- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
03/01/2016 at 07:37 #13428NCQTKeymaster
Đặc công VN diệt 8 chiếc B52 ở Thái Lan như thế nào?
Trong những năm 1965 – 1966, Không quân Mỹ đã giội xuống miền Bắc Việt Nam một khối lượng bom đạn khổng lồ, tập trung đánh phá dữ dội vào các cơ sở điện lực công nghiệp, giao thông, kho dự trữ nhiên liệu, sân bay và các trận địa phòng không, các cơ sở dân sự khác.
Tháng 2-1967, Tổng thống Giôn-xơn chuẩn y đề nghị của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho phép mở rộng phạm vi đánh phá trong khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tiến hành rải mìn trên các luồng sông, cửa biển; dùng không quân khống chế gắt gao khu vực ven biển từ Vĩ tuyến 17 đến Vĩ tuyến 20…
Để thực hiện kế hoạch này, Mỹ đã củng cố và tiến hành xây dựng những căn cứ không quân tại Thái Lan như sân bay Utapao, Ubon, Udon. Do vị trí rất gần Việt Nam, từ những sân bay này, những chiếc máy bay B-52 của Mỹ sẽ cất cánh đi đánh phá miền Bắc Việt Nam mà không cần tiếp nhiên liệu trên không, cường độ xuất kích cao hơn, khả năng tiếp vận cũng sẽ nhanh và nhiều hơn…
Với chủ trương: địch xuất phát từ đâu, ta sẽ đánh trả ngay tại nơi sào huyệt của chúng, và trên cơ sở phân tích tin tình báo chiến lược, phán đoán ý đồ của Mỹ, Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công đã giao nhiệm vụ cho Thượng tá Nguyễn Đức Trúng, Tham mưu trưởng Binh chủng, nghiên cứu và chuẩn bị phương án đánh thẳng vào những căn cứ máy bay B-52 của Mỹ tại Thái Lan, khi chúng tăng cường ném bom Thủ đô Hà Nội.
Sân bay Utapao, Thái Lan, 1966; nơi xuất phát những chuyến B52 đến Việt Nam Utapao là một sân bay quân sự của Thái Lan được xây dựng từ năm 1952, cách thủ đô Bangkok khoảng 190 km. Năm 1968, quân đội Mỹ đầu tư thành một căn cứ không quân chiến lược để sử dụng trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Người Mỹ cho rằng đây là căn cứ quân sự bất khả xâm phạm và thường xuyên để trong căn cứ khoảng 20 chiếc máy bay B-52, mỗi đêm, Mỹ sử dụng từ 3 đến 5 chiếc B-52 đi rải bom ở Việt Nam.
Máy bay B-52 của Mỹ bị phá hủy trong sân bay Utapao. Tháng 5-1971, đồng chí Lê Toàn – Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đã cùng một tổ công tác vượt biên giới sang Campuchia rồi từ đó lên sát biên giới Thái Lan, trực tiếp bắt liên lạc và thành lập một tổ đặc công gồm các anh Trần Thế Lại, Bùi Văn Phương, Vũ Công Đài lúc đó đang hoạt động trên đất Thái Lan. Đồng chí Lê Toàn giao nhiệm vụ đánh sân bay Utapao cho tổ đặc công này.
Nhận nhiệm vụ tổ chức trận đánh, đồng chí Trần Thế Lại đã liên lạc và giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Văn Phương chuẩn bị vị trí cất giấu vũ khí, giả trang là dân thường đến khu vực sân bay Utapao để điều tra, nghiên cứu mục tiêu, nắm tình hình sơ bộ và kiểm tra nơi cất giấu vũ khí.
Cũng trong tháng 10-1971, đồng chí Vũ Công Đài và Bùi Văn Phương (là hai người sẽ trực tiếp thực hiện trận đánh) đã gặp nhau bàn bạc thống nhất kế hoạch, nội dung và phương pháp trinh sát sân bay Utapao từ ngày 5 đến 9-11-1971 nhằm nắm được rõ quy luật hoạt động của địch.
Các anh đã dự kiến một phương án tấn công sân bay là phá hủy bí mật bằng thủ pháo nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. Vũ khí sẽ sử dụng là 10 quả thủ pháo loại 0,4kg bằng chất nổ mạnh C4 và 2 quả lựu đạn…
B52 ném bom giải thảm trên chiến trường Việt Nam. Ảnh: TL Sau khi quan sát nắm tình hình địch, cả hai tiến về phía mục tiêu, tiến hành khắc phục vật cản. Hàng rào bao quanh sân bay là loại dây thép gai 0,3cm, dựng cao đến 2m, những người lính đặc công với chiếc kìm cắt loại nhỏ, không thể cắt nổi, phải luồn lách chui qua.
Quá trình tiềm nhập vào mục tiêu, các chiến sĩ đặc công đã 3 lần gặp địch. Hai lần khéo léo ngụy trang qua khỏi tầm mắt của chúng, đến lần thứ ba trong một tình thế đặc biệt buộc tổ chiến đấu phải nổ súng tiêu diệt nhóm tuần tra gồm 2 lính Mỹ và một chó béc giê.
Khi vào cách nơi máy bay B-52 đỗ khoảng 300m, bất ngờ gặp 3 xe ôtô và 2 lính Mỹ, hai anh phải vòng tránh theo hướng khác.
Khi khoảng cách còn 50m, một tổ tuần tra khác của địch phát hiện nổ súng bắn chặn, trong tích tắc, đồng chí Phương tung lựu đạn về phía địch. Lợi dụng thời cơ địch dạt ra tránh, 2 người lính đặc công lao nhanh đến mục tiêu, dùng thủ pháo đánh vào từng chiếc máy bay. Số thủ pháo vừa hết, đồng chí Phương ra lệnh rút lui.
Đồng chí Đài rút về hướng cửa mở, đồng chí Phương chạy tắt qua khu bom, vượt rào ra ngoài. Khi Bùi Văn Phương vừa thoát ra ngoài khu vực sân bay thì tiếng súng bỗng rộ lên từ phía cửa mở, người lính đặc công Vũ Công Đài đã anh dũng hy sinh. Sau đó là những tiếng nổ lớn và những đám cháy bùng lên phía trong khu vực sân bay, 8 chiếc máy bay B- 52 của Mỹ đã bị phá hủy.
Ngay ngày hôm sau, các hãng thông tấn phương Tây đã đưa tin, bình luận. Mỹ thật sự hoảng hốt, và không hiểu Utapao đã bị đánh bằng cách nào. Chúng không ngờ đặc công Việt Nam đã vào được tận sào huyệt và chỉ với 2 người mà phối hợp ăn ý phá hủy được 8 máy bay B-52.
Người dân Việt Nam phải gánh chịu nhiều nỗi đau mất mát sau những trận ném bom của B52. Ảnh TL Tháng 7-1972, Đoàn A54 cử 23 cán bộ, chiến sĩ biên chế thành một tổ soi đường và một tổ bảo đảm hậu cần, vượt Trường Sơn hành quân đến khu rừng nguyên sinh Đôn Ka Thom nằm ở ngã ba biên giới 3 nước Thái Lan – Lào – Campuchia, lập một trạm chỉ huy nghiên cứu tình hình, mở hành lang vào khu vực sân bay Udon.
Cuối tháng 7, tổ soi đường bí mật vượt sông, luồn rừng nhằm hướng sân bay để đi. Đi được 15 ngày, hết lương thực, các anh đành phải quay về căn cứ. Ngay sau đó một sáng kiến được đưa ra, đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu “sâu đo” dọc tuyến đường hành lang vào đến sân bay Udon.
Ba chiến sĩ của đội, mỗi người mang hơn 30kg lương thực, đến vị trí A để lại 10kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương thực được chuyển đến vị trí B, C, D… trên suốt chặng đường dài.
Đầu tháng 8-1972, tổ soi đường đã liên lạc được với một cơ sở lực lượng cách mạng của ta trên đất Thái Lan. Hàng ngày, các anh thường đóng giả người dân Thái Lan nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát khu vực sân bay.
Những chiếc B52 của Mỹ đang chờ đi ném bom miền Bắc Việt Nam. Cuối tháng 8-1972, một đội hình chiến đấu gồm 10 người được thành lập do đồng chí Đào Đức Hạnh – Đoàn trưởng Đoàn A54 chỉ huy, vượt biên giới, luồn rừng tới cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan (Căn cứ 07). Trong tháng 9-1972, đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát tạo hành lang từ Căn cứ 07 đến sân bay Udon, nhằm xác định vị trí tập kết, xác định đường, hướng đột nhập vào sân bay.
Đêm ngày 1-10, đội hình chiến đấu bắt đầu cơ động vào sát khu vực sân bay Udon. Lúc này trời mưa to, gió lớn, phải đến gần sáng ngày mùng 2, đội mới tới được gần sân bay. Trời sắp sáng, sợ lộ bí mật, mọi người phải phân tán ẩn nấp chờ đến khi trời tối để vào trinh sát mục tiêu.
Phương án đánh B52 lần này là dùng mìn nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. 8 đồng chí trong đội hình chiến đấu chia làm 3 tổ, trong đó 2 người có nhiệm vụ mở cửa và bảo vệ cửa mở; 4 người đánh phá máy bay, 2 người đánh phá kho xăng.
Tối ngày 2-10-1972, hai tổ chiến đấu tiềm nhập vào sân bay, tổ mở cửa triển khai bảo vệ đầu cầu. Theo hiệp đồng chiến đấu, sau khi cài đặt lượng nổ, mìn hẹn giờ vào mục tiêu, cả 2 tổ phải rút ngay để kịp rời sân bay trước khi trời sáng. Nhưng đã quá giờ hiệp đồng, trời sắp sáng mà tổ mở cửa vẫn không thấy 2 tổ chiến đấu quay trở lại.
Tại vị trí tập kết, chỉ huy trận đánh nóng lòng nghe tiếng nổ vọng ra từ khu vực sân bay nhưng không gian bốn bề vẫn tĩnh lặng. Cho tới 10 giờ sáng ngày mùng 3-10-1972, khi nghe những tiếng nổ liên hồi từ phía sân bay, tổ đánh kho xăng và tổ mở cửa mới gặp được nhau, 4 người còn lại của tổ đánh B-52 vẫn chưa thể thoát ra được.
Tất cả những thông tin Udon bị đặc công Việt Nam đánh bom, phía Mỹ đã ém nhẹm, không một phương tiện truyền thông nào đưa tin. Sau một thời gian dài, ta mới biết tin 3 người lính đặc công là Phan Xuân Kính, Phạm Văn Lãm, Vũ Công Xướng đã hy sinh ngay tại sân bay, đồng chí Nguyễn Khắc Nga bị thương nặng và bị địch bắt. 23 máy bay B-52 của Mỹ, 1 trạm điện, 1 kho xăng đã bị phá hủy trong trận đánh này.
B.52 (trên) và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ Ut apao Thái Lan. Ảnh TL Trước năm 1972, sân bay Ubon đã 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên địch tăng cường bảo vệ an ninh. Trong thời gian này, để đột nhập vào sân bay như những trận đánh trước đây, đối với lực lượng đặc công của ta là rất khó khăn.
Nhưng với quyết tâm phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, lực lượng đặc công của ta không chịu bó tay trước những thủ đoạn đối phó mới của địch. Cách đánh tập kích hỏa lực được chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đưa ra nghiên cứu để vận dụng.
Khó khăn nhất đặt ra trong thời gian này với lực lượng của ta là thiếu vũ khí, ta chỉ có một số súng bộ binh, mìn, thủ pháo… mà không có bất kỳ loại vũ khí nào thích hợp với một trận đánh tập kích hỏa lực. Đồng chí Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn đã cùng đồng chí Nguyễn Bá Do bí mật sang Campuchia gặp Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí.
Đồng chí Đồng Văn Cống, Tư lệnh mặt trận, một người rất tâm huyết với bộ đội đặc công cùng cách đánh tinh nhuệ trên khắp các chiến trường đã quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của Tiểu đoàn. Và thế là “tài sản” của Tiểu đoàn 1A đã có thêm 2 súng cối 82mm, 2 cơ số đạn, 200 thủ pháo tay cùng một số vật chất chiến đấu.
Ngày 2-10-1972, một đội hình chiến đấu gồm 27 người của Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập. Đội được tổ chức thành 2 bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người trang bị 1 súng cối 82mm, 40 quả đạn, do đồng chí Nguyễn Công Mùi chỉ huy.
Lúc này đang là mùa mưa, hành quân mang vác nặng qua mọi địa hình phức tạp đã là vất vả, do yếu tố bí mật, đội lại phải luồn lách qua các tuyến bố trí của địch. Nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước, anh em chỉ lo sao cho đạn dược không bị ẩm ướt, bảo quản được vũ khí, không ai còn tâm trí lo đến miếng ăn là gạo rang đã thiu mốc, quần áo ẩm ướt cả ngày không được thay, nước uống cặn đục, nằm bờ ngủ bụi…
Gần đến khu vực sân bay thì đồng chí Hồi, khẩu đội trưởng bị sốt cao, không thể tiếp tục đi. Để lại 2 chiến sĩ ở lại trông nom, đội hình chiến đấu vẫn quyết tâm lên đường, mặc dù thiếu vị trí khẩu đội trưởng.
Cơ động đến vị trí sân bay, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu nổ súng theo đúng kế hoạch đã định. 40 quả đạn mang theo, 5 quả không nổ do ảnh hưởng thời tiết mưa gió ẩm ướt, 35 quả đạn còn lại đã nổ trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay.
Hoàn thành trận đánh bí mật, nhanh gọn, bất ngờ, đội hình chiến đấu nhanh chóng rời trận địa, chôn súng tại một địa điểm bí mật trên đường lui quân. Nhưng khi về tới gần biên giới, đội đã bị lọt vào ổ phục kích của địch, 6 người lính đặc công đã anh dũng hy sinh.
Hàng chục máy bay B-52 vừa bị phá hủy tại sân bay Utapao, Udon, tiếp đến sân bay Ubon lại bị đánh phá chỉ trong thời gian vài tháng đã khiến cho người Mỹ hoang mang về cách đánh đặc công của ta. Những trận đánh này đã diễn ra đúng thời điểm, đúng ý định của Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công là đánh trúng các mục tiêu quan trọng có ý nghĩa chiến lược.
Và phương pháp đánh địch ngay tại sào huyệt của địch của quân đội Việt Nam thêm một lần nữa được thực hiện và hoàn thành bởi lực lượng đặc công tinh nhuệ, anh dũng.
Theo CAND
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.