Cục diện khu vực CA-TBD và tác động đối với Việt Nam

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #15328
      NCQT
      Keymaster

      Cục diện khu vực CA-TBD và tác động đối với Việt Nam

      Tác giả: Phạm Trung Kiên

      Kể từ sau cuộc cải tổ kinh tế bắt đầu diễn ra năm 1978, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Sau ba thập kỷ tăng trưởng liên tục, đến năm 2010 Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản vươn lên vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Mặc dù thời gian gần đây tốc độ phát triển kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm song về dài hạn rõ ràng Trung Quốc là nước tiềm năng nhất có thể trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ cho vị trí cường quốc kinh tế số một thế giới. Điều này đặt ra câu hỏi: Trong một tương lai xa nào đó liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Trung Quốc và Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ thay đổi trật tự thế giới như thế nào?

      Năm 2011, tại Canberra (Australia), tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu tuyên bố về kỷ nguyên xoay trục của Mỹ sang Châu Á – Thái Bình Dương. Với mục tiêu là tới cuối thập kỷ này, Mỹ sẽ chuyển phần lớn sức mạnh hải quân của mình sang khu vực đang phát triển năng động nhất thế giới và chiếm 1/2 dân số toàn cầu. Để thể hiện quyết tâm của mình, những năm gần đây hàng loạt các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama lặp lại những phát ngôn tương tự bất chấp việc nước này đang bị phân tâm bởi nhiều vấn đề nóng trên thế giới như khủng hoảng ở Ukraine hay Lực lượng nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

      Tháng 5 năm 2015, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý thông qua dự thảo luật quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò quốc tế của quân đội Nhật Bản bằng việc nới lỏng các chính sách hạn chế đối với quân đội Nhật kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II. Theo đó, dự luật sẽ cho phép các lực lượng vũ trang của Nhật Bản tham gia vào các hoạt động tự vệ tập thể, bảo vệ đồng minh của mình và giúp duy trì hòa bình – an ninh thế giới.

      Cc din Châu Á – Thái Bình Dương

      Ngày 19/8/2013, trong một bài diễn văn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố: “Việc hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa về sự phục hưng dân tộc vĩ đại có nghĩa là Trung Quốc trở thành một đất nước thịnh vượng, một quốc gia được tiếp sức sống mới và người dân có cuộc sống hạnh phúc”. Để trấn an các nước về sự trỗi dậy có thể làm đảo lộn trật tự thế giới này, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần lặp lại rằng Trung Quốc sẽ phát triển một cách hòa bình và sẽ là một quốc gia lãnh đạo thế giới có trách nhiệm, nhấn mạnh vào quyền lực mềm, và hứa hẹn rằng họ sẽ cam kết xử lý các vấn đề nội bộ và cải thiện phúc lợi của người dân của mình trước khi can thiệp vào các vấn đề thế giới. Nhưng những gì mà Trung Quốc đã làm trong thời gian qua (mà gần đây nhất là việc mở rộng ồ ạt các đảo đang chiếm đóng trái phép và ráo riết quân sự hoá các đảo này trên biển Đông) khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tính xác thực của những gì mà họ đã tuyên bố.

      Lẽ dĩ nhiên nước Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn một quốc gia nào đó trỗi dậy làm thay đổi trật tự thế giới mà người Mỹ đã cố công sắp đặt kể từ sau Thế chiến II. Điều đó đã được chứng minh bằng chính sách xoay trục sang Châu Á mà mục đích sâu xa là nhằm bảo vệ những quyền lợi của Mỹ ở khu vực và kiềm tỏa Trung Quốc.

      Tháng 12 năm 2014, hàng trăm người đã tham gia sự kiện tưởng nhớ những nạn nhân của thảm sát Nam Kinh mà Nhật Bản đã gây ra ở Trung Quốc hơn 7 thập kỷ trước. Trong tiếng nhạc bi thương, những vòng hoa trắng được đội tiêu binh đặt cẩn trọng trước đài tưởng niệm. Chủ tịch Tập Cận Bình bước lên lễ đài tuyên bố: “Lãng quên lịch sử là một sự phản bội, và phủ nhận một tội ác chính là lặp lại tội ác đó”. Rõ ràng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn tồn tại nhiều rủi ro bởi yếu tố lịch sử phức tạp trong Thế chiến II, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở đảo Điếu Ngư (hay Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản) và cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực. Nó chứa đựng nhiều yếu tố khó lường bởi đôi lúc bị chi phối bởi tình cảm dân tộc chủ nghĩa.

      Đầu năm ngoái, Liên minh kinh tế Á-Âu chính thức bắt đầu đi vào hoạt động. Nó được xem như một công cụ để nước Nga dưới thời Putin xoay trục sang Châu Á. Cùng với chính sách hướng đông của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Modi, khu vực châu Á – Thái Bình Dương hầu như đã hội tụ đủ anh hào cho một ván bài mà ở đó những con bài bắt đầu được lật ngửa lên bàn để ngã giá còn những con át chủ bài vẫn được giữ kín để quyết định thắng bại của cuộc chơi.

      Hoa Kỳ, TPP và chuyển động khu vực

      Quá trình trỗi dậy của Trung Quốc, sự cọ xát lợi ích giữa các nước lớn với nhau, mối quan hệ phức tạp giữa các nước nhỏ với nước lớn, mối liên kết lỏng lẻo giữa các nước nhỏ với nhau và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải khiến cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nóng lên từng ngày và chắc chắc nó sẽ làm biến dạng địa chính trị khu vực. Sự biến dạng này sẽ diễn ra như thế nào và sẽ định hình trong bao lâu thì khó có thể nói trước được.

      Vừa qua, Mỹ và các nước trong khu vực đã chính thức ký một hiệp định về thương mại tự do khu vực gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement). Mục tiêu kỳ vọng của Mỹ cho hiệp định này là bảo đảm những lợi ích của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương và hiện thực hóa chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á. TPP không chỉ tác động tích cực lên nền kinh tế Mỹ mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nền kinh tế của các nước thành viên.

      Cần phải nói thêm rằng, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Honolulu năm 2011, ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã xác định vị trí của TPP như một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm “tăng cường các liên minh song phương của Mỹ trong lĩnh vực an ninh; tăng cường tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư, tăng cường các cơ sở quân sự rộng khắp”. Rõ ràng ngoài lợi ích kinh tế, nhà ngoại giao người Mỹ khi đó còn kỳ vọng nhiều hơn ở TPP, một hiệp định khu vực không có sự tham gia của Trung Quốc.

      Cùng với việc bật đèn xanh cho Nhật Bản trở lại vị trí cường quốc chính trị quân sự bằng thỏa thuận mang tính lịch sử trong chuyến công du đến Mỹ của thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm ngoái, phải chăng nước Mỹ đang có ý định mở rộng liên minh Mỹ – Nhật để nhen nhóm cho quá trình phôi thai một liên minh quân sự kiểu mới ở Châu Á – Thái Bình Dương? Cùng với TPP, nó sẽ tạo thành hai trụ cột kinh tế – quân sự giúp nước Mỹ duy trì sự hiện diện và vai trò chủ đạo trong khu vực.

      Vit Nam gia ván bài ca các nước ln

      Chính sách ngoại giao đúng đắn của chúng ta là “ba không”: Không liên minh quân sự, không căn cứ quân sự và không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào nước thứ ba. Với những gì đã diễn ra trong quá khứ, chúng ta hiểu rõ được những hệ lụy đáng ngại của những liên minh quân sự kiểu này. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc và định hình địa chính trị khu vực vẫn đang diễn ra, và trong tương lai chắc chắn nó sẽ còn xảy ra mạnh mẽ hơn nữa. Là một quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, dù muốn hay không, chúng ta cùng không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tuy nhiên việc lựa chọn cách thức tham gia và mức độ tham gia vào quá trình này như thế nào để vừa giữ vững được nền độc lập tự chủ và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, vừa không để xảy ra xung đột, chiến tranh giữ vững môi trường hoà bình ổn định để phát triển là một câu hỏi khó.

      Giữa một thế giới đầy bất ổn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, để đảm bảo an ninh quốc gia, một mặt phải tăng cường nội lực đất nước, mặt khác phải tranh thủ sức mạnh của xu hướng thời đại, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao.

      Nội lực quốc gia là tổng thể gồm nhiều yếu tố trong đó kinh tế và quân sự là hai trụ cột chính. Phát triển kinh tế là nhiệm vụ sống còn, không có phương cách nào khác. Chúng ta phải tận dụng tất cả các cơ hội để phát triển. Việc những siêu cường quay trở lại khu vực đang phát triển năng động nhất thế giới này tuy tạo ra nhiều thách thức nhưng họ cũng mang đến những cơ hội to lớn mà chúng ta có thể tận dụng để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của mình.

      Về quân sự chúng ta đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội để phục vụ mục tiêu hòa bình và tự vệ, đồng thời “tạo lòng tin chiến lược” bằng việc chú trọng hội nhập quốc phòng trên tinh thần Nghị quyết 806-NQ/QUTW, đó là: hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng phải nhằm: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình”. Trên cơ sở đó chúng ta đã có quan hệ quốc phòng với hơn 60 nước, bao gồm cả các cường quốc. Chúng ta đã thành lập trung tâm gìn giữ hòa bình. Trong thời gian tới chúng ta tiếp tục đẩy mạnh tham gia tích cực và chủ động hơn vào các cuộc diễn tập quốc tế tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai, chống khủng bố, cướp biển… để học hỏi kinh nghiệm, cập nhật thông tin quân sự, gây dựng mối quan hệ quốc phòng với các nước trên thế giới.

      Trong thời bình, nếu sức mạnh kinh tế và quân sự là “hậu phương” thì ngoại giao là “tiền tuyến”, là vũ khí sắc bén để chúng ta có thể bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói rằng ngoại giao chính là chìa khóa cho kế sách “bất chiến tự nhiên thành”. Giương cao ngọn cờ hòa bình và chính nghĩa để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

      Cấu trúc địa chính trị khu vực vẫn đang tiếp tục được định hình. Nhưng nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực vẫn luôn luôn tồn tại, nhưng xu hướng hoà bình hợp tác phát triển luôn là xu hướng chung của thời đại. Do đó, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp là phương cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.