Bút chiến tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh về biển Đông

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #5744
      NCQT
      Keymaster

      Bút chiến tay đôi giữa Washington và Bắc Kinh về biển Đông

      Nguồn: Gregory B. Poling, “Beijing’s and Washington’s Dueling South China Sea Papers, CSIS, 09/12/2014.

      Biên dịch: Trần Quốc Nam | Hiệu đính: Phạm Thị Huyền Trang

      Bắc Kinh đang tiến sát hạn chót 15.12 để đệ trình biện hộ trong vụ Philippines kiện họ ra tòa trọng tài chống lại tuyên bố về biển Nam Trung Hoa của mình. Vụ kiện này, thỏa theo Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) điều chỉnh cơ chế tranh chấp, sẽ được tóm tắt sau đây. Chính phủ Trung Quốc không có ý định tham gia vụ kiện, hay bác bỏ các chứng cứ và lập luận dài 4.000 trang của Philippines, nhưng chắc chắn là năm thẩm phán thụ lý vụ kiện tại Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ xem xét lập luận của Trung Quốc trong việc bác bỏ thẩm quyền của tòa.

      stormclouds_sea

      Vì mục đích đó, ngày 07/12 Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố văn kiện lập trường phản đối giá trị pháp lý của vụ kiện. Hai ngày trước đó Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một văn kiện vốn được chờ đợi từ lâu phân tích tính hợp pháp trong tuyên bố của Bắc Kinh về biển Nam Trung Hoa thông qua loạt ấn bản Các giới hạn trên biển. Thời điểm công bố hai văn kiện này, trong tương quan lẫn nhau và hướng tới giai đoạn kế tiếp của vụ kiện, cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh và Washington nhận ra giá trị của thế thượng phong về pháp lý ở biển Nam Trung Hoa và chú tâm tác động đến Tòa trọng tài ngay cả khi họ không can dự trực tiếp vào vụ kiện.

      Văn kiện lập trường của Trung Quốc nói gì?

      Nội dung cốt lõi của văn kiện Trung Quốc trình bày các lập luận của Bắc Kinh lý giải vì sao tòa trọng tài La Hague không có đủ thẩm quyền trong vụ kiện của Philippines. Trung Quốc cho rằng:

      1. Trọng tâm của vụ kiện không phải là biện giải UNCLOS mà là về chủ quyền lãnh thổvà UNCLOS không có thẩm quyền trong vấn đề này. Lập luận này không thuyết phục, ít nhất trong sự trình bày của Trung Quốc nhằm bác bỏ bất cứ luận điểm nào của Philippines, tòa án “chắc chắn sẽ phải xác định, dù trực tiếp hay gián tiếp, chủ quyền đối với các khu vực hàng hải đang tranh cãi lẫn các khu vực hàng hải khác trên biển Nam Trung Hoa”.

      2. Ngay cả trong trường hợp vụ kiện hướng vào mục đích biện giải UNCLOS, Philippines cũng không có quyền kiện. Trung Quốc lập luận rằng Philippines bị ràng buộc vào hai điều, đó là tuyên bố song phương và đặc biệt là Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở biển Nam Trung Hoa (DOC) năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, văn kiện quy định chỉ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán. Giả sử một nghĩa vụ ràng buộc như vậy được thỏa thuận thì cũng rất đáng ngờ, nhưng Manila có thể dễ dàng cho rằng các vi phạm của Trung Quốc đã vô hiệu hóa DOC.

      Trung Quốc cũng lập luận Philippines không đáp ứng được yêu cầu của UNCLOS mà chỉ được quyền kiện ra Tòa trọng tài sau khi không đạt được thỏa thuận song phương. Bắc Kinh khăng khăng đòi thảo luận mặc dù nhiều thập kỷ qua “hai quốc gia chưa bao giờ tiến hành đàm phán liên quan đến vấn đề chính của vụ kiện ra trọng tài này”, và thậm chí nếu có, UNCLOS cũng không định thời hạn cho các đàm phán này. Nếu được chấp nhận, kiểu lập luận này sẽ ngăn cản một quốc gia sử dụng quyền giải quyết tranh chấp bắt buộc do quốc gia kia lảng tránh thảo luận vô hạn định.

      3. Ngay cả khi Manila có quyền thưa kiện, Trung Quốc vẫn được miễn trừ việc áp dụng quyền tài phán bắt buộc. Đây là luận cứ thuyết phục nhất của Bắc Kinh. Điều này dựa trên tuyên bố năm 2006 của Trung Quốc đã được UNCLOS chấp thuận – Trung Quốc được quyền miễn trừ trước trọng tài về một số vấn đề, gồm cả phân định hải phận. Philippines đã làm một việc rất hay là giới hạn vụ kiện của mình vào nghĩa vụ Trung Quốc làm rõ đường chín đoạn và trạng thái của các khu vực này, chứ không hướng đến phân định vùng biển tranh chấp.

       

      Nhưng lập luận của Manila không thật sự vững chắc. Điều đáng lo nhất cho Philippines là việc các luật sư của họ buộc phải bổ sung lập luận về tính pháp lý của đảo lớn nhất – đảo Itu Aba trong quần đảo Trường Sa trong đơn đệ tòa ngày 30 Tháng Ba. Việc tòa có phán quyết đảo Itu Aba (hay bất kỳ khu vực nào khác) là một đảo hợp pháp có một thềm lục địa mở rộng hay không có khả năng làm suy yếu các lập luận khác của vụ kiện, đặc biệt là những khu vực liên quan đến mực hải triều thấp. Nhưng điều đáng nói là văn kiện lập trường của Trung Quốc không đề cập chi tiết đến điểm này mà để cho các thẩm phán trọng tài xâu chuỗi các dữ kiện lại.

      4. Thậm chí nếu Trung Quốc không được miễn trừ, việc sử dụng một tòa trọng tài đặc biệt trong các vụ kiện mà một quốc gia không chọn bất kỳ trọng tài nào do UNCLOS đề cử là vi phạm luật pháp quốc tế. Xét về bản chất, đây là vấn đề về một điều khoản của UNCLOS mà Trung Quốc đã tán thành hồi năm 1996. Đây là một trong các lập luận kém thuyết phục nhất của Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc sử dụng chính tòa án được lập dựa trên các điều khoản của UNCLOS để phủ định cách lý giải hợp lý duy nhất về một trong những điều khoản của luật này.

      Điều này nói lên rằng trong quá trình lập luận chống lại quyền tài phán của tòa án, Trung Quốc cũng đụng đến các chuẩn mực của vụ kiện (mặc dù họ đã nhấn mạnh trong phần mở đầu là không phải vậy). Đặc biệt, nó khơi lên một cuộc tranh cãi về khả năng một quốc gia có thể đưa ra tuyên bố chủ quyền theo mực hải triều thấp, bất chấp việc công nhận Tòa án Công lý quốc tế năm 2012 đã phán quyết rằng một tuyên bố như vậy là không được phép. Trung Quốc cũng bào chữa cho hành động của mình tại các đảo Scarborough Shoal và Second Thomas Shoal từ năm 2012 mà Philippines cho rằng Trung Quốc đãđe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, bản văn kiện lập trường của Trung Quốc không đề cập đến tình trạng của khu vực mà Philippines xác định là đá chứ không phải là đảo, cũng không đưa ra biện hộ rằng đường chín đoạn là một yêu sách vùng hàng hải phù hợp với UNCLOS, cả hai điều này thể hiện vị thế pháp lý yếu kém trong lập trường của Trung Quốc.

      Các nghiên cứu của Hoa Kỳ nói gì?

      Ấn phẩm Các giới hạn trên biển của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trước đây đã xem xét các khiếu nại hàng hải của hàng chục quốc gia, gồm cả Indonesia, Philippines và Việt Nam. Bản báo cáo mới nhất không đề cập đến giá trị pháp lý của các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông khi nhắc lại lập trường trung lập của Mỹ.

      Phân định chính của nghiên cứu là “Trung Quốc chưa làm rõ … các cơ sở pháp lý và bản chất của yêu sách của mình.” Nghiên cứu này chỉ ra rằng đường chín đoạn thiếu “nhất quán và chân xác về địa lý“. Báo cáo nhấn mạnh bằng cách minh xét một loạt bản đồ Trung Quốc khác nhau thể hiện sự khác biệt trong định vị các đoạn. Bản nghiên cứu này minh định cho các khía cạnh của vụ kiện của Philippine quanh việc Trung Quốc chiếm đóng các bãi đá và mực hải triều thấp. Tự cốt lõi của vấn đề, các phân tích đã bác bỏ đường chín đoạn như một yêu sách hàng hải có giá trị, và đó là trọng tâm trong vụ kiện của Philippines.

      Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trình ra ba cách diễn giải khả dĩ về đường chín đoạn và phân tích tính hợp pháp của chúng. Mỗi giải thích vừa hỗ trợ vừa phủ nhận tính chất pháp lý và các công bố chính thức khác nhau của Trung Quốc:

      1. Trung Quốc có thể đưa ra yêu sách về đảo và vùng biển. Bản nghiên cứu thấy rằng đây có thể là một định nghĩa phù hợp về mặt pháp lý của đường chín đoạn, nhưng đồng thời chỉ ra lỗ hổng quan trọng. Đó là, “các quốc gia và các phiên tòa cũng như các toà án quốc tế thường coi các đảo rất nhỏ xa bờ biển lục địa … có tầm quan trọng ngang bằng hoặc kém hơn so với bờ biển đối diện“. Điều này có nghĩa rằng Trung Quốc chỉ có thể biện minh cho một khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) kéo dài đến đường trung tuyến giữa các đảo yêu sách với bờ biển của các nước Đông Nam Á láng giềng.
      1. Một ranh giới hàng hải. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng đường chín đoạn mở rộng quá xa, vượt bất kỳ bờ biển hay đảo nào được coi là ranh giới EEZ hợp pháp, và chắc chắn không phải là lãnh hải. Nghiên cứu cũng cáo buộc sự thiếu chính xác của tuyên bố và việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố đơn phương là không đáp ứng các yêu cầu cơ bản về ranh giới biển hợp pháp.
      1. Tuyên bố dựa trên quyền va danh nghĩa lịch sử. Đây là vấn đề phức tạp nhất trong các biện minh pháp lý mà các học giả Trung Quốc đưa ra về đường chín đoạn. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đúng khi chỉ ra rằng UNCLOS “giới hạn sự liên quan giữa tuyên bố dựa trên lịch sử trong phân định vịnh và lãnh hải” gần bờ biển của một quốc gia. Công ước không bảo hộ yêu sách chủ quyền và quyền mở rộng bờ biển trên cơ sở lịch sử.

      Và trái với khẳng định của một số học giả Trung Quốc rằng thông lệ luật pháp tiền UNCLOS cho phép loại yêu sách này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định rằng công ước ước có giá trị cao hơn thông lệ. Để chứng minh quan điểm này, Bộ trích dẫn các Tòa án Công lý quốc tế đã phán quyết rằng sự ra đời của các vùng EEZ “phủ nhận việc sử dụng và các quyền trước đó của các quốc gia khác trong khu vực” –một phản bác rõ ràng đối với các yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử đối với ngư nghiệp và dầu khí.

      Bước tiếp theo của tòa trọng tài là gì?

      Trung Quốc sẽ không đệ trình bất cứ tài liệu nào vào ngày 15.12 thỏa theo hạn cuối của tòa án. Điều này có nghĩa là chính các thẩm phán sẽ xem xét các phản biện mà Bắc Kinh có thể đưa ra. Đây là lý do cho thấy tầm quan trọng của việc Trung Quốc công bố văn kiện lập trường. Họ đã chọn thời điểm để đảm bảo rằng các thẩm phán đưa ra những câu hỏi đúng, theo quan điểm của Trung Quốc. Các chuyên gia ở Trung Quốc biết rằng Bắc Kinh sẽ mất ít nhất một điểm nếu vụ kiện đi xa hơn. Đường chín vạch hiện nay không đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của một yêu sách biển hợp pháp và yêu cầu phải được làm rõ, một luận điểm mà bản nghiên cứu mới của Mỹ đã nhấn mạnh.

      Điều này lý giải tại sao Trung Quốc, ngay cả khi từ chối tham gia tố tụng chính thức, đã đầu tư nhiều công sức trong việc phát triển luận chứng pháp lý chống lại quyền tài phán. Mặc dù vậy, Bắc Kinh cũng không muốn coi thường phán quyết của tòa án quốc tế và phải trả giá cho hệ lụy bị xem là một kẻ dự cuộc vô trách nhiệm trong hệ thống quốc tế.

      Bước tiếp theo, tòa án sẽ yêu cầu đội ngũ pháp lý của Philippines trả lời các nghi vấn và phản bác có thể có liên quan đến đơn kiện hồi tháng Ba. Các câu hỏi có thể sẽ bao gồm nhiều điểm được nêu ra trong văn kiện lập trường của Trung Quốc, vì lẽ các thẩm phán sẽ không phán quyết trước một vụ kiện phức tạp và nhiều tranh cãi đến vậy, trừ khi họ có đủ những lý luận chặt chẽ.

      Một khi nhận được phúc đáp từ Philippines, một việc sẽ mất vài tháng, các thẩm phán sẽ xem xét các nghi vấn về thẩm quyền và thang giá trị của vụ kiện. Dường như Tòa sẵn sàng xem xét đồng thời cả hai nghi vấn này nhằm tăng tốc tiến trình tố tụng. Tòa không đưa ra thời gian chính xác cho việc phân xử, và có thể sẽ yêu cầu Philippines làm rõ các quan điểm của mình. Nhưng vào cuối năm 2015, hoặc sớm hơn, tòa sẽ ra phán quyết, có khả năng đây là phán quyết có tác động mạnh nhất so với bất kỳ tòa án nào được thành lập theo UNCLOS.

      Gregory B. Poling là nghiên cứu viên của Sumitro về Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.