Đọc “1421: The Year China Discovered The World”: Hư cấu hay sự thật?

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #10094
      NCQT
      Keymaster

      Đọc “1421: The Year China Discovered The World”: Hư cấu hay sự thật?

      Trương Văn Tân

      Có lẽ chưa bao giờ có một tác phẩm nào về lịch sử Trung Quốc gây ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi như quyển sách này. Tình cờ vào một hiệu sách, thấy tên sách thú vị, tôi bèn mua về đọc. Không ngờ đây là một quyển “international bestseller” từ mấy năm qua. Năm 2002 lần đầu tiên xuất bản tại Anh bán được 100.000 bản, tại Mỹ 200.000 bản và tổng cộng 1 triệu bản trên thế giới. Tác phẩm đã được dịch ra 20 thứ tiếng và nhà xuất bản Bantam Books đã trả cho tác giả 500.000 bảng Anh (1 triệu Mỹ kim) để được độc quyền phát hành[1] .


      Vào tháng Bảy năm 2006 đài truyền hình quốc gia ABC (Úc) trong chương trình “Four Corners” đã phát hình một cuộc phỏng vấn tác giả, các sử gia chuyên nghiệp và các học giả trên thế giới trong một chương trình có tên là “Junk History” [2] liên quan đến quyển sách. Tất cả sự ồn ào náo nhiệt về việc đúng sai lịch sử chỉ xoay quanh một câu hỏi đơn giản: “Có phải người Trung Quốc là dân tộc đầu tiên đi vòng quanh thế giới, phát hiện ra châu Mỹ và châu Úc?”. Tác giả Gavin Menzies của quyển sách có câu trả lời rất khẳng định và ông đưa ra nhiều bằng cớ để chứng minh điều đó. Ông cũng tuyên bố là để hoàn thành quyển sách ông đã phải nghiên cứu 14 năm, đi qua 120 nước, viếng hơn 900 bảo tàng viện và thư viện khắp nơi trên thế giới. Quyển sách dày hơn 600 trang, gồm 7 chương và phần phụ lục hơn 100 trang ghi lại những bằng chứng thu thập của tác giả. Có thể nói đây là một công trình nghiên cứu sử học đồ sộ nhằm lật đổ những quan điểm lịch sử có từ trước đến nay, dựa trên căn bản là người Trung Quốc đã khám phá ra châu Mỹ trước Columbus 70 năm và khám phá châu Úc trước James Cook 350 năm. Tuy nhiên, khi vừa ra mắt tại Anh, một bài điểm sách đã dội ngay một gáo nước lạnh, đánh giá quyển sách không đáng một xu!

      Tác giả Menzies không phải là một chuyên gia nghiên cứu sử học. Ông bỏ học năm 16 tuổi và gia nhập Hải quân Hoàng gia Anh, lên đến chức sĩ quan chỉ huy tàu ngầm trước khi về hưu. Theo tác giả, câu chuyện xảy ra vào năm 1421 khi Đô đốc Trịnh Hòa (Zheng He) [3] và các thuộc hạ của ông là Hồng Bảo (Hong Bao), Chu Mãn (Zhou Man), Chu Văn (Zhou Wen) và Dương Khánh (Yang Qing) được lệnh vua Minh Thành Tổ Chu Đệ, vượt biển đưa các vua chúa, quan đại thần Ấn Độ, các nước Ả rập và những nước ven bờ Ấn Độ Dương trở về nước. Những người khách nước ngoài này đã được Trịnh Hòa rước đến Bắc Kinh từ hai năm trước để dự lễ khánh thành Tử Cấm Thành, cung điện vừa xây xong của Minh Thành Tổ. Trong thời gian lưu trú tại Bắc Kinh các vị khách quí ngoại quốc được vua Minh chiếu cố tận tình, vui chơi ăn uống phủ phê, lại còn được các mỹ nữ tuyển chọn từ giới ca kỹ ngày đêm phục dịch. Chuyến đi năm 1421 là chuyến hạ Tây Dương (Ấn Độ Dương) lần thứ 6 của Trịnh Hòa. Trong đoàn thuyền này, đặc biệt khác với những lần trước, có nhiều chuyên gia thiên văn địa lý đi theo để định hướng và vẽ hải đồ. Ngoài ra có hàng trăm mỹ nữ cũng sẽ bước xuống thuyền theo các tình nhân của mình tiếp tục cuộc truy hoan trên sóng nước!

      Theo tác giả Menzies, sau khi đưa các vị khách quí trở về nước Trịnh Hòa và Dương Khánh trở lại Bắc Kinh nhưng Hồng Bảo, Chu Mãn và Chu Văn phụng chỉ vua Minh tiếp tục hành trình đánh vòng Hảo Vọng Giác (Cape of Good Hope) ở tận cùng phía Nam châu Phi, đi vào Đại Tây Dương cùng tiến theo hướng Bắc khám phá thế giới. Khi đến đảo Cape Verdes (gần nơi nhô ra của châu Phi) ba đoàn thuyền chia tay, băng ngang Đại Tây Dương đi theo ba hướng khác nhau. Đoàn thuyền của Hồng Bảo đi dọc theo Nam Cực tiến về phía Tây châu Úc. Đoàn thuyền của Chu Mãn sau khi vượt Đại Tây Dương, xuyên qua cực Nam châu Mỹ băng qua Thái Bình Dương tiến về phía Đông châu Úc. Tác giả cho rằng Chu Mãn có thể đi dọc theo phía tây châu Mỹ từ Nam Mỹ đi ngược lên Bắc Mỹ. Cuộc hành trình của Chu Văn cũng không kém phần ngoạn mục. Chu Văn tiến vào Carribean đi dọc theo bờ biển phía Đông của nước Mỹ ngày nay, đi ngang Greenland, Iceland vượt Bắc Băng Dương rồi trở về Trung Quốc.

      Chỉ trong vòng hai năm (1421-1423) ba đoàn thuyền vượt sóng gió bão bùng, hy sinh nhiều mạng sống trong nhiều cuộc đắm thuyền đã làm nên một kỳ tích vĩ đại là khám phá thế giới và cuối cùng tất cả đều trở về Trung Quốc an toàn. Có phải đây là những sử liệu Trung Quốc? Không. Đây là những kết quả “nghiên cứu” của tác giả Menzies. Những sử liệu quí giá về những cuộc hành trình nầy theo tác giả đã bị các đời vua sau hủy hoại một cách không thương tiếc. Quyển sách dựng lại kịch bản của cuộc hành trình năm 1421 dựa trên những chứng cứ mà tác giả đã thu thập trong thời gian 14 năm.

      Cũng như hàng triệu độc giả khác tôi bị thu hút bởi một quyển sách có một tựa đề quá hấp dẫn. Nhưng sau khi đọc được hơn 100 trang, những thích thú ban đầu bỗng tắt ngấm. Tác giả dùng đi dùng lại hai từ “Việt Nam” và “An Nam”, nhưng không hiểu rõ ý nghĩa của hai từ này, cứ ngỡ là hai nước khác nhau. Hồ Quí Ly thì lại viết là Lê Quí Ly. Những sai lầm cơ bản làm người đọc nghi ngờ về kiến thức của người viết và động cơ viết ra quyển sách; vì học thuật hay vì mùi đô la? Sự thành thật của tác giả Menzies cũng là một dấu hỏi cho người đọc. Ở những trang đầu, có lẽ để gia tăng “trọng lượng” quyển sách, ông tự cho mình sinh ra ở Trung Quốc và lúc thiếu thời từng được ảnh hưởng sự giáo dục của một amah (A má: người vú nuôi Trung Quốc). Thực sự ông sinh tại London, rặt dòng Anglo Saxon! Khi bị đài truyền hình ABC vặn vẹo, ông thản nhiên trả lời “Ồ! chuyện nhỏ. Sai lầm ấn loát ấy mà!”.

      Tác giả khiêm cung tự nhận mình không phải là học giả hay sử gia chuyên nghiệp nên hoạt động nghiên cứu sử học của mình chỉ là một hoạt động nghiệp dư. Tại sao ông lại có thể khám phá được những “bí mật” cuộc hành trình vòng quanh thế giới của người Trung Quốc mà các sử gia hàn lâm chưa bao nhìn thấy? Ông tự hào cho rằng vì là một sĩ quan hải quân thâm niên đầy kinh nghiệm nên ông có thể phân tích được những bản đồ, hải đồ cổ đại, điều mà các sử gia chuyên nghiệp khiếm khuyết; ngoài ra ông không bị tư duy xơ cứng của các chuyên gia chi phối sự suy nghĩ. Cái tự hào hơi quá trớn của tác giả trở nên một chướng ngại lớn trong việc thuyết phục người đọc. Vì không có “tư duy xơ cứng” của các chuyên gia, tác giả mặc tình phỏng đoán và võ đoán những sự kiện lịch sử.

      Lịch sử là một bộ môn của khoa học nhân văn. Phát triển của khoa học lịch sử dựa trên tính khách quan từ những khám phá của nhân chủng học và khảo cổ học. Nhưng tác giả dường như không muốn biết đến những giải thích khoa học mang tính “hàn lâm”. Những bằng cớ của tác giả đưa ra được giải thích theo sự tưởng tượng tùy tiện của mình. Ông “xác nhận” hải đồ vượt Đại Tây Dương của Columbus rõ ràng là có nguồn gốc Trung Quốc. Không phải là ở đầu thế kỷ 15 nhà Minh Trung Quốc là một triều đại hùng mạnh và duy nhất trên thế giới có đủ tài lực, nhân lực, kiến thức và khả năng vượt trùng dương vẽ ra những hải đồ đầu tiên của nhân loại hay sao? Không phải là 70 năm trước đó Da Conti chép lại hải đồ từ các chuyên gia địa lý của các đoàn thuyền Trịnh Hòa, sau đó được chuyển đến tay Fra Mauro rồi lọt vào cung đình của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hay sao?

      Tôi vừa đọc vừa tưởng tượng nội tình của các đoàn tàu vượt Đại Tây Dương của Hồng Bảo, Chu Mãn và Chu Văn. Theo tác giả, có một số mỹ nữ tùy tùng các vị khách quí sẽ lên bờ theo tình nhân đi định cư vĩnh viễn ở nước ngoài. Một số lớn ở lại trên tàu sau khi vòng quanh thế giới sẽ trở lại cố hương. Cũng theo tác giả, trong số này có nhiều mỹ nữ đang bụng mang dạ chửa hay sắp đến ngày khai hoa nở nhụy do kết quả của những cuộc hoan lạc với các vị khách quí nhà Minh. Tôi lại tưởng tượng chuyện chăm sóc các sản phụ, các trẻ sơ sinh ngày đêm oa oa trên tàu. Các đoàn tàu không phải là bệnh viện nổi “Từ Dũ” và những công tác phụ sản, nhi khoa hoàn toàn nằm ngoài khả năng của các đô đốc và thuyền viên. Sản phụ và trẻ sơ sinh không phải là những yếu tố tương hợp với cuộc thám hiểm vòng quanh thế giới. Ngoài ra, lâu ngày trong cảnh tù túng, những đòi hỏi thế tục của cõi ta bà cũng phải xảy ra. Các bóng hồng suốt ngày nhởn nhơ trên tàu, lấp ló bên rèm tạo ra cái cảnh “mỡ treo mèo nhịn”, các thuyền viên đi từ trạng thái ngơ ngác, dáo dác đến thèm muốn. Thêm vào đó trai nhiều gái ít ai nhịn ai ăn? Dù rằng các đô đốc là hoạn quan không có sự đòi hỏi, nhưng các thủy thủ vốn xuất thân là tử tù hoặc tù chung thân, sức lực lại đang trong thời kỳ sung mãn, nếu tiếp tục để cho mèo nhịn thì mèo sẽ thành cọp và nổi loạn sẽ xảy ra….

      Trước tình huống “lửa gần rơm” này tác giả Menzies có một cách giải quyết hết sức ngoạn mục. Ông cho rằng các đoàn tàu mắc cạn ở ngoài khơi châu Mỹ hoặc bị đắm ở Caribbean. Trong những sự cố này, có một số nam nữ tình nguyện ở lại vùng đất mới xin nhận nơi đây làm quê hương. Hoặc sau khi một số tàu bị đắm, số còn lại không còn đủ chỗ để chứa hết người. Đô đốc phải hạ lệnh cho những người sống sót trên những tàu bị đắm tạm thời lên bờ chờ tàu tiếp tế sẽ đến trong vài tháng tới! Nhưng tàu tiếp tế không bao giờ đến. Những người tình nguyện định cư hay ở lại vì bị đô đốc “hứa cuội”, sau này hình thành những cộng đồng (colonies) Hoa tộc trên châu Mỹ. Đương nhiên, tác giả có đầy đủ những bằng cớ “hùng hồn” cho sự hiện diện của các cộng đồng nầy. Chứng cớ là bảy mươi năm sau đó, khi Columbus đổ bộ lên vùng Caribbean đã thấy những người có da màu vàng đồng (bronzed colour) biết dùng nồi niêu làm bằng sắt. Người bản xứ châu Mỹ ở thế kỷ 15 không biết thuật đào mỏ luyện kim, vậy còn ai khác nữa nếu không phải là hậu duệ người Hoa?

      Với lối suy diễn tùy tiện mà tác giả tự hào là không mang tính giáo điều hàn lâm của các bậc học giả, lắm lúc người đọc phải bật cười vì lối giải thích hơi ngờ nghệch. Người dân da đỏ bản xứ có màu da “vàng đồng” cũng không sậm hơn người da vàng châu Á bao nhiêu. Đô đốc Trịnh Hòa chắc không lẩm cẩm đến độ phải mang theo mấy ông đào mỏ luyện kim, trong khi không có những công việc thích hợp cho họ ở trên tàu. Nồi niêu bằng sắt, nếu là hiện vật gia dụng của những người định cư, chắc chắn sẽ bị tiêu hủy từ lâu vì rỉ sét ăn mòn trong không khí đầy muối của vùng duyên hải, không còn để được Columbus chứng thực những 70 năm sau.

      Chưa hết. Một bằng cớ “hùng hồn” khác được tác giả đưa ra là chứng cứ sinh học DNA. Tác giả tuyên bố có sự hiện diện của DNA Trung Hoa (Chinese DNA) trong người bản xứ châu Mỹ. Ông rất lạc quan vì các kết quả thí nghiệm sinh học gần đây càng ngày càng chứng tỏ sự chính xác trong lập luận của ông. Tôi không chuyên về sinh học nên không biết DNA Tây khác DNA Tàu như thế nào. Nhưng dù người ta có thể dùng DNA để xác định nhân chủng, phương pháp thí nghiệm, lấy mẫu và xác nhận thời gian di truyền là những yếu tố quyết định sự chính xác của kết quả.

      Tiếng gáy con gà cũng không thoát khỏi sự suy luận của tác giả Menzies. Buổi sáng đầu tiên khi đặt chân đến Peru ông bị đánh thức bởi tiếng gáy “kik-kiri-kee” của chú gà hàng xóm. Ông bỗng nhớ đến con gà châu Á cũng có giọng gáy giống như vậy, khác với gà châu Âu với giọng gáy “cock-a-doodle-do”. Đúng rồi! Còn ai khác nữa, các ông Trung Quốc đã mang gà đến đây truyền giống trước người châu Âu. Thực vật cũng không lọt khỏi tầm quan sát của ông. Theo ông, khi người châu Âu đến châu Mỹ thì đã thấy các loài thực vật giống như ở Trung Quốc. Từ đây ông suy luận: hoặc là người Trung Quốc mang cây trồng sang châu Mỹ, hoặc là họ đã mang cây châu Mỹ về trồng tại Trung Quốc. Đằng nào thì người Trung Quốc cũng đặt chân đến châu Mỹ sớm hơn người châu Âu!

      Trong toàn quyển sách tác giả đưa ra nhiều sự kiện, hiện vật, cấu trúc xây dựng để chứng minh giả thuyết của mình nhưng khi kết luận thì ông lại “đẩy đưa” theo kiểu “còn ai khác nữa, nếu không phải là người Trung Quốc”. Người Trung Quốc có truyền thống vẽ tranh viết chữ. Đi đến đâu họ không vẽ thì viết, không viết thì khắc, không khắc vào núi thì khắc vào đá. Nhưng hơn một ngàn chứng cứ ông đưa ra, ngay cả những nơi ông cho là có cộng đồng đầu tiên của người Hoa sinh sống tại châu Mỹ, cũng không có hiện vật hay một cấu trúc nào có chữ Hán xuất hiện. Lối giải thích của ông thì lắm ngây ngô đến độ ấu trĩ buồn cười. Người đọc không khỏi thắc mắc tại sao những chiếc tàu gỗ có thể chịu được các vùng biển lạnh đóng băng của Greenland, Bắc Băng Dương và Nam Băng Dương. À… ông biết được từ Viện Khí tượng Hà Lan là những năm 1420, 1422 và 1428 mùa hè châu Âu nóng lắm, nên việc đi vòng quanh Greenland là việc khả thi. Nhưng ông quên rằng vật liệu đóng tàu như gỗ, chất keo ráp gỗ của Trịnh Hòa chỉ có thể chịu được những vùng biển ấm như Ấn Độ Dương, chưa kể những tảng băng ngầm nằm phục kích trong lòng biển đủ sức làm tan tác những chiếc tàu sắt hoành tráng cỡ Titanic!

      Quá trình nghiên cứu của ông cũng có nhiều “ngẫu nhiên” thú vị. Có lẽ trời thương ông nên trên bước đường tìm tòi khám phá lúc nào ông cũng được may mắn. Chẳng hạn như ông tìm được một sự kiện quan trọng ở thư viện A, một sự kiện quan trọng khác ở thư viện B, nhưng giữa hai sự kiện là một lỗ hổng lớn cần được liên kết. Tình cờ một ngày đẹp trời ông vào viện bảo tàng C thì tài liệu nối kết hai sự kiện nằm hiển hiện trước mắt! Eureka! Lại thêm một sự kiện lịch sử quan trọng lần đầu tiên được phát hiện bởi Menzies… Ông nhặt nhạnh những mẩu chuyện về nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, chắp nối vá víu thành một luận cứ, phớt lờ cách xử lý văn bản chuyên nghiệp của giới sử học và những lời phê bình của các chuyên gia. Tuy nhiên, nếu cần, ông tôn vinh các vị này bằng cách trích dẫn những kết quả nghiên cứu nhưng bẻ cong theo chiều hướng tư duy chủ quan của mình. Kết quả là những người “được” tôn vinh yêu cầu ông xóa tên hoặc giải thích lại những đoạn văn trích dẫn theo đúng ý nghĩa nguyên thủy.

      Quyển sách cũng làm chấn động giới sử gia Trung Quốc. Sự ra đời của nó trùng hợp với phong trào nghiên cứu kỷ niệm 600 năm ngày “Trịnh Hòa hạ Tây Dương” tại Trung Quốc. Các nhà sử học Trung Quốc khéo léo từ chối cái vinh dự làm dân tộc đầu tiên khám phá thế giới [4] . Không một ai trong giới sử học và các chuyên gia về Minh sử tại đất nước này chấp nhận những luận cứ của tác giả Menzies. Các đời vua Minh sau Minh Thành Tổ dù hủy diệt những tư liệu hàng hải quí giá của Trịnh Hòa nhưng cũng còn những đoạn sử ghi lại công lao Trịnh Hòa và các thuộc hạ. Các nhân vật như Hồng Bảo, Chu Mãn, Chu Văn và Dương Khánh là có thật và đã nhiều lần cùng với Trịnh Hòa hạ Tây Dương. Tuy nhiên không có một sử liệu nào đề cập những người này đi vòng quanh thế giới [5] . Năm 1983, người ta khai quật được mộ chí của Chu Văn. Mộ chí rành rành ghi lại thân thế và công lao hàng hải của ông. Theo mộ chí, năm 1421 ông có tham gia cuộc hạ Tây Dương lần thứ 6 cùng với Trịnh Hòa nhưng giữa đường ông phải trở lại kinh đô. Rõ ràng là trong khoảng năm 1421-1422, Chu Văn ở Bắc Kinh, không phải loanh quanh ở Bắc Cực như tác giả Menzies tưởng tượng.

      Các sử gia Trung Quốc cũng đã xem qua và nghiên cứu những hải đồ được đề cập trong quyển sách. Một giáo sư sử học Trung Quốc khẳng định rằng ở đầu thế kỷ 15 người Trung Quốc chưa có khả năng vẽ những bản đồ có kinh độ và vĩ độ chính xác mà phải đợi đến thế kỷ 16, nghĩa là gần 200 năm sau thời đại Trịnh Hòa. Tác giả của những hải đồ đầu tiên ở đầu thế kỷ 15 có lẽ là người Á rập [6] .

      Như vậy, tác phẩm của Gavin Menzies là một quyển sách lịch sử “đại bịp” hay là quyển sách có tầm dự phóng sâu xa? Câu trả lời tùy vào sự suy luận của độc giả vì cái đẹp thì lúc nào cũng tùy con mắt người nhìn. Với số tiền bản quyền kếch sù và huê hồng bán sách, tác giả có thể sống một cuộc đời về hưu phong lưu nhàn hạ, nhưng ông chọn con đường bảo vệ luận điểm của mình bằng cách lập website [7] , đi diễn thuyết ở các học hội chuyên gia và đại học danh tiếng khắp nơi trên thế giới. Ít ra ông có một nhiệt tình và tinh thần tra cứu độc lập. Những sử gia chính thống dù có chỉ trích ông thậm tệ cũng phải nhìn lại những bằng cớ ông đưa ra, vì lịch sử không bao giờ chính xác và cần được tu chỉnh liên tục. Đương nhiên ông hơn hẳn các “sử gia” nghiệp dư “dziết” sử, thích công bố những bài luận sử đầy tính chủ nghĩa dân tộc và không bao giờ có sự thẩm định hay phản biện khách quan.

      Biết đâu một ngày nào đó sẽ có những đoàn thám hiểm khai quật được xác những chiếc tàu đắm dọc theo bờ biển phía đông hoặc phía tây châu Mỹ, phát hiện hàng trăm hàng ngàn di vật gốm sứ nhà Minh. Chỉ cần chứng cứ độc nhất này cũng đủ để đưa quyển sách của Gavin Manzies vào hàng đầu của những quyển sách nói về lịch sử nhân loại.

      9 October 2006

      © 2006 talawas


      [1]1421: The Year China Discovered The World (1421: Năm Trung Quốc khám phá ra thế giới), Gavin Manzies, Bantam Books, London (2003)
      [2]Một cách chơi chữ. Có thể dịch là “Lịch sử thuyền buồm” nhưng cũng thể hiểu là “Lịch sử rác” (eg. junk mail, junk food).
      [3]Trịnh Hòa (1371-1433) người tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), là một nhà hàng hải, thám hiểm và ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử Trung Quốc. Ông gốc người dân tộc Hồi, theo đạo Hồi. Ông bị hoạn từ lúc nhỏ để tiến cung làm thái giám và sau này trở thành người thân cận của vua Minh Thành Tổ. Ông là người đầu tiên trong lịch sử hàng hải thế giới tổ chức những đoàn tàu phát xuất từ Trung Quốc vượt đại dương 7 lần (1405-1433) ghé những nước ven bờ Ấn Độ Dương và đến tận bờ biển phía Đông châu Phi. Trong những lần viễn du này, đoàn tàu của ông lên đến hằng trăm chiếc, số thuyền viên vượt hơn 27.000 người. Những chuyến đi này không có mục đích rõ ràng, phần lớn chỉ chú trọng đến ngoại giao, hòa thân (gả công chúa), khoe khoang sự giàu có của triều đình nhà Minh. Nó chỉ gây ra sự hao hụt to lớn cho ngân khố quốc gia. Có một lần Tử Cấm Thành gặp hỏa hoạn, Minh Thành Tổ mê tín cho là điềm gở liên quan đến việc viễn du của Trịnh Hòa. Nhà vua hạ lệnh đình chỉ việc viễn du. Thời đại hoàng kim của ngành hàng hải và đóng tàu tại Trung Quốc chấm dứt. Một trăm năm sau, những chiếc tàu viễn dương của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha xuất hiện. Thời đại của chủ nghĩa thực dân bắt đầu (xem thêm “Zheng He”, Wikipedia).
      http://www.sz.chinanews.com.cn/zgzh/2003-08-13/71/265.html
      [5]http://news.xinhuanet.com/overseas/2005-05/12/content_2947976.htm
      [6]http://tech.icxo.com/htmlnews/2005/08/15/647531.htm
      [7]http://www.1421.tv

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.