NỘI QUY: Các thành viên tự chịu trách nhiệm về các nội dung mình chia sẻ trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, tôn trọng lẫn nhau.
- This topic has 0 replies, 1 voice, and was last updated 9 years, 3 months ago by NCQT.
-
AuthorPosts
-
-
16/06/2015 at 06:28 #8544NCQTKeymaster
Điều gì khiến các chế độ độc tài vẫn tồn tại?
Rachel Nuwer
Những người dân sống ở các xã hội dân chủ thường gắn kết chế độ độc tài với sự đàn áp, vi phạm nhân quyền, nghèo đói và hỗn loạn. Các chế độ độc tài đã giết chết không biết bao nhiêu người, trong số đó có đến 49 triệu người chết dưới thời Joseph Stalin ở Liên Xô và gần ba triệu người Campuchia dưới chế độ của Pol Pot.
Với những con số thống kê như thế thì việc phải chấm dứt mãi mãi chế độ độc tài dường như là mục tiêu đáng phải làm. Nhưng liệu điều đó có làm được không? Điều gì khiến cho những kẻ độc tài có đất dụng võ và mọi việc sẽ thay đổi như thế nào đối với những người độc tài trong tương lai?
Một nhóm nhỏ cai trị
Trong thế giới học thuật, từ ‘độc tài’ có cách định nghĩa khách quan và dễ đo lường hơn. Theo bà Natasha Ezrow, một giảng viên tại Đại học Essex thì hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về độc tài thường bắt đầu với một định nghĩa đơn giản: “Khi không có sự luân chuyển trong quyền lực hành pháp thì đó là chế độ độc tài.” Điều này có nghĩa là chế độ độc tài có thể được dựng lên xung quanh một cá nhân đã tạo dựng cho mình sự sùng bái cá nhân, chế độ độc đảng hay chính quyền quân phiệt.
Trong con mắt những người nghiên cứu thì khác với những nhà quân chủ, vốn chỉ giới hạn trong phạm vi rất ít người mà thường là hoàng gia, những kẻ độc tài có thể xuất thân từ thành phần rộng lớn hơn trong xã hội. Tuy nhiên liên minh cầm quyền của họ thì rất hạn hẹp và họ chỉ dựa vào tương đối ít người để nắm quyền.
Ở một số nước, số người thực sự có tiếng nói trong việc ai là người nắm quyền có thể chỉ vào khoảng từ một chục cho đến vài trăm người. Để so sánh, ở Anh tỷ lệ người dân có tiếng nói quyết định đối với sự thành lập một chính phủ là 25% còn ở Mỹ thường là hơn 30%.
Các chế độ độc tài có thể có hoặc không sự khủng bố của Nhà nước nhưng theo những nhà nghiên cứu, gần như ở các chế độ độc tài luôn có sự thông đồng, nhất là trong việc chiếm dụng quỹ công cho một nhóm người thân cận.
“Khi anh phải dựa vào sự ủng hộ của rất ít người để nắm quyền thì cách cai trị hiệu quả là thông qua tham nhũng, hối lộ, tống tiền…,” Bruce Bueno de Mesquita, giáo sư chính trị ở Đại học New York, nói, “Anh có thể khiến cho những người thân cận của anh trung thành với anh bằng cách tưởng thưởng cho họ thật xứng đáng.”
Không vì lợi ích số đông
Do cấu trúc quyền lực như thế nên nhà độc tài muốn nắm quyền không hành động vì lợi ích của số đông mà vì quyền lợi của số ít người mà ông ta dựa vào để duy trì quyền lực. “Hành động xấu của nhà độc tài không phải là do đặc tính tự thân ở con người hay do sự không may khi có những người lãnh đạo có vấn đề về nhân cách,” Bueno de Mesquita nói. “Chính là cấu trúc chính trị đã dẫn đến những hành động như vậy.”
Ngay cả khi đã tưởng thưởng cho những người thân cận thì các nhà độc tài vẫn còn có rất nhiều ngân quỹ có thể tùy nghi sử dụng và đây là chỗ mà nhà độc tài được đánh giá thật sự: hoặc là ông ta có thể cất giấu số tiền đó cho mình và phe cánh, hoặc ông ta có thể dùng nó để cải thiện cuộc sống của người dân.
Nhưng ngay cả khi ông muốn làm lợi cho người dân thì điều đó cũng không có nghĩa là mọi việc sẽ tốt đẹp. Có ý định thật sự tốt cho xã hội không tự động biến thành những ý tưởng tốt để thực hiện những ý định này. Với nỗ lực cải thiện cuộc sống của người dân, những nhà lãnh đạo chuyên chế có thể làm cho cuộc sống của người dân trở nên tệ hơn.
“Chế độ độc tài có thể đem lại kết quả tốt, nhưng đó là một canh bạc hết sức rủi ro,” Bueno de Mesquita nói. “Rất dễ trở thành chính quyền vì lợi ích của chính mình và phần lớn mọi người có ý tưởng rất dở.”
Tính cách xấu
Các nhà nghiên cứu còn tìm ra một vấn đề thường thấy nữa ở các chế độ độc tài. Các nhà độc tài theo định nghĩa không phải là kẻ ác nhưng nhiều người trong số họ tương đồng nhau ở chỗ có những nét tính cách không hay nào đó.
Họ có thể có những ảo tưởng về quyền lực, cái đẹp, hào quang, vinh dự hay sự thống trị không giới hạn đi cùng với sự thiếu cảm thông. “Có lẽ vị trí của nhà độc tài khiến cho họ đi về phần xấu ở con người, nhất là đi đến khía cạnh tự yêu bản thân mình,” ông Steven Pinker, giáo sư tâm lý ở Đại học Harvard, nói.
Cuộc sống dưới chế độ độc tài dường như có rất nhiều hạn chế, nhưng có nhiều quốc gia hơn chúng ta nghĩ có thể được xem là chế độ độc tài theo định nghĩa khoa học.
Freedom House, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Washington, ước tính khoảng hai phần ba dân số thế giới đang sống dưới các chế độ độc tài và hai tỷ người đang chịu ách thống trị chuyên chế. Theo Freedom House thì có 106 chế độ độc tài hay độc tài một phần vẫn tồn tại trên thế giới ngày nay và điều này tương ứng với 54% số quốc gia trên thế giới.
Khủng hoảng sinh ra độc tài?
Nguyên nhân sinh ra chế độ độc tài đã không hề thay đổi nhiều qua hàng trăm năm.
Một cá nhân như Julius Caesar được trao cho rất nhiều quyền để giúp xã hội vượt qua khủng hoảng mà sau đó quyền lực của ông ta phải được giới hạn trở lại,” Richard Overy, một nhà sử học tại Đại học Exeter, nói. “Nhưng thường là ông ta sẽ không muốn từ bỏ quyền lực”. Nhiều chế độ độc tài hiện đại – giống như của Adolf Hitler hay Benito Mussolini cũng ra đời trong thời kỳ hỗn loạn và trong tương lai có lẽ cũng như thế.
“Trong thế kỷ tới sẽ có những giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng,” Overy nói. “Tôi không nghĩ là chúng ta sẽ chứng kiến sự cáo chung của chế độ độc tài như chúng ta nhìn thấy chiến tranh kết thúc.”
Cũng giống như bạo lực nhìn chung đã có sự thoái trào trong tiến trình lịch sử, số lượng chế độ độc tài cũng vậy, nhất là kể từ những năm 1970 khi mà các chế độ độc tài ở Mỹ Latin và Đông Âu sụp đổ.
Sự sụp đổ của Liên Xô đã kéo theo sự thoái trào của các chế độ độc tài nhưng giờ đây ở một số những nước này đang âm thầm trở lại mô hình Nhà nước chuyên chế cũ. Nhưng nhìn chung thì các chế độ độc tài giờ đây thì ít hơn so với trước đây. “Giờ đây khó mà biện minh cho chế độ độc tài, một phần là vì cả thế giới đều bị truyền thông theo dõi,” Overy nói.
Do đó, ngày tàn có thể sẽ đến với những chế độ độc tài còn lại, nhất là ở những nước mà sự cai trị chuyên chế đã góp phần vào những khó khăn kinh tế.
“Khi anh hoạt động trong một nền kinh tế mà sẽ khiến anh sụp đổ, những người ủng hộ anh sẽ thấy lo lắng rằng anh sẽ không giúp được gì cho họ, do đó họ bắt đầu tìm kiếm xung quanh,” Bueno de Mesquita nói.
Tình cảnh như thế thường dẫn đến các cuộc đảo chính quân sự vốn sẽ đẩy các nước theo một hướng tích cực hơn nếu xét trên lợi ích của người dân, ít nhất là qua những ví dụ đã xảy ra trong quá khứ.
‘Độc tài bền vững’
Tuy nhiên, một số chế độ độc tài lại không có dấu hiệu rạn nứt. “Những nền độc tài trên thế giới hiện nay là những chế độ độc tài hết sức bền vững,” Erica Chenoweth, một phó giáo sư tại Đại học Denver, nói. “Các chế độ độc tài vẫn tồn tại ngày nay là những chế độ đã biết cách hoàn thiện.”
“Ở châu Phi, đã có rất nhiều sự thúc đẩy các nước đi đến dân chủ nhưng các nước này có tài nguyên như kim cương, dầu và khoáng sản vốn có thể được Nhà nước sử dụng để mua chuộc người dân,” Erzow nói. “Trong khi đó ở Trung Đông thì bên ngoài không muốn thúc đẩy nhiều để họ trở thành những nước dân chủ bởi vì đó là những nước ổn định mà những nước khác muốn họ ổn định.”
“Người ta thường có quan niệm ngờ nghệch rằng các nước dân chủ muốn thúc đẩy dân chủ,” Bueno de Mesquita nói, “Nhưng điều đó không đúng.”
Nhiệm vụ căn bản của các nhà lãnh đạo dân chủ, ông giải thích, là thực thi những chính sách có lợi cho cử tri ở đất nước của họ chứ không phải ở đất nước khác. Do các nhà độc tài cần phải lấy lòng những người thân cận, các nhà lãnh đạo dân chủ thấy rằng họ có thể bỏ tiền cho những nhà độc tài để những nhà độc tài này làm những gì mà họ muốn. Khi đó thì cả hai bên cùng có lợi. Nhà độc tài muốn có tiền còn nhà lãnh đạo dân chủ thì muốn những chính sách có thể làm hài lòng cử tri của họ.
Không giống như quan niệm ở các nước phương Tây, chế độ độc tài không nhất thiết là điều xấu đối với tất cả mọi quốc gia và dân tộc. Không phải chế độ độc tài nào cũng có kết cục bi thảm và không phải ai cũng muốn sống dưới chế độ dân chủ. “Một nền dân chủ tồi có thể còn tệ hơn một nền độc tài nhân bản,” Pinker nhận xét.
Không có bằng chứng cho thấy bản chất nội tại của con người là khát khao tự do và dân chủ, Ezrow nói. Miễn là chất lượng cuộc sống vẫn tốt và người dân được phép sống cuộc sống mà họ muốn thì họ vẫn hài lòng dưới chế độ độc tài.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.
Nguồn: BBC Vietnamese
-
-
AuthorPosts
- You must be logged in to reply to this topic.