Hình phạt tử hình trong luật quốc tế

Viewing 0 reply threads
  • Author
    Posts
    • #1795
      Hachi
      Participant

      “Hình phạt tử hình” trong tiếng Anh ( capital punishment) có nguồn gốc từ tiếng Latinh ” capitalis” mà gốc từ là “caput” – có nghĩa là “cái đầu” với hàm ý rằng đầu là bộ phận gắn liền với tính mạng một con người, hình phạt làm mất đầu tức là tước bỏ tính mạng người đó. Về phương diện pháp lý hình phạt tử hình là “việc tước bỏ tính mạng một con người theo bản án được tuyên bởi một Tòa án được lập ra một cách hợp pháp , nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng”. Có thể nói đây là chế tài nghiêm khắc nhất trong hệ thống các hình phạt, đã có từ xa xưa trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển văn minh và tiến bộ hơn của xã hội ( khoảng từ đầu thế kỉ XX trở lại đây) hình phạt tử hình trở thành một trong những đề tài gây nhiều tranh cãi trong dư luận : nên hay không nên duy trì áp dụng hình phạt khắc nghiệt này.
      Thực tế áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới
      Hình: Thực tế áp dụng hình phạt tử hình trên thế giới

      Pháp luật quốc tế,nhìn chung, thì không cấm áp dụng hình phạt tử hình. Khoản 2, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) qui đinh rằng “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt này đối với những tội ác nghiêm trọng nhất,căn cứ vào pháp luật hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những qui định của Công ước này và Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật do một tòa án có thẩm quyền phán quyết”. Tuy rằng liên quan đến vấn đề này , vào năm 1989, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị định thư tùy chọn thứ hai bổ sung ICCPR trong đó qui định việc xóa bỏ hình phạt tử hình nhưng Nghị định thư này chỉ là khuyến nghị tùy chọn nên không có giá trị pháp lý bắt buộc tất cả các thành viên mà chỉ những thành viên nào tự nguyện tham gia Nghị định thư này mới có nghĩa vụ pháp lý quốc tế về việc xóa bỏ hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật quốc gia mình.Tóm lại, đến thời điểm hiện tại, xóa bỏ hình phạt tử hình không phải nghĩa vụ pháp lý quốc tế bắt buộc mọi quốc gia phải tuân thủ.

      Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với việc các quốc gia vẫn đang duy trì hình phạt tử hình có thể tùy tiện áp dụng hình phạt tử hình. Khoản 2- điều 6 Công ước ICCPR thừa nhận có thể áp dụng hình phạt tử hình nhưng cũng đặt ra ngay hạn chế “Chỉ được áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”. Thực tế các quốc gia chưa có quan điểm thống nhất về khái niệm và các mức độ “nguy hiểm” của tội phạm. Nhưng vẫn có thể xác định phạm vi “tội phạm nghiêm trọng nhất” thông qua phương pháp loại trừ. Cụ thể thì bảo đảm thứ nhất trong văn kiện các bảo đảm về các quyền của những người bị kết án tử hình do Hội đồng kinh tế – xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thông qua năm 1984 đã qui định “Ở những quốc gia vẫn còn duy trì hình phạt tử hình, hình phạt này chỉ được áp dụng với những tội phạm nghiêm trọng nhất, mà được hiểu là những tội phạm thực hiện do chủ ý, gây ra hậu quả chết người hoặc những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác”. Quan trọng hơn chính những hạn chế của bảo đảm thứ nhất của văn kiện trên đã “loại trừ khả năng áp dụng hình phạt tử hình với các tội phạm kinh tế và những tội phạm không có nạn nhân trực tiếp hoặc với những hoạt động có tính chất tôn giáo hay chính trị,bao gồm các hoạt động phản quốc,gián điệp và những hành động khác mà cấu thành hành vi của nó mang tính trừu tượng …”

      Ngoài ra hình phạt tử hình còn bị hạn chế bởi đối tượng áp dụng : “Không được phép tuyên hình phạt tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai” ( Khoản 3 – điều 6 Công ước ICCPR), “Luật quốc tế cấm áp dụng hình phạt tử hình với những người bị thiểu năng về trí tuệ và tâm thần , phụ nữ có thai và các bà mẹ đang nuôi trẻ sơ sinh” ( Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về việc hành quyết độc đoán và rút ngắn thủ tục)…

      Đối với những người phải đối mặt với hình phạt tử hình , luật quốc tế cũng đưa ra và quy định một loạt các bảo đảm tư pháp nhằm đảm bảo những quyền cơ bản của các đối tượng này cũng như  sự công minh , chính xác và hiệu quả của  việc thực thi, áp dụng hình phạt tử hình.Các bảo đảm tư pháp bao gồm : thủ tục tố tụng bảo đảm xét xử công bằng, quyền được xin ân giảm của tử tù ,quyền của tử tù có thời hạn thích đáng để kháng cáo và xin ân giảm, đối xử nhân đạo với tử tù , không thi hành án tử hình khi các thủ tục tố tụng có liên quan chưa thi hành xong….

      Xét về mặt thực tế,quy chế của tất cả các tòa án hình sự quốc tế, được thành lập trong những thập kỷ gần đây( Tòa hình sự quốc tế,Tòa án đặc biệt về Sierra Leone,…) đều không qui định việc áp dụng hình phạt tử hình. Và theo số liệu thống kê của tổ chức Ân xá quốc tế (AI) thì tính đến thời điểm năm 2009 có 95 quốc gia xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình trong hệ thống hình phạt của quốc gia mình.

      Như vậy, mặc dù pháp luật quốc tế không cấm hình phạt tử hình nhưng tích cực khuyến khích các quốc gia giảm ,hoãn áp dụng và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình cũng như bảo đảm các tiến trình tố tụng công bằng và đối xử nhân đạo với tử tù. Bất chấp những tranh cãi vẫn chưa đi đến hồi kết về việc nên hay không áp dụng hình phạt tử hình thì có lẽ xóa bỏ hình phạt tử hình đã, đang và sẽ là một xu hướng tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội hiện đại.

Viewing 0 reply threads
  • You must be logged in to reply to this topic.