Chào em, bài dịch của em đã được hiệu đính xong, người hiệu đính là anh Vũ Thành Công. Tuy nhiên do mục Bình luận hiện tập trung vào các vấn đề quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại VN nên việc post các bài có chủ đề như bài này không phù hợp. Vì vậy Dự án xin post bài dịch đã hiệu đính lên đây để em tham khảo.
Nền Kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh” ở đâu?
Giữa tháng tư vừa qua, Cục thống kê Trung Quốc đã báo cáo chỉ số tăng trưởng GDP thực tế của quý đầu năm 2014 đạt 7,4%- thấp hơn so với mục tiêu chính thức đề ra là đạt 7,5% trong năm 2014.
Trong một bài diễn thuyết gần đây với sự tham gia của 35 quản lý chi nhánh của một ngân hàng cổ phần hàng đầu, tôi đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ để thăm dò ý kiến đánh giá của các thành viên tham gia về mức độ tin cậy của số liệu GDP quý đầu tiên. Tất cả đều đồng ý rằng con số này đã được phóng đại lên đáng kể. Hầu hết các nhà kinh tế học và doanh nhân đều ước tính tốc độ tăng trưởng GDP quý đầu tiên trên thực tế thấp hơn con số công bố chính thức từ 1-2%.
Điều này lý giải cho vấn đề vì sao giới quan chức tỏ ra lo lắng cao độ khi các số liệu kinh tế giảm sút rõ rệt trong tháng 2 và tháng 3. Và để ổn định mức tăng trưởng kinh tế, chính phủ đã tiến hành một số giải pháp được xem như các gói kích thích quy mô nhỏ hay nới lỏng (tiền tệ) có chọn lọc. Những giải pháp này bao gồm tăng cường nguồn tài chính và đầu tư vào các lĩnh vực như đường sắt cao tốc, nhà ở đô thị, nhà máy điện mới, v.v…
Nhưng chẳng phải hành động này càng làm dấy lên nghi vấn về mức độ nghiêm túc của chính phủ khi họ đưa ra lập luận ủng hộ việc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn và đẩy mạnh cải cách kinh tế hay sao?
Mặc dù Chính phủ đã hạ thấp mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 8% trước đó xuống còn 7,5%, nhưng vẫn khá miễn cưỡng để mức tăng trưởng trượt xuống thấp hơn mục tiêu mới.
Tuy con số tăng trưởng GDP chính thức năm 2014 dao động ở mức 7,5% nhưng tất cả các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đều giảm sút. Xuất khẩu tăng rất ít do nền kinh tế Mỹ phục hồi chậm hơn mong đợi và lĩnh vực xuất khẩu Trung Quốc đang trải qua cuộc tái cơ cấu quan trọng vì chi phí tăng nhanh. Xu hướng tiêu dùng tiếp tục tăng khi tốc độ tăng lương khá nhanh đã đẩy thu nhập hộ gia đình lên cao, nhưng tiêu dùng công cộng vẫn ở mức khá thấp do nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ.
Để ổn định mức tăng trưởng, chính phủ vẫn tiếp tục chú trọng vào lĩnh vực đầu tư tài sản cố định, nhưng triển vọng không khả quan lắm do tình hình thị trường bất động sản suy yếu. Tuy nhiên lĩnh vực đầu tư sản xuất lại khá ổn định do triển vọng của tiêu dùng và xuất khẩu. Nếu nền kinh tế lại tiếp tục suy yếu, chính quyền trung ương có thể tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng chính quyền địa phương hiện lại chịu rất nhiều hạn chế do sự giảm sút doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh nhà đất và việc thắt chặt các điều kiện tài chính đối với các phương tiện đầu tư của chính quyền địa phương (LGIVs). Gần đây, chính quyền trung ương bắt đầu việc thử nghiệm cho phép 10 chính quyền cấp tỉnh ban hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra con số ước tính rằng một khi đất nước thực hiện nghiêm ngặt theo chương trình đổi mới toàn diện được phê duyệt vào tháng 11 vừa qua thì tốc độ tăng trưởng GDP Trung Quốc sẽ giảm 0,2% so với mục tiêu năm 2014 nhưng sẽ tăng thêm hơn 2% vào năm 2020. Nghĩa là rất có thể Trung Quốc phải chịu nhiều tác động tiêu cực hơn trong ngắn hạn nhưng về tổng thể thì những thiệt hại trong ngắn hạn sẽ dẫn đến các lợi ích lâu dài.
Tuy nhiên chính phủ lại đang thận trọng quá mức trước những nguy cơ sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo các quan chức thường khuyến cáo thì tốc độ tăng trưởng giảm thấp hơn 7,5% sẽ gây ra 3 vấn đề nghiêm trọng: thất nghiệp gia tăng, mất ổn định tài chính và niềm tin nhà đầu tư giảm. Nhưng thực tế cho thấy những vấn đề này không phải là mối lo ngại lớn.
Vấn đề việc làm: Điều ngộ nhận lớn nhất trong những cuộc thảo luận chính sách hiện nay là nhu cầu cần phải tạo ra 12 triệu việc làm mới tại các đô thị mỗi năm. Đây cũng chính là con số mà chính phủ dự đoán vào thời điểm cách đây 16 năm, khi chính phủ lần đầu tiên đề xuất việc duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức 8%. Vào thời kì đó, có 8 triệu người gia nhập lực lượng lao động hàng năm. Trong khi hiện nay chỉ còn 3 triệu người 1 năm. Tuy nhiên, trong khi các quan chức và các nhà kinh tế học lo lắng về vấn đề việc làm dưới tác động của sự suy yếu kinh tế, thì thực ra việc cung ứng lao động lại ngày càng khó khăn, với mức lương liên tục tăng nhanh.
Vấn đề bất ổn tài chính: ảnh hưởng của suy giảm tăng trưởng tới vấn đề này khó đánh giá hơn do quy mô khổng lồ của hệ thống ngân hàng ngầm, các khoản nợ khổng lồ từ những phương tiện đầu tư của chính quyền địa phương ( LGIVs) và sự tăng trưởng nợ xấu trong ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tất cả những hoạt động này đều ít nhiều liên quan đến nhà nước. Điều này có nghĩa là nếu Trung Quốc gặp phải các vấn đề tài chính lớn trong thời gian tới thì đó không phải là do mất vốn mà là do thanh khoản giảm. Sự ổn định tài chính gắn liền với thực tế là mọi người đều dựa vào khả năng tài khóa của chính quyền trung ương. Như vậy, vấn đề thực sự của hệ thống tài chính Trung Quốc là các luồng dịch chuyển vốn trong nền kinh tế, không phải là lượng vốn.
Vấn đề niềm tin của các nhà đầu tư: Tác động của sự suy giảm tốc độ tăng trưởng trong vấn đề này lại càng khó đánh giá hơn. Cuối năm ngoái, hầu hết các nhà đầu tư đều thực sự ủng hộ mục tiêu tăng trưởng thấp hơn để thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ quyết tâm của chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách. Nhưng chỉ cần nhìn vào sự vận hành của thị trường chứng khoán nội địa sẽ thấy được rằng niềm tin của các nhà đầu tư đã suy yếu một thời gian.
Gần đây, chính phủ xúc tiến đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới kinh tế toàn diện. Có vẻ như chính phủ muốn tăng nhanh cải cách các lĩnh vực như giảm kiểm soát hành chính, tự do hóa hệ thống tài chính và cải thiện giá cả các yếu tố sản xuất, nhưng khá chậm trong các lĩnh vực cải cách ruộng đất và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Từ việc cải thiện phân bổ nguồn lực và hỗ trợ tăng năng suất, những cải cách này cuối cùng sẽ nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP của Trung Quốc . Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tăng trưởng có thể sẽ giảm nhiều hơn nữa trước khi nó tăng trở lại.