Reply To: Bí ẩn gì sau việc phá giá đồng nhân dân tệ?

#10102
NCQT
Keymaster

Mới là phần nổi của tảng băng

Hồ Quốc Tuấn

Mấy ngày qua, giới quan sát quốc tế đưa ra khá nhiều phân tích về vấn đề phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở Trung Quốc (TQ). Tính đến ngày 14-8, đồng tiền này đã giảm giá hơn 4%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994.

Chiến tranh tiền tệ?

Mức điều chỉnh tỉ giá 4% không có gì là lớn lao, nhưng lại khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Nếu TQ tiếp tục xu thế để đồng tiền nước này mất giá, các đối tác thương mại lớn hàng đầu của TQ như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Đức sẽ có thể phải điều chỉnh tỉ giá và chính sách tiền tệ của mình để đáp trả.

Trong số này, Mỹ đang đứng trước lựa chọn có nên trì hoãn tăng lãi suất đồng USD và có để cho nó mạnh lên nữa hay không. Trong khi đó nhiều nước khác, nhất là Nhật, đã để giá đồng tiền nước mình giảm nhiều so với USD từ năm ngoái, và tiếp tục duy trì chính sách để đồng tiền nước của họ tiếp tục trượt giá với USD trong năm nay. Họ hoàn toàn có khả năng tiếp tục một đợt điều chỉnh giảm giá đồng tiền nước mình so với USD với quy mô lớn hơn hoặc xấp xỉ mức TQ vừa làm để bảo vệ tính cạnh tranh của hàng hóa nước họ so với hàng TQ. Và nếu họ cứ đánh trả, TQ đáp lễ, nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh tiền tệ mà cuối cùng có lẽ ai cũng sẽ tổn thất nặng.

Tuy nhiên, bàn tán về chiến tranh tiền tệ ở giai đoạn hiện tại còn quá sớm. Chúng ta phải chờ xem những nước khác sẽ đáp lại cú sốc từ TQ này như thế nào. Động thái đáng quan tâm nhất sẽ đến từ phía Nhật, chứ không phải Mỹ như nhiều người đang theo dõi.

Nhật là một trong những đối tác thương mại sẽ bị tác động trực tiếp nặng nề nhất khi đồng NDT bị phá giá, vì tỉ trọng đồng NDT trong trọng số thương mại (trade-weighted index – TWI) của Nhật là đến 30%, trong khi của Mỹ, Hàn Quốc và Úc chiếm trên dưới 20% và nhiều nước châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% (theo số liệu của Bank for International Settlements – BIS). Cho nên trước khi các đối tác quan trọng của TQ như Nhật, Úc và Hàn Quốc có động thái “phản đòn” mạnh mẽ, gọi là “chiến tranh” thì hơi quá trong lúc này.

Trong thời điểm hiện tại, TQ không có vẻ gì cho thấy họ muốn đồng NDT trượt giá mạnh thêm một đợt 3-4% nữa và như một số nhà phân tích nhận định, cũng như chính phía Chính phủ TQ phát đi tín hiệu đây có thể là đợt điều chỉnh tỉ giá một lần của TQ (giống như VN từng điều chỉnh mạnh tỉ giá một lần đến hơn 9% trong năm 2011). Vì vậy, còn quá sớm để cho rằng hành động của TQ ở thời điểm trầm lắng hiện tại của thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ gây ra chiến tranh tiền tệ.

Phản ứng của Nhật, Hàn

Những phản ứng ban đầu của phía Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hai nước này quả thật lo lắng về động thái phá giá của TQ. Các ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, thép, đóng tàu, linh kiện điện tử ở hai quốc gia này đều ít nhiều cạnh tranh trực tiếp với TQ. Vài tháng trước, đã có một số bài phân tích ngành công nghiệp ôtô TQ bị ảnh hưởng xấu do đồng tiền hai nước này giảm giá nhiều so với USD, còn đồng tiền TQ thì không. Còn sau khi TQ phá giá, báo Hàn Quốc đã có những phân tích lo ngại cho doanh nghiệp sản xuất nước này. Do đó nhìn vào bề mặt, có vẻ như Nhật và Hàn Quốc sẽ có nhu cầu phản ứng mạnh để “tự vệ”.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu nền kinh tế TQ suy giảm quá nhiều (một phần do tăng trưởng xuất khẩu giảm, một phần khác do vấn đề về thị trường bất động sản, tài chính có vấn đề và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó khăn hơn dự kiến), Nhật và Hàn Quốc cũng khó bán được hàng cho người TQ nữa. Nói cách khác, từ năm ngoái tới nay đồng tiền hai nước này mất giá nhiều so với USD, còn NDT mất giá ít, các nhà xuất khẩu của họ có thể xuất được hàng với giá rẻ hơn sang TQ, nhưng đồng thời góp phần khiến tăng trưởng xuất khẩu của TQ giảm, kéo nền kinh tế nước này tăng chậm lại.

Khi kinh tế tăng chậm, người dân TQ giảm sức mua, các công ty Nhật và Hàn Quốc có khi chịu thiệt nhiều hơn là lợi. Đó là chưa kể nhiều công ty lớn của Nhật và Hàn Quốc có xưởng sản xuất ở Trung Quốc, nếu NDT mất giá nhiều so với nội tệ của họ mà thị phần bán hàng không tăng đáng kể, thì doanh thu chuyển sang nội tệ của họ thật ra là thấp đi, lợi nhuận của họ sẽ giảm và giá cổ phiếu công ty của các nước này sẽ bị ảnh hưởng.

Do vậy, Nhật, Hàn Quốc và các đối thủ khác trong khu vực của TQ (bao gồm cả VN) đều phải thận trọng trong bài toán tỉ giá của mình. Họ phải tính toán đủ đường, vừa phải đảm bảo hàng của mình có sức cạnh tranh với TQ, nhưng cũng đảm bảo đồng tiền của mình không mất giá đến mức khiến cả mình và TQ đều thiệt hại, và khiến vốn quốc tế chạy ra khỏi các nền kinh tế này.

Trong bối cảnh đó, một mức điều chỉnh tỉ giá 3-4% chưa phải là quá ghê gớm so với mức giảm giá kéo dài của đồng tiền ở Nhật, Hàn Quốc hay Nga. Vì vậy, còn quá sớm để cho rằng các nền kinh tế này sẽ phản ứng rất mạnh lại với đợt điều chỉnh lần này của TQ để dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ khốc liệt. Nói cách khác, sau khi đồng tiền TQ “gồng mình” chịu đòn phá giá của các nước khác cả năm qua, bây giờ phản ứng lại chút ít cũng không có gì là lạ. Nhưng cần lưu ý những nước này khác VN.

Phần chìm đáng ngại

Đặt trong bối cảnh kinh tế của TQ hiện tại, chúng ta lại thấy động thái hạ giá đồng tiền và bơm tín dụng ra nền kinh tế của TQ có vẻ như là biểu hiện bề ngoài của sự bất ổn ở nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng cao này.

Trong một báo cáo mới đây của IMF vào đầu tháng 8, tổ chức này cho rằng NDT còn bị chính phủ kiểm soát nhiều quá, không được sử dụng tự do nên chưa đáp ứng tiêu chuẩn trở thành một cấu thành của SDR. Sự thật là TQ kiểm soát các giao dịch vốn rất chặt và kiểm soát tỉ giá hoàn toàn qua công cụ tỉ giá tham chiếu, chỉ để đồng tiền mỗi ngày được giao dịch trong biên độ hẹp xung quanh tỉ giá tham chiếu do Ngân hàng Trung ương TQ ấn định. Do đó, TQ có thể nhân động thái phá giá lần này để tuyên bố đây là bước đầu trong việc họ đang cải cách tỉ giá theo hướng để thị trường quyết định giá tham chiếu.

Tuy nhiên, có gì đó không nhất quán trong cách làm và cách nói của TQ nếu ta cho rằng đây là lý do chính để họ phá giá đồng tiền. Nếu họ muốn để thị trường quyết định tỉ giá, thì Ngân hàng Trung ương TQ cứ cho tỉ giá tham chiếu biến động theo ý thị trường muốn và không can thiệp gì, chỉ việc xác định tỉ giá tham chiếu ngày tiếp theo dựa trên diễn biến thị trường hôm trước. Thực tế họ cho đồng tiền biến động nhiều hơn theo hướng giảm giá ngày 11-8, rồi sau đó tham gia can thiệp để dừng tỉ giá lại thông qua việc yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán USD và mua NDT vào sau ngày 12-8.

Điều này cho thấy Chính phủ TQ hoàn toàn không phải đang để thị trường quyết định tỉ giá, mà vẫn đang áp đặt sự can thiệp (như cách mà họ can thiệp để cứu thị trường chứng khoán gần đây sau khi đã tuyên bố để yếu tố thị trường quyết định nền kinh tế hồi đầu năm). Tờ Economist đã nhận thấy những điều không nhất quán trong các hành động này và cho rằng điều đó cho thấy Chính phủ TQ vẫn sẽ kiểm soát chặt nền kinh tế và hạn chế các yếu tố thị trường. Nói đúng hơn, đây là cách TQ vừa phá giá hỗ trợ nền kinh tế, sẵn tiện đối phó với IMF luôn. Như một nhà phân tích tài chính nhận định đây là kiểu phản hồi với IMF “theo cách của TQ”.

Vậy vì sao họ chỉ phá giá hơn 4% vào lúc này trong khi theo đánh giá thì với mức phá giá này, đồng NDT vẫn còn cao hơn khoảng 10% so với nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại chính khác? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc TQ không muốn dòng vốn quốc tế đảo ngược. Thêm vào đó, một lượng lớn tiền nóng được vay với lãi suất thấp tại nước ngoài đem đầu tư vào TQ để hưởng chênh lệch lãi suất và sự ổn định của NDT đang có xu hướng đảo ngược sau đợt phá giá lần này. Do đó, phá giá mạnh hơn nữa sẽ khiến nhà đầu tư quốc tế lo sợ và rút vốn.

Năm ngoái, khoảng 250 tỉ USD vốn nóng (khoảng 2,5% GDP) đã rút ra khỏi TQ. Những tính toán về dòng vốn này là chưa kể tác động của phá giá đến các khoản vay nợ nước ngoài được trả bằng nguồn thu là nội tệ của doanh nghiệp và chính phủ địa phương của TQ.

Vì vậy, những phân tích ở trên cho thấy việc phá giá NDT lần này chủ yếu là phần nổi của một tảng băng chìm khá to: TQ đang nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, và đây chỉ là một trong rất nhiều động thái phải làm để đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải như tăng trưởng chậm, nợ công tăng và sức tiêu dùng thấp…

Nói cách khác, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm rất lớn ở một số nước châu Á nói riêng và các nền kinh tế đang phát triển nói chung. Tảng băng ngầm này sẽ dần lộ rõ, và động thái hiện tại của TQ sẽ làm một phần đang chìm của tảng băng nổi lên nhanh hơn.

HỒ QUỐC TUẤN 
(giảng viên Đại học Bristol, Anh)

Nguồn: Tuổi trẻ