- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 8 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
04/05/2015 at 06:12 #7585NCQTKeymaster
Các trào lưu trong phong trào dân chủ hóa ở Việt Nam
Vietnam’s democratisation movement
Benedict J. Tria Kerkvliet, ANU
Nguyễn Công Huân chuyển ngữ
(Dân Luận 3-5-15)Kể từ giữa những năm 1990, việc chỉ trích công khai chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN đã mở rộng ra hàng ngàn người trên khắp cả nước. Từ chất men ban đầu, rất nhiều cá nhân, mạng lưới và tổ chức đã xuất hiện đối đầu với chế độ hiện tại – mà nhiều người gọi là độc tài và toàn trị – và cổ vũ cho dân chủ.
Ngày hôm nay phong trào dân chủ hóa này đã trở thành một thành phần đáng kể trong khung cảnh chính trị của quốc gia. Đôi lúc người ta xuống đường biểu tình. Nhưng đa phần người ta chỉ đưa các bài viết, các lá thư và kiến nghị lên blog hoặc các trang web, xuất bản các tạp chí ủng hộ dân chủ tiếng Việt trên mạng, hoặc gửi quan điểm của mình trực tiếp tới lãnh đạo nhà nước và Đảng CSVN.
Một câu hỏi quan trọng đối với nhiều nhà bất đồng chính kiến là Việt Nam sẽ dân chủ hóa bằng cách nào? Trong khi tất cả đều ngầm hiểu, và đôi khi xác định rõ ràng, rằng họ sẽ theo đuổi con đường bất bạo động, thì họ vẫn có những phương thức khác nhau để thay đổi hệ thống chính trị. Dưới mỗi phương thức là một quan điểm đối ngược về mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển xã hội và kinh tế.
Phương thức thứ nhất cho rằng Đảng CSVN là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự phát triển chậm chạp, tham nhũng và những yếu kém khác ở Việt Nam, nhưng nó có thể và phải dẫn đất nước này tới dân chủ. Dân chủ hóa, những người ủng hộ phương thức này cho rằng, không cần phải vứt bỏ hết tất cả các thể chế chính trị hiện tại.
Việt Nam đã có một số cơ chế dân chủ. Chủ quyền thuộc về người dân và Hiến Pháp thừa nhận quyền con người và quyền bầu cử. Vấn đề lớn nhất là những thành tố dân chủ này không được thực hiện đúng bởi vì Đảng CSVN nắm quá nhiều quyền lực. Đảng CSVN tự thân nó có thể giải quyết được những vấn đề này, một nhà bất đồng chính kiến viết năm 2008, bằng: “khởi động một quá trình chuyển giao quyền lực sang cho người dân”. Bằng cách làm như thế, Đảng CSVN sẽ nâng cao uy tín, cứu chính bản thân mình và ngăn chặn những đau khổ và hỗn loạn to lớn có thể xảy ra với đất nước.
Phương thức thứ hai nhấn mạnh vào sự đối đầu có tổ chức với chế độ. Nó ủng hộ lập luận rằng Đảng CSVN sẽ không bao giờ dẫn dắt người dân tới dân chủ thực sự. Như một người nổi tiếng ủng hộ phương thức thứ hai này phát biểu năm 2006, hệ thống hiện tại “không có khả năng cải tạo” và cần phải “được thay thế hoàn toàn”.
Những nhà phê bình nhấn mạnh rằng hệ thống chính trị đa đảng nhằm bảo vệ tự do ngôn luận và các yếu tố khác của nền dân chủ phải xuất hiện trước; và chỉ sau đó Việt Nam mới có thể phát triển. Và cách duy nhất để đạt tới hệ thống đa đảng là trực tiếp và công khai đòi dân chủ. Điều này đòi hỏi các tổ chức mạnh mẽ, bao gồm cả các đảng phái chính trị, đứng ra thách thức Đảng CSVN. Những tổ chức này cũng sẽ tạo điều kiện cho một phong trào dân chủ hóa bền vững hơn, có thể chống lại được việc bỏ tù những nhà hoạt động.
Thay vì đòi hỏi thay đổi chính trị cơ bản, phương pháp thứ ba chủ trước làm lại hệ thống bằng cách tích cực tham gia vào nó. Nhiệm vụ cấp bách nhất, họ cho rằng, không phải là loại bỏ Đảng CSVN hay tạo ra một hệ thống chính trị đa đảng, mà phải dừng những chính sách và hành động làm tổn thương đến nhân dân và sự phát triển của đất nước. Điều này có nghĩa là phải tranh luận với chính quyền các cấp, chống lại những chương trình và quan chức có hại, và thúc đẩy những chính sách và quan chức làm lợi cho đất nước. Dân chủ hóa, họ nói, là để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Và khi làm được điều trên thì tiến trình dân chủ sẽ nổi lên. Không cần thiết, một nhà bất đồng chính kiến cho biết, “phải tham gia chính trị hoặc dương cao một ngọn cờ vì dân chủ”. Điều này có thể dẫn tới việc chính quyền sẽ không còn đáp ứng.
Đó là một lý do mà những người theo phương pháp thứ ba không gia nhập các tổ chức, các cuộc biểu tình hay ký các kiến nghị thư chống lại chính quyền. Người ủng hộ phương pháp này cũng nói rằng đấu tranh “không ồn ào” đòi điều kiện sống tốt hơn đã đem đến những cải thiện. Ví dụ, họ nói rằng Đảng CSVN đã đồng ý cho nông dân làm ăn cá thể vào những năm 1980 bởi vì các nông dân đã kiêm quyết, nhưng không có tổ chức, phản đối lại chế độ hợp tác xã. Sự bất mãn ngày càng mở rộng cũng đẩy Đảng CSVN tới việc thay nền kinh tế tập trung của mình với nền kinh tế thị trường.
Phương pháp thứ tư liên kết việc mở rộng xã hội dân sự với dân chủ hóa. Nó đồng ý với những người theo phương pháp thứ ba rằng dân chủ không đơn giản là hệ thống bầu cử đa đảng. Cả phương pháp thứ ba và thứ tư đều nhìn nhận vai trò của Đảng CSVN trong quá trình dân chủ hóa Việt Nam – không phải như một người lãnh đạo, mà như một trong những người tham gia. Những người cổ vũ cho xã hội dân sự thúc giục mọi người sử dụng những biện pháp hợp pháp để phê phán các chính sách và quan chức tồi dở và thúc đẩy sự cải thiện.
Nhưng phương pháp xã hội dân sự không đặt ưu tiên cho việc tham gia vào thúc đẩy bộ máy chính quyền. Ngược lại, nó nhấn mạnh vào việc khuyến khích người dân phát triển các tổ chức xã hội dân sự. Quản trị dân chủ, theo quan điểm của người theo phương pháp xã hội dân sự, không tự nó xuất hiện. Công dân phải đấu tranh dành lấy nó, một cách hòa bình và tránh làm xáo trộn xã hội và nền kinh tế. Trung tâm của cuộc đấu tranh đó là những tổ chức xã hội dân sự theo đuổi các vụ việc riêng rẽ của mình, tương tác với các tổ chức xã hội dân sự khác mà họ có thể đồng ý hoặc không đồng ý với. Những người ủng hộ xã hội dân sự cho rằng dân chủ cần những công dân biết cách bộc lộ suy nghĩ của mình, lắng nghe người khác, biết thương thuyết và biết thỏa hiệp. Bằng cách tham gia vào những tổ chức xã hội dân sự người ta sẽ học được những kỹ năng này.
Trong mỗi phương án nêu trên thì đều có một vài nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu, tạm giữ và thẩm vấn bởi an ninh và các cơ quan chính phủ khác. Một số đã bị giam giữ vì tuyên truyền chống lại nhà nước, lợi dụng quyền tự do ngôn luận hoặc các điều luật khác. Nhưng đàn áp không thể làm ngưng lại, thậm chí đôi lúc còn thúc đẩy, sự phát triển của phong trào dân chủ ở Việt Nam. Và phong trào dân chủ hóa này cuối cùng sẽ đi đến cái gì, chúng ta hãy cùng chờ xem.
Benedict J. Tria Kerkvliet là giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Úc và là một giảng viên cao học liên kết tại Đại học Hawaii.
Nguồn: Viet-studies
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.