NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
Tagged: Hitler
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 8 years, 10 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
18/01/2016 at 07:17 #13774NCQTKeymaster
‘Chiến dịch ma’ tấn công Trung Đông của Hitler
Với mục đích trấn an người dân Đức và làm nhiễu loạn các thông tin trước chiến dịch tấn công Liên Xô, bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã đã phao tin về một chiến dịch tấn công quy mô vào Trung Đông.
Hitler và trùm truyền thông Quốc xã Goebbels. Ảnh: Gravestone
Mùa đông năm 1940, khi Đức bắt đầu gặp phải cuộc khủng hoảng về nguồn nguyên liệu dành cho công nghiệp, Hitler quyết định mở chiến dịch tấn công Liên Xô và ra lệnh mọi công tác chuẩn bị phải được hoàn tất trước tháng 5/1941.
Trong vòng chưa đầy 5 tháng, hơn ba triệu binh sĩ được trang bị đầy đủ đã được huy động đến các mặt trận phía đông nước Đức, trên lãnh thổ của Ba Lan và Slovakia.
Các nhà máy sản xuất vũ khí và trang thiết bị chiến tranh trên toàn quốc hoạt động hết công suất, người dân cũng được huy động để phục vụ công tác vận chuyển vũ khí ra mặt trận. Các cuộc tập trận quân sự diễn ra thường xuyên. Toàn bộ lực lượng quân dự bị đã được huy động. Các thành phố gần biên giới phía đông biến thành các doanh trại quân sự khổng lồ.
Trong khoảng thời gian này, chính quyền Quốc xã phải đối đầu với một khó khăn là tâm lý không ủng hộ của người dân Đức đối với chiến dịch. Vừa trải qua hơn một năm chiến tranh, dân chúng Đức quan sát các động thái trên với tâm lý lo lắng và bất an vì biết rằng chiến tranh sẽ tiếp tục diễn ra, theo Slate.fr
Đáng lo ngại hơn khi thông tin rò rỉ cho thấy đối thủ lần này của quân đội Đức là Hồng quân Liên Xô vốn có lực lượng hùng hậu và thiện chiến. Dân chúng Đức truyền tai nhau một mật danh mà ban đầu các tướng lĩnh Quốc xã sử dụng để gọi tên chiến dịch, đó là “STI” (là ba chữ cái đầu trong từ “Sowjetunion” chỉ Liên Xô trong tiếng Đức).
Dân Đức trở nên hoang mang vì họ hiểu rằng đây sẽ là một một cuộc chiến lớn nhiều thương vong, chết chóc và nền kinh tế thắt lưng buộc bụng. Một số phong trào phản đối nhỏ lẻ đã diễn ra.
Nhằm trấn an tinh thần của người dân và gây khó khăn cho việc thu thập tin tình báo của đối phương, tạo tính bất ngờ cho chiến dịch, Hitler đã ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền Quốc xã tìm mọi cách đánh lạc hướng dư luận về mục tiêu tấn công lần này.
Khu vực Trung Đông. Đồ họa: Canalblog
Truyền thông Đức dưới sự chỉ đạo của ông trùm Goebbels lúc đó đã nhanh chóng thực hiện các hoạt động phao tin rằng nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn về nguyên, nhiên liệu, vì vậy mục tiêu của chiến dịch này là Trung Đông. Ba chữ cái “STI” thực tế ám chỉ 3 quốc gia tại khu vực này là Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq (Syria, Turkey, Iraq).
Theo đó, với đối thủ chỉ là ba nước nhỏ, chiến dịch sẽ nhanh chóng kết thúc với thắng lợi thuộc về nước Đức “vĩ đại”, mọi người dân phải phục vụ hết mình cho công tác chuẩn bị chiến dịch.
Để tăng độ tin cậy cho “chiến dịch ma”, các chuyên gia tuyên truyền Quốc xã nhấn mạnh bên cạnh nguồn nguyên liệu phong phú, quân đội Đức còn có nhiệm vụ bảo vệ đồng minh, tức chính phủ Vichy (chính phủ Pháp hợp tác với Quốc xã được thành lập khi Pháp thất thủ năm 1940) đang kiểm soát Syria trước sự đe dọa từ quân đội Anh.
Tại thời điểm đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy Anh đang nhận được sự giúp đỡ của quân đội chính phủ Tự do của Pháp (chính phủ đối lập với chính phủ Vichy chống lại Quốc xã) đang mở rộng hiện diện tại Trung Đông, chuẩn bị tấn công Damascus.
Goebbels tung tin rằng Đức và Liên Xô đã sớm đạt được một thỏa thuận, theo đó Liên Xô sẽ nhường Ukraine cho Đức để đổi lại việc Đức hứa sẽ không tấn công nước này. Ukraine là con đường nhanh nhất để quân đội Đức dễ dàng triển khai chiến dịch thôn tính Trung Đông.
Sáng sớm 22/6/1941, 152 sư đoàn Quốc xã bất ngờ phát động chiến dịch Barbarossa, tấn công lãnh thổ Liên Xô dọc tuyến biến giới phía đông của Ba Lan.
Chiến dịch ngụy tạo thông tin của Quốc xã đã phần nào phát huy tác dụng. Chính quyền Liên Xô đã không có sự chuẩn bị tốt nhất, do bị nhiễu loạn thông tin tình báo, khiến Hồng quân chịu một số thất bại chiến thuật và để mất phân nửa lãnh thổ thuộc châu Âu của Liên Xô tại thời kỳ đầu của cuộc chiến.
Tuy nhiên, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã kháng cự kiên cường, bẻ gãy đợt tấn công Moscow của Đức Quốc xã vào cuối tháng giêng năm 1942. Quân đội Đức Quốc xã không còn đủ sức tổ chức bất cứ đợt tổng tấn công nào khác trên toàn bộ mặt trận, khiến chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Hitler hoàn toàn phá sản.
Thất bại về mặt chiến lược của chiến dịch Barbarossa là một bước ngoặt quan trọng, buộc Hitler phải tham gia vào một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên Xô và phe Đồng minh, dẫn tới sự suy yếu rồi thất bại hoàn toàn của Đức Quốc xã trong Thế Chiến II.
Nguyễn Hoàng
Nguồn: VnExpress.net
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.