NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 7 years, 1 month ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
14/10/2017 at 17:55 #23316NCQTKeymaster
Bức tranh sơ khởi về công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV
Lần đầu tiên có một dự án nghiên cứu đặt mục tiêu vẽ nên bức tranh toàn cảnh về sản lượng/năng suất cũng như mối liên kết giữa các nhà KHXH&NV Việt Nam có công bố quốc tế.
TS Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm ISR, Trưởng Dự án NVSS, thuyết trình tại hội thảo công bố một số kết quả ban đầu của dự án NVSS. Ảnh: Vietnamnet.Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành ISR (thuộc trường ĐH Thành Tây, Hà Nội) đã công bố những kết quả bước đầu của dự án Mạng lưới các nhà khoa học xã hội Việt Nam – NVSS, một dự án nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích về sản lượng/năng suất công bố quốc tế cũng như tính chất của cá nhân, nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực KHXH&NV.
Trước NVSS đã có một vài nghiên cứu định lượng về công bố khoa học và nghiên cứu khoa Việt Nam nói chung, như: Nghiên cứu về công bố khoa học tại Việt Nam nhìn từ dữ liệu của Scopus trong giai đoạn 1996-2003; Nghiên cứu về hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học tại Việt Nam; Nghiên cứu về sản lượng khoa học và mối quan hệ của nó đối với nền kinh tế tri thức: phân tích về các nước ASEAN.
Từ đầu năm 2017, nhóm nghiên cứu NVSS đã tiến hành thu thập thông tin của hơn 400 nhà KHXH&NV (quốc tịch) Việt Nam, từng có bài đăng trên các ấn phẩm khoa học thuộc danh mục của Scopus trong vòng 10 năm (2008 – 2017) từ các nguồn, như: website cá nhân và tổ chức của tác giả, Google Scholar, các tạp chí nơi bài đã được đăng, và Scopus. Sau đó, nhóm tiến hành đối chiếu với thông tin của từng tác giả trên mạng để kiểm tra độ xác thực và tạo liên kết giữa các tác giả với nhau, và với tổ chức mà tác giả công tác. Những thông tin thu thập được bao gồm: (i) tuổi, giới tính, vùng miền; (ii) số năm nghiên cứu tính từ khi tốt nghiệp thạc sĩ; (iii) số lần làm tác giả chủ đạo; (iv) số lần làm tác giả cộng sự; (v) số lượng những học giả Việt Nam hợp tác cùng một tác giả; (vi) số lượng những học giả nói chung hợp tác cùng một tác giả; (vii) đơn vị trực thuộc; (viii) lĩnh vực nghiên cứu; (ix) có chức danh GS, PGS hay không…
Kết quả phân tích ban đầu cho thấy:
Về sản lượng và năng suất:
Xuất bản trên các ấn phẩm khoa học của Scopus trong lĩnh vực KHXH&NV của người Việt Nam, mà 60% số họ là người miền Bắc, bao trùm ít nhất 12 lĩnh vực lớn (kinh tế, giáo dục, lịch sử, luật, chính trị, quản trị, ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật, triết học, xã hội học, tâm lý học). Người có sản lượng tuyệt đối cao nhất đạt tới 63 bài trong gần 10 năm qua, nhưng sản lượng bình quân chỉ là 3,6.
Tuổi nghề của tác giả bài báo thấp nhất là 2 năm, cao nhất là 64 năm (cao hơn nhiều so với số trung vị là 15 năm). Năng suất nghiên cứu tỷ lệ thuận với tuổi và số công trình nhà khoa học đó chủ đạo, những nhà khoa học có thâm niên từ 15 đến 25 năm thuộc nhóm có công bố quốc tế nhiều nhất. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học trên 40 tuổi có ít công bố hơn các nhà khoa học trẻ hơn. Theo nhóm nghiên cứu, có thể là do trước Đổi mới và trước khi có internet, khả năng tiếp cận môi trường học thuật quốc tế của họ thấp hơn, cũng có thể do họ đã qua thời kỳ hoàng kim trong nghiên cứu của mình và năng suất đã suy giảm.
Xét về năng suất công bố từ góc độ giới thì nam và nữ không có khác biệt lớn, số trung vị của họ đều là 2 và bách phân vị thứ 25 và 75 lần lượt là 1-3 ở nam và 1-4 ở nữ.
Vai trò trong bài báo:
75% các tác giả chưa từng có bài nghiên cứu độc lập nào trong 10 năm qua. Trong hợp tác viết bài, người có số bài giữ vai trò chủ đạo cao nhất là 60, nhưng bình quân toàn mẫu dữ liệu chỉ là 1,77. Số nhà khoa học giữ vai trò chủ đạo trong ít nhất 1 bài chiếm 56%, nhưng trong ít nhất 3 bài chỉ chiếm 19%, trong ít nhất 5 bài chỉ chiếm 9%.
Quan hệ giữa các tác giả bài báo:
Lần đầu tiên, Dự án đã áp dụng phương pháp phân tích lưới (network analysis) để nghiên cứu mối quan hệ giữa tác giả các bài báo. Theo đó, số kết nối trung bình của mỗi nhà nghiên cứu là 1,95 (nghĩa là cứ mỗi nhà khoa học xã hội Việt Nam sẽ là đồng tác giả với khoảng hai nhà khoa học xã hội Việt Nam khác), mật độ kết nối giữa các thành viên trong một nhóm (tức tỷ lệ số kết nối trên thực tế so với số kết nối có thể có) đạt 47%, theo nhóm nghiên cứu như vậy là thấp, dẫn đến việc lan tỏa tri thức và chuyên môn bị hạn chế.
Phương pháp phân tích lưới cũng giúp nhóm nghiên cứu xác định được 20 nhóm nghiên cứu mạnh có trung bình 9,7 thành viên; công bố trung bình 4,7 bài trong 10 năm qua.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, những gì họ làm được trong tám tháng vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu. “Kết quả còn hết sức “sơ khởi”, chủ yếu tạo sự phấn khích cho người làm,” TS Vương Quân Hoàng, Giám đốc Trung tâm ISR, Trưởng Dự án NVSS, phát biểu tại hội thảo công bố những kết quả ban đầu của dự án sáng 7/10 tại Hà Nội. Theo ông, do mới chỉ có các kết quả phân tích kỹ thuật nên dự án chưa thể đưa ra những đề xuất hay gợi ý về mặt chính sách đối với đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực KHXH&NV (đầu tư cho ai và như thế nào cho hiệu quả) và đây sẽ là phần công việc mà nhóm phải tiếp tục hoàn thành từ giờ đến cuối năm, cùng với việc thu thập thêm thông tin – nhóm ước tính, hiện mới có khoảng 80% tác giả có từ 3 công bố trên các tạp chí thuộc dữ liệu Scopus trở lên có mặt trong mẫu.
TS Vương Quân Hoàng cho rằng, phương pháp nghiên cứu của nhóm có điểm nổi trội ở chỗ mang tính định lượng; giúp quan sát được kết cấu tổng thể lưới, và cấu trúc đầy đủ các nhóm hợp thành. Từ quan sát xu hướng vận hành của các nhóm có thể đưa ra những dự báo, chẳng hạn như về tốc độ tăng trưởng trong công bố của ngành KHXH&VN Việt Nam, mà theo ông sẽ đạt 25%/năm trong thời gian tới “do tốc độ trưởng thành của những người đứng đầu nhóm rất cao”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra nguy cơ những người có năng suất tốt đó có nhiều khả năng “bị tách bầy” và dẫn ra trường hợp một nhà khoa học “sói đầu đàn” trong nghiên cứu của NVSS mới đây đã được mời sang Úc làm việc và việc “tách bầy” của những người như vậy sẽ làm các nhóm suy yếu do các liên kết trong nhóm đang phụ thuộc nhiều vào họ.
TS Vương Quân Hoàng đặc biệt nhấn mạnh một điều mà ông cho rằng ngày nay đã trở nên phổ biến trên thế giới, đó là một nhà khoa học được coi là bắt đầu trưởng thành khi có ít nhất 3 bài báo được công bố: bài đầu tiên giống như lời chào ra mắt, bài thứ 2 để khẳng định “tôi công bố không phải do ăn may”; bài thứ 3 hàm ý “tôi vẫn có mặt ở đây”.
Thời gian gần đây, ở Việt Nam, công bố quốc tế bắt đầu được coi như một trong những thước đo quan trọng nhất về năng lực và chất lượng nghiên cứu của các nhà KHXH&NV khi xét chức danh giáo sư/phó giáo sư hay tiêu chuẩn nghiệm thu đề tài NAFOSTED…, bên cạnh các tiêu chí về sách/chương sách và chuyên khảo.
Nhóm nghiên cứu cho biết, sở dĩ họ tìm kiếm dữ liệu Scopus thay vì Web of Science bởi các lý do sau đây: 1/ số lượng ấn phẩm khoa học trong dữ liệu Scopus nhiều gần gấp đôi Web of Science (22.600 so với 11.4000); 2/ dữ liệu của Scopus được các chính phủ, trong đó có chính phủ Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, sử dụng rộng rãi trong việc xếp hạng, đánh giá khoa học; 3/ Được Quỹ Nafosted sử dụng từ năm 2008; 4/ Độ minh bạch cao; và 5/ Miễn phí. Thông tin thu thập được đều qua bốn nấc kiểm tra: Giữa các nguồn tin; Giữa các trường thông tin; Giữa các thành viên; Kiểm tra ngẫu nhiên và định kỳ. Dự án NVSS đã dần công bố 04 nhóm kết quả trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo (trong danh mục Hội đồng chức danh GS nhà nước công nhận và tính điểm), European Science Editing (Scopus), F1000Research (Scopus) và Publications (Scopus/Web of Science ESCI):
* http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-8323-vai-quan-sat-ban-dau-tu-du-lieu-scopus-ve-cong-bo-quoc-te-trong-linh-vuc-khxhnv-cua-viet-nam.html
* http://europeanscienceediting.eu/articles/gender-age-research-experience-leading-role-and-academic-productivity-of-vietnamese-researchers-in-the-social-sciences-and-humanities-exploring-a-2008-2017-scopus-dataset/
* https://f1000research.com/articles/6-1559/
* http://www.mdpi.com/2304-6775/5/4/24Nguồn: Tia Sáng
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.