Căn bệnh Hà Lan là gì?

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #4463
      Hoang Nguyen
      Moderator

      Đồng rúp Nga bị mất giá 25% trong năm nay. Điều này nghe thật khủng khiếp và thực sự gây nhiều vấn đề cho nước Nga. Dù thế, một số nhà kinh tế lại cho rằng đồng rúp yếu hơn có thể sẽ tốt cho nước Nga, lí do là bởi “căn bệnh Hà Lan” gần đây của họ. Nhưng chính xác thì căn bệnh Hà Lan là gì?

      Thuật ngữ này được The Economist đặt ra năm 1977 để miêu tả những tai ương của nền kinh tế Hà Lan. Năm 1959, Hà Lan phát hiện trữ lượng khí đốt lớn. Xuất khẩu nước này tăng vọt. Tuy nhiên, tạp chí này nhận ra có sự tương phản giữa “khỏe mạnh bên ngoài và bệnh tật bên trong.” Từ năm 1970 đến năm 1977, tỉ lệ thất nghiệp tăng từ 1,1% đến 5,1%. Đầu tư doanh nghiệp sụt giảm. Tạp chí giải thích nguyên nhân là do đồng Guilder, tiền tệ Hà Lan khi đó, có giá trị cao. Xuất khẩu khí đốt kéo theo nguồn ngoại tệ tràn vào, làm tăng cầu đồng Guilder và vì thế khiến nó mạnh lên. Điều này khiến các lĩnh vực khác của nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đây không phải vấn đề duy nhất. Khai thác khí đã (và đang) là ngành kinh doanh thâm dụng vốn, tạo ra rất ít việc làm. Trong nỗ lực hạn chế đồng Guilder tăng giá quá nhanh, Hà Lan phải giữ mức lãi suất thấp. Điều này khiến đầu tư ‘tháo chạy’ khỏi đất nước, hạn chế tiềm năng kinh tế trong tương lai.

      Kể từ bài báo đó, các nhà kinh tế liên tục đưa ra nhiều tác động khác của căn bệnh Hà Lan. Một công bố nổi tiếng được xuất bản năm năm sau đó đã xác định những cách thức khác mà bùng nổ hàng hóa gây rắc rối cho nền kinh tế. Giả sử tiền tệ của một quốc gia là cố định. Các nguồn ngoại tệ đổ vào được quy đổi sang nội tệ, chi cho các mặt hàng không thể buôn bán qua biên giới (như xây dựng, một số mặt hàng nhất định, vân vân). Khi ngoại tệ được quy đổi sang nội tệ, lượng cung tiền tăng: nhu cầu nội địa tăng, đẩy giá cả lên cao. Trong thuật ngữ kinh tế, điều đó dẫn đến việc tăng tỉ giá hối đoái “thực”: một đơn vị ngoại tệ trao đổi được với ít dịch vụ trong nền kinh tế nội địa hơn trước. Đất nước mất khả năng cạnh tranh.

      Một số nhà kinh tế phản đối rằng căn bệnh Hà Lan không có gì xấu. Chẳng phải nền kinh tế nên tập trung vào những gì nó sản xuất hiệu quả nhất hay sao? Tuy nhiên, giá cả tài nguyên luôn biến động: đa số các nền kinh tế cần những ngành công nghiệp dự phòng. Các nước giàu tài nguyên thường gặp khó khăn: thật vậy, một nghiên cứu cho thấy tốc độ tăng trưởng của 97 quốc gia đang phát triển có tỉ lệ xuất khẩu tài nguyên so với GDP cao đã giảm xuống trong giai đoạn những năm 1970-1980. Khi những tài nguyên này cạn kiệt, gần như sẽ chẳng còn gì để duy trì nền kinh tế. Đơn cử như Cộng hòa Nauru, quốc gia từng gần như dựa hoàn toàn vào phốt phát, một thành phần phân bón cần thiết. Giờ là lúc đến lượt Nga cần lo lắng: xuất khẩu dầu khí chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Nga và 52% ngân sách liên bang. Trừ khi các nước giàu tài nguyên tận dụng được vận may của họ để đa dạng hóa nền kinh tế, hoặc giảm tỉ lệ hối đoái thực tế, căn bệnh Hà Lan có thể sẽ là “căn bệnh chết người.”

      © Nguyễn Huy Hoàng dịch từ The Economist.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.