Bắc Hàn và vũ khí ‘máy bay giật lùi’

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #7566
      NCQT
      Keymaster

      Bắc Hàn và vũ khí ‘máy bay giật lùi

      Stephen Dowling

      Báo chí Bắc Hàn giật tít máy bay từ thời Liên Xô – Antonov An2, có thể bay theo kiểu “bất khả thi”, theo Stephen Dowling.

      Đầu tháng Tư, truyền thông Bắc Triều Tiên công bố chương trình ngụy trang mới cho một trong những chiếc máy bay quân sự quan trọng nhất của mình.

      Trên một đoạn phim truyền hình, lãnh đạo tối cao Kim Jong-Un, như mọi lần, được “lên hình”, đang điều khiển máy bay. Nhưng lần này không phải là máy bay phản lực trông hầm hố và mạnh mẽ mà lại là một máy bay bà già cánh kép từ thời 1940, trông như một chiếc máy kéo lắp cánh.

      Những chiếc An-2 của Bắc Triều Tiên có thể bay thấp và chậm qua biên giới Nam Hàn để thả đặc nhiệm. Nó bay chậm tới mức khó hiển thị trên màn hình radar.

      Antonov An-2, niềm tự hào của quân đội Bắc Triều Tiên, nay được sơn màu xanh lá cây ở thân trên và xanh da trời ở phần dưới để dễ nguỵ trang dù từ dưới đất nhìn lên hay từ trên cao nhìn xuống.

      Nhưng lý do gì khiến năm 2015 rồi mà Bắc Hàn còn dùng cái máy bay cứ như để đóng phim Indiana Jones cho các phi vụ ngoài mặt trận?

      Antonov An-2 lần đầu cất cánh năm 1947, khi Liên Xô được xây dựng lại từ đống đổ nát sau Đệ nhị Thế chiến.

      Ngay từ thời xuân sắc hồi ấy, trông nó đã cổ lỗ rồi, khi mà hàng không thời hậu chiến đã bắt đầu chuyển sang công nghệ phản lực.

      Nhưng An-2 có thiết kế vô cùng ấn tượng, được sản xuất hàng ngàn chiếc, xuất khẩu ra toàn cầu, và “nó vẫn cứ chạy như thường” sau hàng bảy chục năm kể từ ngày ra mắt.

      Và “máy bay bà già” này có một tính năng phi thường: ngoài việc nó chỉ cần một đường băng rất ngắn để cất cánh hay hạ cánh, nó có thể bay giật lùi.

      An-2 được thiết kế, phục vụ công tác của Bộ Lâm nghiệp Liên Xô, để gieo hạt và chuyên chở nông cụ.

      Oleg Antonov đã thiết kế một máy bay lớn hai tầng cánh và chỉ có một động cơ, với buồng lái và khoang hành khách có thể chở đến 12 người hoặc hơn một tấn hàng hóa.

      An-2 phải dùng được ở những “sân bay” thô sơ – không được trải nhựa, đường băng cỏ, những con đường đất và hoặc đơn giản chỉ dọn một đám cây giữa rừng thành một khoảng trống ở giữa chốn bạt ngàn rừng rú, hoang vắng và thưa người của nước Nga.

      Như vậy, cần có một loại máy bay đơn giản, chịu được những điều kiện khắc nghiệt, cất cánh hạ cánh dễ dàng với đường băng ngắn, máy bay đó cũng phải dễ bảo trì bảo dưỡng so với máy bay trực thăng có hệ thống cơ khí phức tạp.

      Có tới hơn 19.000 máy bay loại này đã được chế ra ở Liên Xô, và sau đó là Ba Lan. Và hàng ngàn chiếc nữa ở Trung Quốc theo giấy phép nhượng quyền, thậm chí đến tận bây giờ vẫn còn được sản xuất.

      “Lý do An-2 vẫn bay là vì thực sự chẳng có chiếc nào như nó”, Bernie Leighton, cây bút chuyên viết về hàng không, người đã cưỡi trên một chiếc An-2 ở Belarus nói.

      “Nếu bạn cần một chiếc máy bay có thể chở 10 binh sĩ, người hoặc dê, có thể cất cánh và hạ cánh ở bất cứ nơi nào thì chính là nó hoặc một máy bay trực thăng.”

      “Bay trên một An-2 chẳng giống như bất kỳ máy bay nào thời nay. Đầu tiên, đó là dạng thiết kế “Taildragger” (thiết kế máy bay trên một bộ khung có bánh xe ở dưới), vì vậy một khi bạn trèo lên khoang, mọi thứ cứ ngửa hết về sau. Và nó cũng rất “cứng cáp”, đến nỗi bạn sẽ cảm thấy mỗi cú xóc, mỗi lần điều khiển. Phải nhớ là “chiếc máy bay này không thiết kế cho sự tiện nghi của hành khách” Leighton nói.

      “Nó có ầm ĩ không? Đương nhiên, nhất là với máy bay một động cơ. Và nó cũng nóng cực mà chỉ có mấy cửa sổ bé tẹo – rõ rồi. Còn nữa, bạn lại còn cảm thấy có hơi thổi ra khi nó đang bay nữa chứ!”

      Thiết kế kiểu cổ của An-2 thật ra có mục tiêu rất rõ: hai tầng cánh sẽ tạo sức nâng mạnh hơn, nên nó có thể cất cánh trong một đường băng ngắn.

      Sức nâng mạnh mẽ của cánh kép khiến An2 có thể giữ được tốc độ bay thấp nhất khá chậm.

      Phi công có thể lái ngon lành ở tốc độ 40km/giờ. Thậm chí là hướng dẫn bay của nó cũng chẳng có một tốc độ quy định nào. Để dễ hình dung, ta nên biết là một chiếc Cessna nếu bay ở tốc độ dưới 80km/giờ thì máy bay có thể rớt.

      Tốc độ thấp khiến An-2 được dùng khá phổ biến ở các trường đào tạo nhảy dù và nhảy skydiving. Trong các cuộc triển lãm hàng không, phi công cũng thích chơi trò bay lơ lửng bằng máy bay này.

      Để làm như vậy, phi công bay ngược chiều gió và khi gió đủ mạnh, nó có thể từ từ thổi chiếc máy bay bay giật lùi mà phi công vẫn có thể điều khiển được.

      Nghe hoang đường? Vậy hãy xem Bill Leary, đội trưởng câu lạc bộ An2 của Anh An-2 Club, thường bay ở sân bay Popham, Basingstoke. Ông đã bay với một chiếc An2 xuất sang Hungary trong 14 năm qua.

      Điểm mấu chốt để máy bay có thể bay lơ lửng – và thậm chí bay lùi trong các điều kiện thích hợp – nằm trong “mặt cánh tạo thăng bằng” trên cánh máy bay.

      Ở phía trước là những tấm linh hoạt gọi là gờ trước cánh. Chúng thường được sử dụng khi hạ cánh, làm tăng sức cản của gió và giảm tốc độ của máy bay.

      Tương tự, các cánh tà sau được sử dụng để giảm tốc độ của máy bay hoặc tăng lực nâng bằng cách thay đổi hình dạng của cánh.

      Trên An-2, cánh tà sau chạy dài trên toàn bộ chiều dài của mặt sau cánh dưới, và ở cánh trên còn dài hơn, do vậy tạo ra lực nâng rất mạnh, khiến máy bay có thể bay với tốc độ chậm một cách “kinh dị”.

      “Nếu gió đủ mạnh, cỡ 15-20 knot (7-10 mét/giây), bạn có thể giữ cho máy bay lơ lửng,” Leary nói. “Hãy hạ hết cánh tà sau xuống và dựng gờ trước cánh lên, sau đó bay ngược gió ở một góc 40 độ và giữ động cơ hoạt động đủ mạnh, khi đó máy bay sẽ lơ lửng tại chỗ.”

      Leary cho rằng bay An-2 rất thú, nhưng cũng phải cẩn thận. Cần lái khá nhạy, và “nàng” thì rất “khoái bay”, nên tự dưng là cứ bay vù lên rồi. Nhưng điều khiển “nàng” đòi hỏi bạn phải “vận công”. An-2 không có hệ thống máy tính để điều khiển các cánh như máy bay Boeing hay Airbus hiện đại, thậm chí cũng chả có hệ thống thuỷ lực cho đỡ tốn sức. “Nó chỉ toàn thanh kéo và cáp cùng với sức của bạn,” Leary nói.

      “Lái An-2 rất chiến! Bạn phải có cơ bắp của một ‘người sắt’!”

      Giá mà An-2 được thiết kế và chế tạo ở phương Tây, thiết kế độc đáo của nó có thể đã làm cho nó nổi tiếng hơn hiện tại.

      “An-2 chỉ có thể rơi bạn nếu bạn làm điều gì đó ngu ngốc khi lái,” Leighton nói.

      “Nó gần như quá đơn giản nên hệ thống cơ khí rất khó mà hỏng hóc. Nếu đang bay mà động cơ chết máy, bạn cũng chả phải lo vì nó có thể hạ cánh xuống bất kỳ chỗ nào. Bay với An-2 thì không tiện nghi lắm, nhưng lại cực kỳ an toàn. Và đương nhiên là khả năng bay giật lùi của chiếc máy bay này đã cho nó một đẳng cấp riêng biệt so với máy bay khác”.

      Bản gốc tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

      Nguồn: BBC Việt ngữ

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.