NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 1 reply, 1 voice, and was last updated 9 years, 3 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
25/08/2015 at 12:52 #10099NCQTKeymaster
Bí ẩn gì sau việc phá giá đồng nhân dân tệ?
Trần Ngọc Thơ
TTCT – Mức độ phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) tuần rồi tuy chưa đủ lớn nhưng ẩn chứa sau đó nhiều bí mật, đủ khiến tờ The Economist xếp sự kiện này vào loại độc đáo trong lịch sử tiền tệ thế giới, cùng với hai sự kiện phá giá thảm họa trước đây là đồng bảng Anh năm 1992 và đồng peso Argentina năm 2001-2002.
Đến giờ, có thể chia thành ba giả thuyết chính: (1) giả thuyết thị trường, do áp lực cung cầu thị trường nên phải thả nổi; (2) giả thuyết chính trị, thực hiện tham vọng giấc mơ Trung Hoa gấp gáp đưa NDT đủ tiêu chuẩn trở thành đồng tiền SDR (quyền rút vốn đặc biệt) của IMF; (3) giả thuyết khủng hoảng, kinh tế suy thoái phải phá giá để kích thích xuất khẩu.
Phần nhận định dưới đây cho thấy có khả năng rất cao đồng thời xuất hiện cả hai giả thuyết (1) và (3) và khả năng thấp để xuất hiện giả thuyết (2).
Giả thuyết thị trường: thả nổi tỉ giá do quan hệ cung cầu
Có không ít nhà kinh tế đồng tình với giải thích mới này, họ trách cứ giới truyền thông cố tình lầm lẫn khi đưa tin Trung Quốc (TQ) phá giá tiền tệ (chính phủ chủ động). Tin chính xác phải là: NDT giảm giá (mạnh). Vì tự nó như thế, vì do quan hệ cung cầu định đoạt chứ không phải chính phủ muốn. Muốn đánh giá chính xác giả thuyết này vì vậy phải trả lời câu hỏi: thật sự NDT đang định giá cao hay thấp?
Điều thú vị là trong khi Bộ Tài chính Mỹ nhận định NDT vẫn còn “định giá thấp đáng kể” thì IMF lại cho rằng NDT “không còn định giá thấp nữa”. Có lẽ bản thân IMF cũng không thể trả lời được tỉ giá tham chiếu mỗi buổi sáng đối với các đồng tiền chủ chốt (và sau đó để thị trường quyết định) thật sự không có sự can thiệp của giới lãnh đạo TQ.
Đến đây vấn đề lại chuyển sang hướng đánh giá mới: phá giá tiền tệ, cho dù bất kỳ lý do gì, cũng luôn phát ra những tín hiệu không tốt. Đó là cách đặt vấn đề dễ chấp nhận hơn thay cho việc tính toán và tranh luận NDT hiện định giá cao hay thấp. Lịch sử cho thấy phá giá tiền tệ liên tục có khả năng kích hoạt hơn nữa kỳ vọng luẩn quẩn của thị trường là đồng tiền sẽ còn có khả năng bị phá giá sâu thêm và vòng xoáy cứ thế… Tất nhiên TQ luôn tìm cách trấn an thị trường rằng họ có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ lên đến 3.600 tỉ USD để can thiệp, không cho điều xấu nhất xảy ra.
Giải thích này tuy vậy bị một số nhà kinh tế chỉ ra có một sai lầm nghiêm trọng là không phân biệt được con số tuyệt đối và con số tương đối. 3.600 tỉ USD tuy là con số lớn về mặt tuyệt đối, nhưng về mặt tương đối lại là một con số nhỏ so với lượng cung tiền M2 mà họ đã bơm ra thị trường thời gian qua. Ước hiện tại dự trữ ngoại hối của TQ chiếm khoảng 17% lượng cung tiền M2, quá mỏng nếu có một cuộc tháo chạy tiền tệ và thấp hơn nhiều so với mức 28% của các quốc gia Đông Á giai đoạn 1997 – 1998. Vậy mà các quốc gia Đông Á đã rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng.
Bài học từ các nước Đông Á là: nếu nhà đầu tư và các cá nhân cảm thấy bất an về chính sách phá giá của TQ, một trận đại hồng thủy lượng tiền M2 (NDT) đã bơm ra trước đây sẽ tháo chạy sang tài sản nước ngoài. Có khả năng phá giá NDT vừa rồi là do giả thuyết này.
Trên thực tế dòng vốn đã đảo ngược ở TQ khá nhiều thời gian gần đây, dự trữ ngoại tệ trên cung tiền M2 quá thấp nên phá giá gấp gáp là con đường tất yếu mà TQ phải thực hiện. Đây mới thật sự là điều nguy hiểm mà chúng ta cần phải cảnh giác và quan sát thật kỹ.
Theo tính toán của tác giả, dự trữ ngoại hối trên cung tiền M2 của VN bình quân năm năm qua thấp đáng kể, chỉ khoảng 12%. Các quan điểm đòi phá giá mạnh VND đến giờ chưa thấy phân tích kỹ số liệu này của VN?
Giả thuyết chính trị: sớm hiện thực giấc mộng Trung Hoa
Động cơ chính trị của phá giá NDT là giả thuyết nhận được một số đồng tình từ một số học giả. Nếu thuần về mục đích kinh tế, thả nổi theo đúng lộ trình thì sớm hay muộn NDT cũng sẽ trở thành đồng tiền quốc tế. Chẳng hạn bắt đầu bằng mở rộng biên độ lên 2-3% hoặc hơn nữa và để tỉ giá được phép tự do bay nhảy trong vùng biên độ.
Tại sao họ lại bắt đầu bằng cách thiết lập một mức tỉ giá tham chiếu mới hoàn toàn? Truy lại hồ sơ trong biên bản cuộc họp mới đây của IMF ngày 4-8 thấy có ít nhất hai lần câu hỏi của cử tọa đặt ra với quan chức IMF nhưng lại không có câu trả lời thỏa đáng, rằng liệu có những động cơ chính trị trong việc đưa NDT trở thành đồng SDR.
Tháng 9 sắp tới IMF sẽ nhóm họp lại để tiếp tục bàn về vấn đề này: liệu lần phá giá này có động cơ chính trị hay thuyết âm mưu gì để sớm đưa NDT thành đồng tiền dự trữ quốc tế ngay trong năm nay? Điều này cho thấy dù có khả năng trở thành đồng SDR thì mức độ tín nhiệm của thế giới đối với NDT cũng sẽ sụt giảm rất nhiều.
Ngoài ra trên tờ The New York Times, nhà kinh tế Paul Krugman (đoạt giải Nobel 2008) cho rằng có thể có những động cơ chính trị đằng sau tham vọng biến NDT thành đồng tiền quốc tế nên họ mới thực hiện một chính sách méo mó như thế. Cuối bài báo, ông có nhận định cho thấy rõ ý đồ chính trị của giới lãnh đạo TQ: một ai đó cần nói với người dân Trung Hoa rằng họ không nên hi sinh quốc gia này để đổi lấy SDR.
Dù vậy, theo tác giả bài viết, giả thuyết này rất ít có khả năng bởi giới lãnh đạo khôn ngoan của TQ không dại gì lộ mình quá sớm, trừ phi họ đang có những vấn đề nội tại nghiêm trọng đến mức buộc phải hướng dư luận sang hướng khác.
Giả thuyết khủng hoảng kinh tế: TQ thật sự đang bên bờ vực…
Nhìn nhận vấn đề một cách rộng hơn, từ những động cơ kinh tế – chính trị khó đoán định trong chính sách kinh tế của TQ và nguy cơ về một cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu trong tương lai, ít nhất cũng đúng cho năm 2015 này, mới thấy vấn đề có nên phá giá tiền đồng VN bằng hoặc thậm chí cao hơn so với mức phá giá của TQ chỉ là giải quyết những nỗi đau ngắn hạn. Đó là chưa tính đến việc phá giá mạnh cũng có những hệ lụy khó lường. Và nếu thế, cũng chỉ là mới chăm chút cho đám cây cỏ (tỉ giá) trên bề mặt đất (nền kinh tế thực) ít ai chăm sóc.
Giải pháp trước những diễn biến vừa qua không chỉ là bài toán tỉ giá, mà còn là hàng loạt giải pháp khác để giải quyết khả dĩ các vấn đề thâm căn cố đế làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Dù vậy, việc neo cứng tỉ giá USD/VND sắp tới vẫn là điều không nên làm chút nào.
Giả thuyết TQ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng có rất nhiều cơ sở, khi hầu hết mọi người đều nghi ngờ số liệu thống kê của TQ bị thổi phồng theo chiều hướng tốt đẹp, trong khi số liệu thống kê kinh tế tại các tỉnh của TQ đang cho thấy những dấu hiệu suy thoái, cùng với những đổ vỡ trên thị trường chứng khoán gần đây.
Số liệu thống kê “ăn gian” thì phải có chính sách “ăn mày” nhà hàng xóm (Beggar-Thy-Neighbor) – chính sách mà giới kinh tế chỉ trích một quốc gia dùng thủ đoạn phá giá tiền tệ thay cho sử dụng những công cụ truyền thống như hạ lãi suất thêm nữa hoặc bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Như nhiều nhà kinh tế ví von: miếng bánh (tăng trưởng) của TQ giờ đang co lại nhanh quá, trong khi bao tử của giới chính trị vốn dĩ lâu nay quá lớn nên chỉ còn cách biến láng giềng thành ăn mày.
Thế giới này có nhiều vấn đề lớn hơn TQ phá giá NDT
Kể từ khi chạm đáy vào giữa năm 2011, đến nay USD đã tăng giá khoảng 33% so với các đồng tiền chủ chốt. Chỉ riêng năm trước USD đã tăng giá 20%. USD mạnh lên đã lấy đi 2 điểm phần trăm tăng trưởng của Mỹ trong quý 1 năm nay.
USD lên giá mạnh trước hết do chính sách bơm tiền khổng lồ của châu Âu và Nhật để kích thích nền kinh tế, kết quả là đồng euro và yen giảm giá 20% so với USD và trở thành những đối thủ cạnh tranh với hàng xuất khẩu Mỹ. USD mạnh lên còn do khả năng tháng 9 này Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, khiến các nhà đầu tư toàn cầu bán những ngoại tệ khác đầu tư vào USD.
Cả thế giới này tràn ngập các đồng tiền đầu tư vào USD, khiến đồng tiền phần còn lại của thế giới yếu đi trông thấy rõ. Nay đến lượt TQ phá giá NDT, kinh tế toàn cầu vốn đã xấu nay càng xấu thêm: sự thiếu hụt quá lớn sức cầu tiêu dùng toàn cầu và một cuộc chạy đua xuống đáy của các quốc gia cạnh tranh giành lấy thị trường xuất khẩu ngày càng eo hẹp. Chỉ có một giải pháp khả dĩ giải quyết tình trạnh này là xuất hiện những người tiêu dùng mới đến từ hành tinh khác, một số nhà kinh tế đã bi quan như vậy.
TUNG KHĂN TRẮNG Tung khăn trắng (throwing in the towel) là cụm từ súc tích nhất tóm lược những gì đã và đang xảy ra. “Họ phải biết điều gì đó mà phần còn lại của thế giới chưa biết và kinh tế TQ thật sự tồi tệ hơn những gì mà chúng ta nghĩ” – giáo sư Eswar S. Prasad, chuyên nghiên cứu về các nền kinh tế mới nổi của Đại học Cornell (Mỹ), đã bình luận như vậy về việc TQ phá giá NDT.
Nguồn: Tuổi trẻ
-
25/08/2015 at 12:56 #10102NCQTKeymaster
Mới là phần nổi của tảng băng
Hồ Quốc Tuấn
Mấy ngày qua, giới quan sát quốc tế đưa ra khá nhiều phân tích về vấn đề phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) ở Trung Quốc (TQ). Tính đến ngày 14-8, đồng tiền này đã giảm giá hơn 4%, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1994.
Chiến tranh tiền tệ?
Mức điều chỉnh tỉ giá 4% không có gì là lớn lao, nhưng lại khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Nếu TQ tiếp tục xu thế để đồng tiền nước này mất giá, các đối tác thương mại lớn hàng đầu của TQ như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Đức sẽ có thể phải điều chỉnh tỉ giá và chính sách tiền tệ của mình để đáp trả.
Trong số này, Mỹ đang đứng trước lựa chọn có nên trì hoãn tăng lãi suất đồng USD và có để cho nó mạnh lên nữa hay không. Trong khi đó nhiều nước khác, nhất là Nhật, đã để giá đồng tiền nước mình giảm nhiều so với USD từ năm ngoái, và tiếp tục duy trì chính sách để đồng tiền nước của họ tiếp tục trượt giá với USD trong năm nay. Họ hoàn toàn có khả năng tiếp tục một đợt điều chỉnh giảm giá đồng tiền nước mình so với USD với quy mô lớn hơn hoặc xấp xỉ mức TQ vừa làm để bảo vệ tính cạnh tranh của hàng hóa nước họ so với hàng TQ. Và nếu họ cứ đánh trả, TQ đáp lễ, nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh tiền tệ mà cuối cùng có lẽ ai cũng sẽ tổn thất nặng.
Tuy nhiên, bàn tán về chiến tranh tiền tệ ở giai đoạn hiện tại còn quá sớm. Chúng ta phải chờ xem những nước khác sẽ đáp lại cú sốc từ TQ này như thế nào. Động thái đáng quan tâm nhất sẽ đến từ phía Nhật, chứ không phải Mỹ như nhiều người đang theo dõi.
Nhật là một trong những đối tác thương mại sẽ bị tác động trực tiếp nặng nề nhất khi đồng NDT bị phá giá, vì tỉ trọng đồng NDT trong trọng số thương mại (trade-weighted index – TWI) của Nhật là đến 30%, trong khi của Mỹ, Hàn Quốc và Úc chiếm trên dưới 20% và nhiều nước châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% (theo số liệu của Bank for International Settlements – BIS). Cho nên trước khi các đối tác quan trọng của TQ như Nhật, Úc và Hàn Quốc có động thái “phản đòn” mạnh mẽ, gọi là “chiến tranh” thì hơi quá trong lúc này.
Trong thời điểm hiện tại, TQ không có vẻ gì cho thấy họ muốn đồng NDT trượt giá mạnh thêm một đợt 3-4% nữa và như một số nhà phân tích nhận định, cũng như chính phía Chính phủ TQ phát đi tín hiệu đây có thể là đợt điều chỉnh tỉ giá một lần của TQ (giống như VN từng điều chỉnh mạnh tỉ giá một lần đến hơn 9% trong năm 2011). Vì vậy, còn quá sớm để cho rằng hành động của TQ ở thời điểm trầm lắng hiện tại của thị trường ngoại hối toàn cầu sẽ gây ra chiến tranh tiền tệ.
Phản ứng của Nhật, Hàn
Những phản ứng ban đầu của phía Hàn Quốc và Nhật Bản cho thấy hai nước này quả thật lo lắng về động thái phá giá của TQ. Các ngành công nghiệp mũi nhọn như ôtô, thép, đóng tàu, linh kiện điện tử ở hai quốc gia này đều ít nhiều cạnh tranh trực tiếp với TQ. Vài tháng trước, đã có một số bài phân tích ngành công nghiệp ôtô TQ bị ảnh hưởng xấu do đồng tiền hai nước này giảm giá nhiều so với USD, còn đồng tiền TQ thì không. Còn sau khi TQ phá giá, báo Hàn Quốc đã có những phân tích lo ngại cho doanh nghiệp sản xuất nước này. Do đó nhìn vào bề mặt, có vẻ như Nhật và Hàn Quốc sẽ có nhu cầu phản ứng mạnh để “tự vệ”.
Tuy nhiên, trên thực tế nếu nền kinh tế TQ suy giảm quá nhiều (một phần do tăng trưởng xuất khẩu giảm, một phần khác do vấn đề về thị trường bất động sản, tài chính có vấn đề và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó khăn hơn dự kiến), Nhật và Hàn Quốc cũng khó bán được hàng cho người TQ nữa. Nói cách khác, từ năm ngoái tới nay đồng tiền hai nước này mất giá nhiều so với USD, còn NDT mất giá ít, các nhà xuất khẩu của họ có thể xuất được hàng với giá rẻ hơn sang TQ, nhưng đồng thời góp phần khiến tăng trưởng xuất khẩu của TQ giảm, kéo nền kinh tế nước này tăng chậm lại.
Khi kinh tế tăng chậm, người dân TQ giảm sức mua, các công ty Nhật và Hàn Quốc có khi chịu thiệt nhiều hơn là lợi. Đó là chưa kể nhiều công ty lớn của Nhật và Hàn Quốc có xưởng sản xuất ở Trung Quốc, nếu NDT mất giá nhiều so với nội tệ của họ mà thị phần bán hàng không tăng đáng kể, thì doanh thu chuyển sang nội tệ của họ thật ra là thấp đi, lợi nhuận của họ sẽ giảm và giá cổ phiếu công ty của các nước này sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, Nhật, Hàn Quốc và các đối thủ khác trong khu vực của TQ (bao gồm cả VN) đều phải thận trọng trong bài toán tỉ giá của mình. Họ phải tính toán đủ đường, vừa phải đảm bảo hàng của mình có sức cạnh tranh với TQ, nhưng cũng đảm bảo đồng tiền của mình không mất giá đến mức khiến cả mình và TQ đều thiệt hại, và khiến vốn quốc tế chạy ra khỏi các nền kinh tế này.
Trong bối cảnh đó, một mức điều chỉnh tỉ giá 3-4% chưa phải là quá ghê gớm so với mức giảm giá kéo dài của đồng tiền ở Nhật, Hàn Quốc hay Nga. Vì vậy, còn quá sớm để cho rằng các nền kinh tế này sẽ phản ứng rất mạnh lại với đợt điều chỉnh lần này của TQ để dẫn đến một cuộc chiến tiền tệ khốc liệt. Nói cách khác, sau khi đồng tiền TQ “gồng mình” chịu đòn phá giá của các nước khác cả năm qua, bây giờ phản ứng lại chút ít cũng không có gì là lạ. Nhưng cần lưu ý những nước này khác VN.
Phần chìm đáng ngại
Đặt trong bối cảnh kinh tế của TQ hiện tại, chúng ta lại thấy động thái hạ giá đồng tiền và bơm tín dụng ra nền kinh tế của TQ có vẻ như là biểu hiện bề ngoài của sự bất ổn ở nền kinh tế dẫn đầu thế giới về tăng trưởng cao này.
Trong một báo cáo mới đây của IMF vào đầu tháng 8, tổ chức này cho rằng NDT còn bị chính phủ kiểm soát nhiều quá, không được sử dụng tự do nên chưa đáp ứng tiêu chuẩn trở thành một cấu thành của SDR. Sự thật là TQ kiểm soát các giao dịch vốn rất chặt và kiểm soát tỉ giá hoàn toàn qua công cụ tỉ giá tham chiếu, chỉ để đồng tiền mỗi ngày được giao dịch trong biên độ hẹp xung quanh tỉ giá tham chiếu do Ngân hàng Trung ương TQ ấn định. Do đó, TQ có thể nhân động thái phá giá lần này để tuyên bố đây là bước đầu trong việc họ đang cải cách tỉ giá theo hướng để thị trường quyết định giá tham chiếu.
Tuy nhiên, có gì đó không nhất quán trong cách làm và cách nói của TQ nếu ta cho rằng đây là lý do chính để họ phá giá đồng tiền. Nếu họ muốn để thị trường quyết định tỉ giá, thì Ngân hàng Trung ương TQ cứ cho tỉ giá tham chiếu biến động theo ý thị trường muốn và không can thiệp gì, chỉ việc xác định tỉ giá tham chiếu ngày tiếp theo dựa trên diễn biến thị trường hôm trước. Thực tế họ cho đồng tiền biến động nhiều hơn theo hướng giảm giá ngày 11-8, rồi sau đó tham gia can thiệp để dừng tỉ giá lại thông qua việc yêu cầu các ngân hàng quốc doanh bán USD và mua NDT vào sau ngày 12-8.
Điều này cho thấy Chính phủ TQ hoàn toàn không phải đang để thị trường quyết định tỉ giá, mà vẫn đang áp đặt sự can thiệp (như cách mà họ can thiệp để cứu thị trường chứng khoán gần đây sau khi đã tuyên bố để yếu tố thị trường quyết định nền kinh tế hồi đầu năm). Tờ Economist đã nhận thấy những điều không nhất quán trong các hành động này và cho rằng điều đó cho thấy Chính phủ TQ vẫn sẽ kiểm soát chặt nền kinh tế và hạn chế các yếu tố thị trường. Nói đúng hơn, đây là cách TQ vừa phá giá hỗ trợ nền kinh tế, sẵn tiện đối phó với IMF luôn. Như một nhà phân tích tài chính nhận định đây là kiểu phản hồi với IMF “theo cách của TQ”.
Vậy vì sao họ chỉ phá giá hơn 4% vào lúc này trong khi theo đánh giá thì với mức phá giá này, đồng NDT vẫn còn cao hơn khoảng 10% so với nhiều đồng tiền của các đối tác thương mại chính khác? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc TQ không muốn dòng vốn quốc tế đảo ngược. Thêm vào đó, một lượng lớn tiền nóng được vay với lãi suất thấp tại nước ngoài đem đầu tư vào TQ để hưởng chênh lệch lãi suất và sự ổn định của NDT đang có xu hướng đảo ngược sau đợt phá giá lần này. Do đó, phá giá mạnh hơn nữa sẽ khiến nhà đầu tư quốc tế lo sợ và rút vốn.
Năm ngoái, khoảng 250 tỉ USD vốn nóng (khoảng 2,5% GDP) đã rút ra khỏi TQ. Những tính toán về dòng vốn này là chưa kể tác động của phá giá đến các khoản vay nợ nước ngoài được trả bằng nguồn thu là nội tệ của doanh nghiệp và chính phủ địa phương của TQ.
Vì vậy, những phân tích ở trên cho thấy việc phá giá NDT lần này chủ yếu là phần nổi của một tảng băng chìm khá to: TQ đang nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, và đây chỉ là một trong rất nhiều động thái phải làm để đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải như tăng trưởng chậm, nợ công tăng và sức tiêu dùng thấp…
Nói cách khác, đây chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm rất lớn ở một số nước châu Á nói riêng và các nền kinh tế đang phát triển nói chung. Tảng băng ngầm này sẽ dần lộ rõ, và động thái hiện tại của TQ sẽ làm một phần đang chìm của tảng băng nổi lên nhanh hơn.
HỒ QUỐC TUẤN (giảng viên Đại học Bristol, Anh)
Nguồn: Tuổi trẻ
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.