Hệ thống S-400 giúp TQ thay đổi Châu Á như thế nào?

s-400

Nguồn: Timothy R. Heath, “How China’s New Russian Air Defense System Could Change Asia“, War on the Rocks, 21/01/2016.

Biên dịch: Đỗ Lâm Thuận | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Tên lửa đất đối không (SAM) TRIUMF S-400 của Nga (SA-21 – theo cách gọi của NATO) đã lọt vào tầm ngắm của giới truyền thông vào cuối năm 2015 – thời điểm mà Moscow triển khai hệ thống này sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay ném bom tấn công Su-24 của Nga gần biên giới Syria vào ngày Lễ Tạ ơn. Động thái này của người Nga buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải dừng các hoạt động không quân của mình và được cho là cũng đã tác động đến các hoạt động không quân của Hoa Kỳ và đồng minh trong khu vực. Điều đó đã minh chứng cho sức mạnh của hệ thống phòng không tối tân này.

Sự việc này đã cho thấy tiềm năng chiến lược của S-400, một tiềm năng mà Trung Quốc – quốc gia đầu tiên trên thế giới nhập khẩu hệ thống này – đang tìm kiếm để tận dụng trong trường hợp khủng hoảng xảy ra trong tương lai. Vào tháng 4 năm 2015, Nga thông báo đã bán 4 đến 6 tiểu đoàn S-400 cho Trung Quốc.

Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ triển khai những hệ thống này ở đâu. Tuy nhiên, việc triển S-400 có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh khu vực và tác động đáng kể đến khả năng đáp trả của Hoa Kỳ và đồng minh đối với những cuộc khủng hoảng liên quan đến Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông và Biển Đông.

S-400 là gì?

S-400 là hệ thống tên lửa SAM tầm xa hiện đại nguy hiểm nhất được triển khai thực chiến trên thế giới. Tầm bắn hiệu quả lớn nhất của S-400 lên đến 400 km (215 hải lý). Hệ thống này được tin rằng có thể theo dõi 100 mục tiêu đang bay và tấn công 6 mục tiêu cùng một lúc. Tên lửa S-400 cũng được cho là có khả năng chống lại máy bay tàng hình và vũ khí dẫn đường chính xác, cũng như có thể di chuyển cực kỳ linh hoạt.

S-400 là ví dụ điển hình của một hệ thống chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD). Ý tưởng của A2/AD là ngăn chặn lực lượng đối phương xâm nhập vào một khu vực cụ thể và giới hạn khả năng hoạt động tự do trên chiến trường của đối phương. Như Robert Haddick gần đây đã nhấn mạnh trên trang War on the Rocks, các hệ thống A2/AD tạo nên vấn đề độc nhất vô nhị đối với khả năng triển khai sức mạnh của Mỹ và khả năng duy trì lợi thế về công nghệ của quân đội Mỹ trước các đối thủ.

Tuy nhiên, việc Nga triển khai S-400 đã cho thấy rằng những hệ thống như vậy thậm chí còn có những ảnh hưởng chiến lược lớn hơn nữa. Dù không phải là tên lửa SAM đầu tiên đe dọa máy bay trong tầm bắn hàng trăm dặm (SA-5, được triển khai từ năm 1966, có tầm bắn trong phạm vi 150 hải lý), khả năng của S-400 làm nó trở nên nguy hiểm hơn ít nhiều so với một hệ thống SAM phòng thủ truyền thống. Nó có thể tấn công đa dạng các loại mục tiêu, bao gồm máy bay tàng hình và tên lửa hành trình. Tầm bắn của nó đối với máy bay hoạt động ở độ cao trung bình hoặc cao lớn đến nỗi nó có thể đe dọa cả máy bay các nước láng giềng đang trong không phận của họ. Chỉ riêng khả năng này đã đủ làm gia tăng nguy cơ đối với bất kỳ chiếc máy bay đắt tiền nào hoạt động gần một hệ thống S-400.

Một tên lửa S-400 đơn lẻ tiêu tốn vài triệu đô la có thể bắn hạ một tài sản quân sự trị giá hàng trăm triệu đô la, như máy bay thông minh không người lái RQ-4, máy bay chiến đấu F-22 hay F-35, hay tệ hơn, một chiếc máy bay ném bom B-2 trị giá hơn 2 tỷ đô la một chiếc. Và nó có thể làm được điều đó từ khoảng cách xa hơn bất kỳ tên lửa SAM đối thủ nào. Vì vậy, tên lửa S-400 tạo ra một ưu thế về tỷ lệ hao tổn tài chính có thể ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định ở tầm chiến lược.

Tiềm năng ứng dụng cho Trung Quốc

Nếu được cung cấp đủ số lượng và kết hợp với các hệ thống phòng không tối tân khác, S-400 có thể gia tăng sức mạnh và mở rộng mạng lưới A2/AD vốn đã mạnh mẽ của Trung Quốc. Mạng lưới này bao gồm hệ thống tên lửa SAM S-300PMU và HQ-9 (tầm bắn 200km) và tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) DF-21D (tầm bắn 1,500 km). Các loại vũ khí này gây ra mối đe dọa thực sự đối với khả năng của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác có tranh chấp với Trung Quốc.

Hệ thống S-400 sẽ cho phép các lực lượng Trung Quốc ngăn cản hoặc tác động đến cách thức hoạt động của máy bay và việc sử dụng sức mạnh không quân trong thời bình. Quá trình triển khai hệ thống tên lửa của Nga ở Syria đã chứng minh cho khả năng này. Tuy Nga không cho thấy dự định sử dụng S-400 để tấn công máy bay của Mỹ hoặc đồng minh (có lẽ ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ), nhưng những nhà hoạch định hoạt động không quân trên chiến trường dường như đã phát triển những phương pháp nhằm hướng dẫn các máy bay có người lái và không người lái bay trong tầm bắn của S-400. Nếu Nga quyết định làm vậy, họ có thể làm vô hiệu hóa thành công không quân Mỹ, Pháp hay NATO đóng ở Địa Trung Hải. Kết quả là liên minh chuyển sang sử dụng vũ khí tấn công ngoài tầm phòng không (standoff munitions) và điều này sẽ nâng cao đáng kể giá trị mỗi phát đạn, rất có thể sẽ làm cho nhiều đồng minh “dễ tổn thương” phải rút ra khỏi cuộc xung đột quá hao tiền tốn của do Mỹ dẫn đầu.

Ảnh hưởng chiến lược của S-400 thậm chí là rõ ràng hơn khi hệ thống này được phân tích thông qua lăng kính của những cuộc khủng hoảng hay tình huống bất ngờ về quân sự có thể xảy ra dọc vùng ngoại biên của Trung Quốc. Mặc dù thông tin công khai về việc triển khai hệ thống này ở Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, vẫn có vài vị trí tiềm năng. Mỹ và các nhà lãnh đạo đồng minh sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc triển khai tên lửa S-400 để hỗ trợ hoạt động quân sự ở gần Đài Loan, gần quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông, dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên để dự phòng tình huống xấu xảy ra trên bán đảo, hay ở Biển Đông để hỗ trợ các hoạt động bảo vệ tuyên bố chủ quyền.

Nếu được triển khai dọc eo biển Đài Loan, hệ thống S-400 sẽ kiểm soát máy bay thông thường ở độ cao trung bình hoặc cao, đồng thời bao quát hoàn toàn lãnh thổ Đài Loan và củng cố thế bao vây được thiết lập bởi các hệ thống S-300PMU và HQ-9. Vì vậy nếu xung đột xảy ra, bất cứ lực lượng không quân nào cất cánh từ Đài Loan sẽ ngay tức khắc có nguy cơ bị bắn hạ. Trong phần lớn thời gian, không quân và không quân hải quân Hoa Kỳ sẽ đồng thời cần phải hoạt động hiệu quả ở phía đông Đài Loan để tránh mối đe dọa từ SAM. Các máy bay tình báo, trinh sát và do thám (ISR) bay ở khoảng cách như thế sẽ ít có khả năng giám sát được diễn tiến ở phía tây Đài Loan, do đó hạn chế tính hữu dụng của chúng như là một công cụ cung cấp tình báo cho bên thứ ba là Đài Loan hoặc mở đường cho Mỹ giải quyết sớm cuộc khủng hoảng bằng một sự phô diễn sức mạnh. Không có tình báo chiến thuật chi tiết, chính xác và kịp thời từ các máy bay ISR để giúp định hướng các cuộc tấn công, các máy bay chiến đấu và tấn công (giả sử rằng chúng vượt qua lớp phòng thủ SAM) sẽ trở nên cực kỳ dễ tổn thương khi nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ dưới mặt đất và trên không. Do đó, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ và Đài Loan phải lên kế hoạch nhường quyền kiểm soát không phận cho người Trung Quốc, chấp nhận nguy cơ cao đối với các đơn vị không quân Mỹ và suy xét làm sao để mở các cuộc tấn công vào đại lục với cường độ cao vào hệ thống SAM để vô hiệu hóa mối đe dọa này.

Việc Trung Quốc triển khai S-400 dọc biên giới với Triều Tiên và trên bán đảo Sơn Đông sẽ cho phép họ bao trùm phần lớn Bắc Triều Tiên. Trong trường hợp có chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên, Trung Quốc có thể triển khai hệ thống này để ép Bình Nhưỡng và ngăn chặn các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc thực hiện các cuộc không kích mà Bắc Kinh cho là nhằm gây mất ổn định tình hình. Trung Quốc cũng có thể dùng hệ thống tên lửa S-400 kết hợp với hệ thống tên lửa S-300PMU và HQ-9 để đe đọa các cuộc không kích từ các đơn vị tàu sân bay Mỹ neo ở biển Hoàng Hải, nhờ đó buộc các đơn vị này phải di chuyển sang phía đông Hàn Quốc. Bằng cách bố trí kỹ lưỡng hệ thống S-400, Trung Quốc cũng có thể gây sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc phối hợp hoạt động trên không cùng lực lượng quân sự Trung Quốc nhằm giả vờ rằng đang có sự suy giảm xung đột trên không. Điều này có thể cho phép Bắc Kinh bóp nghẹt nhịp tiến quân của Mỹ và đồng minh.

Quần đảo Senkaku nằm ngay rìa tầm bắn của hệ thống S-400 được triển khai trên bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống tên lửa này trong một cuộc khủng hoảng liên quan đến Senkaku có thể một lần nữa giúp Trung Quốc gây ảnh hưởng lên toàn bộ quá trình. Hệ thống S-400 giúp yểm trợ phòng không cho những tàu có vũ khí trên biển thực hiện nhiệm vụ từ bờ biển Trung Quốc hướng về Senkaku. Nếu kết hợp với các hệ thống tên lửa SAM được trang bị trên tàu chiến như HHQ-9 và hoạt động tuần tra trên không giữa trận chiến (CAP) thực hiện bởi máy bay chiến đấu từ đất liền, hiệu quả kết hợp có thể giúp mở rộng sự yểm trợ phòng không từ SAM lên quần đảo Senkaku – một khả năng mà Nhật Bản khó có thể bắt kịp. Do đó, những nhà hoạch định chiến lược Nhật Bản và Hoa Kỳ phải lên kế hoạch kỹ lưỡng để chống lại CAP của Trung Quốc và tấn công những đơn vị chiến đấu trang bị tên lửa SAM của Bắc Kinh. Trong khi đó, họ phải dàn quân bên ngoài tầm bắn của S-400 trên đất liền hoặc chấp nhận có khả năng mất ưu thế trên không đối với quần đảo nếu có khủng hoảng hay xung đột.

Việc điều động các tàu ngầm hạt nhân chiến lược và có khả năng là một tàu sân bay đến đảo Hải Nam tạo cho Trung Quốc lý do chính đáng để triển khai hệ thống S-400 và các hệ thống tên lửa khác lên hòn đảo này, nơi mà sức mạnh tổng hợp có thể gây sức ép lớn lên phía bắc Biển Đông. Trung Quốc cũng đã xây dựng các đảo nhân tạo có thể hỗ trợ việc triển khai hệ thống này ở giữa quần đảo Trường Sa, cho phép họ kiểm soát không phận phía trên toàn bộ quần đảo. Trong một cuộc khủng hoảng, Trung Quốc có thể sử dụng hệ thống tên lửa SAM để kiểm soát sự xuất hiện của máy bay do thám nước ngoài, làm suy yếu khả năng của Mỹ và các quốc gia khác nhằm có được một bức tranh chính xác về các diễn tiến mang tính chiến thuật. Trong một cuộc khủng hoảng quân sự với các bên tranh chấp, kiểm soát không phận trên toàn bộ quần đảo Trường Sa sẽ mang đến cho họ một ưu thế quân sự to lớn so với các đối thủ cùng đòi hỏi chủ quyền khác. Trong trường hợp Trung Quốc quyết định thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, việc triển khai hệ thống tên lửa S-400 ở quần đảo Trường Sa cũng như là đảo Hải Nam và/hoặc quần đảo Hoàng Sa sẽ mang đến sự tự tin thực sự cho những nỗ lực thực thi quyền kiểm soát của Trung Quốc. Tuy vậy, học thuyết, thời tiết và vị trí biệt lập của các đảo có thể giới hạn tính hữu dụng của S-400 trên các đảo ở Biển Đông. Vì S-400 dựa trên sự di chuyển linh động để đảm bảo khả năng sống sót, đặt nó lên một hòn đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa sẽ làm cho toàn hệ thống dễ bị tấn công. Tác động ăn mòn từ từ của độ ẩm cao và nước biển cũng sẽ làm cho việc bảo trì hệ thống S-400 vốn không dành cho chiến đấu trên biển đặc biệt khó khăn, chưa kể lại ở một vị trí quá xa.

Khuyến nghị chính sách

Đối với Trung Quốc, hệ thống tên lửa S-400 bổ sung và củng cố sức mạnh cho các vũ khí A2/AD quan trọng khác như tên lửa SAM S-300PMU và HQ-9, tên lửa đạn đạo đối hạm (ASBM) DF-21D, các hệ thống tác chiến điện tử, và tên lửa hành trình phóng từ trên không. Sức mạnh tổng hợp từ những loại vũ khí hỗ trợ cho nhau này sẽ làm tăng sự tự tin của Bắc Kinh và có thể thách thức tính khả thi của việc Mỹ can thiệp quân sự vào các sự cố có thể xảy ra dọc biên giới Trung Quốc.

Không có những đầu tư lớn vào công nghệ tàng hình và chống tên lửa SAM, hoặc những thay đổi lớn tới huấn luyện và định hướng chiến lược trước các hệ thống tên lửa này, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức to lớn khi đối phó với mối đe dọa từ chúng. Thông thường Mỹ sử dụng kết hợp tấn công điện tử, công nghệ tàng hình, mồi nhử và tên lửa tự dẫn bằng ra-đa để chống lại các hệ thống phòng không. Cách tiếp cận đó dường như sẽ không thay đổi khi S-400 xuất hiện, nhưng việc triển khai sẽ gặp thách thức lớn hơn. Nếu Mỹ chọn hành quân bên ngoài lớp vũ khí phòng không, các nhiệm vụ trên không sẽ không còn đáng thực hiện bởi vì quá ít vũ khí trên máy bay có thể hoạt động hiệu quả ở tầm bắn quá xa như thế. Đè bẹp S-400 bằng tấn công tên lửa cũng là một lựa chọn nhưng khả năng di chuyển linh hoạt của hệ thống này làm nó trở thành một mục tiêu rất khó xác định. Ngoài ra, tính chất leo thang căng thẳng của các cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ Trung Quốc nhằm phá hủy các hệ thống tên lửa trên cũng làm lựa chọn này trở nên cực kỳ rủi ro.

Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ và đồng minh sẽ cần phải suy nghĩ theo hướng khả thi hơn và ít leo thang hơn để giải quyết mối đe dọa từ S-400 cùng với các hệ thống tên lửa SAM tối tân khác trong một tình huống xấu giữa Trung Quốc và một đồng minh hay đối tác của Hoa Kỳ. Nói cách khác, họ cần chấp nhận một mức nguy cơ cao hơn. Cần thiết phải có những khái niệm tác chiến mới để đối phó với mối đe dọa, chẳng hạn như một kỳ vọng lớn hơn vào máy bay tàng hình thế hệ thứ năm và trong tương lai là thế hệ thứ sáu, hoặc những chiến thuật tối tân nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị phát hiện của máy bay đối với tên lửa SAM.

Các nhà hoạch định sẽ cần chấp nhận khả năng chịu tổn thất lớn về vũ khí công nghệ cao hoặc xem xét tái đầu tư vào những vũ khí chi phí thấp có thể hy sinh như thiết bị bay không người lái (UAV). Trong dài hạn, những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ nên lập kế hoạch về việc phát triển các biện pháp đối phó với S-400. Điều này đòi hỏi các khoản đầu tư vào thiết bị gây nhiễu điện tử hoặc các thiết bị khác để đánh lạc hướng hoặc loại bỏ khả năng lần theo máy bay của ra đa S-400. Trong tất cả các trường hợp, hệ thống tên lửa S-400 sẽ mang đến cho Trung Quốc một hệ thống vũ khí đầy sức mạnh chắc chắn làm trầm trọng thêm thách thức về A2/AD vốn đã rất đáng gờm đối với quân đội Mỹ cả trong thời bình, lẫn trong khủng hoảng và xung đột.

Timothy Heath là nhà phân tích quốc phòng quốc tế cao cấp tại tổ chức phi lợi nhuận, phi đảng phái RAND.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]