Thị trường chứng khoán Trung Quốc: Tái hiện Đại nhảy vọt

a4630_s4.reutersmedia.net

Tác giả: Phạm Sỹ Thành

Có ít nhất ba điểm khiến các can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào thị trường chứng khoán (TTCK) của nước này trở nên khác thường. TTCK sẽ tác động như thế nào đến triển vọng kinh tế Trung Quốc?

TTCK Trung Quốc đã trải qua một năm biến động kỳ lạ. Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục giảm tốc tăng trưởng, khó có thể lí giải vì sao đột nhiên TTCK nước này lại đột ngột lên cơn sốt.

Chỉ trong vòng một năm, chỉ số Shanghai Composite chạm đỉnh vào giữa tháng 6 ở mức 5.166,35 điểm, tăng khoảng 150%. Một con số này đủ làm rùng mình tất cả những ai e ngại rủi ro, bởi nếu nhớ lại, trước khi cuộc khủng hoảng dotcom xảy ra ở Mỹ, chỉ số Nasdaq Composite cũng chỉ tăng trưởng với tốc độ 86%. Sau đó, lần đầu tiên các nhà đầu tư tại TTCK Trung Quốc được trải nghiệm cảm giác hoảng loạn của “thị trường con gấu”. Chỉ trong vòng ba tuần, 30% giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc – ước đạt gần 3.500 tỉ đô la Mỹ – đã bốc hơi.

Ngay sau khi TTCK mất 30% giá trị vốn hóa, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách chặn đà lao dốc của thị trường với hàng loạt can thiệp hành chính như bắt các nhà đầu tư nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu từ 5% trở lên không được giao dịch trong sáu tháng; ngừng giao dịch của 1.400 mã cổ phiếu; buộc các quỹ bảo hiểm dưỡng lão phải mua vào cổ phiếu; ngừng IPO của hàng loạt công ty. Bên cạnh đó, Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) cũng được chính phủ cấp tiền để mua vào các cổ phiếu sụt giảm với số tiền gần 20 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, sau khi thị trường lại tiếp tục đà rơi hơn 8% chỉ trong một phiên giao dịch, CSF đã được cấp 483 tỉ đô la Mỹ (khoảng 3.000 tỉ nhân dân tệ) để cứu thị trường lần hai.

Các biện pháp can thiệp của Trung Quốc có bình thường?

Có nhiều nhận định về nguyên nhân chính phủ Trung Quốc can thiệp vào TTCK, chẳng hạn cho rằng, chính phủ thể hiện “trách nhiệm” của mình với 90 triệu nhà đầu tư cá nhân trên TTCK khi trước đó đã liên tục thúc giục họ bỏ tiền vào đầu tư; hoặc cho rằng, việc Trung Quốc vội vã can thiệp bởi chính phủ nước này e ngại sự sụp đổ của TTCK sẽ lan tỏa sang hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) có quy mô lớn.

Cũng có những lập luận cho rằng Trung Quốc không phải chính phủ duy nhất can thiệp vào TTCK. Ủy ban chứng khoán Mỹ từng cấm bán khống trong khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây bảy năm.

Nhưng có ít nhất ba điểm khiến các can thiệp của chính phủ Trung Quốc trở nên khác thường.

Thứ nhất, cách ứng phó với sự suy giảm trên TTCK của Trung Quốc như vừa qua khiến chúng ta liên tưởng nhiều hơn đến những ứng phó với một cuộc khủng hoàng kinh tế. Thông thường, khi xảy ra khủng hoảng trên TTCK, chính phủ có thể can thiệp bằng cách đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Với Trung Quốc điều này cũng đặc biệt cần thiết vì các quỹ tín thác được các ngân hàng lập ra, đã tham gia tích cực vào TTCK. Bằng cách hỗ trợ hệ thống ngân hàng, chính phủ có thể thiết lập một hệ thống “đê chắn sóng khẩn cấp” ngăn cản cú shock từ TTCK lan tới khu vực sản xuất thực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chọn cách can thiệp thẳng vào TTCK.

Với một TTCK ít có mối liên hệ với sản xuất thực do 80% vốn huy động của các công ty vẫn chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng, do 2/3 giá trị vốn hóa trên TTCK Trung Quốc là của các DNNN, do cổ phiếu chỉ chiếm khoảng 9% tổng tài sản của hộ gia đình Trung Quốc, sự can thiệp này, cuối cùng, giống như một hành động giải nguy cho khu vực kinh tế nhà nước và bảo vệ cho uy tín chính trị của nhóm hoạch định chính sách.

Thứ hai, việc chính trị hóa các vấn đề kinh tế không phải dấu hiệu lành mạnh đối với một quốc gia đang hướng đến điểm đích là kinh tế thị trường. Không chỉ để Bộ Công an vào cuộc nhằm điều tra các giao dịch được cho là bán khống, sự rớt giá trên TTCK Trung Quốc còn được truyền thông nước này gắn với ít nhất ba thuyết âm mưu, trong đó, phổ biến nhất là quan điểm cho rằng các nhà đầu tư phương Tây đã chủ đích tấn công TTCK Trung Quốc.

Thứ ba, mức độ can thiệp hành chính của Trung Quốc có quy mô lớn. Sau khi TTCK Trung Quốc chao đảo, Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) có một chương đưa ra những phê phán gay gắt trước vai trò mà chính phủ Trung Quốc đã thể hiện. Nguyên văn chương này đã chỉ ra khi TTCK lao dốc, chính phủ Trung Quốc đã thể hiện các chức năng “chưa rõ ràng, trùng lặp và xung đột nhau”. Báo cáo đã phê phán mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc chưa đảm nhiệm tốt vai trò quản lí vĩ mô trên thị trường tài chính tiền tệ, ngược lại “can dự một cách phổ biến và trực tiếp vào hoạt động phân bổ nguồn lực”. Chương đó về sau bị cắt bỏ. WB giải thích rằng những bình luận như vậy không phù hợp với tiêu chuẩn thông thường của tổ chức này khi nhận định về các nước thành viên.

TTCK sẽ tác động như thế nào đến triển vọng kinh tế Trung Quốc?

Rủi ro đạo đức. Việc chính phủ can thiệp và việc người dân kêu gọi chính phủ can thiệp rõ ràng làm gia tăng rủi ro đạo đức trên TTCK Trung Quốc. Sự gia tăng này, đến lượt mình lại làm gia tăng tốc độ và mức độ hình thành bong bong trên thị trường tài sản trong tương lai. Ai cũng hiểu rằng, kinh tế thị trường chỉ vận hành được khi có kỷ luật thị trường.

Thông điệp của chính phủ tác động lên nhà đầu tư nước ngoài. Những can thiệp với quy mô như vừa qua của chính phủ Trung Quốc và việc truyền thông nước này nhằm thẳng vào giới đầu tư nước ngoài phát đi hai thông điệp. Thứ nhất, nó cho thấy chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận các dao động mạnh của thị trường. Trong khi, dao động mạnh lại là bản chất của thị trường. Thứ hai, mức độ ngày càng gia tăng của làn sóng bảo hộ kinh tế trong lĩnh vực đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã rời khỏi TTCK Trung Quốc trước khi “khủng hoảng” xảy ra, nhiều nhà đầu tư cũng đang rời đi trước các phản ứng vừa qua trên thị trường. Rõ ràng, những nghi ngờ về quyết tâm cải cách theo hướng thị trường hóa của chính phủ Trung Quốc sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của thị trường này.

Cải cách tự do hóa trong lĩnh vực tài chính tiền tệ sẽ chậm lại. Những cú sốc như vừa rồi rõ ràng sẽ càng khiến Trung Quốc thận trọng hơn khi đưa ra những cải cách trong lĩnh vực tài chính tiền tệ theo hướng tự do hóa.

Các vấn đề đối với tăng trưởng kinh tế

Mặc dù không phải là hàn thử biểu của nền kinh tế nhưng TTCK sụt giảm mạnh sẽ làm gia tăng các nhận định bi quan về khả năng thành công của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, điều này sẽ gây áp lực lên các thị trường tài sản. Nếu TTCK sụp đổ, các nhà đầu tư chứng khoán và bất động sản đều đối diện nguy cơ vỡ nợ dẫn đến gia tăng nợ xấu. Kênh vay vốn gián tiếp bị thử thách cũng khiến việc thúc đẩy đa dạng hóa nguồn vốn vay của doanh nghiệp bị chững lại. Điều này gây áp lực lên tín dụng ngân hàng và chính sách tiền tệ cũng như làm gia tăng nguy cơ tăng nợ xấu. Khi nợ xấu gia tăng, ngân hàng sẽ thắt chặt các khoản tín dụng khiến quá trình phục hồi tăng trưởng càng chậm chạp. Khi tăng trưởng chậm chạp hoặc suy giảm thì tiêu dùng sẽ giảm tiếp.

Như vậy, tác động lan tỏa từ TTCK sang thị trường bất động sản có thể làm gia tăng nguy cơ nợ xấu. Trong bối cảnh đầu tư quá cao, tiêu dùng tư nhân thấp đến mức đáng kinh ngạc, những rủi ro gia tăng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ sẽ khiến quá trình tái cơ cấu tổng cầu thêm gập ghềnh.

Khi phát động Đại nhảy vọt (1958 – 1961), các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, họ có thể tiến hành công nghiệp hóa từ nông thôn, và bằng sự nhiệt tình, có thể sản xuất gang thép nhiều hơn bất kì cường quốc công nghiệp nào. Sự tăng trưởng duy ý chí của TTCK Trung Quốc bằng cách hô hào người dân mua cổ phiếu rõ ràng không giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn. Cũng như việc hô hào toàn dân đi sản xuất gang thép hơn 55 năm trước không thể giúp Trung Quốc trở thành cường quốc công nghiệp. Bài học đắt giá nhất mà Đại nhảy vọt để lại cho Trung Quốc là nó giúp hiểu rằng [chúng ta] không bao giờ lường hết được sự sụp đổ do những quyết sách duy ý chí gây nên.

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành hiện là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) trực thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bài viết được đăng lần đầu tiên trên Thời Báo Kinh tế Sài Gòn.