Reply To: Đối kháng, cạnh tranh và tiệm ăn: Công nhân Việt tại Pháp giữa hai cuộc thế chiến

#14999
Anonymous
Inactive

Kỳ 5:

Công nhân và chính trị

Khi nghiên cứu về những vụ cãi lộn nhiều khi là vụn vặt này, điều quan trọng cần thấy là các quyết định của công nhân đối với các hoạt động của tổ chức của mình, về cơ bản là những lựa chọn chính trị. Liệu họ có muốn hy sinh để ủng hộ những người đang thiếu thốn – những người Việt khác hiện đang ở Pháp, những người Việt ở trên quê hương, những công nhân khác ở Pháp và trên thế giới hay không? Hay liệu họ muốn hưởng thụ, muốn tổ chức các bữa tiệc, khiêu vũ, bài bạc, rượu chè, hút xách? Họ nên chọn cách tiêu thụ tiền bạc, thời gian và sức lực như thế nào? Công nhân không thụ động ngồi chờ một đội tiên phong của các nhà hoạt động cách mạng đến tổ chức họ; thay vì vậy, họ tích cực tranh luận về các lựa chọn chính trị cho mình.

Trong một hành động chính trị có thể là lộ liễu nhất, các đầu bếp và đồng minh của họ nhắm mục tiêu vào các cuộc bầu cử của AMI vào tháng 10 năm 1926, tổ chức tại trụ sở của AMI ở Quận Năm. Giới lao động người Việt miệt thị tổ chức này: Chủ tịch hội Travailleurs Manuels là Etienne Dumont tuyên bố rằng “tổ chức AMI hoàn toàn thờ ơ với công nhân, những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn.”[i] Nguyễn Thế Truyền tán đồng với công nhân, xách mé hội viên của AMI là “tư sản.”[ii] Nhưng vào tháng 2 năm 1926, dù vẫn coi thường AMI, rất nhiều người trong số các nhà hoạt động cấp tiến ở Paris – sinh viên và công nhân (cụ thể là hội viên của Hiệp hội các nhà đầu bếp) – đã có mặt để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử của AMI, ủng hộ cho một nhóm “bất đồng chính kiến,” gồm các nhà lập hiến Dương Văn Giáo và Diệp Văn Kỳ.[iii] Họ đã thành công trong việc ngăn cản sự tái đắc cử của một ban lãnh đạo được chính phủ ủng hộ và trong việc gây chia rẽ nội bộ của AMI.

Tuy nhiên, trong một vài tháng tiếp sau đó, nhiều nhà hoạt động cấp tiến đã mất lòng tin vào các nhà lập hiến khi mà các sự kiện đang diễn ra ở Đông Dương cho thấy sự bất lực của nhóm cải cách này.[iv] Khi AMI tổ chức những cuộc bầu cử mới vào tháng 10 năm 1926, việc kiểm soát tổ chức rơi vào tay một nhóm ứng cử viên mới, thiên tả hơn là các nhà lập hiến dù họ không thuộc giai cấp lao động.[v] Dù sao đi nữa, chính phủ Pháp đã nhanh chóng chấm dứt mọi tài trợ cho AMI.[vi]

Một khi AMI mất sự dựa dẫm “tư sản” vào túi tiền của chính phủ và có được một nhóm lãnh đạo thiên tả mới, Nguyễn Thế Truyền nhìn tổ chức này một cách thiện cảm hơn. Nhưng các nhà đầu bếp thì không dễ bị thuyết phục như vậy. Ngày mùng một đầu năm 1927, ngày mà dự án nhà hàng của hiệp hội bị sụp đổ, cũng là ngày mà Hiệp hội các nhà đầu bếp bác bỏ việc liên minh với tổ chức AMI, vốn đã trở nên cấp tiến hơn. Các nhà đầu bếp có thể có thiện cảm hơn với ban lãnh đạo AMI mới, nhưng điều đó không có nghĩa là họ muốn hội nhập với tổ chức này: họ không muốn Nguyễn Thế Truyền hay AMI hay bất kỳ ai khác thuyết phục họ nói tiếng Pháp ngoài giờ làm việc.[vii]
Bất chấp những rắc rối của họ, các nhà đầu bếp vẫn tổ chức được một bữa tiệc mừng Tết vào tháng sau đó để an ủi chính mình. Hai trăm năm mươi người “Đông Dương” đến tham dự sự kiện này tại Café de l’Europe ở Quận Mười Bảy, cùng với năm mươi người khách. Lần này Bùi Đức Thành không gây quỹ tại bữa tiệc; thay vào đó, ông đọc một bức điện mình đã gửi cho Phan Bội Châu, người mới bị kết án quản thúc chung thân tại gia: “Hàng ngàn người An Nam gửi cụ những lời chúc mừng năm mới và một nền độc lập hoàn toàn. Ký tên, đảng Việt Nam Hồn.”[viii]

Vì vậy vào tháng 2 năm 1927, chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu bếp cố gắng kết nối tổ chức của ông với các nhà hoạt động cấp tiến của Nguyễn Thế Truyền ở tờ Việt Nam Hồn. Nhưng có thể điều này đã khiến ông không còn được lòng các nhà đầu bếp. Chúng ta thấy là chỉ một tháng trước đó thôi, các nhà đầu bếp đã từ chối không hợp nhất với một tổ chức AMI mới và hăng hái hoạt động hơn; các nhà đầu bếp muốn giữ vai trò độc lập về tổ chức, về ngôn ngữ sử dụng và về các chi tiêu. Đến cuối năm đó, các nhà đầu bếp đã truất phế vị trí chủ tịch của Bùi Đức Thành, tố cáo ông tội biển thủ hai mươi ngàn quan Pháp trong tài khoản của hội và tội mù chữ nên không thể làm tròn nhiệm vụ của một chủ tịch. Cho đến lúc đó, Bùi Đức Thành đã làm chủ tịch ít nhất là một vài năm rồi; chẳng lẽ mãi tới lúc đó các đầu bếp mới chợt nhận ra rằng ông ta quá mù chữ để có thể điều hành tổ chức? Hay đúng hơn là họ bác bỏ lựa chọn chính trị, cùng với các nỗ lực liên tiếp của Bùi Đức Thành nhằm thuyết phục họ tài trợ cho các dự án của Nguyễn Thế Truyền? (Điều thú vị là sau khi bị tố cáo là biển thủ, Bùi Đức Thành lập tức rời Paris đi Le Havre, có lẽ là để tìm tới Louis Văn Thụ.)[ix]

Không khí chính trị giữa những người Việt ở Pháp năm đó đầy những xáo trộn, tiếp theo sự đổi hướng của Nguyễn Thế Truyền. Vào tháng 1 năm 1927, ông này cố gắng uốn AMI theo mục đích của mình; đến tháng 6 thì ông thành lập AIP, ngụ ý là “không phải các nhà ly khai, cũng không phải cộng sản, thậm chí cũng không phải là các nhà dân tộc chủ nghĩa theo nghĩa Châu Âu của từ này.”[x] Hồ Tài Huệ Tâm đã lưu ý chúng ta về việc cố gượng ép định danh AIP theo những tính chất mà nó không có; điều này khiến cho tổ chức AIP có thể cộng tác với các nhóm rất khác nhau trong chính trường. Việc thành lập AIP cũng thể hiện nỗ lực cuối cùng của Nguyễn Thế Truyền trong việc chiếm một vai trò quan trọng trong cộng đồng người Việt ở Paris. Vào tháng 12 năm đó, ông rời Paris về Việt Nam với bà vợ người Pháp và ba đứa con. Sau đó ông hoàn toàn từ bỏ mọi hoạt động chính trị thiên tả.[xi]
Các đầu bếp không buồn với sự ra đi của Nguyễn Thế Truyền. Vào giao thừa năm 1928 (một năm sau khi Nguyễn Thế Truyền ra đi), Hiệp hội các nhà đầu bếp tổ chức một bữa tiệc chung với AIP, do Tạ Thu Thâu điều hành. Vị lãnh đạo mới này xuất thân từ tầng lớp lao động và được hưởng một nền giáo dục của Pháp; ông học ở trường trung học danh tiếng Lycée Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn và vào năm 1927, khi mới hai mươi mốt tuổi, ông sang Paris để theo học ở Faculté des Sciences.[xii] Tạ Thu Thâu nhanh chóng nổi lên trong vai trò người kế nghiệp Nguyễn Thế Truyền. Ít nhất, nhà sáng lập tương lai của nhóm Trotskyt Việt Nam này tỏ ra thông cảm với các công nhân ông gặp ở Paris hơn là Nguyễn Thế Truyền.

Là lãnh đạo mới của AIP, Tạ Thu Thâu tham gia vào bữa tiệc giao thừa tại Café de l’Europe cùng với khoảng hai trăm năm mươi người Việt và khoảng một trăm “người Âu”, phần lớn là phụ nữ. Louis Văn Thụ có bài phát biểu vào tối hôm đó; ông tuyên bố:

Hôm nay, Hiệp hội các nhà đầu bếp đã mang tới cho chúng ta bữa tiệc bày biện đẹp nhất mà chúng ta từng thấy, nhưng vẫn còn tồn tại một bóng đen. Các bạn có biết đã có bao nhiêu ngục Bastilles được xây dựng ở Đông Dương không?… Bạn có biết chắc rằng nếu chúng ta đang ở trong nước đêm nay, thì liệu chúng ta có được yên ổn vì đã tập trung đông đến như thế này để ăn mừng năm mới không? Hỡi những người anh em, đêm hôm nay chúng ta hạnh phúc, nhưng chúng ta không ở trên quê hương của chúng ta; chúng ta đang ở một nơi xa xôi trên thế giới, ở một nước mà người ta gọi chúng ta là người Tàu hoặc những kẻ lạc lối [perdus]; chúng ta mãi mãi bị làm phiền vì dòng giống của chúng ta… Thậm chí ngay ở nơi xa xôi này của thế giới, bóng đen này vẫn tiếp tục ám ảnh tất cả những niềm vui mỗi khi chúng ta nghĩ tới những người thân yêu.[xiii]

Louis Văn Thụ phát biểu bằng tiếng Việt. Đầu bếp Ngô Văn Minh cũng có một bài phát biểu ngắn hơn bằng tiếng Việt, phàn nàn về “tình cảnh nô lệ của người Việt Nam.” Vị chủ tịch mới của hiệp hội của các nhà đầu bếp xin lỗi những vị khách nước khác là các diễn giả không thể hiện ý mình bằng tiếng Pháp được và nhờ Tạ Thu Thâu lược dịch cho khách nghe. Mặc dù nói như vậy, nhưng ngay sau đó ông lại thông báo là đã đến lúc ăn tiệc trở lại, với âm nhạc và các bài hát tiếng Việt. Tiệc kéo dài đến sáu rưỡi sáng và các diễn văn chính trị, mặc dù chiếm vị trí trung tâm trong báo cáo của chỉ điểm, dường như không phải là điểm nổi bật của bữa tiệc.

Chính trị đóng một vai trò câm lặng trong một bữa tiệc Tết sáu tuần sau đó. Khoảng năm trăm người tham gia bữa tiệc vào tháng 2 năm 1929 tại Palais d’Orléans ở Quận Mười bốn, trong đó có khoảng ba trăm thực khách là người Việt. Sinh viên như Tạ Thu Thâu và Huỳnh Văn Phương lẫn vào với các đầu bếp như Hoàng Ngọc Hai và Ngô Văn Minh, cùng một vài binh lính người Việt. Một số người mặc áo quần lễ hội truyền thống, trong đó có cả Hoàng Thị Thế, diễn viên điện ảnh và là con gái của phiến quân Đề Thám. Phần lớn khách mời là người Pháp; ngoài ra còn có một cặp người Phi và một hoàng thân Campuchia. Báo cáo của cảnh sát lên danh sách các bài hát tiếng Pháp và tiếng Việt được trình diễn tại bữa tiệc, nhưng không đề cập đến bất cứ diễn thuyết nào ngoài những lời chúc tụng chung chung trong các dịp năm mới. Và chỉ điểm lưu ý rằng tới một giờ sáng, sau khi cụng ly champagne, thì hầu hết tất cả các nhân vật “quá khích” đều đã ra về, trong khi bữa tiệc tiếp tục kéo dài thêm bốn tiếng đồng hồ nữa.[xiv]
Khoảng cùng thời gian đó, một số công nhân bắt đầu phàn nàn về vai trò của chính trị trong các tổ chức của người Việt; họ cho rằng lãnh đạo của họ không để ý đến quyền lợi của chính công nhân nữa. Vào tháng 11 năm 1928, người ta nghe thấy một đầu bếp ca cẩm với bạn bè là Hiệp hội các nhà đầu bếp lấy tiền của ông ta, nói là để cho cuộc chiến giành độc lập cho Đông Dương, nhưng theo ông ta thì tiền đã được dùng để nuôi một nhóm có ăn mà không có làm (“une bande de paresseux”). Tiếp tục mạch cường điệu đó, ông ta tuyên bố là trước đó cùng ngày, ông ta và một vài người bạn đã tụ tập để hút một vài hơi thuốc phiện và “điều đó còn đáng giá hơn là chính trị.”[xv]

Mấy tháng sau, người ta lại nghe thấy đầu bếp Sai Văn Hóa phê phán đường lối chính trị của AIP dưới quyền Tạ Thu Thâu; theo Sai Văn Hóa, đường lối này có hại cho quyền lợi của người Việt ở Pháp. Sai Văn Hóa là đầu bếp tổ chức bữa tiệc mừng cho Toàn quyền Varenne vào năm 1925, rồi chỉ ngay một năm sau đã lên án Varenne là đã phá bỏ mọi hy vọng của họ. Giờ thì Sai Văn Hóa lại quả quyết là các nhà lãnh đạo của AIP quá thiên tả về mặt chính trị và yêu cầu quá nhiều tiền cho các tờ báo của họ: “Nhiều đầu bếp và thợ sơn thậm chí còn không biết đọc; họ cảm thấy các lãnh đạo đòi hỏi quá nhiều, và họ muốn tổ chức của họ tham gia vào chính trị ít hơn một chút thì tốt hơn.”[xvi] Sai Văn Hóa và bạn bè của ông hy vọng có thể tạo ra một nhóm đối lập, được gọi là Hiệp hội Cộng hòa [the Association Republicaine]. Nhưng trước mắt, cơn bốc đồng chính trị này dường như bị gạt sang một bên vì một dự án cá nhân hơn, một dự án quen thuộc với nhiều đầu bếp người Việt ở Pháp – mở một tiệm ăn.[xvii]
(còn tiếp)

————–
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay số 356-360 (5-7/2010). Bản gốc tiếng Anh trên Journal of Vietnamese Studies, Feb 2007, Vol. 2, No. 1: 109–143
[i] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 11 tháng 12, 1925, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
[ii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 9 tháng 10, 1925, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[iii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 27 tháng 2, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM.
[iv] Về lý do tại sao Đảng Lập hiến ngày càng ít được ưa chuộng ở Việt Nam, xem Ho Tai, Radicalism, 155–166; Pierre Brocheux và Hémery, Indochine: La colonisation ambiguë (Paris: La Découverte, 1995), 293–294.
[v] Về những vận động chính trị xung quanh AMI, xem các báo cáo của chỉ điểm Désiré trong những ngày sau đây: 9 tháng 4, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 46; 25 tháng 6, 1926, 3 SLOTFOM 4, dossier 47; 15 tháng 4, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 327; 28 tháng 4 năm 1927, 3 SLOTFOM 14, dossier 714, CAOM.
[vi] McConnell, Leftward Journey, 70; Hémery, “Du patriotisme,” 27.
[vii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 6 tháng 1, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[viii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 9 tháng 2, 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM. Chỉ điểm Désiré gọi những người có mặt ở đó là “người Đông Dương,” nhưng ở các sự kiện khác thì ông lại gọi họ là “người An Nam.” Điều này có thể cho thấy có sự có mặt của cả người Campuchia hoặc người gốc Hoa.
[ix] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, ngày 5 tháng 8 và 4 tháng 11, năm 1927, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[x] Ho Tai, Radicalism, 234.
[xi] -nt-, 235.
[xii] Về Tạ Thu Thâu, xem Ho Tai, Radicalism, 139, 169; Hémery, “Du patriotisme,” 24. Quinn-Judge cho rằng cha Tạ Thu Thâu không chỉ là thợ mộc, mà còn là một nhà Nho (Ho Chi Minh, 337).
[xiii] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 3 tháng 1 năm 1929, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xiv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré về bữa tiệc 9 tháng 2 năm 1929, ngày 11 tháng 2 năm 1929, 3 SLOTFOM 23, CAOM. Một báo cáo của Cảnh sát Quận Paris mô tả chỉ có một diễn văn chính trị tại bữa tiệc Tết vào năm sau đó, cùng với một vài nhà tranh đấu tham dự “như những quan sát viên.” 5 tháng 2 năm 1930, 3 SLOTFOM 23, CAOM.
[xv] Báo cáo của chỉ điểm Désiré về đầu bếp người Việt Quang Văn Quân, 28 tháng 11, 1928, 3 SLOTFOM 1, dossier 56, CAOM.
[xvi] Báo cáo của chỉ điểm Désiré, 23 tháng 3, 1929, 3 SLOTFOM 4, dossier 46, CAOM. (Lưu ý là AIP sụp đổ chỉ sau thời điểm này một thời gian rất ngắn; Bản thân Tạ Thu Thâu bị trục xuất vào tháng 5 năm 1930.)
[xvii] Sai Văn Hóa cùng vợ mở một tiệm ăn ở phố St. Martin; xem báo cáo của Chỉ điểm Guillaume, 29 tháng 8 năm 1931, 3 SLOTFOM 27, dossier 87, CAOM.