NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 2 replies, 3 voices, and was last updated 10 years, 4 months ago by trungmam93.
-
AuthorPosts
-
-
19/06/2014 at 23:38 #2556NCQTKeymaster
LND : Nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 18/06/2014 củaDương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Thụy My xin lược dịch hai đoạn ngắn có liên quan đến nhân vật này trong hồi ký « Hard Choices » (Những lựa chọn khó khăn) của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, bản tiếng Pháp mang tên « Le Temps des décisions » (Thời điểm quyết định) vừa được phát hành cách đây đúng một tuần, ngày thứ Tư 11/6.
Dương Khiết Trì và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, 18/06/2014.
…Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) đã dần leo lên từng thang bậc trong ngành ngoại giao, ban đầu ông ta chỉ là phiên dịch. Tiếng Anh hoàn hảo của ông giúp chúng tôi có thể trò chuyện thật lâu, đôi khi nói liên hồi, trong nhiều cuộc điện đàm và hội nghị. Dương Khiết Trì hiếm khi vượt quá sự thận trọng ngoại giao, nhưng đôi khi tôi cũng có thể nhận ra tính cách thật sự của ông ta.
Một hôm, ông nói với tôi là khi còn nhỏ ở Thượng Hải, lớp học của ông không được sưởi ấm khiến ông run cầm cập, tay lạnh cóng không giữ được cây bút. Quá trình đi lên từ phòng học lạnh giá ấy đến Bộ Ngoại giao là một sự tự hào khủng khiếp cho những tiến bộ của Trung Quốc.
Đó là một con người dân tộc chủ nghĩa thâm căn cố đế, và chúng tôi có những lần tranh luận căng thẳng, đặc biệt về những chủ đề nhạy cảm như Biển Đông, Bắc Triều Tiên và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản.
Trong những cuộc đối thoại gần nhất năm 2012 vào đêm khuya, Dương Khiết Trì không ngớt ca ngợi dài dòng vô số thành tựu và sự ưu việt của Trung Quốc, nhất là sự thống trị trong môn điền kinh. Lúc đó là khoảng một tháng sau Thế vận hội Luân Đôn, và tôi lịch sự nhắc ông ta, Hoa Kỳ mới là quốc gia giành được nhiều huy chương nhất.
Dương trả lời, « sự xuống dốc tạm thời » trong Olympic củaTrung Quốc là do sự vắng mặt của nhà vô địch bóng rổ Yao Ming vì bị chấn thương. Ông ta cũng nói đùa là nên lập ra « Thế vận hội ngoại giao » với những môn tranh tài như « số kilomet đã đi qua », như vậy Mỹ sẽ có thêm ít nhất một huy chương.
…
Chiều ngày 22/07/2011, Diễn đàn khu vực ASEAN khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Hà Nội, với các thảo luận chính thức về thương mại, biến đổi khí hậu, nạn buôn người, vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên và Miến Điện. Dù vậy, vào ngày thứ hai trong lúc các cuộc hội thảo tiếp diễn, một chủ đề duy nhất chiếm lĩnh tâm trí mọi người : Biển Đông !
Các bất đồng về lãnh thổ, đã mang sẵn bề dày lịch sử, dân tộc chủ nghĩa và vai trò kinh tế, đã trở thành một vấn đề thử nghiệm cốt lõi : liệu Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh đang lên của mình để thống trị một khu vực ảnh hưởng đang bành trướng, hay là khu vực sẽ tái khẳng định rằng các tiêu chuẩn quốc tế cũng phải được áp dụng ngay cả cho các nước mạnh nhất ?
Các chiến hạm đối đầu tại các vùng biển tranh chấp, báo chí kích thích tình cảm dân tộc trong toàn vùng, và các nhà ngoại giao cố hăng hái ngăn cản xung đột nổ ra. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn nhấn mạnh đây không phải là đề tài thích hợp cho một hội nghị khu vực.
Đêm hôm ấy, tôi tập hợp ông Kurt Campbell và ê-kíp phụ trách châu Á để nghiên cứu kế hoạch cho ngày mai. Những gì chúng tôi có trong đầu đòi hỏi một nỗ lực ngoại giao khéo léo, phải vận dụng mọi công sức thực tiễn đã bỏ ra trong khu vực từ một năm rưỡi qua. Chúng tôi mất nhiều tiếng đồng hồ để hoàn chỉnh bản tuyên bố tôi sẽ đọc hôm sau, và điều chỉnh sự phối hợp với các đối tác.
Ngay khi mở màn phiên họp ASEAN, vở kịch đã bắt đầu. Việt Nam là người phát pháo. Mặc cho Trung Quốc phản đối ý định thảo luận về Biển Đông trong khuôn khổ hội nghị, Việt Nam đã nêu ra vấn đề tranh chấp. Rồi lần lượt từng bộ trưởng các nước đứng lên bày tỏ mối quan ngại và khuyến cáo sử dụng giải pháp đa phương và hợp tác để giải quyết các bất đồng lãnh thổ. Sau khi Trung Quốc phô trương cơ bắp và khẳng định sự thống trị của mình trong suốt hai năm, các nước khu vực đã phản ứng. Thời cơ đã đến, tôi ra hiệu xin phát biểu.
Tôi tuyên bố, Hoa Kỳ không đứng về phía nào trong mọi tranh chấp. Nhưng chúng tôi ủng hộ giải pháp đa phương được đề nghị, với sự tôn trọng luật quốc tế và không có việc cưỡng bức, hay đe dọa sử dụng vũ lực. Tôi nhiệt liệt khuyến khích các quốc gia trong khu vực bảo đảm việc tự do di chuyển trên Biển Đông, và cùng soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử để ngăn chặn những xung đột.
Hoa Kỳ sẵn sàng tạo điều kiện cho tiến trình này, vì chúng tôi coi tự do hàng hải tại Biển Đông là « lợi ích quốc gia » của Mỹ. Từ ngữ này được chọn lựa cẩn thận để chơi xỏ lại khái niệm « lợi ích cốt lõi » mà Trung Quốc trước đó không lâu đã gắn liền với yêu sách bành trướng lãnh thổ trong khu vực này.
Đến cuối tuyên bố, tôi thấy Dương Khiết Trì giận tái cả mặt ! Ông ta yêu cầu ngưng phiên họp một tiếng đồng hồ trước khi trả lời. Khi trở lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, Dương Khiết Trì bác hẳn chủ đề Biển Đông và cảnh báo mọi can thiệp từ bên ngoài. Rồi quay sang những người láng giềng châu Á, ông ta nhắc lại rằng Trung Quốc « là một nước lớn, lớn hơn tất cả những nước có mặt ở đây cộng lại ». Trong khuôn khổ hội nghị này, đó không phải là một lý lẽ thuyết phục.
Sự đối đầu ở Hà Nội không giải quyết được những bất đồng trên Biển Hoa Đông và Biển Đông – hiện vẫn đang mạnh mẽ và nguy hiểm vào lúc tôi viết những dòng này. Nhưng trong những năm sau đó, các nhà ngoại giao khu vực vẫn xem hội nghị trên là một bước ngoặt, đối với tư cách lãnh đạo của Mỹ tại châu Á cũng như với cú sốc chống lại tham vọng thái quá của Trung Quốc.
Khi trở về Washington, tôi cảm thấy tin chắc hơn vào chiến lược và vị trí của chúng tôi tại châu Á. Lúc mới bắt đầu năm 2009, nhiều nước trong khu vực nghi ngại về sự cam kết và bền bỉ của chúng tôi. Tại Trung Quốc, một số người tìm cách thủ lợi từ cảm tưởng này. Chiến lược xoay trục được hình thành để xóa tan những nghi ngờ ấy. Trong một lần nói chuyện với Đới Bỉnh Quốc, ông ta đã thốt lên : « Tại sao các vị không ‘xoay trục’ đi chỗ nào khác ngoài khu vực này ? »
Tôi đã vượt qua nhiều cây số, nghe được nhiều bài diễn văn ngoại giao được diễn dịch một cách vụng về mà tôi chưa bao giờ tin lại có thể xảy ra. Nhưng điều này đã được đền bù. Chúng tôi đã ra khỏi được hố thẳm hồi mới lập chính phủ Obama, đã tái khẳng định sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.
Những năm tiếp theo mang đến những thử thách mới, từ việc lãnh đạo đột ngột thay đổi ở Bắc Triều Tiên cho đến việc so găng với Bắc Kinh về số phận một nhà ly khai khiếm thị tị nạn ở đại sứ quán Mỹ. Cũng có những cơ hội mới cần nắm lấy.
Những tia lửa nhỏ tiến triển tại Miến Điện sẽ làm bùng lên trận cháy của một sự chuyển đổi đầy kịch tính, mang lại hứa hẹn dân chủ ở trung tâm một đất nước xưa nay đóng cửa. Và một phần nhờ vào nỗ lực kiên định của chúng tôi để thiết lập lòng tin lẫn nhau cũng như thói quen hợp tác, quan hệ với Trung Quốc sẽ tỏ ra bền bỉ hơn nhiều người đã dám hy vọng.
Nguồn: Thụy My RFI
-
20/06/2014 at 13:18 #2569pttduongParticipant
Nếu xét về cá nhân con người, DKT quả là một con người tài giỏi, có ý chí phấn đấu và mục tiêu rõ ràng. Còn xét trên bình diện là một nhà Ngoại giao, ông ta quả là một con cáo già, thậm chí không thèm che đậy bản chất cáo già đó.
-
21/06/2014 at 16:26 #2616trungmam93Participant
Rõ ràng, Mỹ đang tạo ra cho Việt Nam cơ hội để mở cửa nền dân chủ, nhưng tiếc rằng những áp lực từ phía Bắc Kinh và sự chọn lựa của giới lãnh đạo đang bỏ qua cơ hội đã. Và cũng có thể thấy rằng, Mỹ không trông đợi gì nhiều từ phía Việt Nam.
Từ rầy cho đến khi Đảng Cộng hoà lên cầm quyền, đừng hòng bảo Đảng Dân chủ sẽ mạnh tay với Trung Quốc. Mỹ sẽ tính toán lợi ích sao cho có lợi nhất cho Mỹ trong quan hệ Mỹ – Trung, bất chấp hành động của Trung Quốc ra sao. Trong trường hợp này, đừng bao giờ quá tin vào đồng minh hay tình hữu nghị.
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.