NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 6 years, 11 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
07/12/2017 at 15:18 #23961NCQTKeymaster
Cuộc chiến ít biết của quân Anh ở Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Giang
Tại Anh ngày nay, ít người biết quân đội nước này từng được ủy nhiệm chiếm đóng Nam Việt Nam gần tám tháng liền, từ tháng 9/1945 đến tháng 5/1946.
Hình: Ngày 27/12/1945 tại Sài Gòn, tướng Douglas Gracey (1894 – 1964) trao thanh kiếm danh dự cho nữ công dân Pháp Suzi Pinel, thành viên của Lực lượng Pháp tự do hoạt động bí mật chống Nhật ở Đông Dương trong Thế Chiến 2. Các Pháp kiều sau đó đã được hỗ trợ để đánh lại Việt Minh.
Cuộc chiến nhỏ nhưng đã quốc tế hóa
Sách báo Việt Nam hiện nay cũng nói về đến cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ chứ không nhắc nhiều về vai trò của Anh.
Nhưng trên thực tế, Nam Bộ không chỉ là nơi duy nhất ở châu Á quân Anh còn độc lập tác chiến sau Thế Chiến 2, mà còn là cuộc chiến mang tính quốc tế vào giai đoạn bước ngoặt cho ba nước Đông Dương.
Hơn hai vạn quân Anh gồm cả lính Punjab, Gurkha đã giúp hàng nghìn quân Pháp, vài trăm lính Nhật giành lại Sài Gòn và Nam Kỳ cho Pháp.
Trong các binh đoàn Pháp tái chiếm Đông Dương đã có không ít cựu binh Waffen SS khét tiếng của phát-xít, nay khoác áo lê-dương.
Phía Việt Minh cũng có vài trăm quân nhân Nhật bỏ sang trợ giúp, mà con số đông nhất là ở phía Nam.
Các tài liệu Anh cũng nói về vụ bắt được một “cố vấn Liên Xô” ở gần Sài Gòn ngày 25/10/1945.
Người này đến từ Liên Xô đến hay là một người cộng sản nói tiếng Nga từ hàng ngũ Pháp chạy sang phía Việt Minh? Câu chuyện này hẳn còn cần kiểm chứng.
Các tài liệu tiếng Anh chỉ nói sau khi tra khảo người này, quân Anh đã chuyển ông ta cho An ninh (Sûreté) của Pháp.
Vì sao chọn quân Anh?
Theo một tài liệu của T.O. Smith công bố ở Đại học East Anglia thì sau Hội nghị Potsdam tháng 7/1945, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoa Kỳ, Tướng George C. Marshall đã yêu cầu Tư lệnh người Anh của Quân Đồng minh tại Đông Nam Á, Đô đốc Louis Mountbatten, tiếp quản khu vực phía Nam đường vĩ tuyến 16 chia đôi Đông Dương.
Lực lượng Anh nhân danh Đồng Minh sẽ chỉ làm nhiệm vụ giải phóng (liberation duties) để bàn giao lại cho Pháp Tự do của Tướng Charles de Gaulle.
Quân Anh không muốn dính líu sâu vào Đông Dương dù quan điểm chung của Bộ Ngoại giao là “một nước Pháp mạnh tại châu Âu sẽ giúp cho an ninh của Anh”.
Bộ Tổng tham mưu (Joint Planning Staff) chỉ thị cho Tướng Douglas Gracey chỉ bảo vệ Sài Gòn và để các vùng xung quanh cho người Pháp tự lo và trợ giúp khi cần
Các tài liệu khác, như của sử gia David Marr ghi rõ các sỹ quan Anh và OSS của Mỹ đều không ưa thái độ của người Pháp.
Lực lượng Mỹ tại Trùng Khánh bên cạnh bộ tư lệnh của Trung Hoa Quốc Dân Đảng còn từ chối chuyển vũ khí cho quân Pháp – thực tế là các nhóm tàn quân chạy khỏi Đông Dương sau khi Nhật đảo chính sang miền Nam Trung Quốc – để họ quay lại tái chiếm Đông Dương.
Chiến dịch Masterdom và Tướng Gracey
Xin nói một chút về binh nghiệp của Tướng Douglas Gracey, tư lệnh quân Anh tại Nam Bộ.
Sinh năm 1894 tại Ấn Độ trong gia đình quan chức thuộc địa, ông tốt nghiệp Trường võ bị Sandhurst.
Sau khi phục vụ tại Pháp trong Thế Chiến 1, ông về Ấn Độ làm tiểu đoàn trưởng gồm toàn xạ thủ sắc tộc Gurkha, người miền núi Himalayas.
Tham chiến ở Iraq và Syria, ông lên hàm đại tá và đến Thế Chiến 2 thì được điều sang Miến Điện để chặn quân Nhật đánh từ Đông Dương sang Ấn Độ thuộc Anh.
Khi nhận lệnh sang Đông Dương năm 1945, tướng Gracey đem vào binh đoàn Anh – Ấn và cả các đơn vị Gurkha quen thuộc dưới quyền.
Quân Anh – Ấn đến Sài Gòn ngày 13/9/1945 nhưng chiến dịch Masterdom hóa ra không hề đơn giản.
Đầu tiên là không ai công nhận ngay quân Anh ở vai trò ‘ông chủ’ mới.
Việt Minh và các nhóm vũ trang khác người Việt đã hoạt động mạnh, và quân Nhật từ chối không trao nộp vũ khí như thỏa thuận đầu hàng với Đồng Minh.
Các kiều dân Pháp thì tái vũ trang để cố thủ trong nhà, dinh thự của họ để chống lại các vụ tấn công nhỏ lẻ của Việt Minh và phe dân tộc chủ nghĩa người Việt.
Việc đầu tiên Tướng Gracey làm là ban bố thiết quân luật ở Sài Gòn và đưa quân ra phố, đẩy Việt Minh ra ngoại ô để người Pháp giành quyền quản trị đô thị.
Tướng Gracey cũng quyết định không tịch thu vũ khí của quân Nhật mà còn ra lệnh cho họ giúp quân Anh vãn hồi trật tự.
Nam Bộ Kháng chiến
Báo chí Việt Nam, như tạp chí Quốc phòng Toàn dân cũng mô tả ít nhiều tình trạng quan hệ giữa quân Anh và Việt Minh như sau:
“Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp núp dưới bóng quân Anh đã quay lại gây hấn ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp…thông qua “Lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ”.
“Tiêu biểu cho tinh thần ‘độc lập hay là chết’ là tiểu đội bảo vệ Cột cờ Thủ Ngữ. Sáng 23 tháng 9 năm 1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống để kéo lá cờ tam tài lên, vì danh dự lá cờ Tổ quốc, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của ta kiên quyết ngăn cản dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Cảm phục trước khí tiết đó, viên chỉ huy người Anh đã cho đại đội xếp hàng, bồng súng chào hương hồn những người anh hùng của đối phương đã ngã xuống dưới chân cột cờ…”
Các tài liệu của Anh công nhận rằng người Việt Nam khi đó “không muốn đổi ách chiếm đóng của Nhật Bản để nhận lại ách đế quốc của người châu Âu”.
“Họ cũng không ủng hộ chủ nghĩa cộng sản mà chỉ muốn có độc lập dân tộc.”
Việc Anh lưu dung quân Nhật đến nay vẫn gây tranh cãi.
Tương tự như ở Đông Dương, Anh đã dùng quân cảnh Nhật đàn áp nhóm kháng chiến Indonesia ở Bandung và Semarang, giết chết hàng nghìn người.
Liên tiếp giao tranh
Trước khi tướng Pháp Jacques-Philippe Leclerc, người hùng giải phóng Paris, dẫn đầu một đơn vị tới Sài Gòn nhưng phải nhờ quân Anh về phương tiện, vũ khí vào ngày 5/10/1945 thì quân Anh – Ấn đã có một số trận giao tranh với Việt Minh.
Có bốn đợt giao tranh đáng kể Anh – Việt trong năm 1945.
Đợt đầu tiên vào tháng 9 quân Việt Minh đánh vào sân bay Tân Sơn Nhứt do Anh quản trị, giết chết một lính Gurkha, phía Việt Minh có sáu người bị thiệt mạng.
Đợt thứ hai vào ngày 10/10/1945, toàn bộ một trung đội Ấn Độ do Anh chỉ huy bị giết khi tuần tra ở ngoại ô.
Trận thứ ba nổ ra ngày 13/10/1945, khi quân Việt Minh tấn công ồ ạt vào các điểm do lính Ấn Độ (Punjab), một số quân Pháp và Nhật bảo vệ, cũng ở ngoại ô Sài Gòn.
Trong trận này, các nguồn của Anh nói có 500 quân Việt Minh bị giết.
Trong tháng 10/1945, các tài liệu Anh có ghi nhận những trận phản công của Việt Minh “đánh vào các cơ sở như nhà máy điện, nước, cầu cảng, sân bay trên toàn khu vực Sài Gòn – Gia Định trong đợt thứ ba bằng vũ khí nhỏ, lựu đạn, súng cối”.
Các sử liệu Anh cũng viết “Việt Minh chuyển sang chiến thuật bao vây nhỏ” nhưng không nói rõ vây gì và ở đâu.
Đặc biệt, trong cuộc giao tranh lần ba này, “các nhóm quân Pháp mới đến đã được trao nhiệm vụ giải cứu cho các cuộc bao vây trong lúc quân Anh dùng cách tuần tra hung bạo (aggressive patrolling) để gây bất ngờ cho Việt Minh”.
Quân Anh – Ấn có tới 20 nghìn quân, cộng thêm trên 2500 quân Pháp và một số tiểu đoàn của Nhật nên phe chiếm đóng đã áp đảo cả về số lượng và vũ khí.
Câu chuyện Lê Văn Tám
Các tài liệu Việt Nam nói đến các trận đánh ở cầu Mống và cầu Thị Nghè, và chuyện Lê Văn Tám xảy ra vào khoảng này, trong các ngày 17-18/10/1945.
Các nguồn nước ngoài và Việt Nam hiện vẫn viết khác nhau về sự kiện tạm coi là một vụ cháy, nổ ở kho xăng hoặc kho đạn do phía Việt Minh gây ra.
David Marr trong cuốn ‘Vietnam: State, War, and Revolution (1945-1946)’ xác nhận đúng là có một vụ phá được “các bể chứa dầu ở nhà máy xi măng Simon Pietri”.
Về cây ‘đuốc sống’, David Marr viết nguyên văn ‘A boy was said to have soaked himself in petrol and become a human torch”, nhưng cho rằng đây là chuyện do sử gia Trần Huy Liệu tạo ra.
Một số lời kể với báo chí cách mạng Việt Nam thì vẫn chưa xác định rõ được đây là vụ cháy “kho đạn”, hay “kho xăng của Pháp”, một số khác nói về “trạm xăng của công ty Shell”.
Nhưng theo sử liệu Anh và sách của David Marr thì trận đánh sân bay Tân Sơn Nhứt xảy ra trong đợt tấn công đầu tiên của Việt Minh vào cuối tháng 9, chứ không phải ngày 17-18 tháng 10.
Điều chắc chắn là giao tranh giảm đi trong tháng 11 và 12 và các nhóm kháng chiến đã bị đẩy ra ngoài Sài Gòn trong năm 1945.
Vì thế, đến ngày Giáng Sinh năm đó, trung đoàn bộ binh 32 của Anh có thể bàn giao lại cho Sư đoàn Bộ binh 9 của Tướng Pháp Jean-Etienne Valluy để rời Đông Dương sang Borneo.
Nhưng sang đầu năm mới đã xảy ra trận đánh lớn cuối cùng của Việt Minh, và cũng giao tranh đáng kể nhất của quân Anh tại Việt Nam.
Ngày 3/01/1946, chừng 1000 du kích Việt Minh đã tấn công vào căn cứ ở Biên Hòa và 100 người bị đạn súng máy của quân Anh bắn chết.
Cuộc chiến bất đắc dĩ?
Cuộc chiếm đóng của quân Anh tại Sài Gòn dù mang danh Đồng Minh cũng khiến nước này phải tính toán đến mức độ dính líu thực tế vào một chiến trường không liên quan gì đến quyền lợi của London ở châu Á.
Trong chính phủ Anh cũng có hai phái có ý kiến khác nhau về vai trò của Anh tại Đông Dương.
Tổng tư lệnh Lord Alanbrooke, trả lời câu hỏi từ Thủ tướng Clement Attlee về tình hình quân đoàn Anh ở Sài Gòn đã gợi ý rằng chỉ nên duy trì sự dính líu vừa đủ, chờ quân Pháp quay lại rồi trao trả cho họ.
Nước Anh khi đó, theo T.O. Smith, đã quá kiệt quệ vì chiến tranh ở châu Âu nên không có sức đâu mà lo thêm một chiến trường ở Việt Nam.
Lord Alanbrooke giữ quan điểm rằng Anh không nên chi phí gì thêm cho sự dính líu vào Đông Dương.
Nhưng Bộ Ngoại giao, qua lời Trợ lý Thứ trưởng Oliver Harvey lại tin rằng Anh nên giúp Pháp tối đa ở Đông Dương để đổi lại sự ủng hộ của Pháp ở châu Âu.
Bộ Ngoại giao Anh muốn chuyển cả một số các đơn vị lính Anh từ chiến trường Đông Nam Á đang trên đường hồi hương sang Đông Dương.
Tuy thế, chính phủ Anh không muốn rắc rối với Hoa Kỳ nên chỉ giúp rất hạn chế khi Pháp đề nghị Anh giúp cho tàu chiến, xe vận tải để tái chiến Đông Dương.
Lý do là bản thân Anh cũng phải “vay mượn” xe cộ, tàu chiến, trọng pháo, phi cơ của Hoa Kỳ trong chương trình nổi tiếng “Lend-Lease”.
Anh đã yêu cầu Pháp hỏi thẳng người Mỹ để xin phương tiện và có lúc chỉ cho Pháp “mượn” hai chiếc phi cơ Spitfire.
Một quyết định của Thủ tướng Attlee thể hiện rõ nhất cách suy nghĩ nước đôi của Anh về vai trò của Pháp tại Đông Dương.
Ông không chấp nhận để quân Anh chuyển đạn dược từ Singapore sang Đông Dương cho Pháp nhưng đồng ý cung cấp đạn cho Pháp tại châu Âu.
Sau đó, việc Paris tự đưa đạn tới chiến trường ở Việt Nam không còn là chuyện của Anh.
Kết cục quốc gia hỗ trợ chính cho Pháp vẫn là Hoa Kỳ với cả các khoản chiến phí, tín dụng, quân trang, quân dụng.
Đây là sự thay đổi từ chính sách ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc bị trị Woodrow Wilson nêu ra sang hỗ trợ các cường quốc là đồng minh.
Đến tháng 5/1946, các đơn vị tác chiến Ấn Độ và Anh cuối cùng rút khỏi Đông Dương.
Chiến dịch Masterdom chấm dứt.
Tinh thần dân tộc trên toàn châu Á
Trong số 20 nghìn quân Anh Ấn vào Nam Việt Nam, chỉ có 40 người bị giết.
Số quân Nhật và Pháp mỗi bên cũng bị giết từng đó.
Phía Việt Minh dù có tinh thần cao nhưng vì trang bị quá lạc hậu và thiếu kinh nghiệm chiến đấu nên đã hy sinh chừng 2500 quân, theo các tài liệu tiếng Anh.
Ngày nay tìm ra một Lê Văn Tám cụ thể chắc là khó nhưng con số người trẻ hy sinh tại Nam Bộ với tinh thần quyết tử chống Pháp thì phải lên tới hàng trăm.
Tinh thần cảm tử vì độc lập của người Việt Nam hiện rõ trong báo cáo của các sỹ quan Anh gửi về nước.
Trong bài ‘Resurrecting the French Empire: British Military Aid to Vietnam September 1945 – June 1947’, T. O. Smith viết rằng cùng thời gian, chính phủ Anh biết rõ cả Ấn Độ, Ceylon, Malaya và Singapore đều có thiện chí với cuộc chiến vì độc lập ở Việt Nam nên đã lo sợ công nhân cảng Ấn Độ đình công để chống lại việc đưa hàng quân dụng sang Đông Dương.
Có phải vì chứng kiến tinh thần dân tộc của người Việt Nam sẵn sàng hy sinh bất chấp súng đạn tối tân hơn mà Anh Quốc thay đổi chính sách ở Ấn Độ?
Đây là điều chúng ta sẽ không bao giờ biết được nhưng sự thực là chỉ hơn một năm sau, Anh phải trả độc lập cho Ấn Độ.
Hai vị tướng cuối thời thực dân
Cuộc chiến Nam Bộ cũng ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của hai vị tướng ‘cuối thời thực dân’, Leclerc và Gracey.
Ngay từ khi đặt chân tới Sài Gòn, tướng Leclerc đã đề nghị phải đàm phán để tìm giải pháp chính trị, thay vì giao tranh.
Nhìn trước các vấn đề quốc tế, ông nói câu nổi tiếng: “Cuộc chiến chống cộng sản sẽ chỉ là vô dụng nếu không giải quyết được chủ nghĩa dân tộc”.
Quan điểm của Tướng Leclerc không được chính giới ở Paris ủng hộ và ông đã từ chức.
Ông chết vì tai nạn phi cơ khi đi thị sát ở Bắc Phi năm 1947 và được truy phong hàm nguyên soái.
Còn tướng Douglas Gracey sau khi rời Sài Gòn đã quay về Ấn Độ và lên hàm Trung tướng.
Sau khi Ấn Độ và Pakistan tuyên bố độc lập khỏi Anh, ông vẫn ở lại và giữ chức Phó Tổng tư lệnh, rồi Tổng tư lệnh quân đội Pakistan.
Ở chức vụ này, ông bất tuân lệnh của Tổng thống Mohammad Ali Jinnah điều quân vào vùng tranh chấp Kashmir.
Năm 1951, ông nghỉ hưu và là người Âu cuối cùng làm chỉ huy quân lực một nước Hồi giáo vùng Nam Á.
Ông qua đời ở Surrey, phía Nam London năm 1964, khi chế độ thuộc địa của Anh tại châu Á chấm dứt.
Một năm trước, Malaya và Singapore tuyên bố tách khỏi Anh và đến 1965 thì Singapore cũng độc lập.
Vẫn T.O. Smith viết rằng cuộc chiến ‘bất đắc dĩ’ của Anh tại Nam Bộ cũng thể hiện sự xuống dốc của nước Anh về thực lực quân sự và nỗ lực vớt vát giành lại thuộc địa của Pháp khi cả hai nước này đều phải trông cậy vào Hoa Kỳ.
Với học thuyết Chiến tranh Lạnh của Tổng thống Truman đưa ra năm 1947, mọi vấn đề Đông Á chuyển hướng để Hoa Kỳ đóng vai trò chủ chốt, dần thay chân cho hai “cựu cường quốc Tây Âu” đã về chiều.
Nguồn: BBC
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.