Thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu quả không?

Nguồn: Do “sin taxes” work?, The Economist, 10/08/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Và liệu chúng có công bằng không?

Nhiều chính phủ sử dụng các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt (sin tax) để ngăn chặn mọi người hút thuốc và uống rượu. Trong những năm gần đây, một số nhà lập pháp đã chuyển mục tiêu của họ sang một sản phẩm gây tác dụng xấu khác: đường. Béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới. Bốn mươi phần trăm người Mỹ ngày nay mắc chứng béo phì, tăng từ khoảng 15% vào năm 1980. Một số quốc gia, cùng với một số thành phố ở Mỹ, đã đưa ra các loại thuế đối với đồ uống có đường trong những năm gần đây. Chính phủ của họ hy vọng rằng những khoản thuế này sẽ làm tăng doanh thu thuế và giảm lượng đường mà mọi người tiêu thụ. Nhưng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt thậm chí có hiệu quả hay không?

Các nhà hoạch định chính sách có quyền nghĩ rằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ dẫn đến mức tiêu thụ thấp hơn. Các ước tính chính xác thay đổi tùy theo từng nghiên cứu, nhưng các nhà kinh tế đã phát hiện ra rằng nói chung, mức tăng 1% trong giá thuốc lá hoặc rượu ở Mỹ dẫn đến mức giảm 0,5% đối với doanh số bán hàng của các mặt hàng này. Trên thực tế, điều này có nghĩa là nhìn chung doanh số bán hàng của thuốc lá và rượu phản ứng nhạy hơn với những thay đổi về giá so với doanh số của nhiều mặt hàng gia dụng thông thường, chẳng hạn như cà phê. Tương tự như vậy, mặc dù vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu các loại thuế này sẽ có tác động đến chứng béo phì hay không, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất chúng đã giúp làm giảm doanh số bán đường ở Mexico, và các thành phố Berkeley và Philadelphia.

Nhưng nếu có một vấn đề nào đó với thuế tiêu thụ đặc biệt, thì đó không phải là chúng không có tác động. Thay vào đó, chỉ là chúng không thật hiệu quả. Thuế tiêu thụ đặc biệt là các công cụ chính sách không phân biệt mục tiêu. Những người chỉ thi thoảng uống rượu không phải chịu bất kỳ rủi ro lớn nào về sức khỏe, nhưng họ bị đánh thuế không khác gì những người nghiện rượu nghiêm trọng. Một logic tương tự cũng áp dụng cho thuế đối với đường. Đối với thuốc lá, vấn đề được thể hiện có đôi chút khác biệt. Nicotine có tính gây nghiện rất cao, có nghĩa là có tương đối ít người chỉ thi thoảng mới hút thuốc lá.

Cách dễ dàng nhất để biện minh cho các loại thuế đối với những hàng hóa cụ thể khi chúng thể hiện những gì mà các nhà kinh tế gọi là các “ngoại ứng tiêu cực”. Khi một người lái xe mua nhiên liệu cho chiếc xe của mình, cả anh ta và trạm xăng đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, những chiếc ô tô phát thải khí carbon dioxide trong quá trình chạy, cho thấy rằng sẽ công bằng khi những người lái xe phải nộp thuế để bù đắp cho thiệt hại về môi trường mà họ gây ra.

Một số nhà hoạch định chính sách lập luận rằng những người có các thói quen không lành mạnh cũng tạo ra ngoại ứng tiêu cực, vì họ có xu hướng là những người có các hóa đơn y tế đắt tiền hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, các chi phí này có xu hướng bị phóng đại. Mặc dù những người béo phì có thể tạo ra chi phí ròng cho chính phủ, những người hút thuốc có xu hướng chết sớm hơn, có nghĩa là họ có thể giúp tiết kiệm tiền cho chính phủ vì họ rút ít hơn từ các quỹ lương hưu của tiểu bang. Các nhà hoạch định chính sách vẫn nên nghĩ tới việc áp đặt các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt nếu họ có ý định can thiệp để thay đổi hành vi cá nhân. Nhưng họ cần phải nhận thức được rằng phần lớn thiệt hại mà người hút thuốc, người uống rượu và người béo phì gây ra là cho chính bản thân họ, chứ không phải cho người khác.