Cảng Piraeus: Cửa ngỏ vào châu Âu của Trung Quốc

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #6992
      tanhvn
      Participant

      Nguồn: Alexander Smoltczyk, One Port, Two Worlds: China Seeks Dominance in Athens Harbor, Spiegel Online International, 09/04/2015.
      Người dịch: Trần Tuấn Anh

      Nguồn: Corbis

      Lời dẫn của người dịch: Trong những năm gần đây, việc có rất ít sự chú ý của giới truyền thông châu Âu về sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực của mình, có thể nói, phản ánh phần nào mối ưu tiên có giới hạn của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc mưu cầu một sự ổn định cả về mặt chính trị lẫn kinh tế trong nước, cũng như mong muốn khẳng định vị thế độc tôn của mình ở sân nhà Đông Á. Nhưng sẽ là sai lầm khi nói rằng, người Trung Quốc xem nhẹ lợi ích của họ tại những phần còn lại của thế giới. Trong bài viết sau đây liên quan đến chủ đề: Trung Quốc tìm kiếm ảnh hưởng ở Châu Âu, tác giả Alexander Smoltczyk muốn kể cho chúng ta nghe câu chuyện về việc người Trung Quốc đang bắt đầu xây dựng một vùng đệm chiến lược cho những lợi ích trong tương lai của mình tại cảng biển quan trọng nhất Hy Lạp, quốc gia đang cố gắng vùng vẫy để tránh việc bị loại ra khỏi tiến trình phát triển của nền văn minh phương Tây, thứ, mà trớ trêu thay, lại khởi nguồn từ chính đất nước này.

      Sau việc một giám đốc chi nhánh của Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc Cosco vận hành thành công một bến tàu thuộc cảng biển Piraeus ở Hy Lạp, giờ đây Tập đoàn đa quốc gia này chuẩn bị tiến hành một thương vụ mua lại đầy tranh cãi khi muốn nắm trong tay toàn bộ cụm thương cảng này và tham vọng biến nó trở thành một cảng biển đủ sức cạnh tranh với cảng Hamburg và Rotterdam.

      Người Trung Quốc đã phải đi trên một đoạn đường dài mới có thể tìm được đến cảng Piraeus, Hy Lạp để làm ăn. Con đường chông gai này bắt đầu vào ngày 27 tháng 4 năm 1961 khi mà cố Chủ tịch Mao Trạch Đông thành lập công ty vận tải đầu tiên ở Trung Quốc mang tên Tập đoàn vận tải biển Trung Quốc Cosco. Sau đại thảm họa kinh tế của kế hoạch Đại nhảy vọt trong sự nghiệp công nghiệp hóa cũng do chính Mao phát động (1958-1961) với hậu quả là hàng triệu người chết trong những năm thực hiện, việc thành lập Cosco thể hiện tham vọng của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc tìm kiếm những lợi ích kinh tế ở hải ngoại.

      Gần 54 năm trôi qua, giờ đây Tập đoàn này đang sắp chiếm trọn một cực phẩm từ Hy Lạp. Sau một thời gian dài do dự, liên minh cầm quyền của Đảng cực tả Syriza và Đảng Hy Lạp Độc lập khuynh hướng dân túy thân hữu cũng đã đồng ý bán lại phần lớn cổ phần nằm trong tay nhà nước của Công ty quản lý Cảng Piraeus ra bên ngoài. Cho đến thời điểm này, Cosco hiện đang là nhà đầu tư triển vọng nhất.
      Ngay từ lúc bắt đầu, Phó Trịnh Khôi, hay còn được gọi là “Quản đốc Phó” vì là giám đốc một chi nhánh của Cosco vận hành một bến tàu thuộc cảng Piraeus, đã là người giám sát chính cho Tập đoàn trong việc đấu giá mua lại thương cảng này. Ông Phó đã sinh sống tại Piraeus trong một thời gian dài kể từ lúc Cosco bắt đầu hoạt động tại đây, và ông chắc chắn sẽ tiếp tục ở lại để làm việc. Trên danh nghĩa của Tập đoàn Cosco, ông được phép ra giá mua lại và có rất ít nghi ngờ về việc mức giá ông đưa ra sẽ được chấp thuận.

      Ở tuổi 65, quản đốc Phó được xem là người giám hộ con đường tiến vào châu Âu của Trung Quốc. Ông sẽ sớm được toàn quyền giám sát các khu cảng công-te-nơ, các bến đỗ tàu vận tải và các bờ ke neo đậu phà của thương cảng lớn nhất Hy Lạp, một khi thương vụ sáp nhập hoàn tuất.

      „Đã bốn lần Hy Lạp đổi chính phủ kể từ lúc tôi bắt đầu sống ở đây“, ông nói. „Họ đều nói rất nhiều? Nhưng ai quan tâm đến những lời nói đó cơ chứ? Chỉ có những hành động mới là quan trọng. Chỉ những hành động mà thôi“.

      Trên đường đến khu cảng hàng hóa, một biển báo báo hiệu có ngã ba ở phía trước, với một hướng là dẫn đến khu cảng của công ty OLP và hướng còn lại thì dẫn đến khu cảng của PCT (Piraeus Container Terminal), là công ty con của Cosco. Mỗi khu cảng có một thế giới riêng. Công ty nhà nước OLP quản lý bến xếp dỡ số I. Nhưng những ngày này, hầu như các xe tải đều hướng tới bến xếp dỡ số II và số III của công ty PCT.

      „Hãy nhìn xem“, quản đốc Phó nói khi ông bước đến bên cửa sổ. Một màn trình diễn đang diễn ra tại bến tàu số II. 11 giàn cần cẩu được sản xuất ở Trung Quốc đang bốc dỡ từng công-te-nơ một bằng những chuyển động nhịp nhàng đầy sức mạnh. Các xe tải di chuyển đến chỗ bỏ dỡ hàng được quy định sẵn rồi vội đi ngay trong một chu kỳ thời gian chỉ kéo dài tầm vài phút.

      Hai thế giới cùng tồn tại bên cạnh nhau

      Vài trăm mét không xa nơi đó, bến số I lại hoàn toàn vắng bóng những chiếc thuyền neo đậu. Trước đó không lâu, cả người Hy Lạp và người Trung Quốc cùng nhau chia sẻ việc bốc dỡ hàng hóa từ những chiếc thuyền vận tải của Tập đoàn MSC. Nhưng sự cân bằng này đã nhanh chóng biến mất khi mà việc kinh doanh của những tập đoàn vận tải gặp nhiều sóng gió. Kể từ lúc hai tập đoàn dẫn đầu thị trường vận tải là MSC và Maersk liên minh lại với nhau tạo thành khối 2M thì tất cả hàng hóa của liên doanh này đều được bốc dỡ trên bến số II thuộc sở hữu của Cosco. „Những chiếc thuyền vận tải lớn quả thực là rất lớn“, quản đốc Phó nói. „Và chúng tôi chỉ đơn giản là nhanh hơn gấp đôi (về tốc độ bốc dỡ hàng hóa). Khả năng hiện tại của chúng tôi là có thể hoàn thành việc bốc dỡ 36 công-te-nơ mỗi giờ, và thời gian là tiền bạc. (Ngược lại hãy) nhìn xem, quang cảnh ở bến số I thật là hiu quạnh. Điều đó thật là buồn“.

      Năm 2008, Cosco dành được giấy phép vận hành bến số II trong 30 năm với chi phí tổng cộng là 490 triệu euro. Sau đó họ được gia hạn hợp đồng thêm 5 năm nữa cũng như được chính quyền cho phép xây thêm một bến tàu xếp dỡ hàng hóa mới. Nguyên Bộ trưởng Bộ vận tải Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis từng nói rằng, sự tư hữu hóa một phần bến cảng Piraeus „hóa ra lại là một trong những khoản đầu tư quan trọng và sinh lãi nhất trong vài năm qua“.

      Chỉ trong khoảng thời gian 4 năm, Cosco đã giúp tăng gấp ba số lượng công-te-nơ được bốc dỡ tại cảng, gần đạt mức 3 triệu đơn vị/năm. Nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra tốt đẹp, năng suất này sẽ được mở rộng lên mức 6.2 triệu công-te-nơ/năm vào năm 2016. (Nếu) cùng với (sự vận hành hết công suất của) bến số I, cảng Pireaus sẽ đủ sức gia nhập vào hàng ngũ những thương cảng lớn nhất châu Âu, sánh ngang với cảng biển Hamburg, Antwerp hay Rotterdam.

      Nguồn: Reuters

      Bến bãi thưa thớt trước đây thuộc sở hữu của nhà nước – nơi đã từng bị các công đoàn lao động thống trị và cảnh tượng những chiếc xe tải lẻ tẻ được lái đi vô định quanh cảng – giờ đã trở thành một trong những câu chuyện kinh tế thành công của đất nước này.

      Cảng Piraeus chính là một ví dụ điển hình về nơi giao nhau giữa hai thế giới. Một bên là thế giới chạy bằng động cơ tư bản thành công của những người cộng sản nối nghiệp Mao Trạch Đông, bên còn lại tuy mang tiếng là một nền kinh tế thị trường nhưng lại trì trệ y như một nền kinh tế kế hoạch tập trung. Nhiều người, đặc biệt là số cử tri ủng hộ Đảng cầm quyền Syriza, coi đây là một hình ảnh minh họa chân thực và đáng quan ngại cho vận mệnh của quốc gia mình.


      Cosco hãy về nhà đi

      Văn phòng làm việc nằm bên trên bến tàu số II được quản đốc Phó trang trí với tinh thần đề cao mối quan hệ bằng hữu giữa con người với con người. Cành ô liu bên cạnh khóm hoa mẫu đơn, tượng thần biển Poseidon đặt cạnh tượng gốm nung một chiến binh (Trung hoa cổ) cũng như mô hình đền Parthenon và Tử cấm thành, tất cả những thứ này (theo quan điểm của ông) đều rất hòa hợp khi được đặt cạnh nhau. „Chúng tôi đều là (hậu duệ của) những nền văn minh cổ xưa“, ông khẳng định. „Chúng tôi duy trì một mối quan hệ tốt với bến số I. Chúng tôi không phải là kẻ thù của nhau. Tôi biết cách điều khiển một con thuyền, và (do đó) tôi biết rằng nếu tôi lái tàu quá nhanh, cột buồm của nó sẽ bị gãy“.

      Khi Phó muốn tiếp quản bến số II vào năm 2009, ông được chào đón ở Athens bằng tấm băng rôn ghi dòng chữ „Cosco hãy về nhà đi“. Công đoàn lao động bến tàu hô vang khẩu hiệu rằng, họ muốn bến cảng phải được quản lý bởi người Hy Lạp trong một cuộc biểu tình kéo dài sáu tuần. Một vài người trong số họ giờ trở thành một phần của chính quyền mới.

      Viên quản đốc người Hoa không hề xa lạ với kiểu đám đông biểu tình hô vang khẩu hiệu như thế này. Bản thân ông, lúc còn là một thành viên của Hồng vệ binh vào những năm 60 của thế kỷ trước, cũng đã từng tay nắm chặt cuốn Hồng bảo thư, miệng hô vang khẩu hiệu: „Mao chủ tịch vạn tuế! Vạn, vạn tuế“. „Bạn biết đấy, tôi đã từng làm việc 15 năm ở Naples, và (nhờ đó) tôi hiểu rõ kiểu đình công này. (Hơn nữa) Tôi (còn) là một người cộng sản“. Khi được hỏi là liệu ông có cảm thấy một chút mỉa mai khi nói về cụm từ đó trong bối cảnh hiện nay hay không, ông quả quyết là không hề. „Tôi có thể hiểu được ý nguyện của những công nhân. Nhưng thật không may mắn là họ lại chả chịu hiểu lại cho chúng tôi“.

      Phó nói thêm rằng, lúc mà ông trình bày ý định muốn tiếp quản bến tàu số II, tất cả mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ mang theo những cửu vạn, những hoa tiêu và thợ máy từ Trung Quốc sang. „Tôi quả quyết với họ rằng, không, đây là công ty của các bạn. Chúng tôi chỉ đến với bảy đốc công mà thôi“. Tất cả mọi hợp đồng xây dựng, lắp ráp đều thuộc về các công ty Hy Lạp. „Trong năm năm tới, Cosco sẽ không mang về Trung Quốc một đồng euro nào cả. Tất cả số tiền kiếm được sẽ được tái đầu tư. (Như xây dựng) những cây cầu dẫn lớn hơn hay là việc nâng cấp hệ thống nâng điện tử“.

      Cho đến thời điểm này, Cosco đã đưa ra giá mua lại bến cảng còn cao hơn cả giá trị thị trường của nó. Hàng năm, tập đoàn đều đặn chuyển một khoảng tiền trị giá gần 30 triệu euro đến Hy Lạp. Khoản phí từ việc nhượng quyền sử dụng mà cơ quan quản lý cảng ở Athen thu được rõ ràng là nhiều hơn hẳn lợi nhuận thu được từ sự tự vận hành bến cảng. Để hoàn thành việc thi công cảng nước sâu 19 m tại bến số II và việc hiện đại hóa hệ thống cần trục, Cosco sẽ phải đầu tư ít nhất là nửa tỷ euro tại đây.


      Chỗ đứng của Trung Quốc ở châu Âu

      Nguồn: Nikos Pilos/ DER SPIEGEL

      Trung Quốc nghĩ rất xa cho việc đầu tư vào cảng Piraeus. Đây là cảng biển gần Địa Trung Hải và kênh đào Suez nhất, do đó nó rất thuận lợi để trở thành bàn đạp giúp cho hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường châu Âu. Hiện giờ hàng tuần đã có ba đoàn tàu hỏa vận chuyển lạc rời cảng đi sâu vào trong lục địa. „Chúng chỉ là củ lạc“, quản đốc Phó nói. „Nhưng đó mới chỉ là bắt đầu mà thôi.“

      Khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến thăm cảng biển này vào tháng sáu năm ngoái, ông đã mô tả Piraeus như là cửa ngỏ vào châu Âu của Trung Quốc khi mà hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc có thể đến thị trường Đức, Hungary và Áo nhanh hơn so với trước kia từ „7 đến 11 ngày“, ông nói. Ngay cả Tập đoàn điện tử Huawei cũng đã vận hành một trung tâm phân phối hậu cần (logistic) ở đây.

      Việc Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro không phải là một thảm họa lớn đối với công việc kinh doanh của công ty ông, Phó nói. „Chúng tôi là một phần của liên minh vận tải CKYHE“, ông giải thích. „Chúng tôi nắm giữ các thương cảng ở Genoa và Port Sasid, (và nhiều thương cảng khác) cả bên trong lẫn bên ngoài khối euro.“ Dẫu vậy, ít nhất thì ban đầu, sự thoát ly của Hy Lạp vẫn có thể gây nên một vấn đề kế toán khi phải để ý đến tỷ giá giữa đồng euro và đồng drachma mới của Hy Lạp.

      Hiện tại, đã có khoảng 1200 người Hy Lạp đang làm việc cho Cosco. Tập đoàn không cần phải trả lương theo mức mà công đoàn ấn định, không cần cam kết phải huấn luyện đào tạo nhân công và đã tiến hành sa thải nhiều công nhân điều khiển cần cẩu. Công việc giờ đây được tổ chức dựa trên lợi nhuận của công ty, chứ không còn được phân phát như một sự ban ơn từ phía công đoàn nữa. Một công nhân bến cảng giờ đây kiếm được khoảng 1200 euro một tháng, tuy vẫn cao hơn mức thu nhập trung bình của người dân Hy Lạp, nhưng lại chỉ bằng một phần ba khoảng lương mà tác giả từng được nhận khi còn đang làm việc ở bến cảng này.

      Khi được hỏi về ý nghĩa của các công đoàn trong hoạt động kinh doanh của công ty, quản đốc Phó nhận xét đó là những tổ chức „thừa thãi“. “Tất cả công nhân đều là thành viên của một đại gia đình“, ông nói. „Mọi người làm việc trong sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi lắng nghe những gì công nhân nói và phản hồi lại họ. Công ty giống như là một gia đình vậy. Chúng tôi như là anh em của nhau. Mọi người đều rất vui vẻ“.

      Thật tốt khi được nghe điều đó. Nhưng còn về những đợt cắt giảm nhân công tùy tiện, những tranh chấp lao động, và các cáo buộc về việc công nhân thậm chí không có thời gian để đi vệ sinh thì sao? „Thật là vô lý“, ông cáu lên trước khi tiếp tục bàn tới các vấn đề về mặt nguyên tắc.

      „Các thủ lĩnh công đoàn hứa với các thành viên của họ về việc nhiều tiền, ít việc hơn“, ông nói. „Sao có thể như thế được? Nếu anh muốn nhận lương cao thì trước hết anh cần phải làm việc nhiều hơn. Không phải chỉ nằm trên bãi biển và uống bia. Hãy học tập người Đức! Lao động chăm chỉ, không bao giờ lười biếng và luôn làm việc nghiêm túc. Làm nhiều thì mới được hưởng nhiều“.

      Nghịch lý chính trị

      Một trong những lời hứa trước cử tri trong chiến dịch tranh cử của Đảng Syriza là việc sẽ chặn đứng làn sóng tư hữu hóa tràn lan đang diễn ra ở đất nước này. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng cầm quyền, chính quyền Hy Lạp lại phát đi nhiều thông điệp trái ngược nhau về chủ đề này. Cuối tháng ba vừa qua, phó thủ tướng Hy Lạp Giannis Dragasaki trong chuyến công du đến Trung Quốc đã tuyên bố rằng, chính phủ nước ông muốn tư hữu hóa phần lớn cổ phần của nhà nước tại Công ty quản lý cảng Piraeus. Ông nói, chính phủ Hy Lạp sẽ sớm khởi động phiên đấu giá và thời gian diễn ra của nó chỉ kéo dài trong vài tuần mà thôi. Nhưng sau đó, Thứ trưởng Bộ vận tải Theodoros Dritsas đã phủ nhận phát ngôn trên và khẳng định rằng, những tài sản có ý nghĩa chiến lược của quốc gia sẽ không bao giờ bị tư nhân hóa.

      „Thật khó để có được một bức tranh rõ ràng (về chuyện này). Tất cả mọi chuyện đều là về chính trị“, Phó dằn từng lời. „Chúng tôi không thể chỉ ngồi đợi như thế này để thưởng trà hay cà phê. Dù điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi vẫn rất muốn có những cổ phần này“, ông nói. „Vì tinh thần hữu nghị giữa hai nước“. Bên cạnh Cosco hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua đấu giá mua lại cảng Piraeus, nhiều công ty vận hành cảng đến từ Đan Mạch, Philippines, Mỹ và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng đã biểu lộ sự quan tâm của họ đến thương vụ đấu giá này. Nếu Cosco thắng thầu, Piraeus sẽ nằm hoàn toàn trong tay người Trung Quốc.

      Giá trị của công ty cảng Piraeus hiện ở mức 270 triệu euro. Việc kinh doanh vận chuyển hành khách hay những con phà đầy ắp ô tô đến các đảo của Hy Lạp đều mang lại một khoản doanh thu lớn cho công ty này. Với khoảng 18 triệu hành khách được vận chuyển qua cảng mỗi năm, Piraeus là cảng chuyên chở người lớn nhất châu Âu. Việc tư hữu hóa cảng Piraeus được cho là sẽ giúp Đảng cầm quyền Syriza của thủ tướng Tsipras thu về được 500 triệu euro để trả cho các chủ nợ của mình, nhưng đồng thời phí vận chuyển hành khách sẽ bị tăng lên một cách đáng kể.

      Vấn đề tư hữu hóa cảng Piraeus là một trong nhiều nghịch lý chính trị của Tsipras. Vào năm 2008, ông là người đứng sau tổ chức cuộc biểu tình phản đối sự tư hữu hóa bến cảng của những công nhân làm việc tại đây với thông điệp „Cosco hãy về nhà đi“. Nhưng giờ đây, khi đã trở thành thủ tướng Hy Lạp, Tsipras đã phải làm mọi thứ để những người như quản đốc Phó cảm thấy thuận tiện như đang ở nhà. Quan điểm của ông đã thay đổi khi ông đặt vấn đề làm cho đất nước mình ít phụ thuộc hơn vào Liên minh Châu Âu lên trên tất cả. Đểlàm được điều đó, đầu tiên ông muốn biến Trung Quốc trở thành một nhà đầu tư lớn của Hy Lạp. Nhưng trớ trêu thay, Trung Quốc càng đầu tư vào Hy Lạp nhiều bao nhiêu, thì có vẻ các lợi ích xã hội của Hy Lạp lại bị suy giảm bấy nhiêu. Đồng thời, người Trung Quốc cũng không bao giờ chia sẻ quan điểm cực tả thái quá của giới chức Đảng Syriza. Thay vào đó họ tán đồng câu nói của quản đốc Phó: „Làm nhiều thì mới được hưởng nhiều“.

      Một thế độc quyền mới

      Cách „tiểu thế giới mới của quản đốc Phó“ tầm trăm mét là văn phòng công đoàn thương cảng do Nick Georgiou quản lý. Từng là một cửu vạn với nhiều vết tích có được từ những trận đánh nhau của giới thợ thuyền và là một người nghiện thuốc lá rất nặng, đó là chân dung phác thảo sơ lược của người đàn ông đứng đầu công đoàn này. Ông là người đã khẳng định rằng, những điều kiện sống và làm việc tại bến số II không phải là kiểu của một gia đình hạnh phúc.

      Geogriou nói về những tai nạn lao động được khéo léo che đậy, sự thiếu vắng những phương tiện cứu hộ lao động và những thành viên tân phát xít của Đảng Golden Dawn đang cư ngụ tại bến tàu của người Trung Quốc. Nhưng thủ phạm chính cho những bất hạnh này, theo ông, chính là Troika (cụm từ diễn tả bộ ba thể chế: IMF, Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Châu Âu). „Liên minh châu Âu muốn ép Hy Lạp tự doa hóa các hoạt động của bến cảng“, ông nói. „Cosco chỉ đơn giản là ngược thực hiện điều đó.“ Kể từ lúc người Trung Quốc bắt đầu vận hành bến cảng, mức sống của những công nhân cảng người Hy Lạp đã đi xuống.

      Georgiou không hề muốn chấp nhận thực tế rằng, tới một phần ba thu nhập của công ty quản lý cảng Piraeus là từ khoản phí mà Cosco trả cho nó. Ông rít một hơi dài trước khi nói thêm: „Việc tư hữu hóa một phần cảng Piraeus là nhằm phá vỡ thế độc quyền hồi đó. Nhưng giờ đây, khi mà những cổ phẩn còn lại sắp được bán hết cho tư nhân thì sẽ xuất hiện lại một công ty độc quyền mới, nhưng lại là của người Trung Quốc“.

      Lịch sử không được lặp lại?

      Phóng tầm mắt ra phía biển, người ta có thể thấy mũi phía nam của đảo Salamina ở đường chân trời. Cái tên Hy Lạp cổ của đảo là Salamis. Đây là nơi diễn ra trận hải chiến ác liệt nhất giữa người Hy Lạp và người Ba Tư. Sự kiện này đã góp phần khuếch đại nền văn minh phương Tây ra nhiều vùng lãnh thổ và giúp định hình mối quan hệ giữa phương Đông và phương Tây.

      Lúc đó người Hy Lạp đã chiến thắng!!! Nhưng giờ đây, quản đốc Phó tuyên bố rằng, ông muốn xây dựng một bến sữa chữa tàu thuyền của người Trung Quốc dài vài km dọc bờ biển của hòn đảo này.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.