Diễn từ của Svetlana Alexievich tại Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #14193
      TQNam
      Moderator

      Tôi xin cảm ơn Viện hàn lâm Thụy Điển về giải thưởng cao quý mà tôi không dám giữ riêng cho mình, tôi nhận thức giải thưởng nầy như là sự nghiêng mình trước nhiều thế hệ người Xô viết, những người gần đây còn cùng chung sống trong một đất nước Liên bang Xô viết rộng lớn – phòng thí nghiệm Mác-xít vị lai sáng lạng. Nghiêng mình trước sự thống khổ của họ, nỗi đau của họ. Họ đi vào hư vô trong các trại giam của Stalin tại các hầm mỏ Magadan và Vorkuta, họ nhận một viên đạn vào gáy trong các trại giam NKVD, chết trên các mặt trận Thế chiến II và các cuộc chiến tranh khác mà bọn đế quốc tiến hành. Cái ý tưởng vĩ đại đã thiêu đốt chẳng thương tiết con em mình. Những ý tưởng không màn nỗi đau. Đáng thương cho những con người.

      Thời perestroika, chúng tôi mơ ước tự do, nhưng hóa ra đó là một thời khắc lịch sử hoàn toàn khác. Ở các nước thuộc Liên Xô, thay vì tự do, chủ nghĩa toàn trị các dạng khác nhau nở rộ – kiểu Nga, kiểu Belarus, kiểu Kazakhstan … Từng bước và ngập ngừng chúng tôi thoát ra đống đổ nát của đế quốc “đỏ”. Một trong những nhân vật nữ trong cuốn sách của tôi, “Thời mạt vận” (“Время секонд-хэнд”, “Second-Hand Time,” – ND) mà cả gia đình bà bị đày đi Siberi và chết ở đó, lệ trên mi bà đã hát khi chúng tôi ngồi trong bếp nhà bà:

      Buổi sáng đỏ rực bởi sắc hoa dịu dàng
      Các bức tường điện Kremli cổ kính
      Tỉnh giấc cùng bình minh
      Toàn cõi Xô viết…

      Sôi nổi,
      Cường tráng,
      Bất bại trước mọi kẻ thù,
      Tổ quốc của tôi,
      Moskva của tôi,
      Người, niềm yêu mến nhất đời tôi…

      Quá khứ không buông thả bà khỏi vòng tay hung tàn. Chúng dạy bà tin chúng. Trong bà vẫn còn sống đó một cô gái, ở cô Stalin từng chiếm giữ mọi thứ, bà vẫn cứ tin tưởng. Tin gì?

      Tôi muốn nói về đất nước tôi – Belarus. Tại Minsk nơi phi trường khi tôi bay đến Varshava, hai cô gái trẻ đã đến bên tôi, họ khóc: “Cảm ơn bà! Bà hiểu không, nay chúng ta đã hiện tồn! Giờ thì mọi người điều biết Belarus ở nơi nào”. Tôi chuyển lời cám ơn nầy đến toàn thể quý vị. Sau cuộc chính biến Tháng Tám năm 91, khi Belarus giành được độc lập, đã có nhiều thế hệ lớn lên. Mỗi người có cuộc cách mạng của riêng mình, họ ra Quảng trường, họ muốn sống trong một đất nước tự do, họ đã bị đánh đập, bị bỏ tù, bị đuổi học, cho thôi việc. Cuộc cách mạng của chúng tôi đã không giành được thắng lợi, nhưng những vị anh hùng cách mạng thì chúng tôi có.

      Sự tự do không phải là một ngày lễ chóng vánh như chúng tôi đã mơ ước. Nó là một con đường. Con đường dài. Nay chúng tôi biết được điều nầy.

      Chúng ta cùng sống trong một thế giới chung. Nó được gọi là Trái đất. Ở cái thế giới này của chúng ta muôn sự trở nên ngổn ngang. Bật TV lên, và trên đó, xướng ngôn viên kể về các chiến đấu cơ và tàu chiến mới, con người ta nghẹn lời trước cơn hứng khởi… Bằng tiếng Nga, Mỹ, và khác nữa. Thời đại man rợ lại đến. Thời của bạo lực. Dân chủ thoái lui. Tôi nhớ thập niên 1990 … Khi đó, tất cả chúng ta những tưởng, quý vị và chúng tôi, rằng chúng ta đã bước vào một thế giới an toàn. Tôi nhớ các cuộc đối thoại của Gorbachev với Đức Đạt Lai Lạt Ma về tương lai, về sự cáo chung của lịch sử … Ngày nay tất cả những điều này tựa thể một chuyện cổ tích đẹp. Nay chúng ta là người chứng kiến một cuộc chiến mới giữa thiện và ác. Người chứng kiến và kẻ tham dự.

      Nghệ thuật có thể là gì? Mục đích của nghệ thuật – đem con người đến bên con người. Nhưng cái hồi tôi đến với cuộc chiến ở Afghanistan, và bây giờ, khi nói chuyện ở Ukraina với người tị nạn từ Donbass, tôi nghe ra sự đổ vỡ nhanh chóng thế nào cái con người văn hóa và lòi ra hạn quái vật. Trần trụi lũ súc sinh … Rồi tôi viết … tôi tiếp tục viết … Tôi viết như các vị thầy đã dạy tôi, các nhà văn Belarus Ales Adamovich và Vasil Bykov mà trong ngày này tôi những muốn nhớ đến họ với lòng biết ơn. Như người bà nội Ukraina đã dạy tôi mà thời ấu thơ đã đọc cho tôi nghe đến thuộc lòng cuốn sách “Kobzar nghệ nhân” của Taras Shevchenko. Tôi viết, để làm gì? Người ta gọi tôi là nhà văn về tai ương, điều nầy không đúng, tôi luôn mưu tìm ngôn từ yêu thương. Oán hờn không cứu vãng chúng ta. Chỉ có tình yêu. Tôi hy vọng …

      Để kết lời, tôi ước muốn trong gian phòng tuyệt đẹp này vang lên tiếng nói Belarus, tiếng nói của dân tôi:

      “Ở một ngôi làng Belarus nhỏ một bà cụ đã tiễn tôi với những lời: “Rồi bọn ta sẽ sớm rẽ sang ngã khác con. Cảm ơn con đã nghe ta và loan truyền vết thương toát miệng của bọn ta đến mọi người. Ta xin con, khi ra đi, con hãy nhìn túp nhà gỗ của ta không phải một mà là hai lần. Cái nhìn thứ hai con người ta nhìn không như kẻ xa lạ, mà nhìn từ tâm… ” (tiếng Belarus)

      Tôi xin cảm ơn quý vị vì tấm lòng của quý vị, vì điều quý vị đã lắng nghe nỗi đau của chúng tôi.

      ………………
      Dịch từ nguyên văn tiếng Nga: http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/literature/laureates/2015/alexievich-speech_ry.html
      Xem clip tại: https://www.youtube.com/watch?v=Lx_JZyEjDqc

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.