Louis XIV – Vị vua trị vì lâu nhất của Pháp

BRAND_BIO_BSFC_154723_SF_2997_005_20140124_V1_HD_768x432-16x9

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 30/5/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh                                        

Louis XIV, hay còn được biết đến với tên ‘Vua Mặt trời’, là vua nước Pháp từ 1643 đến 1715. Ông được coi là vị hoàng đế vĩ đại nhất ở thời đại của ông.

Louis sinh ngày 5 tháng 9 năm 1638 tại thành phố St Germain-en-Laye. Sau khi vua cha là Louis XIII qua đời, ông lên ngôi khi mới được bốn tuổi. Thuở nhỏ, mẹ ông (công nương Anne của Áo) thay ông nhiếp chính và được trợ giúp bởi Hồng y Mazarin – thủ tướng từ thời Louis XIII.

Tuổi thơ của Louis bị bao trùm bởi những cuộc nổi dậy liên miên chống lại mẹ ông và Mazarin, được biết đến với tên gọi ‘Fronde’ (tức sự nổi loạn – ND). Điều này tạo cho ông một nỗi lo sợ suốt đời về sự nổi dậy và nỗi chán ghét Paris, thôi thúc ông dành nhiều thời gian hơn ở thành phố Versailles phía tây nam Paris. Năm 1600, ông kết hôn với Maria Theresa, con gái của vua Tây Ban Nha Philip IV.

Năm 1661, Mazarin qua đời, và vị vua Louis 23 tuổi quyết định chấp chính mà không cần thủ tướng. Ông tự coi mình là một hoàng đế toàn quyền với quyền lực được Chúa trực tiếp ban trao. Ông chăm chút hình ảnh một cách cẩn thận và lấy mặt trời làm biểu tượng của mình. Từ năm 1661 đến năm 1689, ông cho xây dựng một tòa lâu đài tráng lệ ở Versailles và chuyển chính phủ từ Paris tới đây vào năm 1682.

Trong những năm đầu triều đại, Louis cùng với bộ trưởng tài chính Jean-Baptiste Colbert thắt chặt quyền kiểm soát tập trung khắp đất nước, quay lại việc sử dụng các quan chức hoàng gia ở các địa phương (quản đốc), và tiến hành các biện pháp tái cơ cấu hành chính và tài chính khác. Louis cũng mở rộng quân đội và hải quân Pháp.

Triều đại của Louis ghi dấu ấn với chính sách đối ngoại hiếu chiến. Sau cái chết của cha vợ, Louis tuyên bố chủ quyền với phần lãnh thổ Hà Lan thuộc Tây Ban Nha và phát động cuộc Chiến tranh Ủy thác Hà Lan (1667-1668). Trong Chiến tranh Pháp-Hà Lan lần thứ hai, Louis không thể đánh bại quân đội Hà Lan được dẫn dắt bởi William xứ Orange, tuy vậy ông vẫn giành được một phần lãnh thổ rộng lớn.

Là một con chiên Thiên chúa giáo mộ đạo, năm 1685 Louis đã thu hồi Sắc lệnh Nantes[1] vốn cho phép người dân Pháp theo đạo Tin lành (được gọi với tên Huguenot) tự do tín ngưỡng. Khoảng 200.000 người Huguenot phải bỏ trốn tới Hà Lan và Anh, nhiều người trong số họ là những thợ thủ công lành nghề.

Ba mươi năm cuối triều đại của Louis gần như chìm trong chiến tranh liên miên. Nước Pháp lúc này là cường quốc hùng mạnh nhất châu lục và các nước Châu Âu khác cảm thấy bị đe dọa. Chiến tranh Liên minh Augsburg (1688-1697, còn gọi là Chiến tranh Chín năm), tiếp đó là Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha (1701-1714) đã làm cạn kiệt nguồn lực của Pháp. Trong Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ Pháp bại trận liên tiếp, đáng kể nhất là trận Blenheim năm 1704 và trận Ramillies năm 1706.

Louis XIV qua đời ngày 1 tháng 9 năm 1715, không lâu sau khi ký kết Hòa ước Utretch chấm dứt Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha. Do cả con trai cả và cháu trai đều đã mất trước ông, người chắt nội đã kế thừa ngôi vua với hiệu Louis XV.

————————————————-

[1] Sắc lệnh Nantes là sắc lệnh chấm dứt những cuộc chiến tranh tôn giáo ở Pháp do Vua Henri IV ký. Theo đó, những người Pháp theo đạo Tin Lành có quyền tự do tín ngưỡng (trừ ở một vài thành phố), bình đẳng xã hội, bình đẳng pháp lý, được quyền nắm giữ một vài thành phố theo đạo Tin Lành và được trợ cấp để nuôi quân đội và chức sắc tôn giáo. Sự thu hồi sắc lệnh này của vua Louis XIV và việc cố gắng trị vì vương quốc bằng một tôn giáo duy nhất đã khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ Pháp. Đây được coi là một cuộc “chảy máu chất xám” trong lịch sử nước Pháp. – ND