật chất, hình thức và quyền lực Nhà nước giáo hội và Nhà nước công dân” (The Matter, Form, and Power of a Commonwealth Ecclesiastical and Civil) được xuất bản. Với Hobbes, cách duy nhất để một người thoát khỏi trạng thái sợ hãi và bạo lực tự nhiên là từ bỏ tự do của mình và tham gia một khế ước xã hội với người khác để chấp nhận một thẩm quyền tập trung. Hobbes cảm thấy rằng chế độ quân chủ đem lại thứ thẩm quyền tốt nhất. Ông cũng tranh luận rằng do quyền của người đứng đầu đất nước (sovereign power) là tuyệt đối, nhà vua cũng phải là người đứng đầu tôn giáo của quốc gia. Theo đó, Hobbes tỏ ra chống đối Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã.
Điều này khiến các nhà cầm quyền Pháp không mấy thiện cảm với ông, và năm 1651 ông quay trở lại Anh. Ông tiếp tục viết, cho ra đời các tác phẩm về toán học, vật lý cũng như triết học, và tham gia vào các cuộc tranh luận học thuật. Năm 1660, Charles II – học trò cũ của ông – quay về Anh và lên ngôi vua, đồng thời ban cho Hobbes một khoản tiền trợ cấp.
Năm 1666, nghị viện yêu cầu điều tra xu hướng vô thần của tác phẩm “Leviathan”. Hobbes lo sợ bị coi là một kẻ dị giáo, do đó ông đã đốt rất nhiều tài liệu của mình. Vua Charles II đích thân can thiệp, nhưng có vẻ Hobbes không viết về những vấn đề chính trị công khai nữa.
Năm 1672, Hobbes xuất bản một cuốn tự truyện bằng tiếng Latin và bản dịch của các tác phẩm “Iliad” và “Odyssey” trong hai năm 1675-1676. Ông qua đời vào ngày 4 tháng 12 năm 1679 tại Tòa Hardwick, Derbyshire – một trong những căn nhà của gia đình Cavendish.
—————————————————–
[1] Triết lý chính trị của Thomas Hobbes đặt trên nền tảng học thuyết khế ước xã hội (Social Contract theory), học thuyết nền tảng của các thể chế dân chủ hiện đại. – ND